VnReview
Hà Nội

Chuyện nhà Apple: Suýt chút nữa đã không có iPhone

Hành trình phát triển chiếc iPhone đầu tiên là một thiên sử thi bị che khuất bởi tầng tầng lớp lớp những bí mật.

Khi chiếc smartphone của Apple chính thức lên kệ ngày 29/6/2017, thế giới khi đó là lãnh địa của những chiếc điện thoại trượt, những chiếc Blackberry với bàn phím nhỏ xíu. Người ta mang theo iPod để nghe nhạc, mang theo chiếc Pilot của Palm để xem ngày tháng và cần đến chiếc máy ảnh compact để chụp ảnh. Để có thể bỏ vừa tất cả những thứ này vào trong túi của bạn có vẻ là một việc điên rồ. Làm việc đó mà không có bàn phím còn là một việc điên rồ hơn.

Mười năm sau, có nhiều thông tin được tiết lộ xung quanh việc Apple đã tạo ra một thiết bị làm thay đổi thế giới như thế nào. Bài viết này, lược dịch từ chuyên mục công nghệ của hãng tin CNN (CNN Tech), sẽ kể lại một số mẩu chuyện về sự ra đời của iPhone.

iPhone ra đời là do Steve Jobs không thể chịu đựng một ai đó ở Microsoft

"Mọi thứ bắt đầu bởi vì Steve ghét một gã ở Microsoft", Scott Forstall, một cựu giám đốc của Apple, kể lại trong một buổi nói chuyện mới đây tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính của Mỹ.

Người nhân viên Microsoft đó là chồng một người bạn của Laurene Powell Jobs, vợ Steve và họ thường gặp nhau trong các buổi gặp gỡ bạn bè. Một lần, gã đó thao thao bất tuyệt về việc Microsoft giải quyết các thiếu hụt về điện toán của laptop bằng máy tính bảng và bút stylus như thế nào.

"Gã không ngừng phô trương, như thể Microsoft sắp sửa thống trị thế giới bằng máy tính bảng cùng với bút cảm ứng của mình", Forstall cho biết. "Sáng thứ Hai, Steve đến văn phòng mà không ngừng chửi tục vì tức giận, rồi ông quyết định ‘Phải cho họ thấy máy tính bảng thực sự là thế nào".

Jobs cho rằng sử dụng bút cảm ứng thật là vướng víu, thay vào đó mọi người nên dùng chính ngón tay của mình. Ông lập một nhóm và bắt tay vào phát triển chiếc tablet với công nghệ cảm ứng điện dung.

Jobs muốn sử dụng công nghệ đó cho thiết bị có kích cỡ bằng một chiếc điện thoại, nên nhóm thiết kế của Apple tạo ra một bản demo của một cuốn sổ địa chỉ với màn hình cảm ứng.

"Giây phút bạn nhìn thấy bản demo, đó là lúc bạn biết được thứ mình cần. Không có gì để lăn tăn cả. Đây là cách một chiếc điện thoại hoạt động. Steve nhìn thấy bản demo và nói: ‘OK, cứ để tablet đấy, làm điện thoại đã'", Forstall nói.

Làm việc cho Steve Jobs thực sự là như thế nào

"Ông ấy là người quyết liệt nhất mà tôi từng biết", Forstall đã nói như vậy tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính. "Tôi đã từng gặp một số nhà lãnh đạo thế giới và tôi có thể nói với các bạn rằng ăn tối với một vị nguyên thủ quốc gia thư giãn hơn là ăn bữa trưa vào một ngày thứ Ba cùng với Steve. Ông ấy cực kỳ khắt khe. Ông ấy khiến mọi người phải cố gắng hết sức".

Jobs nổi tiếng hay la mắng nhân viên và có khả năng sử dụng ngôn ngữ đầy mầu sắc. Nhưng những cơn giận dữ đó lại dễ chịu hơn là khi Jobs im lặng.

"Có những lần, Steve không nổi xung lên, không giận dữ, la mắng, nhiếc móc tất cả mọi người mà ngồi im lặng trên ghế", Andy Grignon, một cựu kỹ sư cao cấp tại Apple chia sẻ với CNN Tech. "Ở Apple có những chiếc ghế bập bênh. Ông ấy và Tim Cook, ngồi trên hai chiếc ghế đối diện nhau, đung đưa trước sau, lần lượt. Đó là cảnh tượng kỳ lạ nhất tôi từng thấy".

