VnReview
Hà Nội

Samsung sẽ “lạc trôi” về đâu sau khi Phó Chủ tịch bị bắt?

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đã bị bắt giữ vì tội đưa hối lộ cho người bạn thân của Tổng thống Park. Vụ bắt giữ ông Lee đã đẩy tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đến bờ miệng vực. Liệu Samsung có thể "thoát hiểm" hay trở về điểm xuất phát là một công ty bán hoa quả và cá khô như cách đây 80 năm?

Son Young-ho, 44 tuổi xúc động nhớ lại ngày làm việc đầu tiên cho Samsung Card cách đây hai thập kỷ: "Tôi đã rất tự hào khi bắt đầu sự nghiệp của mình tại Samsung, tại văn phòng ở trung tâm thành phố Seoul. Lúc đó, tôi cảm thấy tương lai của mình đã được đảm bảo".

Giống như Son, hàng trăm sinh viên tốt nghiệp Đại học mỗi năm đều ước mơ được khoác bộ áo có logo màu xanh của Samsung. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người được tuyển chọn vào các công ty hàng đầu của Hàn Quốc.

Theo tờ;Nikkei Asian Review, Samsung là một tập đoàn có quy mô lớn nhất ở xứ sở Kim Chi. Tổng tài sản của tập đoàn chiếm 1/5 GDP của đất nước và chiếm hơn 30% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Mọi người thường nói đến cụm từ "Cộng hòa Samsung" để ám chỉ tầm ảnh hưởng của công ty này đến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Samsung luôn có sự tôn trọng mọi người. Những scandal trốn thuế lặp đi lặp lại và những nghi ngờ về hối lộ đã khiến cho Samsung trở thành đối tượng bị công kích thường xuyên. Trong vòng hơn một năm, các cựu nhân viên Samsung cùng với gia đình của họ đã ngồi biểu tình trước văn phòng của hãng ở Gangnam đòi hỏi một lời xin lỗi và bồi thường cho các công nhân bị mắc bệnh bạch cầu khi làm việc tại nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

Giọt nước cuối cùng đã tràn ly khi sáng 17/2, Tòa án Trung tâm Seoul đã phê chuẩn việc bắt giữ ông Lee Jae-yong. Người thừa kế thứ ba của tập đoàn Samsung bị nghi ngờ là đã trả 43 tỷ won (37,3 triệu USD) cho hai tổ chức phi chính phủ của bà Choi Soon-sil, người bạn thân thiết của Tổng thống Park Geun-hye, để đổi lấy những ưu đãi từ Chính phủ.

Hồi tháng Giêng, Tòa án đã từ chối yêu cầu của các công tố viên cho một lệnh bắt giữ ông Lee vì cho rằng thiếu bằng chứng. Tuy nhiên những cuộc điều tra nhắm vào Lee Jae-yong và các mối quan hệ của ông vẫn tiếp tục được tiến hành. Đến ngày 3/2, các công tố viên đã ập vào cơ quan quản lý tài chính và chống độc quyền của nước này, thu giữ các tài liệu liên quan đến ông Lee. Qua việc thu thập các bằng chứng và lời khai, các nhà điều tra đã kết luận rằng để đổi lấy hối lộ từ Samsung, Tổng thống Park đã gây áp lực để Quỹ Hưu trí Quốc gia bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập giữa Samsung C&T và Cheil Industries vào năm 2015. Đây là một sự sáp nhập gây nhiều tranh cãi khi nó giúp ông Lee tăng cường quyền lực trong tập đoàn.

Việc sáp nhập đã tăng cổ phần của ông Lee Jae-yong trong công ty C&T lên 16,5%. C&T là một công ty quan trọng trong cơ cấu sở hữu của tập đoàn, khi nó nắm giữ 4,2% cổ phần của Samsung Electronics - một mỏ vàng của tập đoàn Samsung.

Giáo sư triết học Kim Sang-bong thuộc Đại học Quốc gia Chonnam cho rằng gia đình Lee đang có một quyền lực quá lớn: "Samsung đang đứng trên cả luật pháp và đất nước. Gia đình Lee có một quyền lực không thể kiểm soát được. Trong xã hội này, quyền lực chính trị là để phục vụ cho lợi ích của gia đình Lee Jae-yong".

Sau khi bị tạm giữ để thẩm vấn và được thả hồi tháng Giêng, ông Lee đã có những hành động để thực hiện lời hứa trong một buổi điều trần của Quốc hội. Hành động đầu tiên là rút tư cách thành viên của Samsung Electronics khỏi Liên đoàn ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI) – một tổ chức chuyên vận động hành lang cho các công ty lớn. FKI đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tiền từ các công ty lớn cho hai tổ chức của bà Choi.

