VnReview
Hà Nội

Liệu Huawei có bắt kịp Apple và Samsung?

Sau khi trèo lên đỉnh thị trường điện thoại thông minh nội địa, Huawei đang cất cánh ở châu Âu. Nhưng để đuổi kịp Apple và Samsung, hãng chế tạo điện thoại số 3 thế giới cần phải chiếm lĩnh được thị trường Hoa Kỳ, hoặc tìm ra cách để vẫn sống khỏe mà không cần đến thị trường này.

Xưng vương ở quê hương Nokia

Ở giữa những cánh rừng, đầm lầy và lãnh nguyên của Phần Lan, cách 8046km so với trụ sở chính ở miền nam Trung Quốc, Huawei đang phá vỡ thế độc tôn của Apple và Samsung.

Cách đây khoảng 2 thập kỷ, Phần Lan và Nokia đã từng là "trung tâm vũ trụ điện thoại di động". Sau 10 năm, "Nó kìa" đã phải nhường lại ngai vàng cho Apple và Samsung. Nhưng trong vòng 18 tháng qua, thị phần điện thoại thông minh của Huawei ở Phần Lan đã tăng từ mức "chẳng có gì" lên đến đỉnh. Trong quý 1 năm 2016, số lượng điện thoại của Huawei bán ra ở Phần Lan lớn gấp 10 lần Apple. Đến tháng 10 năm ngoái, người khổng lồ Trung Quốc đã vượt qua Samsung dẫn đầu thị phần tại quốc gia Bắc Âu này.

Ngày nay, bạn không thể rảo bước trên đường phố Helsinki mà không bắt gặp biển quảng cáo Huawei. Bạn không thể xem đội khúc côn cầu hàng đầu Phần Lan là Jokerit mà không nhìn thấy logo Huawei hoa nở. Và bạn không thể tìm thấy một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử nào mà điện thoại Huawei không nhiều bằng Apple và Samsung. Đến nỗi nhà phân tích của hãng IDC là Francisco Jeromino đã phải thốt lên: "Điện thoại Huawei có ở khắp mọi nơi".

Một kỹ sư đang điều chỉnh anten của Huawei tại một cột viễn thông ở Phần Lan

Huawei có lẽ là đối thủ thực sự đáng gờm đối với Apple và Samsung. Tập đoàn này có 170 nghìn nhân viên, bán các thiết bị viễn thông ở 170 quốc gia với doanh thu 60 tỷ USD. Từ năm 2014 Huawei đã đứng đầu thế giới về doanh số các thiết bị mạng, giành lấy vương miện từ hãng Ericsson của Thụy Điển. Và bây giờ mục tiêu của Huawei là chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh. Hãng này đang sải những bước dài để thực hiện tham vọng của mình tại thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Thành công nhờ nền tảng kỹ thuật trải rộng

Thành công của Huawei dựa trên nền tảng kỹ thuật trải rộng mà các đối thủ cạnh tranh không hề có được. Các sản phẩm của Huawei trải khắp lĩnh vực viễn thông không dây: Huawei sản xuất các thiết bị mạng viễn thông truyền tín hiệu, các chipset trong điện thoại thông minh tương tác với các mạng đó, và sản xuất điện thoại, máy tính bảng… Các sản phẩm của Huawei được sản xuất chủ yếu tại thành phố Thẩm Quyến. Số tiền "khủng" thu được từ các thiết bị viễn thông đã được Huawei tái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, giúp hãng tạo ra được những mẫu điện thoại thông minh có chất lượng gần bằng iPhone và Galaxy.

Huawei đã có đà tăng trưởng "như tên lửa". Năm 2015, Huawei bán được 108 triệu điện thoại, đứng thứ 3 thế giới. Năm 2016, ước đoán doanh số điện thoại tăng 30% lên mức 140 triệu chiếc. Lợi nhuận của hãng đạt mức 178 tỷ nhân dân tệ (26,5 tỷ USD), tăng 40% so với năm 2015. Những con số này quả thực rất ấn tượng nếu chúng ta biết rằng tăng trưởng của ngành công nghiệp di động toàn cầu chỉ đạt mức một con số. CK Lu, nhà phân tích của hãng Gartner nhận định: "Xét trên góc độ toàn cầu, Huawei là một thương hiệu Trung Quốc thành công nhất".

