VnReview
Hà Nội

Tim Cook: Apple chưa sẵn sàng bàn về tương lai

Giám đốc điều hành của Apple đã có những chia sẻ về vấn đề giới tính tại Thung lũng Silicon, những chính sách của Tổng thống Donald Trump và lí do vì sao họ chưa có khởi đầu như mong đợi trong lĩnh vực AI.

Tim Cook đã bị chỉ trích trong suốt 6 năm tại vị ở Apple vì ông đã không có được tầm nhìn như của Steve Jobs; vì những sự đổi mới mà ông đem lại là quá khiên tốn; vì ông đã đấu tranh chống lại chính phủ Mỹ khi họ yêu cầu Apple mở khóa những chiếc iPhone để tìm kiếm bằng chứng trong các vụ điều tra hình sự.

Thế nhưng, bất chấp những sự chỉ trích ấy, Apple vẫn thu về khoản lợi nhuận khổng lồ lên đến 257 tỉ USD. Tim Cook đã có những động thái để Apple không bị tụt lại quá xa trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, và đầu tuần này ông cũng đã thừa nhận rằng Apple đang nghiên cứu xe tự lái của riêng mình. Ông cũng đã công khai những hành động của mình trong các vấn đề mang tính thời sự, từ cuộc hành trình trở thành một giám đốc điều hành đồng tính của Apple cho đến lệnh cấm người nhập cư hay quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump.

Khi tham quan khuôn viên và gặp gỡ các nhà nghiên cứu và sinh viên của Phòng nghiên cứu Truyền thông thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Tim Cook đã có một bài phỏng vấn độc quyền với trang MIT Technology Review. VnReview xin được tường thuật lại những diễn biến (đã qua chỉnh sửa cho phù hợp) của buổi phỏng vấn.

Tại WWDC vừa qua, có một lượng lớn các cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo – nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực vô cùng phức tạp, và chúng ta đang ở trong thời điểm – và nó sẽ dần được cải thiện theo thời gian – mà GPU có một sức mạnh không tưởng và khả năng làm được những điều phi thường. Điều chúng ta cần phải làm là đảm bảo rằng chúng ta đang sử dụng AI với mục đích mang đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại, chứ không phải phá hủy nó.

Ông có lo lắng về điều đó không?

Có, tôi có lo lắng. Tôi không lo về Apple – tôi tin rằng chúng tôi đã tìm được lối đi đúng đắn – mà nỗi lo của tôi lớn hơn nhiều. Tôi tin rằng sẽ có những công việc cần đến sự phán đoán của con người. Tôi lo rằng nhiều người có thể không nghĩ về điều đó mà chỉ chú ý đến quá trình tự động hóa công việc và bỏ đi yếu tố con người… và điều này không hề tốt cho nhân loại chút nào.

Nói chung, khi các công nghệ ngày càng tiến bộ, tôi cho rằng có những nguy cơ con người mất đi cái nhìn thực tế rằng máy móc phải phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều rất nhiều ví dụ trong cuộc sống ngày nay.

Ông có thể cho ví dụ không?

Tin lá cải. Quyền riêng tư. Bảo mật. Nhưng bạn cũng có thể tính cả những người cố tình gây sự chú ý trên các trang mạng xã hội nữa. Họ như mắc thêm loa vào miệng của mình vậy. Nhưng tôi không có ý nói những người có ý kiến riêng của mình, bởi vì tôi nghĩ nó là yếu tố chủ chốt của chế độ dân chủ. Nó đang xảy ra ở rất nhiều nơi khác nhau và đặt rất nhiều áp lực lên các nền tảng mạng xã hội của chúng ta.

Trong tuần này, có rất nhiều những cuộc thảo luận về AI, nhưng Apple luôn bị cho là đang phải bám đuổi các đối thủ của mình như Google, Amazon hay Microsoft. Ông phản ứng ra sao trước thái độ của dư luận?

Chúng tôi thường không nói về một điều gì đó cho đến khi nó đã thực sự sẵn sàng, không phải chỉ riêng AI mà lĩnh vực nào cũng vậy. Việc so sánh những gì mà chúng tôi mang lại với những sản phẩm của các công ty khác là điều dễ hiểu, và chúng tôi không chê trách gì họ cả, bởi vì tôi biết họ có nhiều lí do để làm điều đó.

