VnReview
Hà Nội

10 sự thật thú vị về Intel

Cách đây 42 năm, công ty Intel được sáng lập bởi Gordon Moore và Robert Noyce, cùng sự ủng hộ tài chính từ Arthur Rock. Trải qua hơn 4 thập niên, Intel đã vươn lên trở thành nhà sản xuất vi xử lý máy tính lớn nhất thế giới, ảnh hưởng sâu rộng đến nền công nghiệp máy tính. Hãy cùng VNReview nhìn lại 10 sự thật thú vị và ít người biết của Intel, được tổng hợp bởi Mashable.

Cái tên Intel có từ đâu?

Hai thành viên sáng lập của Intel là Gordon E. Moore và Robert N. Noyce đều từng làm việc tại công ty Fairchild Semiconductor. Ban đầu họ gọi công ty của mình là "N M Electronics", với N và M là viết tắt họ của hai người, bởi "Moore Noyce" nghe rất giống với "more noise" trong tiếng Anh, tức là "ồn ào hơn".

Sau đó họ muốn đổi tên thành "Integrated Electronics", tuy nhiên cái tên này đã được đăng ký trước. Do vậy họ lấy những chữ cái đầu của mỗi từ để thành cái tên "Intel", mà Noyce miêu tả là "khá gợi cảm". Hai người sau đó mua lại bản quyền cái tên "Intel" từ chuỗi khách sạn Intelco với giá 15.000 USD.

Intel từng làm đồng hồ đeo tay

Năm 1972, Intel tiến vào ngành trang sức với quyết định mua lại hãng đồng hồ điện tử Microma. Ở thời điểm đó, đồng hồ điện tử là một thứ đồ công nghệ cao cấp, với giá mỗi chiếc tới hàng trăm USD. Người ta từng dự báo thị trường này có thể đạt tới con số 200 triệu chiếc bán ra.

Tuy nhiên sau đó sự cạnh tranh khiến cho giá đồng hồ xuống thấp, và khi giá đồng hồ điện tử xuống tới mức 10 USD/chiếc thì Intel quyết định bán lại thương hiệu Microma vào năm 1978.

Gordon Moore cho biết ông vẫn đeo chiếc đồng hồ Microma của mình, vì "nếu như tôi có muốn tiến vào thị trường hàng tiêu dùng, nó giúp tôi nhớ lại những rắc rối mà chúng tôi có thể gặp phải".

Bộ trang phục "BunnyPeople"

Vào năm 1997, Intel đưa ra một quảng cáo với hình ảnh kỹ thuật viên của hãng mặc bộ đồ vô trùng và nhảy múa. Đây trở thành một hình ảnh quen thuộc và xuất hiện thường xuyên trong những quảng cáo của thương hiệu vi xử lý Pentium.

Hình ảnh này được mua bản quyền với tên "BunnyPeople". Thực ra những bộ trang phục này được đưa vào sử dụng từ năm 1973, khi nó trở thành trang phục tiêu chuẩn khi đi vào phòng vô trùng trong những nhà máy chế tạo của Intel.

Một nhân viên của Intel từng cho biết bộ đồ này mới mẻ và thú vị tới nỗi nhiều người tìm cớ để vào phòng nghiên cứu trong nhà máy, chỉ để mặc bộ đồ này. Giờ đây bộ đồ đã trở thành một phần văn hóa của công ty.

Văn hóa ăn mừng với sâm-panh

Như là một truyền thống của công ty, Intel tạo ra những chai sâm-panh với thiết kế riêng để ăn mừng vào những dịp đặc biệt.

Đây là một thói quen có từ những ngày đầu thành lập công ty, khi "một thiết kế mạch cuối cùng cũng hoạt động, hay một sản phẩm được bán ra lần đầu tiên, thông tin này được thông báo qua hệ thống nhắn tin của công ty. Sau đó, sẽ có người bật nút chai".

Một nhân viên Intel nhớ lại, có thời điểm trần nhà ăn của công ty hứng chịu nhiều cú bật nút chai đến nỗi người ta phải thay trần mới.

Năm 1973, khi Intel có tháng đầu tiên đạt doanh thu tới 3 triệu USD, giám đốc marketing khi đó đã đặt một chai rượu có tên "Domaine d'Intel". Hình ảnh trên là chai rượu ăn mừng khi Intel lần đầu tiên đạt doanh thu 250 triệu USD trong một quý, được lưu trữ tại; Bảo tàng máy tính ở Anh.

Vi xử lý 8080: thành công tới mức được đặt tên cho hành tinh

Năm 1974, Intel ra mắt vi xử lý 8080, vi xử lý 8-bit thứ hai trên thế giới. Đây là một trong những sản phẩm thành công nhất của Intel, và nó nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn cho thị trường.

Vào năm 1987, đài thiên văn CERGA tại Pháp đã đặt tên cho một hành tinh nhỏ là "8080 Intel" để vinh danh vi xử lý 8080. Hiện tại số điện thoại tại trụ sở chính của Intel ở Santa Clara là (408) 765-8080, và chắc chắn đây không phải là sự ngẫu nhiên.