Thành công của Huawei đến từ một quá trình xây dựng doanh nghiệp lâu dài. Các khoản vay từ chính phủ Trung Quốc đã giúp hãng này xây dựng một mạng lưới kinh doanh ở châu Phi và châu Mỹ La tinh. Những kinh nghiệm mà Huawei thu được từ các thị trường này đã giúp hãng giành được hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà mạng lớn ở châu Âu. Thị phần điện thoại thông minh của Huawei ở châu Âu đã tăng 12% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016.

Người khổng lồ Trung Quốc là nhà bán lẻ điện thoại thông minh số một ở Bồ Đào Nha và Hà Lan, và đứng thứ hai tại Ý, Ba Lan, Hungary và Tây Ban Nha. Cũng giống như Apple và Samsung, Huawei cho ra mắt các mẫu điện thoại thông minh tại các sự kiện tổ chức ở Munich và London, mời hàng trăm nhà báo và bỏ rất nhiều tiền để quảng bá thu hút nhiều người tham dự.

Sống sót từ sự hỗ trợ của chính phủ

Ông Nhiệm Chính Phi hướng dẫn Chủ tịch Tập Cận Bình thăm quan chi nhánh của Huawei tại London

Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei), một cựu kỹ sư quân đội đã thành lập công ty Huawei ở Thẩm Quyến vào năm 1987 để kinh doanh thiết bị chuyển mạng (switch). Đến năm 2000, khi Huawei phát triển nhanh hơn, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) đã gặp gỡ Nhiệm Chính Phi và nói với ông rằng: Chính phủ sẽ cho Huawei vay 300 triệu nhân dân tệ (35 triệu USD) để phát triển. Tuy nhiên, ông Nhiệm đã từ chối vì không muốn gắn bó quá chặt chẽ với Chính phủ.

Nhưng một hình thức hỗ trợ ít trực tiếp hơn từ Chính phủ đã giúp Huawei hưởng lợi. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, có nhiệm vụ hỗ trợ các công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động ở nước ngoài, đã ký một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Huawei để cung cấp khoản tín dụng này cho các khách hàng của Huawei ở châu Phi và Mỹ La tinh. Khoản tín dụng này sau đó đã được nâng lên 30 tỷ USD. Cũng cần biết rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là ngân hàng lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản lên đến 1,8 nghìn tỷ USD.

"Nếu không có chính sách của Chính phủ để hỗ trợ các công ty Trung Quốc, Huawei đã không còn tồn tại", ông Nhiệm Chính Phi cho biết. Doanh thu của Huawei đã tăng vọt từ mức 3,8 tỷ USD năm 2004 lên mức 18,3 tỷ USD năm 2008. Cũng nhờ các khoản tín dụng ngân hàng mà Huawei có thể bán các thiết bị viễn thông với giá thấp hơn từ 10-30% so với các đối thủ cạnh tranh. Các giám đốc điều hành của Huawei cũng thường xuyên tháp tùng các quan chức cấp cao Nhà nước trong các chuyến công du nước ngoài để ký kết các hợp đồng thương mại. ;   

Dẫn đầu thị trường nội địa

Ở Trung Quốc, quốc gia mua sắm điện thoại thông minh nhiều nhất thế giới, cuộc chiến cho ngôi vị số 1 diễn ra quyết liệt giữa 4 người khổng lồ Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo. Tuy nhiên, ưu thế của Huawei vẫn là nổi bật nhất. Đến cuối năm 2015, Huawei lần đầu tiên dẫn đầu "bảng xếp hạng", vượt qua Apple và Xiaomi khi doanh số smartphone tăng hơn 40%. Những con số thống kê gần đây nhất từ nhiều công ty phân tích thị trường cho thấy Huawei hoặc giữ vị trí số 1, hoặc là một trong hai hãng dẫn đầu thị phần điện thoại di động Trung Quốc.

