VnReview
Hà Nội

Làm thế nào Apple trở thành hãng giàu nhất thế giới?

Apple vút lên như một chú chim phượng hoàng. Nhưng bằng cách nào?

Số liệu tháng Tư cho thấy giá trị của Apple đã đạt mức 619 tỉ USD, trở thành công ty đáng giá nhất thế giới. Một vài chuyên gia còn cho rằng giá trị của Apple có thể tăng lên con số đáng kinh ngạc 1 ngàn tỉ USD vào cùng thời điểm này năm sau khi hãng mở rộng thị trường Trung Quốc.

Apple là công ty giàu nhất thế giới

Đó là số tiền cực kỳ lớn, đặc biệt đối với một công ty mà hồi đầu những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, nhiều người đã cho là không có tiềm năng. Vậy thì bí mật của Apple là gì? Dưới đây là bài phân tích của Tech Radar.

Thiết kế đã ngấm vào trong DNA của Apple kể từ khi có Apple II năm 1977 với chiếc case được lấy cảm hứng từ chiếc máy chế biến thực phẩm và máy pha cà phê mà ông Steve Jobs quan sát ở một hiệu tạp hóa Macy. Jobs đã cố gắng (và thất bại) khi thuyết phục Steve Wozniak rằng khách hàng chỉ cần khe cắm mở rộng cho máy in và modem nhưng ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế case trông thân thiện hết mức có thể.

Tính thân thiện và đơn giản đó đã là chìa khóa cho mọi sản phẩm Apple kể từ đó, từ chiếc Lisa và Macintosh của thập kỉ 80 cho đến iMac của thập niên 90 tới các thiết bị iOS và OS X của ngày hôm nay. Đối với Apple, thiết kế không phải là thứ gì đó làm cho thiết bị trông đẹp mà là một phần của quy trình từ ngày đầu tiên.

Năm 2000, Steve Jobs đã từng phát biểu với tờ Fortune: "Trong suy nghĩ của nhiều người, thiết kế nghĩa là trang trí như trang trí nội thất với rèm cửa và sofa. Bản chất của iMac là có thể đem lại cho người tiêu dùng chiếc máy tính tốt nhất mà ở đó mỗi phần tử phối hợp với nhau". Nếu như đó nghĩa là yêu cầu các kĩ sư biến điều không thể thành có thể, thì họ cũng sẽ làm. " Tôi kiên quyết rằng chúng tôi nên bỏ đi cái quạt bởi vì làm việc trên một chiếc máy tính không kêu o o thoải mái hơn. Điều đó đòi hỏi nỗ lực kĩ thuật rất lớn để tìm ra cách quản lí năng lượng tốt hơn và dẫn nhiệt tốt hơn. Xa hơn rất nhiều trang trí đơn thuần. Khách hàng trả tiền cho chúng tôi vì những chi tiết mà chúng tôi đã đổ mồ hôi công sức để máy tính được sử dụng dễ dàng và hiệu quả".

Triết lí đó áp dụng cho tất cả trải nghiệm Apple. Điều đó lí giải tại sao Apple tung ra một số ít sản phẩm trong từng loại thay vì hàng tá những sản phẩm chỉ khác nhau chút ít, và tại sao kể cả những mẩu rẻ nhất của bộ kit Apple cũng được đóng gói cực đẹp và tại sao Apple thường chạy thử những sản phẩm mới nhưng không bán chúng. Những công ty khác muốn trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người. Apple muốn trở nên tuyệt vời một cách cháy bỏng.

Để trở nên to lớn như Apple cần bộ máy sản xuất đáng kinh ngạc, tiếp thị vô song và khả năng nhìn trước tương lai và đối thủ tiềm năng. Apple có tất cả những điều này bây giờ, nhưng những năm 90 thì không có.

Vào năm 1997 tạp chí Wired chiễm chệ đặt logo của Apple lên trang bìa trước với một tiêu đề đơn giản : "Cầu nguyện". Vấn đề lớn nhất của Apple trong những năm 1990 là Windows, nền tảng điện toán cá nhân chi phối thị trường. Apple đáp trả mối đe dọa trên bằng việc tạo ra rất nhiều sản phẩm hầu như không khác biệt với hi vọng cạnh tranh với cơn bão Windows. Tuy nhiên họ đã thất bại, hàng loạt máy Mac tồn kho và Apple quyết định sa thải vị đồng sáng lập ra mình.

Tạp chí TIME thậm chí còn đi xa hơn, mô tả Apple khi đó là "không còn gì bàn cãi nữa, Apple là một trong những công ty được quản lý tồi nhất ngành công nghệ". Hãng Apple được hợp nhất (sau khi mời Steve Jobs trở lại bằng cách sáp nhập một số công ty của ông) vẫn đang chảy máu tiền tệ. Vào năm 1997, giá cổ phiếu Apple đạt mức thấp nhất trong vòng 12 năm.

Quý II/1997 Apple trị giá 2,17 tỉ USD trong khi Microsoft trị giá 141 tỉ USD. Thế mà hiện nay Apple đã đáng giá hơn cả Microsoft và Google cộng lại.

(Còn tiếp)

Lan Phương

Chủ đề khác