Một lời hứa khác được ông Lee thực hiện trong nội bộ tập đoàn. Ông Lee dự định đóng cửa Văn phòng Chiến lược Tương lai - vốn được cho là có liên quan trực tiếp đến vụ bê bối của Samsung và Tổng thống Park. Báo chí địa phương cũng đã đưa tin rằng ông Lee sẽ ủng hộ cho xã hội số tiền 1 tỷ USD thuộc về tài sản cá nhân, tuy nhiên Samsung đã phủ nhận việc này.

Những động thái nói trên đã không giúp cho ông Lee thoát khỏi cuộc điều tra, và một lệnh bắt giữ cuối cùng đã được thực hiện vào hôm 17/2.

Chịu áp lực lớn

Các cổ đông đang gây áp lực với Samsung để yêu cầu một lời giải thích về vụ bê bối. Hồi tháng 12, công ty APG Asset Management đã gửi một bức thư cho Samsung Electronics đề nghị giải thích về cáo buộc tài trợ cho tổ chức của bà Choi. APG đang nắm giữ 0,8% cổ phần của Samsung Electronics.

Trong khi đó, quỹ đầu cơ Elliott Management của Hoa Kỳ đang nắm giữ 0,62% cổ phần của Samsung đã yêu cầu tập đoàn này trả thêm tiền cổ tức và đa dạng hóa bộ máy quản trị. Elliott Management phản đối việc sáp nhập C&T và Cheil vì cho rằng nó chỉ đem lại lợi ích cho các cổ đông của Cheil mà thôi.

Các chính trị gia cũng kêu gọi Samsung minh bạch hóa việc điều hành doanh nghiệp. Họ cáo buộc gia đình Lee nắm quyền kiểm soát toàn bộ tập đoàn mặc dù chỉ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong các công ty con. Hiện gia đình họ Lee nắm 39,1% cổ phần ở Samsung C&T, qua đó sở hữu 19,3% cổ phần tại Samsung Life Insurance và 4,2% trong Samsung Electronics. Samsung Life Insurance quản lý tài chính của tất cả các công ty con trong tập đoàn, còn Samsung Electronics kiểm soát các hoạt động khác.               

Ông Moon Jae-in thuộc Đảng đối lập Minjoo – một người được dự đoán có nhiều khả năng đắc cử Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian tới, đã cam kết nếu thắng cử ông sẽ buộc Samsung phải xin lỗi về những bê bối đã gây ra.

Ai là người lãnh đạo tạm thời?

Sau khi Lee Jae-yong bị bắt, một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ thay thế ông lãnh đạo tập đoàn? Các nhà phân tích cho rằng Phó Chủ tịch Kwon Oh-hyun, Chủ tịch Yoon Boo-keun và Chủ tịch Shin Jong-kyun là những ứng cử viên nặng ký cho vị trí này. Cả 3 nhân vật trên đều nằm trong hội đồng quản trị của Samsung.

Chủ tịch Samsung Electronics Shin Jong-kyun

Phó Chủ tịch Kwon, 64 tuổi, là người lãnh đạo mảng kinh doanh các giải pháp thiết bị của tập đoàn, trong khi Chủ tịch Yoon phụ trách bộ phận điện tử tiêu dùng trong 5 năm qua. Chủ tịch Shin, 61 tuổi, nắm quyền điều hành bộ phận công nghệ thông tin và truyền thông di động trong năm 2012.

Ông Kwon đã làm việc cho Samsung trong hơn 3 thập kỷ. Ông có bằng tiến sỹ kỹ thuật điện của Đại học Stanford. Còn ông Yoon đã cống hiến gần 40 năm cho tập đoàn, góp phần tạo ra nhiều mẫu tivi và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Ông học kỹ thuật viễn thông tại Đại học Hanyang ở Seoul. Chủ tịch Shin là một chuyên gia về viễn thông di động, là động lực đằng sau sự thành công của Samsung trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh trong những năm qua. Danh tiếng của ông có bị tổn hại đôi chút bởi sự cố Galaxy Note 7 năm ngoái.

Người lãnh đạo vắng mặt

Còn một nhân vật quan trọng mà sự hiện diện của ông sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của công ty, đó chính là Chủ tịch Lee Kun-hee, cha của Lee Jae-yong. Chính ông Lee Kun-hee đã biến Samsung thành một thương hiệu có giá trị toàn cầu. Ông đang phải điều trị trong bệnh viện suốt 3 năm qua sau khi bị một cơn đau tim vào năm 2014.

Mặc dù con trai của ông đã tiếp quản phần lớn chiếc ghế lãnh đạo, nhưng nếu ông mất đi sẽ để lại một gánh nặng về thuế thừa kế cho Lee Jae-yong. Vị Chủ tịch này đang nắm 3,58 cổ phần của Samsung Electronics, tương đương khoảng 15 nghìn tỷ won. Nếu ông mất đi, Lee Jae-yong sẽ phải đóng một khoản thuế trị giá 3 tỷ won.