Cách đây vài năm, người tiêu dùng Trung Quốc thậm chí còn không biết đến Huawei là cái gì. Trong nhiều năm trước, Huawei là một trong số các công ty sản xuất điện thoại giá rẻ, chất lượng thấp, phần lớn là các điện thoại không ghi thương hiệu để các nhà mạng tự in logo vào. Huawei đã loay hoay mãi mà không tìm được lối ra. Năm 2008 hãng này đã từng rao bán mảng kinh doanh điện thoại di động nhưng không tìm được người mua.

Người sáng lập Huawei kiêm Giám đốc điều hành Nhiệm Chính Phi đã cảm thấy rất bối rối khi các nhân viên của Huawei không sử dụng điện thoại của hãng mà lại mua điện thoại của Apple và Samsung. Cho đến khi Richard Yu là Trưởng đại điện Huawei tại châu Âu trở về lãnh đạo bộ phận Khách hàng năm 2011, ông nhận thấy Huawei cần phải sản xuất các thiết bị chất lượng cao hơn. Nhưng điều này không thể xảy ra chỉ trong một đêm. "Tôi nhớ rằng năm đầu tiên khi tôi phụ trách mảng kinh doanh smartphone, chúng tôi chỉ bán được dưới 1 triệu chiếc", Yu cho biết.

Yu và các cộng sự của mình đã tận dụng chuyên môn về thiết bị mạng để tạo ra lợi thế cho mình trong cuộc đua nước rút chế tạo điện thoại thông minh. Thời điểm Yu nắm quyền ở Huawei cũng là lúc Qualcomm, Ericsson, Nokia và một số công ty phương Tây và Nhật Bản nắm giữ các bằng sở hữu trí tuệ mạng di động 3G ở các quốc gia phương Tây, khiến cho Huawei không thể chen chân vào được. Tuy nhiên, Huawei đã dành năng lượng của mình để phát triển các tiêu chuẩn và sáng chế cho điện thoại 4G, chạy trên các mạng có tốc độ nhanh gấp 10 lần 3G.

Nhà nghiên cứu Neil Shah của hãng Counterpoint Research cho biết: "Trong vòng 3 đến 4 năm qua Huawei đã đầu tư rất nhiều cho sở hữu trí tuệ công nghệ 4G. Nó gần như ngang bằng với những gì Apple và Samsung đã làm. Điều đó cho phép Huawei bán điện thoại tại các thị trường phương Tây mà không vấp phải những kiện tụng về sở hữu trí tuệ".

Năm 2014, Huawei đã sản xuất được những chiếc điện thoại di động có chất lượng ngang bằng, thậm chí xét trên một vài khía cạnh còn tốt hơn Samsung. Điện thoại của Huawei được trang bị modem giúp cho người dùng có thể nhận cuộc gọi khi họ ở trong tầng hầm hay bãi đỗ xe, trong khi các hãng khác không trang bị modem cho điện thoại của họ. Huawei cũng trang bị cho điện thoại của mình một máy ảnh mạnh mẽ và thiết kế bóng bẩy. Chiếc P9 của hãng được trang bị máy ảnh kép vài tháng trước khi iPhone 7 Plus ra đời.            

Đến quý 3/2016, 60% các lô hàng điện thoại thông minh bán ra của Huawei là các điện thoại tầm trung và cao cấp, trái ngược hẳn với quá khứ của hãng là một nhà sản xuất điện thoại giá rẻ.

