VnReview
Hà Nội

Phải "làm ăn" với Apple như thế nào để được bán iPhone?

Các cửa hàng có thể đăng ký qua mạng để trở thành đại lý ủy quyền của Apple. Quy trình này nghiêm ngặt nhưng yêu cầu không quá nhiều.

Những ngày gần đây, giới kinh doanh di động tại Việt Nam đang xôn xao về việc đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam là công ty Võ Trần (VOTRA) gửi thư thông báo và khuyến cáo, yêu cầu hàng loạt cửa hàng gỡ bỏ biểu tượng quả táo cắn dở, tên gọi "Apple", "iPhone" cùng hàng loạt tên gọi quen thuộc như "Apple Store, App Store", "iPad", "iPod" hay "MacBook" do những thương hiệu này đều đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Với dân kinh doanh nhỏ lẻ, đây chẳng khác nào đòn đau giáng vào "nồi cơm" của họ. Ai cũng biết, đây chính là những thương hiệu dễ gây chú ý nhất với người tiêu dùng. Từ lâu, các sản phẩm Táo khuyết đã là biểu tượng của sản phẩm di động tại Việt Nam.

Nhiều cửa hàng kinh doanh di động sử dụng các thương hiệu của Apple đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: Duy Tín.

Để tiếp tục kinh doanh mà không vi phạm quyền bảo hộ thương hiệu, các cửa hàng này buộc phải thay thế bảng hiệu. Một số khác nghĩ đến việc trở thành đại lý ủy quyền của Apple - Apple Authorised Reseller (AAR).

Một đại lý ủy quyền của Apple (AAR) được định nghĩa là đối tác kinh doanh, có hợp đồng với công ty Apple Computer Inc., bán phần mềm, sản phẩm phần cứng của họ. Những đại lý ủy quyền sau khi đăng ký thành công sẽ xuất hiện trên website của Apple tại khu vực mà họ đăng ký. Đây là những khu vực Apple chưa có cửa hàng chính thức (Apple Store).

Mẫu đơn đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple. Ảnh chụp màn hình.

Để trở thành đại lý ủy quyền của Apple, bạn phải sở hữu một doanh nghiệp đang hoạt động. Apple chấp nhận cho các ứng viên đăng ký qua mạng theo một quy trình mà hãng cho là "đơn giản" nhưng yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt.

Điều kiện tiên quyết là cửa hàng phải tự đánh giá tình hình kinh doanh và tài chính của mình. Họ phải có một tài khoản đang hoạt động với một nhà phân phối được Apple ủy quyền và phải từng có liên hệ với ít nhất 2 đối tượng kinh doanh của Apple (nếu kinh doanh iPhone là 3). Đó có thể là khách hàng hoặc nhà cung cấp của bạn.

Theo trang Chrone, cửa hàng còn phải cam kết doanh thu tối thiểu 100.000 USD/năm (tương đương 2,2 tỷ đồng) để được trở thành đại lý ủy quyền của Apple.

Truy cập trang đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple, có thể thấy hãng chia làm 4 phần gồm có thông tin cơ bản của doanh nghiệp như tên doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp, hình thức kinh doanh, và sản phẩm bạn muốn đăng ký bán (iPhone, iPad, Mac, phụ kiện vv...).

Các bước để đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple.

Phần thứ 2 yêu cầu cửa hàng đăng ký địa chỉ và thông tin liên lạc. Sau đó, Apple yêu cầu cửa hàng gửi bản tài liệu cửa hàng như đăng ký kinh doanh, chứng chỉ bảo hiểm, ảnh địa điểm bán hàng, logo công ty hoặc chứng nhận thuế. Các giấy tờ này có thể sử dụng đuôi PDF, JPGE, TIF, PNG hoặc GIF.

Hoàn tất xong những thông tin đăng ký này, đại diện cửa hàng chỉ việc xác nhận và chờ phản hồi từ phía Apple.

Theo chia sẻ của một nhân viên thuộc Authorised Premium Reseller (APR) tại Việt Nam, việc đăng ký trở thành đại lý ủy quyền của Apple không quá khó khăn.

Anh này cho hay, Apple chỉ quản lý chặt chẽ các đại lý cấp Premium Reseller, từ băng rôn khẩu hiểu, bảng biểu quảng cáo, cách bài trí cửa hàng cho đến trình độ nhân viên. Trong đó, yêu cầu đối với Authorised Reseller cấp thông thường không quá khắt khe.

Những đại lý ủy quyền của Apple sẽ xuất hiện trên website Apple khi người dùng tìm kiếm theo địa phương. Ảnh: Apple.

Khi trở thành đại lý ủy quyền của Apple, cửa hàng sẽ có được không ít lợi ích, chẳng hạn có thêm những chương trình giảm giá sản phẩm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ đại lý ủy quyền cung cấp dịch vụ (Apple Authorised Service Provider) địa phương, truy cập và sử dụng các tài liệu bán hàng và marketing do Apple phát hành hoặc các chương trình đào tạo về sản phẩm và kỹ thuật từ Apple.

Tuy nhiên, nhiều cửa hàng di động xách tay cho biết đối với họ việc đáp ứng đầy đủ các thủ tục, yêu cầu này là không đơn giản.

"Thói quen làm ăn manh mún, buôn bán nhỏ lẻ, thiếu đầu tư nghiêm túc vào yếu tố thương hiệu cũng như tuân thủ bản quyền, tác quyền đã ăn sâu vào máu nhiều người. Do đó, giải quyết câu chuyện kinh doanh, bán hàng trước sức ép từ đại diện pháp lý của Apple sẽ không đơn giản với các cửa hàng này", một chuyên gia trong lĩnh vực di động nhận định.

Theo Zing

Chủ đề khác