VnReview
Hà Nội

Nhiều cửa hàng iPhone xách tay thờ ơ với tối hậu thư của Apple

Mấy ngày trước, công ty luật Võ trần (VOTRA), đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam đã phát đi "Thư thông báo và khuyến cáo" yêu cầu các cửa hàng dừng ngay việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple.

Trong thư thông báo, VOTRA lập luận rằng, hiện Apple đang là chủ sở hữu các nhãn hiệu "quả táo khuyết", Apple, iPhone, iPad và nhiều nhãn hiệu khác như App Store, Apple Store, iPOD, MacBook... Nên các cửa hàng và dịch vụ không nằm trong diện ủy quyền của Apple phải dừng ngay việc sử dụng logo, nhãn hiệu của hãng trên các biển hiệu và giấy tờ giao dịch liên quan.

Một văn bản của VOTRA gửi cửa hàng (Ảnh: Dân Trí)

VOTRA khẳng định, việc kinh doanh hàng hóa mang nhãn hiệu của Apple nhưng không phải là chính hãng của Apple mà là hàng giả mạo thương hiệu, gây nhầm lẫn cho người dùng. Trong văn bản gửi các cửa hàng, đại diện pháp lý Apple cho biết các bên nhận được thông báo sẽ có thời hạn 7 ngày để chấm dứt sử dụng dụng biển hiệu/nhãn hiệu và giấy tờ liên quan tới các nhãn hiệu được bảo hộ của Apple.

Án binh bất động chờ phản ứng của Apple

Qua khảo sát của VnReview.vn tại một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Apple ở Hà Nội và TP.HCM vào hôm qua (12/4), tức sau gần nửa tháng kể từ khi VOTRA ký ban hành thư thông báo, hầu hết các cửa hàng vẫn chưa có bất kỳ động thái thay đổi bảng hiệu/logo. Một số cửa hàng kinh doanh hàng xách tay có tiếng ở Hà Nội và TP.HCM cho biết không nhận được thông báo nào từ đại diện pháp lý của Apple. Họ chỉ biết thông tin này qua báo chí.

Ma trận các cửa hàng "chính hãng" Apple (Ảnh chụp ở đường Láng, Hà Nội vào ngày 10/04)

Khi được hỏi về tác động nếu như Apple làm gắt gao việc "dẹp loạn" biển hiệu, đại diện CellPhoneS cho biết, họ liên kết với hệ thống phân phối chính hãng của FPT nên không nằm trong diện ảnh hưởng. Trong khi đó, một đại diện của hệ thống bán lẻ Phongee cũng cho VnReview.vn biết họ chưa nhận được thông báo từ phía Apple.

Trong khi đó, một chủ cửa hiệu giấu tên ở Q10, TP.HCM chia sẻ với phóng viên VnReview.vn, "nếu Apple làm chặt vậy thì chúng tôi không biết kiếm sống kiểu gì, nghề này đã gắn bó với chúng tôi từ khi iPhone về Việt Nam đến nay, cũng nhờ chúng tôi mà iPhone phổ biến ở Việt Nam nên mong Apple nới lỏng và có chính sách hợp lý với giới kinh doanh/sửa chữa iPhone xách tay".

Như vậy có thể thấy hầu như các cửa hàng ở Việt Nam vẫn còn đang nghe ngóng động tĩnh lẫn nhau và cả những động thái từ phía Apple, họ chưa vội gì trong việc "thay tên đổi hiệu" khi mà công việc kinh doanh các mặt hàng của Apple vẫn đang giúp họ hái ra tiền. Mặt khác, có vẻ như trong đợt thông báo đầu tiên này, phía Apple chỉ tập trung vào các cửa hiệu nhỏ lẻ chứ chưa "sờ" đến các hệ thống kinh doanh lớn.

Ảnh chụp ở đường Thái Hà, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội vào ngày 10/04

Cấm luôn cả dịch vụ kinh doanh/sửa chữa iPhone/iPad?

Đáng chú ý, ở cuối thư thông báo, đại diện Apple còn đưa ra yêu cầu các cửa hàng "chấm dứt ngay lập tức việc kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của Apple". Điều này đồng nghĩa với các dịch vụ này bị cấm kinh doanh hàng xách tay lẫn sửa chữa iPhone/iPad, những dịch vụ đang giúp các cửa hàng này thu bộn tiền hằng ngày.

Do vậy, có thể trước mắt giới thợ và các cửa hàng vẫn có thể sống nhờ iPhone đời cũ được thêm một thời gian. Nhưng có lẽ chỉ sau một vài năm tới thì công việc của họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi không thể sửa được các dòng điện thoại mới của Apple từ đời iphone 7 trở đi, khi đó có lẽ người dùng sẽ không dám mua hàng xách tay mà chỉ dám chọn hàng chính hãng để được hưởng các dịch vụ bảo hành của Apple.

Cũng phải nói thêm, hành động lần này của phía Apple đối với thị trường Việt Nam xem ra khá ăn ý với các động thái của hãng gần đây trên toàn cầu, trong đó có việc tự cung tự cấp (tự sản xuất GPU, chip năng lượng), không cho phép thay thế nút Home vật lý trên iPhone 7/7 Plus,... Có lẽ đây là lúc mà Apple muốn siết chặt mọi hướng nhằm tối đa lợi nhuận, nhất là một thị trường béo bở và chuộng hàng Apple như Việt Nam.

Có thể thấy, qua các động thái của Apple và những nhà làm luật của họ, giới kinh doanh sản phẩm "quả táo khuyết" trong nước cần phải chuẩn bị sẵn hành lang pháp lý, cũng như các phương án để "sống sót" với những chính sách mới của Apple. Còn về phía Apple, họ có vẻ đang muốn phất cao khẩu hiệu: Theo Apple hoặc là "chết"!

Ảnh chụp ở đường Tôn Thất Tùng, Q.1 (ảnh trên) và ở đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 (ảnh dưới) tại TP.HCM vào chiều ngày 12/04.

Ảnh chụp ở đường Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội vào chiều ngày 10/04

Một số ảnh chụp ở đường Thái Hà, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội vào chiều ngày 10/04

TM

Chủ đề khác