Richard Yu, Giám đốc Khách hàng của Huawei giới thiệu smartphone Mate 9 tại sự kiện ở Munich tháng 11/2016

Doanh thu 35 tỷ USD mỗi năm từ thiết bị mạng đã giúp cho Huawei có một nền tảng tài chính dồi dào để tiếp thị sản phẩm đến hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc. Hãng đã chứng tỏ mình có một cơ chế kinh doanh rất linh hoạt, có thể bán cả điện thoại cao cấp và giá rẻ. Khi một đối thủ cạnh tranh là Oppo giành được thị phần từ người tiêu dùng nữ, Huawei đã đối phó bằng dòng sản phẩm mới mang tên Nova. Năm 2014 khi Xiaomi đưa ra mô hình kinh doanh điện thoại trực tuyến, cung cấp sản phẩm giá rẻ nhờ loại bỏ chi phí xây dựng các cửa hàng bán lẻ, Huawei đã phản ứng bằng cách thiết lập một thương hiệu giá rẻ trực tuyến của riêng mình là Honor. Điện thoại giá rẻ Honor chiếm đến 40% số lượng điện thoại bán ra năm 2015 của Huawei. Tất nhiên hãng vẫn thu được rất nhiều lợi nhuận từ kinh doanh điện thoại cao cấp.

Chinh phục Trung Quốc giúp Huawei phát triển mạnh mẽ, nhưng đây không phải là thị trường để Huawei làm giàu. Thống kê của Strategy Analytics cho thấy Huawei đã thu được 200 triệu USD lợi nhuận từ kinh doanh điện thoại thông minh trong quý 3 năm 2016. Nhưng con số này còn kém xa so với 8,5 tỷ USD của Apple. Cơ hội của Huawei ở thị trường Trung Quốc bị giới hạn bởi các đối thủ luôn sẵn sàng bỏ thêm tiền để tranh giành thị phần. Ông Richard Yu nói rằng châu Âu, nơi mà Huawei bán được nhiều điện thoại giá cao, mới là thị trường béo bở.

Nỗ lực bám đuổi Apple trên toàn cầu

Người khổng lồ viễn thông Trung Quốc tự tin sẽ sớm vượt qua "Táo khuyết" trên toàn cầu. Ông Richard Yu cho biết: "Chúng tôi đang liên tục đổi mới, từng bước từng bước một bắt kịp Apple". Yu nói rằng Huawei sẽ vượt qua Apple ở doanh số thiết bị cầm tay vào năm 2018. Đó là một tham vọng rất lớn nhưng không phải là không đạt được. Trong quý 3 năm 2016, Huawei đã bán được 34 triệu chiếc điện thoại thông minh so với 46 triệu chiếc của Apple. Tuy nhiên, cả hai hãng còn cách khá xa Samsung với doanh số 73 triệu chiếc.

Để thu hẹp khoảng cách với Apple và Samsung, Huawei cần tái lập sự thành công ở Phần Lan sang các thị trường lớn hơn, chẳng hạn như Hoa Kỳ. Ở châu Âu, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Vodafone, T-Mobile (Đức) và Orange (Pháp) khi mua thiết bị mạng của Huawei đã được giảm giá đáng kể các hợp đồng mua điện thoại thông minh. Đây là một dạng hợp đồng phụ mà từ trước đến nay Huawei vẫn giấu kín. "Chiêu" này của Huawei không có nhà sản xuất điện thoại nào theo được, vì họ không có nền tảng công nghệ rộng như người khổng lồ Trung Quốc.

Nhưng Huawei sẽ không thể sử dụng thủ thuật này ở Hoa Kỳ. Những căng thẳng về địa chính trị đã ngăn cản Huawei bán các thiết bị viễn thông sang Mỹ. Cái tên Huawei đối với các nhà mạng Mỹ là một thương hiệu xa lạ. Không phải ngẫu nhiên, điện thoại thông minh của Huawei giống như một "người tàng hình", chỉ chiếm 0,4% tại thị trường này.