Tại WWDC năm nay, tất cả những gì chúng tôi đã đề cập đến đều sẽ được đưa ra thị trường ngay trong năm. Chúng tôi không nói về những dự định của mình trong năm 2019, 2020 hay 2021, không phải vì chúng tôi không biết mình sẽ làm gì, mà chỉ đơn giản là chúng tôi chưa muốn nói về những điều đó.

Mọi người ít quan tâm đến những tính năng máy học (machine learning) đã được tích hợp. Thậm chí họ còn không nhận ra sự hiện diện của chúng. Pin trên iPhone có thời gian sử dụng lâu hơn là nhờ machine learning. Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy người dùng muốn chúng tôi khoe khoang rằng "Đây là các cách mà chúng tôi sử dụng machine learning trong sản phẩm của mình" – bởi vì đó không phải là thứ mà họ quan tâm. Chúng tôi phải quan tâm, vì chúng tôi là con người ở trong lĩnh vực công nghệ, còn người dùng thì không. Chỉ cần sản phẩm của họ hoạt động là được.

Chiếc iPhone áp dụng machine learning như thế nào thưa ông?

Hệ thống quản lý năng lượng đang học thói quen sử dụng của bạn và sắp xếp hoạt động sao cho thời lượng pin của bạn được tăng lên mức tối đa. Apple Music sẽ từ thói quen của bạn quyết định xem nó sẽ bật bài hát nào tiếp theo, hoặc thậm chí giới thiệu những bài hát hay đáng để bạn đưa vào danh sách của mình. Ngoài ra còn có tính năng nhận diện hình ảnh nữa.

Chúng ta hãy chuyển sang chủ đề cách mà iPhone được tạo ra nhé. Liệu trong tương lai, Apple có sản xuất iPhone hay các sản phẩm khác ngay tại Mỹ hay không? Nếu có thì nó sẽ ra sao?

Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã sản xuất tại Mỹ rồi, và chúng tôi làm điều đó thông qua các bên thứ ba (third-party). Chiếc iPhone ngày nay có mặt kính được sản xuất bởi Corning tại Kentucky. Có rất nhiều linh kiện ở trong iPhone, và chúng được sản xuất ở nhiều bang khác nhau. Các trang thiết bị được sử dụng trong quá trình sản xuất, cả ở chất bán dẫn lẫn các quy trình lắp ráp cuối cùng, đều được thực hiện ở 20 đến 30 bang. Số lượng công việc mà chúng tôi tạo ra, chỉ tính riêng việc sản xuất tại Mỹ rơi vào khoảng 50.000 đến 60.000, những con số không nhỏ chút nào.

Cách mà chúng tôi nhìn nhận quá trình sản xuất là thế này: chiến lược tại Mỹ phải hướng về tương lai, chứ không phải tập trung vào hiện tại. Đường lối đúng đắn sẽ là những dây chuyền sản xuất tiên tiến – thứ đòi hỏi phải có sự đổi mới. Trong thời gian tới, robot sẽ đảm nhận trách nhiệm lắp ráp thay cho con người. Vì vậy, không có nghĩa lí gì mà đất nước lại thiết lập các chính sách và lập các trường cao đẳng, trường dạy nghề xoay quanh đường lối ấy.

Chúng tôi đã tạo ra 1,5 triệu việc làm tại Mỹ trong mảng phát triển ứng dụng. Đây cũng là ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Mỹ, trong khi trước năm 2008, về cơ bản nó còn không tồn tại.

Nhiều nhà lập trình ứng dụng có xuất xứ từ những nơi "có mức sống dưới mặt bằng chung". Vì vậy, vài tuần trước chúng tôi đã đưa ra một chương trình giảng dạy lập trình ứng dụng Swift miễn phí. Ngay lập tức, chúng tôi đã thiết lập các mối quan hệ hợp tác với nhiều trường cao đẳng để có thể bắt đầu việc giảng dạy ngay trong mùa thu này, ở những nơi mà việc phát triển ứng dụng còn chưa có được sự quan tâm: Alabama, Houston, Texas, Ohio. Các nhà phát triển tương lai có ở khắp mọi nơi.

Và chúng tôi tin rằng lập trình là môn học thiết yếu mà mỗi trẻ em đều cần phải nắm vững, dù học ở trường công lập hay tư thục. Không chỉ trong một năm, lập trình nên được quan tâm giống như các lớp học ngoại ngữ, khi sau mỗi năm bạn có thể tiếp tục học ở những lớp chuyên sâu hơn. Dù bạn có làm việc trong lĩnh vực bán lẻ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay công nghệ, tài chính, biết lập trình vẫn mang lại cho bạn những lợi thế nhất định.

