VnReview
Hà Nội

Những lời “bình loạn” công nghệ sai lầm của các CEO hàng đầu (phần 1)

Việc nhận ra những sáng chế mang tính cách mạng khi chúng vừa được tung ra chẳng phải là chuyện dễ dàng. Triết lý này càng đặc biệt đúng với những nhà quản lý bảo thủ luôn sợ hãi bị qua mặt ở những doanh nghiệp lớn sắp trở thành di sản trước những tên tuổi mới sáng tạo hơn, cập nhật tiến bộ khoa học, công nghệ tốt hơn.

Gần đây, công ty nghiên cứu thị trường chuyên về công nghệ CB Insights đã tập hợp và chọn lọc một số câu nói đụng chạm nhiều nhất đến công nghệ mới. Đó là những lần các nhà quản lý ở những công ty truyền thống to tiếng cười nhạo các giải pháp theo xu hướng công nghệ mới về nguy cơ thất bại của chúng.

Kết quả là: một số dự báo rõ ràng đã sai như máy tính cá nhân và xem video trực tuyến sẽ bị người dùng từ chối. Một số tác giả của các dự đoán này đã góp phần làm cho công ty mình điều hành biến mất khỏi thị trường vì bỏ lỡ các cơ hội mới. Phần còn lại là những lời nhạo báng nhằm chối bỏ các giá trị của công nghệ mới một cách vô căn cứ.

Dưới đây là 13 bình luận thú vị nhất, theo tổng hợp của trang Business Insider và một số tư liệu khác.

CEO của Blockbuster bàn về dịch vụ xem phim trực tuyến

"Cả RedBox lẫn Netflix đều không có trên màn hình radar về mặt cạnh tranh", Motely Fool dẫn lại câu nói của Jim Keyes, CEO Blockbuster vào năm 2008. "Wal-Mart và Apple sẽ có nhiều cơ hội hơn".

Trước đó, cựu CEO John Antioco cũng đã lớn tiếng cười nhạo lời đề nghị hợp tác của Netflix khi nhà sáng lập Netflix Reed Hastings bay tới Dallas xin gặp ông (trụ sở Blockbuster ở Dallas, Texas). Khi đó Netflix mới chỉ là một công ty vô danh.

Năm 2010, chuỗi cửa hàng cho thuê video của Jim phải nộp đơn xin phá sản. Và hôm nay, Netflix trị giá tới 61,93 tỉ USD (tương đương 141 nghìn tỷ)!

Netflix là dịch vụ xem phim trực tuyến theo dạng trả phí hàng tháng phổ biến ở Mỹ và nhiều nước. Doanh thu của Netflix năm 2016 là 8,3 tỉ USD với 93,8 triệu người dùng trên toàn cầu. Netflix cũng đã gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016 và hiện có mặt ở gần 200 quốc gia trên thế giới.

Blockbuster là nhà cung cấp dịch vụ cho thuê video game, phim gia đình rất nổi tiếng ở Mỹ và một số nước những năm đầu thập niên 1990. Năm 2004, vào thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao, Blockbuster có tới gần 85 ngàn nhân viên, 9 ngàn cửa hàng trên toàn thế giới và đạt doanh thu hàng năm 6 tỉ USD!

Trước sự lên ngôi của những website xem phim trực tuyến như Netflix, Blockbuster không cạnh tranh nổi nên phải đệ đơn phá sản. Năm 2011, Blockbuster được Dish Network mua lại và công ty mới quyết định đóng cửa hầu hết điểm bán lẻ của Blockbuster trong năm 2013.

Cho đến nay chỉ còn một số ít cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Blockbuster nằm rải rác ở Texas, Oregon, Washington, Alaska nhưng tất cả chỉ là sự cố gắng duy trì lượng khách hàng trung thành đang giảm dần. Trong số đó, các cửa hàng ở Alaska có tình hình kinh doanh khả quan nhất nhờ lợi thế thời tiết là mùa đông tăm tối kéo dài và chi phí Wifi đắt đỏ.

Trong ảnh trên là một trong những cửa hàng nhượng quyền Blockbuster hiếm hoi còn tồn tại ở Fairbanks, Alaska.

Chủ tịch NBC nói về dịch vụ video trực tuyến

"Quan điểm cho rằng (những công ty như Netflix) đang thay thế truyền hình TV có thể không chính xác. Tôi nghĩ chúng ta cần một ít triển vọng khi bàn về tác động của Netflix và các dịch vụ SVOD" là câu nói của chủ tịch phát triển truyền thông và nghiên cứu NBC Alan Wurtzel. Đây quả là câu nói gây bất ngờ của Alan trong một bài trình bày trước các phóng viên vào tháng 1/2016.

