VnReview
Hà Nội

Bê bối tham nhũng của Samsung: Hàn Quốc có dám thực thi công bằng?

Ngày 16/1, các công tố viên Hàn Quốc tuyên bố họ đang chuẩn bị ra lệnh bắt giữ Lee Jae-yong, người đứng đầu tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, hôm qua (19/1), tòa án lại nói họ sẽ không bắt Lee, song vẫn tiếp tục điều tra về những hành vi được cho là sai phạm của ông.

Lee Jae-yong (bên phải)

Theo Quartz, các công tố viên cáo buộc Lee hối lộ 43 tỷ won (khoảng 36 triệu USD) cho bà Choi Soon-sil, là bạn của Tổng thống Park Geun-hye. Cụ thể, họ nói Lee và Samsung đã đưa tiền cho bà Choi để Quỹ hưu trí nhà nước Hàn Quốc (National Pension Services – NPS) thông qua một thương vụ giữa hai chi nhánh Samsung, là Samsung C&T và Cheil Industries, mặc dù thương vụ này không mang lại nhiều mối lợi cho gia đình nhà Lee. Ít nhất một số tiền đã được Samsung chi cho sự nghiệp cưỡi ngựa của con gái Choi – trong đó có 850.000 USD để mua một con ngựa mới. Cơ quan lập pháp Hàn Quốc tháng trước đã bỏ phiếu cáo buộc tổng thống Park sau nhiều tháng diễn ra vụ lùm xùm.

Chắc chắn Lee không phải là doanh nhân Hàn Quốc duy nhất dính dáng đến vụ scandal tham nhũng của Tổng thống, và những cáo buộc về ông cũng chỉ là một trong số những vụ việc, trong đó các nhà lãnh đạo Samsung cũng đang bị điều tra. Nhưng vụ việc của Lee cho thấy, dù dân chúng hay chính phủ có giận dữ với gia đình nhà Lee, với tập đoàn siêu cường của Hàn Quốc, thì cũng khó mà trừng phạt Samsung, vì họ quá lớn.

Hiệu ứng domino

Tại Hàn Quốc, có những gia đình quá lớn, nên họ không thể sụp đổ. Những doanh nghiệp lớn nhất đất nước, gọi là các chaebol, không thể tách rời khỏi sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ sau chiến tranh, và những công ty này đều được điều hành bởi các gia đình đã sáng lập ra chúng. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul của Samsung qua đời năm 1987, ông đã trao quyền điều hành tập đoàn Samsung lại cho con trai thứ ba của ông, Lee Kun-hee. Sau khi chịu một cơn đau tim vào năm 2014, con trai của Lee Kun-hee là Lee Jae-yong lại kế vị cha, dù vẫn chưa được xưng danh là chủ tịch tập đoàn.

Một trong những lý do tại sao các nhà lãnh đạo chaebol hiếm khi bị phạt vì tội danh tham nhũng, là họ nắm giữ quá nhiều quyền lực kinh tế. "Người Hàn Quốc thường lo sợ nếu các gia đình chủ chaebol sụp đổ quyền lực, thì những tập đoàn lớn hơn cũng có thể sụp đổ theo. Và nếu các chaebol lớn hơn sụp đổ, họ sợ rằng nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng", Park Song-in, giáo sư kinh tế của trường Đại học Seoul nói.

Cấu trúc quyền lực caủa Samsung, cũng như các chaebol khác, là một hệ thống những chi nhánh riêng phức tạp, với những cổ đông chồng chéo và không tập trung quyền lực chính thức. Một trong những sản phẩm phụ của hệ thống chaebol là tham nhũng tràn lan. Một phần vì những mối quan hệ lịch sử với chính phủ trong chế độ độc tài của Hàn Quốc, và cũng vì cấu trúc sở hữu phức tạp của chaebol. Các thành viên gia đình thường kiểm soát đế chế của họ gián tiếp bằng cách nắm cổ phần thông qua một số đơn vị kinh doanh, thay vì nắm phần lớn cổ phần ở cấp cao. Cơ chế này bảo vệ cho các nhà lãnh đạo chaebol và các thành viên gia đình khỏi những loại trách nhiệm tập đoàn mà các CEO và các nhà lãnh đạo khác thường phải đối mặt ở các nước khác. Kết quả là hối lộ, tham nhũng, gian lận phổ biến. Samsung cũng không hề ngoại lệ với xu hướng này – trong những năm 1960, ông Lee lớn tuổi nhất (anh cả) đã bị cáo buộc buôn lậu chất saccharin vào Hàn Quốc, nhưng đã tránh được tội trạng. Năm 2008, ông Lee anh thứ hai bị buộc tội trốn thuế, nhưng cũng không bị bắt giữ.

Còn có một số vấn đề nữa đằng sau mối lo sợ Samsung quá lớn nên không thể sụp đổ. Samsung Electronics, mang đến nhiều tiền bạc nhất cho toàn tập đoàn Samsung, kiếm được 200,6 nghìn tỷ won (172 tỷ USD) doanh thu năm 2015, tương đương 12% GDP Hàn Quốc. Do hàng chục chi nhánh của Samsung trải dài trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ bảo hiểm đến xây dựng đến bán lẻ, nên giáo sư kinh tế của trường Đại học Seoul cho rằng sự sụp đổ của một đơn vị có thể tạo ra "hiệu ứng domino" trong nền kinh tế Hàn Quốc.