Huawei phải giải bài toán khó ở thị trường Mỹ

Ông Nhiệm Chính Phi đã nhiều lần đề cập đến kế sách thâm nhập vào thị trường Mỹ. Nhưng những nỗ lực đi vào thị trường này của Huawei cho đến nay vẫn như muối bỏ biển. Ở Mỹ, Huawei không lọt được vào top 10 các nhà bán lẻ điện thoại thông minh. Hãng này thậm chí còn đứng sau cả những thương hiệu "ất ơ" như BLU và OnePlus. Website bán hàng trực tuyến GetHuawei.com cũng không có mấy người ghé thăm. Người tiêu dùng Mỹ thường mua điện thoại qua các trang Best Buy hay Walmart.com, nhưng cũng không có nhiều người mua sản phẩm Huawei. Trong quý 3 năm 2016, hãng này chỉ bán được 153 nghìn điện thoại thông minh tại thị trường Mỹ, trong khi Apple bán được gần 12 triệu chiếc.

Mối quan hệ gần gũi giữa Huawei với chính phủ và cả với quân đội Trung Quốc theo đồn đoán đã cản trở công việc kinh doanh của Huawei tại thị trường Mỹ trong một thập kỷ qua. Nỗ lực của Huawei mua lại hai công ty thiết bị mạng và máy chủ của Mỹ đã bị ngăn chặn hai lần vào các năm 2007 và 2010. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Nhà Trắng đã ngăn chặn các giao dịch trên do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Năm 2010, các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa trong Thượng viện đã ngăn cản Huawei đấu thầu để bán thiết bị mạng cho Sprint Nextel. Đến năm 2012, Ủy ban Tình báo của Nhà Trắng đã đưa ra một báo cáo tỏ ý quan ngại về mối quan hệ khăng khít giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc. Mặc dù các bằng chứng đưa ra là rất ít ỏi, song lời khuyến cáo của Ủy ban Tình báo vẫn có sức nặng đối với các công ty Mỹ. Và chính quyền của Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ còn khắt khe hơn khi buôn bán với các công ty Trung Quốc.

Ông Richard Yu nói rằng hãng này sẽ phải xây dựng lại các mối quan hệ. "5 năm qua chúng tôi đã không có một chiến lược đúng đắn. Chúng tôi cũng không sử dụng nhân lực phù hợp". Gần đây, Huawei đã thuê Michelle Xiong, một cựu giám đốc điều hành của Verizon có kinh nghiệm đàm phán với các nhà sản xuất thiết bị, để giúp hãng này đẩy mạnh việc bán hàng tại Mỹ.

Những trở ngại ở thị trường Mỹ không ngăn cản được tham vọng của Huawei. "Chúng tôi muốn chiếm vị trí thứ hai trong thị phần điện thoại thông minh tại Mỹ, và đến năm 2021 sẽ là người dẫn đầu", ông Yu cho biết.             

Huawei có thể sẽ phát triển mạnh nhờ những công nghệ đột phá như 5G. Hiện tại công nghệ 5G mới chỉ được mọi người hình dung chứ chưa có thực. Có lẽ đến năm 2020 công nghệ này mới được hoàn thiện. 5G cung cấp một tốc độ mạng nhanh gấp 60 lần so với chuẩn 4G, hỗ trợ kết nối các thiết bị nhiều gấp 1.000 lần so với 4G. Các nhà phân tích cho rằng Huawei cùng với Ericsson sẽ là hai hãng đi đầu trong việc hoàn thiện công nghệ 5G.

Vào tháng 11 năm ngoái ở Phần Lan, hãng Elisa đã thiết lập một kỷ lục thế giới mới. Hãng này đã gửi các gói dữ liệu qua mạng của mình với tốc độ lên tới 1,9 gigabit mỗi giây. Đây là một tốc độ truyền dữ liệu cực nhanh, có thể hỗ trợ các nội dung thực tế ảo mà không gặp bất cứ trục trặc nào. Hệ thống mạng thử nghiệm này của Elisa đã được xây dựng bởi Huawei. Đây có thể là viên gạch đầu tiên của một siêu xa lộ thông tin trong tương lai.

Huawei sẽ phải tiếp tục sở hữu các công nghệ mới và giải bài toán cực khó tại thị trường Hoa Kỳ nếu muốn vượt qua Apple và Samsung trong tương lai.

Đăng Khoa

Chủ đề khác