Giờ đây, những đài truyền hình sắp trở thành di sản như NBC Universal đang vật lộn để theo kịp Netflix, Hulu và những dịch vụ xem video khác.

Giống như Netflix, Hulu cũng là một dịch vụ trả phí đăng ký để xem video theo yêu cầu (Subscription Video On Demand-SVOD) của Mỹ, được thành lập vào tháng 3/2017. Hulu là liên doanh giữa các công ty lớn trong ngành giải trí Mỹ như Walt Disney, 21st Century Fox, Comcast và Time Warner. Theo thống kê tới tháng 11/2016, Hulu hiện có 12 triệu người dùng.

Chủ tịch IBM nói về máy tính

"Tôi nghĩ sẽ có một thị trường thế giới cho khoảng năm chiếc máy tính", lời chủ tịch IBM Thomas Watson vào năm 1943.

Khi mới thành lập với tên công ty thu âm thiết bị định khung điện toán (Computing-Tabulating-Recording Company), IBM chuyên sản xuất máy móc để bán và cho thuê, từ cân thương mại tới máy ghi âm thời gian công nghiệp, máy xắt phô mai và thịt, cho tới các thiết bị định khung cho máy đánh chữ và thẻ bấm lỗ.

Mãi cho đến năm 1964, IBM mới công bố IBM System/360, dòng hệ thống máy tính mainframe đầu tiên hỗ trợ nhiều ứng dụng khoa học, thương mại đủ mọi quy mô để giúp các công ty nâng cao năng lực tính toán bằng máy tính mà không phải viết lại chương trình mới. Trong ảnh là model 30 của mainframe IBM System/360.

Từ lúc đó cho đến hôm nay, máy tính đã được cải tiến nhiều lần để ngày càng gọn nhẹ, hữu dụng hơn. Đã có vô số máy tính được bán ra trên toàn cầu. IBM cũng đã thay đổi định hướng kinh doanh, không sản xuất và kinh doanh máy tính nữa mà bán lại bộ phận máy tính cá nhân cho Lenovo năm 2005 để tập trung vào các mảng phần cứng, phần mềm, tư vấn doanh nghiệp lớn.

Hiện nay, IBM là tập đoàn máy tính đa quốc gia có số nhân viên đông nhất thế giới.

Trưởng bộ phận nghiên cứu của JLR nói về xe tự lái

Năm 2015, trưởng bộ phận R&D của JLR (Jaguar Land Rover), Wolfgang Epple cho rằng "Chúng tôi không xem khách hàng là hàng hóa. Chúng tôi không muốn chế tạo một con robot giao hàng từ A đến B".

Tuy nói vậy nhưng Jaguar đã quyết định đầu tư 25 triệu USD vào Lyft để hỗ trợ các dịch vụ kết nối phương tiện và là nhà cung cấp dịch vụ gọi xe đến chở (ride-hailing) lớn thứ hai ở Mỹ. Việc bỏ vốn thông qua bộ phận các dịch vụ di động của Jaguar là InMotion đã được thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, trong vòng gây quỹ gần nhất của Lyft.

Qua phi vụ này, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu nước Anh Jaguar sẽ cung cấp một số phương tiện (không tiết lộ số lượng) cho các tài xế Lyft để được thử nghiệm các xe tự lái của mình trong mạng lưới gọi xe đến chở của Lyft.

Gọi xe đến chở theo nghĩa rộng bao gồm dịch vụ xe hơi từ các công ty taxi truyền thống và dịch vụ mà khách gọi xe qua một ứng dụng smartphone tương tự như Grab và Uber ở Việt Nam.

Ken Olsen nói về máy tính cá nhân

"Chẳng có lý do gì để ai đó muốn có một chiếc máy tính trong nhà họ", theo tuyên bố của nhà sáng lập Digital Equipment Corporation vào năm 1977.

1977 lại chính là năm Apple lần đầu tiên tung ra thị trường chiếc máy tính cá nhân mang thương hiệu Apple II (máy tính cá nhân đời thứ hai của hãng này, sau khi chế tạo được Apple I năm 1976).

Trước đó vài năm, trên thị trường chỉ có các máy tính cá nhân làm sẵn như MITS chạy trên chip Intel 8080 Altair.

Những năm 1970 của thế kỷ 20, Digital Equipment Corporation là một thế lực lớn trong thế giới điện toán. Sau này công ty của Ken đã bị Compaq mua lại.

Apple II với logo cầu vồng và giao diện đồ họa màu mang phong cách đặc trưng so với các đối thủ của Apple (Ảnh: WebdesignerDepot)

Steve Trần (tổng hợp)

Chủ đề khác