"Nếu Samsung sụp đổ, với việc vô số nhà cung cấp đang sống phụ thuộc vào Samsung, các ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc cũng nằm bên bờ vực nguy cơ", giáo sư Park nói. Điều này sẽ khiến Hàn Quốc đối mặt "cuộc khủng hoảng kinh tế còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng họ từng trải qua năm 1997", khi đất nước gặp cơn khủng hoảng nợ lớn.

Hơn nữa, Samsung Electronics đang rất cần sự lãnh đạo cứng rắn vào lúc này. Như bất kỳ công ty phần cứng nào, Samsung đang đối mặt với những rủi ro cạnh tranh và bão hòa hàng hóa. Dù các đơn vị sản xuất linh kiện của Samsung vẫn làm hài lòng nhà đầu tư, nhưng tăng trưởng ở mảng thiết bị xách tay đang giảm dần trên toàn cầu. Trong khi đó, vụ nổ Galaxy Note 7 càng cho thấy áp lực về một sự quản lý tồi. Dù Lee nổi tiếng là nhà lãnh đạo chưa thực sự cầm quyền, song ông chính là người đóng vai trò chủ chốt trong vụ thu hồi các thiết bị vừa qua, một quyết định trái ngược với mong muốn của các nhà lãnh đạo khác.

Trước mắt, do Lee không thể bị bắt, ông vẫn nằm quyền đứng đầu công ty. Nhưng nếu cuộc điều tra sâu hơn, dẫn đến một kết quả tù tội, Samsung có thể thiếu người lãnh đạo. Geoffrey Cain, tác giả cuốn sách sắp ra về Samsung, nói rằng trong trường hợp xấu nhất, một cuộc đảo chính quyền lực có thể sẽ làm Samsung tê liệt khi Lee vắng mặt.

Một người biểu tình đang phản ứng với bức ảnh chân dung Kim Yong-chul, cựu luật sư của Samsung

Nạn tham nhũng ở chaebol chưa bao giờ hết

Công chúng Hàn Quốc từng phải chịu đựng nạn tham nhũng giống như trường hợp ông Lee đang dính vào. Nhưng sự oán giận đối với các chaebol đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, vì nền kinh tế chậm lại đã cho thấy sự khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo.

Một trong những ví dụ điển hình về sự giận dữ của công chúng đã diễn ra hồi năm 2014, trong một vụ việc có tên là "Nut Rage", lúc đó con gái của Cho Yang-ho, chủ hãng hàng không Korean Airlines, đã ra lệnh máy bay phải quay trở lại cổng khi cô không hài lòng với loại hạt macadamia mà tiếp viên hãng bay phục vụ. Vụ việc làm dấy lên làn sóng giận dữ tại Hàn Quốc, khi công chúng nhận thấy cơn giận của con gái sếp hãng hàng không đã trở thành một biểu tượng quyền lực quá lớn của các gia đình chaebol.

2016 là một năm đặc biệt khó khăn đối với các chaebol ở Hàn Quốc. Hồi tháng Tám, một nhà lãnh đạo cấp cao của Lotte Group đã tự sát trong bê bối tham nhũng. Tháng Chín, tập đoàn đóng tàu Hanjin tuyên bố phá sản, cựu nữ chủ tịch bị điều tra vì tội giao dịch nội gián. Trong khi đó, những hãng tin tức vốn thân thiện với các chaebol cũng bắt đầu quay lưng lại với Samsung trong vụ nổ Galaxy Note 7.

"Vấn đề thực sự đang đè nặng lên tâm trí người dân Hàn Quốc là sự bất công, và không gì cho thấy tình trạng bất công rõ ràng hơn chính là sự thống trị của các chaebol lên nền kinh tế đất nước", Koo Se-woong, biên tập viên quản lý của Korea Expose, một ấn phẩm online, nói.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, một trong những hứa hẹn của tổng thống Park Geun-hye là buộc các chaebol phải minh bạch, chịu trách nhiệm. Song những hy vọng đó đã tiêu tan khi bà ân xá cho Chey Tae-won, chủ tịch của SK Group, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu của Hàn Quốc, khỏi án tù 4 năm.

Giờ đây, bà Park đã đánh mất sự tin cậy trong mắt công chúng. Koo cho biết văn phòng công tố viên "cam kết sẽ tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra". Như thế, ông Lee có thể sẽ đối mặt với một phiên tòa và phải chịu trách nhiệm hậu quả. Nhưng nếu Lee chỉ nhận mức phạt nhẹ, "đó sẽ là dấu hiệu cho thấy mọi thứ vẫn như cũ, không có gì thay đổi tại Hàn Quốc, và không có gì thực sự thay đổi sau vụ scandal Choi Soon-sil".

Hoàng Lan

Chủ đề khác