VnReview
Hà Nội

Vietnamobile kêu cứu vì “sân chơi” chưa công bằng

Cho rằng "sân chơi" viễn thông Việt Nam hiện nay thiếu công bằng, ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Telecom cho biết đang soạn thảo thư gửi lên Bộ TT&TT và Thủ tướng Chính phủ bởi Vietnamobile đang ở tình cảnh quá khó khăn.

vietnamobile

Báo ICTNews đưa tin cho biết, ông Phạm Ngọc Lãng đã dẫn chứng nhiều ví dụ cho thấy sự bất công bằng hiện nay trên thị trường viễn thông. Khẳng định Hanoi Telecom và đối tác Hutchison đã rất quyết tâm tiến vào thị trường di động Việt Nam trong suốt thời gian qua, nhưng ông Lãng cho rằng sân chơi chưa công bằng khi hiện nay mọi nguồn lực đều dồn cho các doanh nghiệp viễn thông lớn của Nhà nước. Chẳng hạn như tần số có doanh nghiệp được cấp gấp nhiều lần Hanoi Telecom. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với các doanh nghiệp như Hanoi Telecom. Nhiều chính sách dường như vẫn bảo hộ doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Thêm vào đó, chính sách cước kết nối giữa các mạng di động nhỏ như Vietnamobile và các mạng di động lớn như Viettel, MobiFone và VinaPhone không thật sự thúc đẩy mạng nhỏ. Trong khi trên thế giới, thông thường chênh lệch mức cước kết nối giữa mạng lớn và mạng nhỏ là khoảng 35% thì ở Việt Nam cũng có mức cước chênh lệch giữa mạng di động lớn và nhỏ, nhưng không đáng kể. Hiện Hanoi Telecom đang phải thuê cột điện treo cáp với mức phí mới "cắt cổ" - gấp 7 - 8 lần so với mức giá cũ vì không thể trồng cột treo cáp. Gần đây, các nhà mạng lớn bắt đầu tăng giá cho thuê nhà trạm lên 300%, giá thuê kênh mà Hanoi Telecom phải trả cho các doanh nghiệp truyền dẫn cũng tăng 269% so với trước đây.

Chia sẻ trên ICTNews, ông Lãng nói: "Chúng tôi đã đầu tư cả tỷ USD vào xây dựng mạng di động ở Việt Nam. Thế nhưng giờ đây chúng tôi thấy khó quá vì phải chơi trên một sân chơi chưa công bằng. Cứ như thế này chúng tôi không thể tồn tại được nữa. Chúng tôi đang soạn thảo thư gửi lên Bộ TT&TT và Thủ tướng để kêu về vấn đề này".

Cũng theo bài báo, bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom trong lần họp với Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng mới đây đã thổ lộ: "Các nhà đầu tư nước ngoài sợ thị trường viễn thông Việt Nam".

Lý giải vì sao đối tác Hutchison của Vietnamobile không thể "tẩu vi thượng sách", rút khỏi thị trường như đối tác VimpelCom của mạng Beeline, bài báo trên ICTNews cho rằng Hutchison đã đầu tư số tiền quá lớn vào mạng Vietnamobile với con số lên cả tỷ USD khiến nhà đầu tư này ở thế "đâm lao thì phải theo lao". Trong khi đó, việc chuyển nhượng cổ phần trong mạng di động khi đã đầu tư cả tỷ USD gần như là "nhiệm vụ bất khả thi". Tình thế này, dường như đã đặt Hutchison vào cuộc chơi sát ván trên thị trường di động Việt Nam.

"Mạng nhỏ làm chỉ đủ nuôi các ông lớn"

Theo một bài viết khác trên báo VnEconomy, bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom đã lên tiếng than thở: với chính sách giá cước kết nối hiện nay, mạng nhỏ như Vietnamobile làm chỉ để nuôi các "ông lớn"!

Theo quy định hiện nay, giá cước mà mạng di động khởi phát chi trả cho mạng di động kết cuối của doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế 500 đồng/phút. Ví dụ, giá mỗi phút gọi là 1.100 đồng, khi thuê bao mạng nhỏ như Vietnamobile gọi sang mạng lớn là VinaPhone, MobiFone hay Viettel thì mạng nhỏ phải trả cho mạng lớn (chiếm thị phần khống chế) là 500 đồng và nhận được 600 đồng/phút.

Ngược lại, giá kết nối từ mạng di động của doanh nghiệp lớn tới doanh nghiệp nhỏ là 550 đồng/phút, nghĩa là mạng lớn phải trả cho mạng nhỏ 550 đồng và nhận được 550 đồng/phút.

Như vậy, mức cước kết nối đã "ưu tiên" 50 đồng cho các mạng nhỏ, nhưng theo bà Châu, mức chênh lệch 50 đồng như vậy là không đáng kể, do các mạng nhỏ có lượng thuê bao thấp hơn rất nhiều lần, vì thế, số lượng cũng như lưu lượng cuộc gọi từ thuê bao mạng lớn sang mạng nhỏ sẽ ít hơn rất nhiều so với chiều ngược lại. Chưa kể, do chính sách khuyến mại từ các mạng di động, trong đó có mạng nhỏ như Vietnamobile không thể "nằm ngoài cuộc chơi khuyến mại" nên giá cước cuộc gọi tính ra trung bình chỉ còn khoảng 700 đồng/phút, giảm khoảng 50% so với giá cước gọi ngoại mạng.

"Thế nên, trừ đi giá cước kết nối, giá trị thực mình được hưởng mình chỉ còn được chút xíu, làm chỉ đủ để nuôi các ông lớn, mạng nhỏ chả còn tiền để mở rộng, phát triển", bà Châu nói.

Thị trường đang cạnh tranh quá mức

Trở lại với bài báo trên ICTNews, tác giả bình luận rằng thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức khiến cả mạng lớn và mạng nhỏ đều "đau khổ". Trong cuộc họp mới đây với Bộ TT&TT, đại diện MobiFone cũng đã lên tiếng rằng thị trường di động đang cạnh tranh quá mức khiến doanh nghiệp không phát triển được. Khi không có lợi nhuận thì doanh nghiệp cũng chẳng thể có nguồn lực để tái đầu tư. Lãnh đạo một mạng di động cho rằng thị trường di động Việt Nam đã cạnh tranh bằng cả những hình thức "phi kinh tế". Nhiều mạng di động cho rằng nếu cơ quan quản lý không siết chặt quản lý thì thị trường viễn thông Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ.

Trước đó, các chuyên gia cho rằng, một thị trường như Việt Nam có tới 7 mạng di động là quá nhiều. Các chuyên gia cũng dự đoán sớm muộn việc cạnh tranh sẽ khiến các mạng di động sẽ phải sáp nhập hoặc phá sản. Sau đó, thị trường di động Việt Nam có lẽ sẽ quay lại thế chân vạc để có từ 3 – 4 mạng di động và tiến trình này đang diễn ra.

Ngân Giang

Chủ đề khác