Không gian làm việc của Intel

Intel là một trong những công ty tiên phong, tạo nên văn hóa công sở của Mỹ với những ô ngăn cách cao ngang vai.

"Không có cánh cửa nào bị đóng lại ở Intel. Những ô làm việc với chiều cao ngang vai ngăn cách từng nhân viên – thậm chí cả những người quản lý – với nhau mà họ vẫn dễ dàng trao đổi".

Tuy nhiên khi những công ty thuộc thế hệ mới như Facebook, Twitter hay Google làm mới không gian làm việc với những sự phá cách, những văn phòng của Intel có vẻ như đã lỗi thời. Diễn viên Conan O'Brien từng pha trò về văn phòng của Intel sau chuyến thăm quan năm 2007: "Thật là tuyệt. Nơi này làm cho mọi người cảm thấy họ như nhau cả, như không hề có cá tính, không có hi vọng, không có cảm giác về những gì có thể xảy ra trong cuộc sống".

Ngay sau đó, Intel công bố bỏ ra khoản tiền 10 triệu USD để làm mới không gian làm việc, nhằm tạo ra một "môi trường đem lại cảm giác thoải mái và năng lượng".

Chiến dịch quảng cáo "Red X"

Trước khi câu nói "Intel Inside" trở nên nổi tiếng, Intel từng có một chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi, bằng cách sử dụng chính sản phẩm cũ của mình để tôn vinh sản phẩm mới.

Chiến dịch quảng cáo "Red X" được nhớ tới với hình ảnh con số 286 bị gạch bởi dấu X đỏ, ngụ ý khuyên người dùng lựa chọn vi xử lý 386 SX mới của Intel, thay vì vi xử lý cũ 286.

Do những vi xử lý từ 386 và 486 của Intel quá thành công, cùng ảnh hưởng của chiến dịch "Red X", những đối thủ của họ đã tạo ra những vi xử lý với cái tên tương tự như 486DX-40 của AMD. Intel cho rằng những con số "386" và "486" là thương hiệu được bảo hộ của họ, nên đã đưa đơn kiện nhằm ngăn những nhà sản xuất khác sử dụng thương hiệu này. Tuy nhiên vào năm 1991 tòa án đã bác đơn kiện, và bậc thầy marketing Dennis Carter của Intel đã đưa ra chiến dịch mới với câu nói nổi tiếng "Intel Inside".

Quảng bá thương hiệu luôn là một điểm mạnh của Intel. Hãng này là một trong 10 thương hiệu được biết đến nhiều nhất trên thế giới, bên cạnh những cái tên như Coke, Disney và McDonald's.

Những logo của Intel

Logo là một trong những đặc điểm thương hiệu ít bị thay đổi nhất của Intel. Logo ban đầu của hãng, với chữ "e" nằm thấp hơn một chút, được sử dụng trong thời gian tới 37 năm.

Logo này quá nổi tiếng, và năm 2005 khi Apple công bố những máy Mac sử dụng vi xử lý Intel, Steve Jobs đã chơi chữ khi dùng câu "It's true" (Điều đó đã thành sự thật) với chữ "e" thấp hơn để gợi nhớ về logo của Intel.

Sau khi chiến dịch "Intel Inside" được triển khai, hãng này đã sử dụng logo với dòng chữ "Intel Inside" trong khoảng thời gian 15 năm. Logo hiện tại được sử dụng từ năm 2005, được mô tả là "bao gồm tinh thần của Intel trong quá khứ, hiện tại và tương lai".

Công nghệ được sử dụng trên vũ trụ

Vào năm 1995, Intel cho biết những sản phẩm của hãng đã được sử dụng trong "cuộc hội thảo từ không gian trên PC đầu tiên theo thời gian thực".

Những phi hành gia của tàu con thoi Endevour đã sử dụng phần mềm ProShare Personal Conferencing của Intel để trao đổi thông tin với những đồng nghiệp NASA tại Houston, Texas. Họ đã chia sẻ những hình ảnh từ PC và bàn bạc với những hình vẽ, một điều nghe thật hiện đại vào năm 1995.

Đoạn nhạc gắn liền với thương hiệu Intel

Đoạn nhạc được phát trong quảng cáo của Intel đã trở thành một dấu hiệu nhận diện thương hiệu nổi tiếng của hãng.

Đoạn nhạc này được sáng tác bởi nhà soạn nhạc Walter Werzowa của Úc vào năm 2004. Chỉ có 5 nốt nhạc nhưng nó đã trở nên nổi tiếng toàn cầu, khi được phát trong hầu hết các quảng cáo của hãng. Đoạn nhạc này đã được nghe hơn 1 tỷ lần, và ước tính trên toàn thế giới cứ 5 phút lại có một lần nó được phát.

Nghe lại đoạn nhạc nổi tiếng của Intel tại đây:

Tuấn Anh

Chủ đề khác