"Có những khoảnh khắc cực kỳ đáng sợ… Đó là khi ông ấy im lặng, với vẻ mặt trầm ngâm, và bạn biết tất cả chúng ta đang gặp rắc rối", Grignon nói.

Jobs và Grignon có một mối quan hệ "căng thẳng" – Jobs thậm chí còn đặt nickname cho Grignon là f**kchop (kẻ ngu xuẩn) nhưng Grignon thừa nhận phong cách của Jobs rất hiệu quả.

"Theo một cách kỳ lạ, việc đó cực kỳ thoải mái. Tôi hiểu điều đó có vẻ kỳ quái khi phải nghe những lời gây tổn thương, những lời nói bậy bạ, nhưng khi ông ấy khen bạn thì… bạn sẽ lơ lửng trên tầng mây thứ chín suốt cả ngày hôm đó", Grignon cho biết.

Nickname F**kchop được in trên danh thiếp của Andy Grignon

Còn một nét tính cách nữa của con người Jobs, theo Forstall: "Ông ấy rất quan tâm và tận tuỵ với bạn bè, người thân của mình".

Forstall nói Jobs thậm chí còn từng cứu sống mình. Ông phải nằm viện vì bị nhiễm một loại virus hiếm gặp. Ông đã bị ốm sáu tháng và tụt hơn chục cân, nhưng các bác sỹ không thể làm gì được. Một buổi tối muộn, Jobs lén lút đưa bác sỹ châm cứu của mình vào bệnh viện Standford. Họ đã làm việc cho đến khi bình minh, ngay lập tức Forstall bắt đầu cảm thấy khá hơn.

"Gần như 100% tôi sẽ không qua khỏi, và Steve mang người đó đến, giữ lại mạng sống cho tôi. Tôi luôn luôn nợ ông ấy vì điều đó", Forstall nói.

;Xuỵt, anh có thể giữ bí mật không?

Trước khi iPhone chính thức được ra mắt tại hội nghị Macworld năm 2007, đó là một dự án tuyệt mật tại trụ sở chính Cupertino của Apple. Apple chính thức bắt đầu dự án iPhone từ cuối năm 2004, hàng trăm nhân viên được tuyển chọn để tham gia vào dự án. Mức độ bảo mật hoàn toàn mới được áp dụng, một vài chiến lược bài trí văn phòng sáng tạo được triển khai.

Apple ‘bảo mật' một tầng của tòa nhà với camera an ninh và các đầu đọc thẻ ra vào cho nhóm iPhone. Khu vực đó được gọi là "Purple Dorm" (Khu kí túc màu tím), và khẩu hiệu "Fight Club" được dán ở ngoài cửa. ("Nguyên tắc đầu tiên của Dự án màu tím là bạn không được nói về nó ở bên ngoài cánh cửa", Forstall nói trong một phiên toà vào năm 2012).

Nhà báo chuyên về Apple Fred Vogelstein đã viết một cuốn sách về cuộc đua của Apple và Google nhằm chiếm lĩnh thị trường smartphone. Ông cho biết Jobs tin rằng việc bưng bít thông tin về iPhone trong nội bộ các nhóm tham gia dự án là một việc quan trọng, giúp những thông tin đó không bị lộ lọt.

"Bạn đến công ty vào sáng thứ Hai, rồi bất thình lình nhận ra những nơi bạn thường lui tới giờ đã bị cấm. Cuối tuần trước, người ta đã thay đổi cấu trúc của văn phòng mà không hề báo cho bạn biết", Vogelstein chia sẻ với CNN Tech.

Nhân viên không được nói về những gì họ đang làm với đồng nghiệp, với gia đình. Môi trường áp lực cao cộng với những giờ dài làm việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới một số nhân viên. Sau một cuộc tranh cãi về việc ai đã không gặp con lâu hơn, một quản lý chương trình đã đóng sầm cánh cửa phòng, làm hỏng cả ổ khoá. Vì không thể gọi được thợ sửa khoá, Forstall, Grignon và những người khác đã thay phiên nhau đập mạnh vào cánh cửa bằng một chiếc gậy kim loại.

"Đó có lẽ là một phần tóm tắt hoàn hảo cho cuộc sống bên trong iPhone khi đó. Một nhóm người từ các bộ phận khác nhau của công ty, đang cố gắng để phá ổ khoá vừa bị đóng sập sau một vụ cãi vã về việc ai đã dành ít thời gian cho con cái hơn", Grignon nói. "Ý tôi là nó thật sự rối rắm, phải không"?

