VnReview
Hà Nội

Những bài học rút ra từ thất bại của LeEco trên đất Mỹ

Theo TechInAsia, công ty đã không đạt được mức doanh thu kì vọng năm 2016 tại thị trường Mỹ. Họ gặp hàng loạt sự cố, như dịch vụ cung cấp nội dung số trả tiền EcoPass phải ngừng hoạt động; thương vụ mua lại nhà sản xuất TV Mỹ Vizio bị đổ vỡ; phải rao bán mảnh đất họ mua tại thung lũng Silicon dự định xây dựng trụ sở mới; hay vụ việc sa thải hàng loạt nhà điều hành cấp cao tại chi nhánh Mỹ.

Rõ ràng, LeEco đang gặp rắc rối lớn tại Mỹ, và người ta bắt đầu tự hỏi công ty đã tính toán sai nước cờ nào?

1. Công ty mở rộng quá nhanh mà không đủ khả năng tài chính để chi trả

Trước đây, LeEco chỉ là một công ty cung cấp dịch vụ stream video với tên gọi Letv. Từ 2016, dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập Jia Yueting, LeEco nhanh chóng mở rộng ra nhiều lĩnh vực gồm smartphone, thực tại ảo, smart TV, xe điện thông minh, điện toán đám mây, stream nhạc, xe đạp thông minh, sản xuất phim, bán rượu trực tuyến, đầu tư tài chính trực tuyến, bất động sản... và còn nhiều nữa.

Nhiều người bắt đầu lo ngại rằng công ty đã mở rộng quá nhiều lĩnh vực, và quỹ tài chính của công ty thì rõ ràng là không thể kham nổi những tham vọng của họ trên đất Mỹ. LeEco sau đó đã phải sa thải khá nhiều nhân viên mà vẫn phải muối mặt nợ lương số nhân viên còn lại. Họ còn bị tố nợ những khoản tiền bồi thường khổng lồ của nhiều cựu nhân viên khác.

Rõ ràng, bạn càng tham vọng, bạn càng phải kĩ càng hơn trong phân bổ tài chính. LeEco đã quá tham vọng cho rằng doanh số tại Mỹ của họ sẽ đạt 100 triệu đô năm 2016, nhưng thực tế họ chỉ thu về không quá 15 triệu đô. Và trong thời điểm khó khăn, nguồn tài chính của họ cũng không còn đủ để cứu vớt chính mình.

2. LeEco nghĩ làm việc tại Mỹ cũng như làm việc tại Trung Quốc

Tại Mỹ, LeEco sử dụng chiến lược kinh doanh mà Xiaomi đã rất thành công tại châu Âu, đồng thời cũng là chiến lược mà nhiều công ty mới nổi tại Trung Quốc áp dụng tại thị trường trong nước: bán hàng trực tuyến thông qua flash sale.

Một lần nữa, nhiều người bắt đầu lo ngại chiến lược này sẽ không làm nên trò trống gì tại Mỹ. Người Mỹ vốn thực dụng, và họ chẳng bao giờ mua smartphone thông qua flash sale. Mà cho dù họ có mua đi nữa, người Mỹ cũng sẽ chẳng dại gì ném hàng trăm đô cho một món hàng đến từ một công ty Trung Quốc mới nổi.

Bài học rút ra ở đây là: bạn cần nắm vững thị trường. Nếu ở quê nhà, chiến lược của bạn thành công, chẳng có gì đảm bảo nó sẽ thành công ở nước ngoài. Đây cũng là bài học mà nhiều công ty Mỹ đã học được khi cố mở rộng thị trường qua Trung Quốc.

3. LeEco "lơ đẹp" những nhân viên bản địa mà họ thuê về

Muốn thành công tại thị trường lạ, bạn cần làm việc với người bản địa. LeEco biết điều này, và họ đã thuê nhiều tên tuổi lớn vào các vị trí điều hành với mức lương khá cao so với thị trường chung. Tuy nhiên, những nhân viên này lại bị "lấn át" bởi các ông chủ người Trung Quốc vốn chẳng biết gì về thị trường Mỹ cũng như những nhân viên họ thuê về. Điều này dẫn đến việc các điều hành viên người Mỹ lần lượt ra đi, và công ty cũng ngay lập tức mắc phải những sai lầm chiến lược (như flash sale nêu trên).

Bài học: thuê người bản địa và lắng nghe họ. Nếu bạn thuê những chuyên gia hàng đầu rồi "lơ đẹp" họ, thì tốt nhất ngay từ đầu bạn đừng nên thuê họ làm gì.

4. LeEco không chịu xây dựng thương hiệu

Chiến lược flash sale của LeEco là vô nghĩa khi chẳng ai tại Mỹ biết đến tên tuổi họ. Tại thung lũng Silicon, các chuyên gia đều biết đến LeEco, nhưng có đời nào những chuyên gia với tiền lương cao ngất trời này lại đi mua một chiếc điện thoại giá rẻ của Trung Quốc?

Rõ ràng, tại Mỹ, LeEco cứ như kẻ vô danh. Không một quảng cáo hay bất kì chiến lược marketing nào được đề ra. Khi nói về smartphone Trung Quốc, người Mỹ sẽ nói về OnePlus, Xiaomi hay Huawei. Nhưng còn LeEco? Không ai biết cả.

Việc xây dựng thương hiệu tại một thị trường mới không phải một sớm một chiều mà được, và bạn cũng đừng nên hi vọng thương hiệu của bạn nổi tiếng tại quê nhà thì cả thế giới phải biết đến. Chẳng ai biết LeEco định đi tới đâu khi thương hiệu của họ quá vô danh tại Mỹ. Phải chăng họ đã quá đề cao thương hiệu của mình, khi mà LeEco lại chỉ là một cái tên mới nổi tại Trung Quốc?

Tấn Minh

Theo TechInAsia

Chủ đề khác