VnReview
Hà Nội

S-Fone bị kiện vì xù nợ nhân viên, tài khoản không tiền

Ngày 13/7/2012, hơn 30 cựu nhân viên đã từng công tác tại Chi nhánh S-Fone Đà Nẵng đã tập trung tại Chi nhánh SPT Đà Nẵng để yêu cầu Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) trả nợ cho người lao động. Một số người đã đâm đơn kiện ra tòa, nhưng tài khoản của S-Fone đang là con số 0.

s-fone

Theo báo ICTNews phản ánh, các nhân viên này từng công tác tại Chi nhánh Trung tâm S-Fone Đà Nẵng, ngày 1/3/2012, số nhân viên này nhận được thông báo thuộc diện bị thôi việc do tái cơ cấu công ty. Theo đó, Công ty thông báo là đến ngày 15/4/2012 sẽ hoàn tất thanh lý hợp đồng lao động. Nhưng sau đó, Công ty lại 2 lần ra thông báo trì hoãn việc thanh lý hợp đồng, lần thứ nhất là đến 31/5/2012 và lần thứ hai lại tiếp tục trì hoãn đến 11/6/2012 với lý do là để Công ty có thời gian sắp xếp thanh toán Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản công nợ với người lao động theo đúng Luật Lao động và Luật BHXH.;      

Tuy nhiên, cho đến nay, sau thời điểm Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hứa thanh toán chế độ chính sách cho người lao động, họ vẫn chưa nhận được gì. Ngày 11/06/2012, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đồng loạt với số nhân viên này.

Theo Điều 3 của Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mà Giám đốc điều hành Trung tâm điện thoại di động CDMA (S-Telecom thuộc SPT) Phạm Tiến Thịnh ký có quy định: "Phòng Nhân sự/phòng Hỗ trợ và phòng Kế toán có trách nhiệm giải quyết các chế độ thôi việc cho Ông/Bà có tên nêu tại Điều 1 theo đúng pháp luật lao động và các quy định hiện hành của Trung tâm". Tuy nhiên, đến thời điểm này SPT vẫn "biệt vô âm tín" chưa thanh toán cho số nhân viên bị thôi việc bất cứ khoản nào.

Trước khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty mới chỉ trả lương cho số nhân viên này đến ngày 15/4/2012. Tính đến thời điểm công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, hàng tháng Công ty vẫn khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ lương của họ nhưng trên thực tế Công ty mới chỉ đóng BHXH đến tháng 1/2010. Do đó, quyền lợi của người lao động tại S-Fone Đà Nẵng bị thiệt hại. Họ không nhận được trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, không được khám chữa bệnh bằng thẻ y tế và không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản.

Chị Bích Thảo, trú tại Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết: chị là nhân viên giao dịch của S-Fone Đà Nẵng với thời gian làm việc là 4 năm, bị Công ty cho thôi việc từ tháng 6/2011, tuy nhiên cho đến thời điểm này, chị cũng chưa nhận được bất kỳ chế độ thanh toán nào từ S-Fone Đà Nẵng.

Chị Đ.T.H.P trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết: từ 15/11/2011, chị P đang nghỉ chế độ thai sản thì nhận được thông báo thôi việc của S-Fone Đà Nẵng, cùng với gần 10 chị em khác. Mặc dù biết điều đó là không đúng theo qui định của pháp luật, nhưng Chị P đã "thiện chí" chia sẻ khó khăn với Công ty nên sẵn sàng chấp thuận với yêu cầu thanh toán đầy đủ các chế độ thai sản và các chế độ bảo hiểm khác theo qui định của Luật Lao động, nhưng đến thời điểm này sau nhiều lần hứa suông của Công ty, chị P vẫn chưa nhận được chế độ nào.

Theo ICTNews, số máy của những người có trách nhiệm là bà Phùng Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Kế toán, phụ trách công tác nhân sự Khu vực 3 và bà Lê Hà Thị Mai Thảo, Giám đốc khối nhân sự, hành chính… đều không liên lạc được. Văn phòng Chi nhánh SPT Đà Nẵng cũng từ chối tiếp phóng viên vì "không có người chịu trách nhiệm giải quyết".

Theo một bài viết khác trên báo Sài Gòn Giải Phóng, tình trạng của S-Fone hiện rất bi đát và S-Fone đã bị kiện ra tòa và cưỡng chế tài khoản ngân hàng nhưng việc "siết nợ" bất thành vì tiền trong tài khoản là con số 0 to tướng.

Theo tin trên SGGP, tính đến thời điểm này, S-Fone và S-Telecom thuộc SPT đã cho khoảng 500 lao động ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… nghỉ việc (không kể một số tự xin nghỉ).

Tất cả số lao động bị thôi việc, mất việc làm này đều rơi vào tình cảnh bị nợ lương, nợ tiền trợ cấp thôi việc, không được thanh toán BHYT, trợ cấp thất nghiệp, trong đó không ít người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng. Do S-Fone và S-Telecom nợ bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH kéo dài nên nhiều người lao động đã nghỉ việc từ nhiều năm và mới bị cho nghỉ việc đều bị "treo" quyền lợi như không nhận được tiền trợ cấp ốm đau, thai sản, không có thẻ BHYT, không được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp…

Nhiều người lao động bức xúc vì SPT không có động thái nào liên lạc với họ. Vì thế, số nhân viên ở Đà Nẵng đã thống nhất khiếu nại tập thể, yêu cầu S-Fone hoặc SPT phải giải quyết dứt điểm các chế độ cho họ theo luật định.

Do bị thất hứa nhiều lần nên một số lao động đã khởi kiện Công ty SPT ra tòa. Các nhân viên có chung tâm sự: "Không thể tính toán được tốn kém về thời gian, công sức của chúng tôi khi đeo đuổi vụ kiện SPT để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng chúng tôi không thể không làm…".

Do chây lỳ khoản nợ BHXH TP.HCM với số tiền lớn, tháng 3/2011, BHXH TPHCM đã chính thức khởi kiện Trung tâm điện thoại CDMA thuộc SPT tại Tòa án nhân dân quận 1 TPHCM. Tính đến hết tháng 3/2012, S-Telecom nợ BHXH TP.HCM lên đến 10 tỷ đồng. Nếu gộp chung khoản nợ BHXH của SPT ở 4 địa bàn TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, miền Trung thì tổng số nợ BHXH và các khoản nợ khác rất lớn. Do thu hẹp thị trường, hoạt động kinh doanh, không có doanh thu nên Công ty SPT cũng đang nợ lương những người còn ở lại làm việc từ tháng 4/2012.

Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP.CM cho biết: "Là người đại diện cho Quỹ BHXH, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm và sẽ theo đuổi vụ kiện này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động".

Được biết sau nhiều lần bị thanh tra lao động kiểm tra và xử phạt, SPT vẫn chây lỳ không chịu nộp BHXH. Khi thanh tra tiến hành kê biên tài khoản để cưỡng chế thì… tài khoản này chỉ là con số không to tướng! Với tình thế "sống dở chết dở" như hiện nay và đang thoi thóp chờ "thay máu"- tìm nhà đầu tư nước ngoài, liệu SPT có thể giữ được lời hứa tìm nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ cho người lao động và BHXH?

Đây là câu hỏi chưa có lời giải và người lao động đang chờ các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để có hướng giải quyết dứt điểm, thỏa đáng quyền lợi cho họ.

Vân Hà

Chủ đề khác