VnReview
Hà Nội

Sản phẩm công nghệ ngày nay quá chú trọng đến kiểu dáng?

So với cách đây khoảng 10 năm thì những sản phẩm công nghệ ngày nay có sự khác biệt rất lớn, chúng ngày càng mỏng nhẹ và bắt mắt. Nhưng dường như các tính năng của sản phẩm lại chưa có được sự cân bằng với kiểu dáng.

Chính xác cách đây 15 năm, vào tháng 10/2001, một thiết bị công nghệ lần đầu ra mắt đã đạt tới sự hoàn hảo gần như tuyệt đối giữa chức năng và kiểu dáng, giữa thiết kế tuyệt đẹp và hiệu năng sử dụng. Đó chính là iPod đời đầu.

Chiếc máy nghe nhạc nhỏ bé này có khả năng lưu giữ 1.000 bài hát. Âm thanh, dung lượng pin và khả năng đồng bộ nhanh chóng với máy tính của iPod đã khiến cho nó trở thành một thiết bị không có đối thủ nào sánh kịp. Thiết kế của nó rất ấn tượng bên cạnh khả năng sử dụng dễ dàng. iPod có kích thước chỉ bằng một lá bài. Nó có một nút hình tròn để người dùng tra tìm các bài hát.

Trong một bài đánh giá về iPod đời đầu, nhà báo Walt Mossberg, Thư ký tòa soạn tạp chí The Verge đã nói rằng "đó là một thiết bị chơi nhạc số tuyệt vời. Nó đã khắc phục tất cả những điểm yếu thực tế của các loại máy nghe nhạc mp3 trước đó. Nó có dung lượng lưu trữ lớn, trong khi kích thước lại đủ nhỏ để bỏ vào túi quần. Nó có thể chơi nhạc liên tục trong một khoảng thời gian rất lâu. Các nút điều khiển đơn giản và dễ sử dụng. Nó có thể tải nhạc từ máy tính với tốc độ rất nhanh".

iPod đời đầu không phải là thiết bị duy nhất của Apple được Mossberg đánh giá cao về sự cân bằng giữa thiết kế và tính năng sử dụng. Trong một bài phân tích khác, Mossberg đã dùng từ "lộng lẫy" và "tiêu chuẩn vàng" để mô tả về chiếc máy tính để bàn iMac ra mắt vào năm 2005. Ông cũng dùng từ "lộng lẫy" một lần nữa để mô tả về mẫu laptop MacBook Air 2010 và HP Spectre 2016.

Sự cân bằng bị đánh mất

Gần đây, sự cân bằng giữa kiểu dáng và tính năng sử dụng như iPod đời đầu đã không còn nữa. Các nhà sản xuất đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường bằng các sản phẩm có kiểu dáng bắt mắt. Các sản phẩm của Apple là ví dụ rõ rệt nhất, vì Apple vốn là công ty luôn đề cao tính thẩm mỹ trong các thiết kế.

Chúng ta có thể thấy iPhone 7 đã bỏ jack cắm tai nghe, cũng như MacBook Pro mới cũng bỏ đi các cổng truyền thống. Mặc dù Apple từ lâu trong lịch sử thiết kế sản phẩm của mình đã rất tích cực thay đổi các chuẩn cắm Vào/Ra, nhưng liệu đó có phải để tăng tính tiện dụng hay phục vụ cho thiết kế thẩm mỹ?

Thật buồn là để đổi lấy một sản phẩm có kiểu dáng bắt mắt, chúng ta sẽ phải bỏ thêm tiền để được sử dụng các tính năng thông thường.

Một ví dụ dễ nhận thấy nhất đó MacBook 2016. Nó có giá khởi điểm là 1.299 USD, nặng 0,9kg và điểm dày nhất chỉ hơn 1cm. Nó mỏng nhẹ và nhìn rất bắt mắt. Nhưng nó chỉ có một cổng giao tiếp và một jack cắm tai nghe. Cổng đó chủ yếu dùng để sạc. Apple giải thích rằng độ mỏng của máy không cho phép tạo ra nhiều cổng giao tiếp. Điều này có nghĩa là khi MacBook đang cắm dây sạc, nếu bạn muốn sạc thêm điện thoại thì phải bỏ tiền mua thêm một dongle.

Độ mỏng của máy khiến người dùng phải mua thêm dongle

Hơn nữa, MacBook lại sử dụng dòng vi xử lý Core M rẻ tiền của Intel, chứ không tận dụng sức mạnh từ dòng vi xử lý Core I, bởi vì nó không cần có quạt làm mát chip. Không quạt chip sẽ không gây ra tiếng ồn, nhưng máy tính sẽ vất vả để "đuổi theo" các tác vụ, cho dù bạn chỉ mở kha khá cửa sổ trình duyệt.

