VnReview
Hà Nội

Vietcombank 'hoãn' điều khoản 'đẩy' trách nhiệm về khách hàng

Trước những thông tin về quy định bảo mật mới của Vietcombank "đẩy" khó về khách hàng cá nhân gây "bão" dư luận, mới đây Vietcombank đã thông báo về việc lùi thời hạn áp dụng quy định này.

Trước đó, ngày 7/4/2017, Vietcombank đã đưa ra thông báo về quy định bảo mật mới trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ được áp dụng từ ngày 10/5/2017. Trong đó có nhiều điều mục khách hàng cá nhân phải chịu trách nhiệm về bảo mật cũng như thông tin giao dịch điện tử ở thiết bị đầu cuối.

Như vậy đồng nghĩa với những trường hợp rủi ro tài khoản của khách hàng bị "hack", trách nhiệm này sẽ thuộc về khách hàng chứ không phải của ngân hàng. Trong khi trước đó, thời điểm năm 2016 đã có nhiều khách hàng của Vietcombank và một số ngân hàng khác bị "hack" tiền trong tài khoản, dẫn đến mất vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều câu hỏi đã đặt ra, tính bảo mật thông tin của hệ thống ngân hàng đến đâu.

Chưa kể, việc xử lý những khách hàng bị mất tiền trong tài khoản của các ngân hàng chưa thỏa đáng, có ngân hàng đã quy trách nhiệm lỗi của khách hàng dù chưa có bằng chứng xác đáng. Nay thêm những điều khoản, điều kiện mới mà ngân hàng Vietcombank vừa mới đưa ra trong quy định về dịch vụ ngân hàng điện tử, càng khiến dư luận thêm bức xúc.

Không chỉ thế, điều này còn gây "bão" trong dư luận về sự "thiếu trách nhiệm", thiếu tôn trọng khách hàng cũng sự thiếu năng lực quản trị hệ thống ngân hàng, xử lý rủi ro của ngân hàng trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ.

Trước sức ép của dư luận cũng như nhận thấy cách sử dụng từ ngữ trong một số điểm có thể đã dẫn đến việc hiểu chưa đúng về mục đích của việc điều chỉnh này, ngày 6/5, Vietcombank đã có thông báo tạm hoãn việc thực hiện các điều khoản, điều kiện đó trong quy định mới cho đến khi có thông báo mới.

Như vậy, nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn có giá trị hiệu lực nhưng chỉ chưa áp dụng điều khoản, điều kiện mới từ ngày 10/5/2017 như thông báo trước đây.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Luật sư, Tiến sĩ (LS.TS) Bùi Quang Tín cho rằng, đây là quyết định "khôn ngoan" của ngân hàng khi xác định khách hàng là thượng đế. Bởi trong gian đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, rất nhiều ngân hàng nước ngoài "nhảy" vào Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh của ngân hàng ngoại, cụ thể là năng lực uy tín quốc tế, năng lực quản lý, quản trị kinh doanh và công nghệ, vốn và chất lượng dịch vụ… chắc chắn người dân sẽ lựa chọn những ngân hàng mạnh và uy tín để gửi gắm niềm tin.

Do đó, các ngân hàng trong nước nếu không có sự đổi mới phương pháp kinh doanh, năng lực quản trị tài chính và công nghệ cũng như chất lượng dịch vụ, tất yếu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trên "chiến trường" trước sự cạnh tranh khốc liệt của các ngân hàng khác. Vì thế, việc xác định khách hàng là thượng đế để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình là một quy luật tất yếu phải thực hiện.

Nếu ngân hàng Vietcombank không thay đổi những điều khoản, điều kiện mới trong quy định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, chắc chắn những khách hàng này sẽ rời bỏ Vietcombank và chuyển sang ngân hàng khác có chất lượng dịch vụ tốt hơn và biết chiều khách hàng hơn.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, không chỉ riêng Vietcombank mà các ngân hàng khác cũng nên tăng cường tính bảo mật trong các giao dịch online.

Bởi hiện nay, các tổ chức tài chính không chỉ trong nước mà trên thế giới cũng hiện đang gặp nhiều áp lực về việc tăng cường an ninh, khi các xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng di động ngày càng tăng, đã đẩy các cơ sở hạ tầng của ngân hàng vào nguy cơ bị tấn công mạng nhiều hơn.

Nghiên cứu của Kaspersky và B2B International cũng chỉ rõ, đầu tư bảo mật hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính do thời gian qua đang phải gánh chịu nhiều cuộc tấn công vào cả cơ sở hạ tầng lẫn khách hàng của mình.

Theo đó, các ngân hàng đang đầu tư vào an ninh mạng gấp ba lần so với các tổ chức phi tài chính vì nền tảng các mối đe dọa rộng lớn và luôn thay đổi, cùng với những thách thức trong việc cải thiện thói quen bảo mật của khách hàng, đã cung cấp cho những kẻ gian nhiều lỗ hổng để khai thác hơn.

Do đó, các chuyên gia công nghệ và tài chính khuyến cáo, ngoài việc đầu tư an ninh mạng trong hệ thống ngân hàng thì việc khuyến cáo khách hàng nên luôn cảnh giác bảo mật là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đưa điều đó vào quy định chung và đùn đẩy trách nhiệm cho khách hàng là điều không nên và khó khả thi tại các điều kiện trong nước.

Theo Báo Tin Tức

Chủ đề khác