VnReview
Hà Nội

Apple sẽ suy tàn và chuyển thành công ty phần mềm?

Apple đang trượt khỏi con đường thành công mà Steve Jobs đã đi qua. Người khổng lồ công nghệ đang trở nên yếu dần từ khi khai tử iPod. Trong khi các đối thủ cạnh tranh đang vươn lên mạnh mẽ, một tương lai không mấy sáng sủa đang chờ "Táo khuyết" ở phía trước.

Apple đã từng đi trước các đối thủ trong các trải nghiệm phần mềm cũng như phần cứng tiên tiến. Điều này có nghĩa là nếu người dùng chuyển sang sử dụng các thiết bị Android và Windows, họ sẽ đánh mất các trải nghiệm người dùng, các tính năng bổ ích cũng như mất đi khả năng truy cập vào kho ứng dụng khổng lồ App Store. Chi phí để người dùng chuyển đổi từ thiết bị của Apple sang thiết bị Android là đắt đỏ.

Apple đã tận dụng ưu thế này này để chiếm lấy phần thượng phong trong các hợp đồng thương mại với đối tác. Đang tiếc là thay vì tiếp tục phát triển các công nghệ mới nhằm củng cố vị trí dẫn đầu thì Apple lại đi một con đường kiểu "ta làm gì kệ ta".

Apple tìm lại quyền lực của mình từ thế yếu

Năm 2016, điện thoại Android đã vượt qua iPhone nhờ độ phân giải màn hình cao hơn, camera tốt hơn, khả năng lưu trữ đám mây, chống nước, áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Điều này khiến cho chi phí chuyển đổi thiết bị từ iOS sang Android giảm đáng kể.

Bây giờ Apple đang chơi trò mèo đuổi chuột với các đối thủ cạnh tranh. Táo khuyết tiếp tục đi con đường "ta làm gì kệ ta" khi loại bỏ giắc cắm tai nghe để buộc người dùng phải chuyển sang dùng tai ;bluetooth Earpod. Điều này đã làm các fan của Táo choáng váng. Mọi người nhìn lại các thiết bị đời cũ của Apple và tự hỏi: "Hãng sẽ làm gì tiếp nhỉ?" với một nỗi sợ hãi, thay vì một tâm trạng phấn khởi khi chờ đợi các dòng sản phẩm mới ra đời với câu hỏi "Hãng sẽ làm gì tiếp nhỉ?"!

Android hiện nay đang thống trị thị phần thị trường toàn cầu. Bản thân thị trường toàn cầu đã đạt tới ngưỡng bão hòa. Có nghĩa là các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ chỉ xuất hiện khi có một dòng sản phẩm mới sáng tạo – lĩnh vực mà Apple đang đi sau còn các đối thủ cạnh tranh đang chạy ào ào.

Không có ánh sáng của Steve Jobs, họ sẽ xoay sở ra sao trong đường hầm?

Apple đã từng là người dẫn đầu trong các nền tảng công nghệ mới, từ iPod, iPhone cho đến iPad. Nhưng bây giờ họ "mất tăm mất dạng" ở VR và AR, hoặc chỉ dừng lại ở những tin đồn với xe tự lái. Apple đã từng đi đầu, đã từng là Nhất. Nhưng bây giờ nếu có ai hỏi bạn: "nếu Apple nhảy vào thị trường VR/AR, họ sẽ là Nhất chứ?", chắc hẳn niềm tin của bạn đã xói mòn.

Đồng hồ Apple (Apple Watch) – sản phẩm đầu tiên ra mắt mà không có Steve Job đã không gây ấn tượng. Kể từ đó, các buổi lễ ra mắt sản phẩm của Apple ngày càng trở nên kém thú vị, dài dòng, thiên về giới thiệu các phần mềm nhàm chán và những công nghệ chẳng có gì đáng xem như TouchBar, HomeKit và HealthKit. Apple TV cũng chưa hỗ trợ độ phân giải 4K trong khi Roku đã có. Siri là trợ lý ảo đầu tiên trên nền tảng di động nhưng nay đã bị Google Now và Alexa Amazon đá cho ngã sõng xoài.

