VnReview
Hà Nội

Công nhân Samsung Việt Nam tự tin về khả năng vượt qua cơn bão Note 7

Sau khi ra quyết định khai tử Galaxy Note 7, Samsung cần phải nỗ lực để phục dựng lại danh tiếng cũng như hình ảnh thương hiệu của mình như trước đây. Trong quá trình này, sự ủng hộ từ hàng chục nghìn công nhân đang làm việc cho hãng tại Việt Nam được xem là rất cần thiết.

Công nhân Samsung làm việc tại nhà máy tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Báo Reuters đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với 13 công nhân Samsung ở bên ngoài nhà máy tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nằm ở phía bắc 60 km so với thủ đô Hà Nội. Mặc dù Samsung dự đoán sẽ mất khoảng 5 tỉ USD lợi nhuận từ quyết định khai tử Galaxy Note 7 nhưng các công nhân vẫn tự tin về khả năng công việc họ sẽ vẫn được tiếp tục.

Những người này cũng nói thêm rằng Samsung đã luôn trả lương cao và đem lại những phúc lợi rất tốt cho các công nhân. Được biết, nhà máy Samsung được xây dựng vào khoảng 4 năm trước đã thu hút hàng chục nghìn lao động địa phương cũng như các tỉnh lân cận và biến Phổ Yên từ một huyện nông nghiệp buồn tẻ thành một thị xã công nghiệp trẻ và đầy năng động.

"Việc thu hồi Galaxy Note 7 không có nghĩa là chúng tôi sẽ bị thất nghiệp, Samsung cũng đang làm nhiều điện thoại khác tại đây chứ không chỉ Note 7", Nguyễn Thị Hằng, công nhân Samsung cho biết.

Theo thống kê Reuters thu được, các công nhân Samsung ở Phổ Yên sẽ có lương cơ bản là 180 USD (khoảng 4 triệu đồng) và nếu làm thêm ca, lương của họ sẽ tăng thêm khoảng 300 USD (khoảng 6,5 triệu đồng) nữa. Như vậy, trung bình một tháng, một công nhân Samsung có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Đó là mức thu nhập trên trung bình của khu vực nông thôn Việt Nam.

Bên cạnh lương, một trong những điểm thu hút lao động trẻ đến làm việc tại các nhà máy của Samsung tại Phổ Yên là vì phúc lợi rất tốt. Có thể kể tới các phúc lợi như trợ cấp bữa ăn và chỗ ở tại kí túc xá. Ngoài ra, các hoạt động về thể thao, văn nghệ và giảm giá khi mua các sản phẩm của Samsung cũng rất được lòng công nhân.

Nguyễn Văn Đoài, một công nhân nam 27 tuổi cho biết một số ca làm thêm giờ đã bị cắt giảm do sự cố của Galaxy Note 7 nhưng không hề có dấu hiệu của việc cắt giảm nhân sự.

"Samsung không hề cắt giảm nhân sự vì họ vẫn đang tiếp tục đăng tin tuyển dụng và xây dựng thêm các tòa nhà mới", anh Đoài nói.

Samsung Việt Nam vào hôm thứ 4 tuần này cũng đã tuyên bố là sẽ không có chuyện cắt giảm nhân sự trong năm nay do tác động từ Galaxy Note 7 như lời đồn. Ngoài ra, xuất khẩu từ các nhà máy của hãng tại Việt Nam vẫn sẽ tăng nhờ các mẫu điện thoại khác.

Theo hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Samsung đã đầu tư khoảng 14,5 tỉ USD vào các nhà máy tại Việt Nam, tức khoảng 10% tổng vốn FDI vào nước ta trong vòng 30 năm qua. Các điểm hấp dẫn Samsung đến Việt Nam được cho là tình hình chính trị ổn định, ưu đãi thuế và giá nhân công rẻ hơn Trung Quốc.

Xung quanh nhà máy của Samsung đã hình thành lên hàng loạt những "làng công nhân Samsung" bao gồm các công nhân ở trọ và những người cung cấp dịch vụ cho họ. Đó là còn chưa kể tới hàng loạt những chiếc xe bus màu trắng có logo của Samsung cùng hình ảnh quảng cáo về một mẫu smartphone của hãng nối đuôi nhau chở hàng chục nghìn công nhân đến nhà máy từ các huyện hay thậm chí là tỉnh khác đến nhà máy tại Phổ Yên mỗi sáng. Samsung cung cấp việc làm và nhiều phúc lợi tốt cho người dân nên họ rất được ủng hộ tại Việt Nam.

Dù vậy, đối với một số công nhân và người cung cấp dịch vụ ở xung quanh nhà máy, họ vẫn cảm thấy có chút lo lắng về ảnh hưởng của Galaxy Note 7.

Nha sĩ Phùng Minh Ngọc, người vừa chuyển tới Phổ Yên từ Hà Nội để lập một phòng khám răng có tên là "Răng Xinh Samsung" cho biết: "Doanh số bán hàng của họ chắc chắn sẽ giảm nên công nhân có thể sẽ ít việc hơn và bị giảm lương, điều này có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh của tôi".

Ngoài ra, một công nhân nữ xin được phép giấu tên cũng đang lo lắng vì hợp đồng của cô sẽ được gia hạn vào tháng tới: "Tôi mang theo con của mình tới đây. Nếu không được làm cho Samsung nữa, tôi sẽ phải quay về làm ruộng".

Nguyễn Long

Chủ đề khác