Sẽ là một điều tuyệt vời nếu Apple có thêm nhiều người phát triển ứng dụng. Nhưng trong thời gian gần đây, ông đã có những hành động khiến cho công ty có thể bị ảnh hưởng đến lợi nhuận của mình. Ví dụ, ông cam kết sẽ tiếp tục gắn bó với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đã quyết định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định đó. Tại sao ông lại làm vậy?

Quan điểm của tôi đơn giản là mọi người đều nên có giá trị của mình, và các công ty hay tổ chức đều chỉ là một tập hợp gồm nhiều các nhóm người, nên có thể hiểu rộng ra rằng, các công ty cũng nên có những giá trị riêng. Những giá trị này gắn liền với việc đưa ra các quyết định hàng ngày, với hàng ngàn thứ ở trước mắt.

Chúng ta có trách nhiệm phải tạo ra công ăn việc làm trong cộng đồng mà chúng ta sinh sống. Chúng tôi là một công ty Mỹ, và trong thâm tâm của chúng tôi là tình yêu bất diệt với nước Mỹ, và bản thân tôi cảm thấy rằng mình có những nghĩa vụ phải làm. Từ đó, chúng tôi cảm thấy rằng việc giảm lượng khí thải là trách nhiệm của không chỉ các công ty Mỹ mà còn của các công ty trên toàn thế giới.

Apple cách đây vài năm đã cam kết sẽ luôn sử dung năng lượng tái tạo, và chúng tôi tự hào rằng mình đã đạt được con số 96% trên toàn thế giới. Ở Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất của chúng tôi, 100% năng lượng sử dụng đều là năng lượng sạch. Cam kết ngày ấy đã vượt qua khỏi phạm vi công ty đến với những đối tác của chúng tôi, và họ cũng sẽ sử dụng năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất của mình.

Chúng tôi đang đặt một cơ sở năng lượng mặt trời quy mô lớn ở Trung Quốc, và họ cũng tiếp thu những quan điểm của chúng tôi. Thứ mà chúng tôi cảm thấy cần được tiếp thu nhất chính là Hiệp định Paris. Họ đã quyết định sẽ giảm một lượng khí thải đáng kể ra môi trường, và chúng tôi nhìn thấy tầm quan trọng của Hiệp định khi nhiều quốc gia đã thay đổi hành vi của mình do những ảnh hưởng mà nó đã mang lại.

Ông cũng phản đối những sắc lệnh liên quan đến người nhập cư. Ông cho rằng đó là vấn đề về quyền con người, và thực tế thì Thung lũng Silicon cũng tuyển rất nhiều nhân viên là người nhập cư hay có quốc tịch nước ngoài.

Khi các lệnh cấm được đưa ra, có một trường hợp mà nhân viên của chúng tôi đi du lịch ở nước ngoài và sau đó không thể trở về Mỹ nữa. Đây không phải là cách mà con người đối xử với nhau. Chúng ta không phá vỡ hạnh phúc gia đình. Đó không phải là bản chất của nước Mỹ. Đối xử với con người bằng sự tôn trọng mới là điều chúng ta cần phải làm An ninh quốc gia tuy rất quan trọng, nhưng có những cách khác để giải quyết một cách êm đẹp hơn.

Còn một vấn đề quan trọng nữa thưa ông. Thung lũng Silicon dường như không có thói quen tuyển dụng phụ nữ làm nhân viên thì phải?

Lĩnh vực công nghệ có một vấn đề rất lớn: sự đa dạng về giới tính. Các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của vấn đề này là do lập trình được giới thiệu một cách sai lệch, tạo cảm giác đây chỉ là những công việc của đấng nam nhi. Có quá ít phụ nữ có hứng thú với lập trình, nên khi các công ty tuyển dụng những tài năng mới vừa bước chân ra khỏi cánh cổng đại học, tỉ lệ "bèo bọt" của những phụ nữ được nhận không phải là điều gì quá bất ngờ. Nhưng nó không có nghĩa là các công ty không mắc sai lầm.;

Có rất nhiều thứ cần phải được thay đổi, nhưng điều cần thiết nhất là cải thiện những con số ít ỏi ấy. Chúng ta có thể làm được, và chúng ta buộc phải làm được. Công nghệ sẽ không thể trở thành lĩnh vực đứng đầu nước Mỹ nếu vấn đề đa dạng giới tính chưa được khắc phục một cách triệt để.

Văn Hoàn

Chủ đề khác