Một số người cho rằng khi ông Lee Kun-hee mất đi, một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực sẽ diễn ra giữa Lee Jae-yong và các giám đốc điều hành hiện tại. Lee Jae-yong có thể bãi nhiệm các CEO do cha mình bổ nhiệm, sau đó đưa người của mình vào để củng cố quyền lực.

Cái chết của ông Lee Kun-hee sẽ đánh dấu sự kết thúc của thế hệ lãnh đạo thứ hai của tập đoàn Samsung. Dưới sự lãnh đạo của ông, Samsung đã phát triển rất mạnh mẽ, nhưng quyền lợi của công nhân đã bị hy sinh quá nhiều.

Thời điểm để thay đổi

Các nhà quan sát cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Samsung và các Chaebol (đại tập đoàn) cải tổ quản lý doanh nghiệp. Quốc hội nên sửa đổi Luật Thương mại, đưa ra các biện pháp để tăng quyền lợi cho cổ đông, chẳng hạn như cho phép họ bỏ phiếu trực tuyến trong các cuộc họp. Quỹ Hưu trí Quốc gia cũng cần thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc ngăn chặn các Chaebol đặt lợi nhuận của mình lên trên quyền lợi của cổ đông.

Gần đây Samsung đã thực hiện một số động thái để bảo vệ quyền lợi cổ đông. Đáp lại những lời chỉ trích rằng cả 9 thành viên hội đồng quản trị đều là người Hàn, Samsung tuyên bố hồi tháng 11 rằng tập đoàn sẽ bổ sung ít nhất một giám đốc điều hành có kinh nghiệm quản lý quốc tế vào hội đồng quản trị.

Cho dù đang gặp bê bối, nhưng doanh thu của Samsung Electronics vẫn rất khả quan nhờ thắng lợi của mảng kinh doanh bán dẫn. Lợi nhuận của hãng đã tăng 50,2% trong năm ngoái, đạt mức 9,22 nghìn tỷ won trong quý IV năm 2016. Kết quả này đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng sau thất bại của điện thoại Galaxy Note 7 hồi tháng 10. Doanh thu quý IV của hãng là 53,3 nghìn tỷ won, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Tổng doanh thu năm 2016 của Samsung đạt mức 201,9 nghìn tỷ won, tăng 1% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 19,9% lên mức 22,4 nghìn tỷ won. Samsung thông báo chi trả cổ tức 27.500 won cho mỗi cổ phiếu. Tổng số tiền chi trả cổ tức là 3,85 nghìn tỷ won, tăng 24,2% so với năm 2015.

Các nhà phân tích cho rằng Samsung có thể tiếp tục duy trì doanh số ấn tượng trong năm nay nhờ nhu cầu mạnh mẽ của thị trường về bộ nhớ lưu trữ. Choi Do-yeon, nhà phân tích của Kyobo Securities nhận định: "Trong quý II năm nay, Samsung có thể đạt được mức lợi nhuận 10 nghìn tỷ won nhờ nhu cầu tăng cao về bộ nhớ lưu trữ".

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Samsung Electronics đã sụt giảm 5% kể từ hôm 26/1 trong khi chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc hầu như không có sự thay đổi nào.

Một thử thách khác đối với Samsung là thị trường điện thoại thông minh. Trong quý IV năm ngoái, Samsung đã tụt xuống vị trí thứ hai sau Apple với doanh số điện thoại giảm 5,2%, với 77,5 triệu chiếc smartphone được bán ra. Apple vượt lên với 78,3 triệu chiếc được tiêu thụ nhờ thành công của iPhone 7 và 7 Plus.

Việc điều tra hối lộ vẫn đang như một thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu đế chế Samsung. Các nhà phân tích nói rằng đây là một thời điểm quan trọng đối với tập đoàn. Việc bắt giữ Phó Chủ tịch Lee có thể không tác động ngay lập tức đến xếp hạng tín dụng của Samsung, tuy nhiên nó sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Một đội ngũ CEO chuyên nghiệp có thể điều hành hoạt động hàng ngày của tập đoàn, nhưng các chiến lược đầu tư dài hạn cũng như các kế hoạch mua bán sáp nhập, mở rộng thị trường sẽ bị trì hoãn.

Tháng 11 năm ngoái, Samsung Electronics đã đồng ý mua lại công ty Harman International của Mỹ với giá 8 tỷ USD để nhảy vào thị trường xe hơi thông minh. Việc mua lại Harman cho thấy Samsung đang quan tâm đến những lĩnh vực mới để tạo động lực phát triển cho tập đoàn. Ngoài xe hơi thông minh, Samsung cũng đang bước chân vào các lĩnh vực khác như dược sinh học và trí tuệ nhân tạo. Những hoạt động như vậy đòi hỏi phải có một người lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán. Việc bắt giữ ông Lee Jae-yong giống như một con sóng lớn đánh vào mạn, đẩy con thuyền Samsung "lạc trôi" ra xa bến đỗ.

Đăng Khoa

Chủ đề khác