Tương phản với MacBook 2016 là MacBook Air – dòng sản phẩm mà dường như Apple đang muốn khai tử. Nó được thiết kế đủ mỏng và nhẹ mà không "giết chết" các cổng chức năng truyền thống. Nó được trang bị khá nhiều cổng và một khe cắm thẻ SD. MacBook Air cũng được trang bị các vi xử lý đầy đủ sức mạnh. Mặc dù Apple không trang bị cho MacBook Air màn hình Retina hay nâng cấp các vi xử lý của nó, nhưng nhà báo Walt Mossberg cho rằng hiệu suất hoạt động của nó còn tốt hơn MacBook trong khi thiết kế của nó cũng rất đẹp.

Mossberg cho rằng thật khó tưởng tượng được các nhà thiết kế MacBook đã thỏa mãn với ý tưởng tạo ra một laptop chỉ có một cổng kết nối, không quạt làm mát, kích thước rất nhỏ đẹp đẽ mà không lo lắng về sự thiếu hụt các cổng kết nối và sức mạnh tính toán dưới tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ như dòng laptop HP Spectre đã được đề cập ở trên. Nó rất mỏng nhẹ nhưng được trang bị đầy đủ cổng kết nối ở cạnh sau của máy. Các bộ vi xử lý của HP Spectre cũng rất mạnh mẽ cùng với chiếc quạt làm mát được thiết kế rất thông minh.

Không chỉ riêng Apple

Máy tính để bàn chạy hệ điều hành Windows cũng không nằm ngoài xu thế chú trọng kiểu dáng hơn tính năng. Kể từ khi Windows 8 cố gắng pha trộn một hệ điều hành của máy tính bảng với hệ điều hành của máy tính để bàn, các hãng chế tạo máy tính đã cho ra đời một dòng máy tính bảng lai với lời cam kết rằng khả năng hoạt động của nó sẽ giống cả máy tính bảng và laptop.

Tuy nhiên, vì phải tích hợp hai thứ vào trong một nên các máy tính bảng lai laptop kiểu này có kích thước dày, nặng, hoặc là chúng được thiết kế kiểu vỏ sò với màn hình tháo rời được. Khi đặt trên đùi độ cân bằng của chúng rất kém.

Mặc dù Windows 10 đã gạt bỏ bớt các tính năng của máy tính bảng, nhưng nó vẫn tồn tại như một hệ điều hành lai. Một vài hãng chế tạo máy tính đã tiết lộ với nhà báo Mossberg rằng, theo nghiên cứu của họ, phần lớn mọi người chỉ sử dụng những chiếc máy tính lai này như chức năng laptop thông thường.

Ví dụ rõ nét nhất về xu hướng đặt thiết kế đẹp lên trên mọi thứ là mẫu điện thoại nổi danh Samsung Galaxy Note 7. Nó từng được ca ngợi là mẫu điện thoại có kiểu dáng rất đẹp, một thắng lợi lớn về thiết kế cho người khổng lồ điện thoại di động Hàn Quốc. Cho dù hiện nay chúng ta chưa rõ nguyên nhân vì sao Note 7 gặp sự cố cháy nổ, nhưng có thể suy đoán rằng chính thiết kế quá mỏng nhẹ của nó đã làm tăng khả năng phát nổ của pin.

Còn trong lĩnh vực chế tạo tivi thì dòng OLED mới của LG rất có chiều dày rất mỏng, cho hình ảnh rất rực rỡ. Nhưng LG lại chưa chăm chút cho giao diện người dùng của dòng TV này, nhiều thao tác chưa thực sự thuận tiện.

Loa thông minh Google

Một sản phẩm công nghệ mới ra mắt gần đây là loa thông minh Google Home dường như cũng quá chú trọng vào dáng vẻ bề ngoài. Khi so sánh với loa Echo của Amazon, loa của Google nhìn đẹp hơn, và nó phù hợp hơn nếu làm một vật trang trí nội thất. Còn về hiệu năng sử dụng thì hai micro và loa tích hợp của Google Home đều kém hơn Amazon Echo.

Ngày nay, các nhà chế tạo đang đánh cược vào những thiết kế bắt mắt và mỏng nhẹ, nhưng chính điều này sẽ lại hạn chế khả năng sử dụng của thiết bị. Nhồi nhét quá nhiều tính năng vào trong một không gian chật hẹp sẽ gây ra những hệ quả xấu. Tất nhiên những thiết kế đẹp, độc đáo thì ai cũng hoan nghênh, nhưng những sản phẩm như iPod năm 2001 – có sự cân bằng giữa kiểu dáng và tính năng – ngày nay đã trở nên hiếm thấy. Có lẽ đây là thời điểm các hãng chế tạo nên nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai.

Đăng Khoa

Chủ đề khác