VnReview
Hà Nội

Google đang nghiêm túc tạo ra chiếc "iPhone" của riêng mình

Khi Google khép lại chương trình Nexus để chuyển qua Pixel vào năm ngoái, nhiều người nhận định đây chỉ là "chiêu trò" đổi tên nhằm làm mới thiết bị di động chủ lực của hãng.

Nhưng một số ít khác thực sự thấy được rằng đây rõ ràng là một bước chuyển mình của Google trong chiến lược đối đầu trực tiếp với iPhone của Apple, và chiếc Pixel mới chỉ là khởi điểm.

Google muốn sở hữu một chuỗi cung ứng tương tự như Apple đã làm

The TheVerge, điểm khác biệt lớn giữa Apple và các ông lớn công nghệ khác không chỉ nằm ở phần mềm, phần cứng, hay dịch vụ khách hàng, mà là tổng thể những điểm nêu trên. Kết hợp những yếu tố trên, hướng đến thỏa mãn mọi trải nghiệm của khách hàng đã tạo nên sức mạnh vô đối của Apple mà trên toàn thế giới chỉ có một kẻ có hi vọng địch lại: Google - ông trùm đứng sau đế chế phần mềm đi đầu là hệ điều hành Android.

Với chiếc Pixel, Google tỏ rõ quyết tâm và cho thấy họ có thể sản xuất ra những thiết bị cao cấp, độc đáo và khác biệt (chiếc camera của Pixel rất bá đạo lúc mới ra mắt và đứng ở vị trí độc tôn nhiều tháng sau đó), nhưng Pixel lại chưa phải là sản phẩm chủ chốt cuối cùng của kế hoạch lớn Google đang ấp ủ.

Phần cứng của Apple được sản xuất trên một dây chuyền được kiểm soát gắt gao, độc quyền, nằm trong một chuỗi cung ứng linh kiện của hãng. Đây là điều Google nhắm đến, thể hiện qua nhiều tin đồn gần đây rằng hãng đang cố gắng "che giấu" một nguồn cung màn hình OLED rất chất lượng dành cho chiếc Pixel thế hệ tiếp theo, với viền màn hình siêu mỏng tương tự Galaxy S8 hay LG G6.

Đó là lí do tại sao người ta nhận định một chiếc điện thoại của Google do LG sản xuất nhiều khả năng sẽ ra mắt cuối năm nay: Google không phải là không thể để HTC làm đối tác phân phối trong khi làm điện thoại bằng tấm nền của LG Display, nhưng sẽ đơn giản hơn nếu họ hợp tác hoàn toàn với nhà cung ứng đến từ Hàn Quốc từ đầu đến cuối.

Giống như Apple, Google có một khoản tiền dự trữ cực lớn mà họ có thể tung ra khi cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định, một trong số những hành động gần đây chính là việc đầu tư vào LG Display. Chiếc Pixel đời đầu đã dạy cho Google một bài học về việc một mình một ngựa từ khâu nguyên liệu tới khâu lắp ráp, rằng chiếc điện thoại của họ càng được người ta để ý nhiều, thì người ta sẽ càng thất vọng nhiều hơn khi bạn không đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. Không giống Apple, doanh số bán điện thoại của Google chưa đủ nhiều để "dụ dỗ" các nhà cung ứng tiềm năng, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi khi họ ra mắt Pixel thế hệ 2, được dự đoán là sẽ được phân phối rộng hơn và quảng bá hoành tráng hơn đời đầu.

Google đang thuê kỹ sư Apple để làm chip điện thoại

Có hai điều chúng ta vừa được biết gần đây: thứ nhất là Google đang thiết kế chip (SoC) cho điện thoại của mình trong tương lai, và thứ hai là kiến trúc sư trưởng của dự án này là Manu Gulati - một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm của Apple. Điều này cho thấy Google sẽ không ngừng lại cho tới khi họ nắm quyền kiểm soát tối đa mọi khía cạnh của chiếc điện thoại do mình sản xuất - cũng chính là mục tiêu mà Apple theo đuổi qua từng thế hệ iPhone - và tất nhiên không từ một phương thức nào kể cả việc mời ngay những cá nhân tài giỏi vừa "thất nghiệp" tại Apple.

SoC là trái tim, nguồn sống của mọi chức năng trên bất kỳ chiếc smartphone, tablet hay loa thông minh nào ngày nay. Dòng Snapdragon của Qualcomm là một ví dụ nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi nhất, theo sau là dòng Exynos của Samsung và dòng A của Apple với hiệu năng và khả năng tiết kiệm điện rất tốt. Nếu Google quyết tâm không bị lệ thuộc vào bất kỳ một hãng nào, thì việc sở hữu SoC của riêng họ là một điều không thể thiếu đối với tương lai của công ty.

Dòng Pixel hiện tại sử dụng chip Snapdragon 821, mà tốc độ và mọi ưu điểm tuyệt vời của nó đã đóng góp rất lớn vào chất lượng xuất sắc của camera trên Pixel. Nhưng Google cũng đừng nên quên cú phốt Snapdragon 810 nóng vô đối đến nỗi Samsung phải ngừng ngay việc gắn nó vào dòng Galaxy S6, hay sự cố với dòng chip Snapdragon 845 mà Google dính phải cách đây không lâu. Do đó chốt lại, để thực hiện tham vọng của mình, Google cần và rõ ràng là đang làm ra con chip SoC của riêng mình.

Hình ảnh concept Google Pixel 2 dựa trên thông tin rò rỉ

Tích hợp là con đường đến chiến thắng

Bên cạnh việc tránh xa sự lệ thuộc các linh kiện chủ chốt vào các công ty khác, nỗ lực kiểm soát mọi mặt các linh kiện phần cứng trong chiếc điện thoại tương lai của hãng còn giúp họ có điều kiện để mang lại những giải pháp linh hoạt hơn đến người dùng. Ví dụ, Samsung Galaxy S8 ;có một dải đèn sáng xanh chạy dọc viền cực mỏng mỗi khi có thông báo đến quả là gây ấn tượng rất mạnh, cho thấy khi các nhà thiết kế phần cứng hợp tác chặt chẽ cùng các lập trình viên phần mềm sẽ ra được kết quả tuyệt vời thế nào.

Apple tất nhiên là "trùm" trong việc hợp tác này, và Google cũng sẽ như vậy trong tương lai, khi họ tạo ra được những module xử lý "chính chủ" phục vụ riêng cho thuật toán camera trên Pixel. Còn nhiều điều hay ho nữa sẽ xuất hiện khi mọi linh kiện bên trong Pixel sẽ được thiết kế cho một tác vụ nhất định thay vì cứ dựa vào một con chip chung chung.

Chúng ta thực sự không rõ con chip SoC của Google sẽ thay đổi Pixel trong tương lai như thế nào, nhưng Google thì rất quyết tâm về điều này. Họ rõ ràng đang "khóa" chuỗi cung ứng lại, kể cả các chuỗi cung ứng liên quan các thiết bị rất bình thường như pin hay bộ phận rung...

Tất nhiên, không phải mọi thứ Google muốn sẽ một sớm một chiều xuất hiện trên thị trường vào cuối năm cho kịp lúc với chiếc Pixel mới, kể cả con chip của hãng cũng vậy. Nhưng những việc Google đang làm cho thấy, họ đã nhận ra rằng để đối đầu với iPhone thì chỉ còn cách tự mình làm ra một phiên bản iPhone của chính mình mà thôi.

Tấn Minh

Chủ đề khác