Microsoft đang đổi mới mạnh mẽ dưới sự điều hành của Satya Nadella. Người khổng lồ phần mềm đang đánh cược vào những công nghệ mà Apple chưa có như kính thực tế ảo HoloLens và đã trở thành một đối thủ nặng ký trong thị trường máy tính để bàn với Surface Studio.

Apple sẽ thành một công ty phần mềm?

Apple gần đây đã thu nhỏ và dần loại bỏ bộ phận phát triển xe tự lái, cũng như tiến hành cải tổ toàn công ty. Cũng có những đồn đoán rằng phù thủy thiết kế Jony Eve đã không còn làm việc cho Apple và đây thực sự là một cơn địa chấn. Đã có những dấu hiệu rõ ràng Apple đang gặp vấn đề về tổ chức và người lãnh đạo.   

Giới công nghệ có những phán đoán rằng Apple đang chuyển mình thành một công ty phần mềm. Nếu vậy thì thực sự rất tệ bởi vì phần mềm của Táo khuyết ngày càng thiếu sự ổn định và tính tiện dụng. Phiên bản iMessage và iOS mới gặp phải những lỗi rất ngớ ngẩn (iOS 10.1.1 gặp lỗi gây sụt pin nghiêm trọng). iCloud thì là một "kẻ" phiền phức khét tiếng. Hơn nữa, Apple có một văn hóa phát triển phần mềm sai lầm. Các đội phát triển không được trao đổi với nhau. Vì vậy, khả năng phát triển phần mềm của họ sẽ không được nhanh như một công ty phần mềm thực thụ.

Apple cần một người lãnh đạo có tầm nhìn

Để trở lại vinh quang xưa, Apple cần một người lãnh đạo có tầm nhìn. Tim Cook là một lãnh đạo đã làm rất tốt công việc gia tăng lợi nhuận cho công ty, nhưng ông ta chưa cho thấy mình là một người dẫn đầu đổi mới.

Ở chiều ngược lại, Satya Nadella của Microsoft thực sự là một CEO có tầm nhìn chiến lược. Ông đã đưa Microsoft trở lại ánh hào quang sau thời kỳ u ám của Steve Ballmer (một người được mệnh danh là Tim Cook của Microsoft).

App Store là cứ điểm cuối cùng của Táo khuyết

App Store là một yếu tố quan trọng tạo nên sức sống cho Apple nói chung và hệ điều hành iOS nói riêng. Cho dù thị phần thiết bị iOS tại Mỹ đã giảm 16% từ năm 2012, App Store vẫn tăng trưởng gấp 4 lần so với Play Store. Trên lý thuyết, đó là vì người dùng iPhone sẵn sàng trả nhiều tiền hơn nữa cho các ứng dụng cài trên máy. Họ có thu nhập cao hơn những người dùng thiết bị Android nên số tiền họ mua các ứng dụng cũng nhiều hơn. Trước đây các điện thoại Android có giá cả phải chăng, thiếu các công nghệ tiên tiến và ít ứng dụng. Nhưng bây giờ điện thoại Android đã trở thành một đối thủ đáng gờm khi sở hữu những công nghệ tiên tiến như chống nước, sạc không dây. Khá nhiều khách hàng của Apple đã chuyển sang sử dụng thiết bị Android.

Nếu các fan của iOS chuyển sang sử dụng Android, thì hệ sinh thái Play Store sẽ dần trở nên hấp dẫn các nhà lập trình. Giới lập trình ứng dụng là những người tiên phong tiếp cận với xu hướng công nghệ mới và họ cũng được hưởng lợi rất nhiều. Nếu Apple thất bại với nền tảng mới, các nhà lập trình sẽ quay sang hệ sinh thái của Microsoft và Android. Khi bị giới lập trình quay lưng, Apple sẽ thực sự lâm nguy.

Đăng Khoa

Chủ đề khác