VnReview
Hà Nội

Điện thoại IP quốc tế chiều về: qua rồi thời hoàng kim

Từng là dịch vụ "hái ra tiền" của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, điện thoại IP quốc tế chiều về gần đây giảm sản lượng rất nhanh khiến các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với một "kẻ thù chung": các ứng dụng OTT cho phép nhắn tin gọi điện miễn phí.

Một thời cạnh tranh khốc liệt

Hiện nay, nói đến dịch vụ điện thoại quốc tế là nói đến dịch vụ gọi thoại VoIP (Voice over IP - gọi thoại qua Internet) ra đời cách đây hơn 10 năm bởi nó gần như đã thay thế phương thức gọi thoại truyền thống IDD. Nhờ công nghệ VoIP, nhiều doanh nghiệp không cần đầu tư hạ tầng mà chỉ cần có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông do Bộ TT-TT cấp là có thể đàm phán giá với đối tác nước ngoài rồi thu gom sản lượng và chuyển về kết nối với nhà mạng trong nước, từ đó có khái niệm doanh nghiệp có thuê bao và không có thuê bao.

Với mỗi phút gọi quốc tế về Việt Nam có giá từ 50 cent đến 1 USD thì hầu hết cước phí đã trả cho doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước khai thác dịch vụ này được nhận một phần thông qua cước kết nối mà nhà mạng nước ngoài phải trả cho mạng viễn thông cố định mặt đất (mạng cố định) hoặc mạng viễn thông di động mặt đất (mạng di động) của các cuộc gọi điện thoại quốc tế chiều về kết cuối vào thuê bao của mạng cố định hoặc vào thuê bao của mạng di động trong nước. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nằm ở việc phân chia phần cước kết nối này.

Do đặc thù công nghệ, các doanh nghiệp không có hạ tầng, không có thuê bao khi khai thác dịch vụ phải trích một phần cước kết nối cho các doanh nghiệp có hạ tầng, cụ thể là VNPT và Viettel, tuy nhiên mức chia này từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi. Giả sử mức cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về là khoảng 6.1 cent (1.200 đồng) thì Viettel, VNPT dù đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng và thuê bao nhưng chỉ được hưởng khoảng 400 - 500 đồng trong tổng số 1.200 đồng đó, còn khoảng 700 - 800 thuộc về các doanh nghiệp không có thuê bao. Nói cách khác, doanh nghiệp đầu tư nhiều thì chỉ được hưởng 500 đồng, còn doanh nghiệp đầu tư ít thì lại được hưởng nhiều hơn. Chính vì bất cập này mà Viettel, VNPT không muốn mở mạng cho các doanh nghiệp viễn thông khác và luôn muốn hạn chế dung lượng, lưu lượng kết nối của các doanh nghiệp đó, bởi càng mở ra thì càng cảm thấy bị thiệt. Ngược lại, các doanh nghiệp không có thuê bao thường xuyên phàn nàn về việc bị chèn ép, cắt giảm kênh kết nối để hạn chế lưu lượng quốc tế chiều về của họ. Thị trường càng phức tạp hơn khi có một số doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra mức cước kết nối thấp để chào giá với đối tác nước ngoài, khiến có lúc giá cước kết nối thu được chỉ còn hơn 2.1 cent, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngoại tệ và doanh thu chung của toàn thị trường.

Đến cuối năm 2014, Bộ TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp có hạ tầng là Viettel, VNPT và MobiFone bán đấu giá 30% tổng sản lượng VoIP quốc tế chiều về cho các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời đưa ra mức giá sàn cước kết nối 0,04 USD/phút (tương đương 850 đồng/phút theo tỉ giá khi đó). Đến năm 2015, mức sàn cước kết nối đã được đẩy lên 0,06 USD/phút (khoảng 1.200 đồng) và đến tháng 7/2016, cước kết nối được quy định là 1100 đồng/phút (khoảng 0,05 USD). Thị trường cơ bản đã ngăn được nạn phá giá.

Lo đối phó với OTT

Với việc tăng cước kết nối, doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông có thuê bao duy trì được mức tăng trưởng nhưng từ năm ngoái họ đã nhận thấy lưu lượng thoại quốc tế chiều về giảm khoảng 20%. Lý do chủ yếu của việc giảm lưu lượng là lưu lượng dịch vụ quốc tế được chuyển lậu về Việt Nam bùng phát trở lại, thêm vào đó là các ứng dụng thoại và SMS miễn phí (OTT) được sử dụng nhiều hơn. Mới đây, theo tin đưa trên trang ICTNews, tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 8/2016 của Bộ TT-TT tổ chức sáng 6/9 tại Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông đã nêu ra một thông tin đáng chú ý: sản lượng dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về sụt giảm mạnh trong lúc các hoạt động giao lưu quốc tế ở mọi lĩnh vực đều tăng lên, xu hướng người dùng quốc tế lựa chọn dịch vụ OTT để gọi điện đang tác động mạnh đến sản lượng dịch vụ thoại quốc tế cả chiều đi và về.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, hiện tại việc kinh doanh dịch vụ quốc tế của VNPT ở tình trạng quản lý không được như mong muốn, cả lưu lượng chiều đi và đến của VNPT đều sụt giảm. Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone cũng cho biết, từ đầu năm đến nay sản lượng điện quốc tế chiều về giảm rất nhanh, tháng 8 giảm 15% so với tháng 7, dịch vụ đang có xu thế liên tục giảm. Lý do mà cả hai ông đưa ra đều là vì bây giờ người dùng chuyển sang dùng dịch vụ OTT cho phép gọi điện miễn phí do chất lượng cuộc gọi qua OTT mượt, trong và tốt hơn trước.

Từ hiện tượng trên, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ TT&TT bỏ chính sách quản lý giá sàn điện thoại quốc tế chiều về và để doanh nghiệp tự quyết định. Mối lo chung của các doanh nghiệp khai thác dịch vụ này hiện nay là OTT chứ không còn là vấn đề giá dịch vụ và phân chia quyền lợi.

"Mình sợ mất ngoại tệ nhưng thật sự ngoại tệ của mình đang bị mất đi. MobiFone kiến nghị Bộ TT&TT xem xét lại phần quản lý giá sàn dịch vụ quốc tế chiều về. Thời gian qua, các đối tác nước ngoài cũng kêu rất nhiều về việc quản lý giá sàn điện thoại quốc tế chiều về", ông Nam kiến nghị.

Hiện nay, mặc dù mỗi nhà mạng đều đang sở hữu một ứng dụng OTT song vẫn chưa thể địch nổi với các ứng dụng OTT thịnh hành như Zalo, Facebook, Viber… Các ứng dụng OTT không chỉ làm sụt giảm doanh thu dịch vụ thoại mà còn ảnh hưởng tới các dịch vụ khác như: điện thoại video, dịch vụ hội nghị truyền hình của các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Chưa rõ khi kiến nghị bỏ quản lý giá sàn cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về, các doanh nghiệp sẽ làm gì để chống lại sức mạnh của cơn bão OTT? Có thể nói, thời hoàng kim của dịch vụ "ngồi không mà hưởng" này đã qua rồi.

Ánh Mai

Chủ đề khác