Những ý tưởng không được hiện thực hoá

iPhone có lẽ đã không ra đời nếu không có một chuỗi những bản prototype thất bại.

"Bạn nhớ bánh xe điều khiển (click wheel) của iPod chứ? Phát, dừng, tiếp theo, trước, kiểu như vậy", Grignon  nói. "Hãy tưởng tượng cùng thiết bị đó, nhưng là từ không đến chín. A, B, C, D, E, F, tất cả đều được bày ra theo một vòng tròn, rồi bạn quay và gõ giống như trên một chiếc điện thoại quay số. Thật kinh khủng khi phải dùng đến nó, nhưng đó lại là ý tưởng đầu tiên của chúng tôi khi bắt tay vào phát triển điện thoại".

Cựu phó chủ tịch cấp cao của Apple Tony Fadell chia sẻ, khi đó có một thôi thúc mạnh mẽ là loại bỏ khe cắm thẻ SIM. Những phiên bản đầu tiên có màn hình bằng nhựa chứ không phải bằng kính. Chúng tôi cũng tranh cãi không ngừng về việc có nên sử dụng viền - vòng kim loại bao quanh màn hình – hay không. Một nhóm thì muốn sử dụng hệ điều hành Linux thay vì Mac OS X.

Việc bàn phím không xuất hiện trên iPhone đã từng là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất, nhưng lại đúng đắn nhất, trong nội bộ Apple. Đã có lúc, Apple thử nghiệm một "bàn phím bằng màng mỏng, không có phím thực sự nhưng được chia thành những ô nhỏ và bạn chỉ cần chạm ngón tay vào đó", Grignon tiết lộ.

"Chắc chắn, bàn phím là quyết định lớn nhất mà chúng tôi phải đưa ra, dù là có hay không có bàn phím cứng, hay đó sẽ là một bàn phím bằng phần mềm", Fadell chia sẻ với CNN Tech. "Không gì có thể tốt hơn một bàn phím cứng, nhưng không có bàn phím cứng lại mang lại rất nhiều lợi ích".

Những lần cận kề thất bại

Trong suốt hành trình kéo dài ba năm, từ ý tưởng đến một sản phẩm hoàn chỉnh, có nhiều khi Apple gần như đã ‘lạc lối'.

"Đó là ác mộng. Đôi lần, đó là thảm hoạ. Có những lần chúng tôi gần như không thể tiếp tục được nữa", Grignon nhớ lại.

iPhone của Apple là một sản phẩm mới toanh, từ con chip đến hệ điều hành. Ở đó, có một cách hoàn toàn mới để sử dụng một chiếc điện thoại – đó là chạm – và có những ứng dụng mới cần phải được phát triển từ đầu.

Grignon cho biết: "Khi bạn nghĩ về nó, iPhone giống như một sản phẩm mà sẽ không bao giờ có thể thành công. Có những lần, khi bạn bị rơi vào tình thế giữa lằn ranh, khi mà chúng tôi cũng chẳng thể biết liệu mình có đủ khả năng để giải quyết vấn đề đó hay không".

Không phải tất cả những trục trặc đó đều liên quan đến kỹ thuật. Rất lâu trước khi chiếc điện thoại iPhone 4 nổi tiếng được tìm thấy ở một quán bar, Fadell bỏ quên bản prototype khởi thủy của iPhone trên một chiếc máy bay ở Đức. Ông đã phải nhờ đến cả một đội để tìm kiếm khắp máy bay mà không thể mô tả chính xác thiết bị đó là gì.

"Tôi đã nói ‘Nó là một thứ màu đen. Một mặt trông giống một tấm kính, mặt kia lại trông giống một mẩu nhựa. Nó to hơn lá bài một chút. Làm ơn hãy tìm thứ này giúp tôi. Tôi cần có nó. Tôi buộc phải có nó'".

‘Thứ đó' cuối cùng được tìm thấy mắc kẹt ở đệm ghế.

Về sau, để có được phiên bản demo ra mắt trên sân khấu, đã có quá nhiều thứ có thể khiến Apple đi sai hướng. Có nhiều phương án dự phòng sẵn sàng được đưa ra, nhưng buổi ra mắt diễn ra suôn sẻ. Phần còn lại thuộc về lịch sử.

"Đó là trải nghiệm chuyên môn tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua", Grignon chia sẻ. "Nhưng đó lại cũng là trải nghiệm mang đến kết quả tốt nhất, có thể là vĩ đại nhất".

Thu Trà

Chủ đề khác