VnReview
Hà Nội

Xiaomi tự sản xuất chip: Qualcomm có nên lo lắng về “thế lực Xiaomi”?

Một trong những đối tác Trung Quốc lớn nhất của Qualcomm là Xiaomi bắt đầu tự sản xuất chip.

Nhà sản xuất chip di động Qualcomm và đại gia smartphone Trung Quốc Xiaomi thường xem nhau là đối tác gần gũi. Qualcomm trở thành một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Xiaomi vào năm 2011, và tất cả thiết bị flagship của Xiaomi đều dùng chip Qualcomm. Khi những quy định chính sách tại Trung Quốc gây khó dễ cho Qualcomm, buộc hãng phải đàm phán lại các điều khoản giấy phép với các nhà sản xuất thiết bị gốc, Xiaomi là một trong những công ty đầu tiên ký hợp đồng mới với Qualcomm.

Tuy nhiên, liên minh này đang dần yếu đi. Xiaomi bắt đầu dùng chip MediaTek trong các thiết bị rẻ hơn, và tin đồn còn cho biết Xiaomi đang tự phát triển chip riêng. Những tin đồn này cuối cùng cũng được xác nhận vào cuối tháng Hai, khi Xiaomi trình làng chip Surge S1 cho dòng smartphone tầm trung Mi 5c mới.

Surge S1 là chip 28nm với 8 lõi, 4 lõi chạy ở tốc độ 2.2HGz và 4 lõi nữa chạy ở tốc độ 1.4GHz. GPU Mali T-860 MP4 của nó có thể chạy video 4K. Những đặc điểm này khiến chip Xiaomi có phần mạnh hơn Snapdragon 625, một vi xử lý 8 lõi phổ biến của Qualcomm, dùng trong các thiết bị tầm trung như Mi Note 4 của Xiaomi. S1 do chi nhánh Pinecone Electronics của Xiaomi sản xuất, qua sự hợp tác với nhà sản xuất chip Trung Quốc Leadcore.

Vì sao Xiaomi cần sản xuất chip riêng?

Vào năm 2014, Xiaomi là nhà sản xuất smarphone lớn nhất Trung Quốc. Nhưng cuối năm 2016, Xiaomi đã rớt xuống vị trí thứ 5, sau Oppo, Huawei, Vivo và Apple. Sự rớt hạng này do các hãng cạnh tranh tràn ngập thị trường bằng những điện thoại có giá tương đương, do người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các thiết bị đắt hơn, và sự suy thoái chung của thị trường smartphone Trung Quốc.

Tháng 11/2016, Xiaomi thừa nhận mảng kinh doanh điện thoại cốt lõi của họ không có lợi nhuận. Tháng 1/2017, hãng không còn tiết lộ con số doanh thu hàng năm và đột ngột tuyên bố không dự MWC 2017. Những động thái này cho thấy công ty đang chật vật để sống trên thị trường Trung Quốc đông đúc.

Tuy nhiên, Xiaomi cũng lưu ý họ có thể theo Apple, Huawei và Samsung, phát triển chip ARM riêng. Sản xuất chip riêng là một khoản đầu tư đắt đỏ, nhưng là ván bài dài hạn thông minh vì nó giảm sự phụ thuộc của Xiaomi vào các nhà sản xuất chip như Qualcomm, giảm chi phí sản xuất, thắt chặt chuỗi cung ứng và mang lại cho Xiaomi quyền kiểm soát phần cứng và phần mềm – có thể tùy biến tốt hơn các thiết bị của hãng cho hệ điều hành Android tùy biến MIUI của Xiaomi.

Ngoài việc giảm chi phí và tăng hiệu suất, nhà phân tích IDC Bryan Ma lưu ý rằng chip của Xiaomi có thể vận hành tốt hơn với hệ sinh thái nhà thông minh, bao gồm máy lọc không khí, đèn và thậm chí là nồi cơm điện. Xiaomi cũng có thể dùng chip của họ để thay chip MediaTek tại Ấn Độ, hiện đang dính rắc rối bản quyền với Ericsson.

Điều này có nghĩa là gì với Qualcomm?

Việc Xiaomi sản xuất chip không phải là tin tốt lành với Qualcomm, nhưng không có dấu hiệu gì Xiaomi sẽ ngừng dùng chip Qualcomm. Chiếc Mi 5c chỉ là một thiết bị giá rẻ trong gia đình Mi 5 chủ lực của Xiaomi – bao gồm Mi 5, Mi 5S, Mi 5S Plus. Cả ba thiết bị Mi 5 đều dùng chip Qualcomm.

Smartphone Xiaomi Mi 5c

Vì thế, Surge S1 có thể chỉ khiến MediaTek tổn thương – hãng đang cung cấp cho Xiaomi các biến thể chip cho thiết bị tầm thấp và trung. Nếu Surge S1 trở thành chip tầm trung chính thức của Xiaomi, hãng có thể dừng sử dụng chip MediaTek, còn chip Qualcomm vẫn dùng trong các thiết bị cao cấp.

Snapdragon của Qualcomm có thể đánh mất vị trí trong các thiết bị tầm trung như Mi Note 4, nhưng tác động chung là rất nhỏ. Thị phần toàn cầu của Xiaomi có thể dưới mức 5%, và có khả năng tiếp tục giảm khi Oppo, Huawei và Vivo ra thiết bị mới. Do một số thiết bị Oppo, Huawei và Vivo dùng chip Qualcomm, doanh số các thiết bị này cao hơn có thể dễ dàng bù vào tổn thất của Qualcomm (nếu có) với Xiaomi.

Các nhà đầu tư của Qualcomm có cần lo lắng?

Theo trang web chuyên phân tích về tài chính Fool.com của CNN, nếu Xiaomi ra Surge S1 vào năm 2014, các nhà đầu tư có thể sẽ lo lắng. Nhưng Xiaomi chỉ ra chip mới cho thị trường tầm trung hiện nay, và mọi tổn thất từ phía Xiaomi gây ra đều có thể được đền bù bởi doanh thu cao của các thiết bị Android đối thủ.

Vì thế, các nhà đầu tư không nên xem tuyên bố của Xiaomi là mối đe dọa với Qualcomm. Tuy nhiên, xu hướng chung cũng rất khó đoán, vì mảng kinh doanh chip của Qualcomm đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số đi ngang trong quý vừa qua, có thể tiếp tục mất thị phần vào chip ARM của bên thứ nhất trong một tương lai khó định trước.

Hoàng Lan

Chủ đề khác