VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến giữa Apple và Qualcomm sẽ đẩy iPhone tiếp theo đi về đâu?

Dường như Apple không e sợ các cuộc chiến pháp lý. Trước đây, hãng từng trải qua 6 năm kiện tụng với Samsung vì đối thủ vi phạm các bằng sáng chế trên điện thoại. Tiếp đó, Apple cũng khởi kiện các công ty sản xuất phụ kiện giả mạo. Hiện tại, một vụ kiện đang được tiến hành để chống lại Qualcomm, nhà cung cấp linh kiện chính của hãng. Kết quả "cuộc chiến" này có thể tác động tiêu cực đến thế hệ iPhone mới.

Qualcomm là nhà cung cấp chip di động lớn nhất thế giới, đồng thời là "cha đẻ" của công nghệ kết nối điện thoại với mạng di động. Doanh thu đáng kể của công ty nhờ vào cấp bản quyền sáng chế cho các hãng sản xuất di động với mức phí dựa trên giá bán điện thoại, không dựa vào giá linh kiện. Vì nắm trong tay các bằng sáng chế liên quan đến điện thoại 3G, 4G và một số tính năng khác nên bất kỳ công ty sản xuất di động nào có nhu cầu kết nối thiết bị với mạng mới hơn đều phải trả phí bản quyền cho Qualcomm dù không sử dụng chip của hãng.

Apple nằm trong danh sách các nhà sản xuất trên. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino, California đã phát triển một bộ xử lý riêng cho chính mình - đồng thời là bộ não của iPhone - nhưng vẫn phải dựa vào chip của bên thứ ba để kết nối mạng. Qualcomm là nhà cung cấp loại chip trên cho Apple kể từ khi iPhone 4S ra đời vào năm 2011. Là hãng duy nhất thiết kế các modem cao cấp nên vị thế của Qualcomm cũng trở nên quyền lực hơn.

Apple cho rằng hãng chỉ cần trả phí dựa theo giá trị chip kết nối của Qualcomm chứ không phải toàn bộ giá trị thiết bị. Theo hãng, Qualcomm đang "đánh thuế hiệu quả vào những cải tiến của Apple" và Apple "không phải trả tiền cho những đột phá về công nghệ mà Qualcomm không hề liên quan".

Qualcomm phản bác rằng công nghệ của hãng không chỉ giới hạn ở giá trị kết nối mà bao gồm đa phương tiện, hình ảnh, GPS và vô số các phát minh khác tạo nên một chiếc điện thoại thông minh đúng nghĩa. Thậm chí vào năm 2000, bảy năm trước khi Apple ra mắt iPhone, Qualcomm đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế một trong những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên cùng cách thức tiết kiệm pin. Công ty này khẳng định nếu không có công nghệ của mình, iPhone đã không thể ra đời.

Hiện Qualcomm đang yêu cầu lệnh cấm bán một số iPhone tại Mỹ với lý do Apple đã vi phạm các sáng chế của hãng. Nếu Qualcomm thắng kiện, người dùng chỉ có thể đặt mua iPhone từ một số nhà mạng nhất định như Verizon và Sprint. Ngay cả khi không có lệnh cấm, cuộc chiến giữa hai công ty công nghệ này có thể tác động tới tốc độ cũng như tính năng của thế hệ iPhone sắp tới.

Giới thiệu về Qualcomm

Có thể bạn không biết Qualcomm nhưng nhiều khả năng bạn đang sử dụng một thiết bị trang bị công nghệ của hãng này. Qualcomm nổi tiếng với các chip kết nối điện thoại với mạng di động và bộ vi xử lý Snapdragon đóng vai trò như một bộ não của các thiết bị di động. Theo báo cáo của công ty Research and Markets, 59% smartphone sử dụng modem của Qualcomm trong năm 2016, tiếp theo là nhà sản xuất MediaTek của Trung Quốc với tỷ lệ 23%.

Qualcomm là một trong những nhà cung cấp phụ kiện chính cho Apple, Samsung và các hãng sản xuất điện thoại khác. Nếu không có modem Qualcomm, bạn không thể dùng ứng dụng gọi xe hoặc lướt Facebook khi đang xếp hàng mua đồ ăn.

Qualcomm đang nắm trong tay công nghệ nào?

Ngoài bộ vi xử lý, Qualcomm còn phát minh rất nhiều công nghệ khác cho điện thoại di động. Công ty này cho biết đã đầu tư hơn 40 tỷ USD vào việc nghiên cứu và phát triển trong ba thập kỷ qua. Qualcomm có hơn 130.000 bằng sáng chế phát minh và ứng dụng bằng sáng chế trên toàn thế giới.

Công nghệ của hãng tập trung vào truyền thông di động và bao gồm các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn và không thiết yếu. (Bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn là những công nghệ đóng vai trò sống còn với thiết bị. Chúng phải được cấp phép với các điều kiện công bằng và hợp lý, trong khi các bằng sáng chế không thiết yếu không bao gồm những yêu cầu trên).

Một số bằng sáng chế Qualcomm liên quan đến các tiêu chuẩn đa phương tiện, hệ điều hành di động, giao diện người dùng, hiển thị, quản lý năng lượng máy, Wi-Fi, Bluetooth và thậm chí cả chế độ máy bay trên smartphone. Công ty cũng phát minh ra công nghệ CDMA - tiêu chuẩn mạng di động 3G được các nhà mạng Verizon và Sprint sử dụng, cũng như phát triển kết nối mạng 4G và 5G.

Qualcomm khẳng định:"Hoạt động của toàn bộ mạng di động cần đến các phát minh của Qualcomm - những phát minh không giới hạn trong công nghệ chip modem hay thậm chí là điện thoại di động".

Nguyên nhân cuộc chiến

Tiền là khởi nguồn của cuộc chiến này. Apple cho rằng Qualcomm thu quá nhiều phí bản quyền cho công nghệ di động. Qualcomm lại phản bác iPhone (và các thiết bị di động khác) sẽ không thể tồn tại nếu không có công nghệ của hãng. Do không tìm được tiếng nói chung về mức phí bản quyền công bằng, cả hai công ty đưa tranh chấp lên toà án.

Nội dung khiếu nại của Apple

"Nhiều năm qua, Qualcomm đã duy trì việc tính phí bản quyền không công bằng đối với các công nghệ không hề liên quan tới hãng. Apple càng có nhiều tính năng độc đáo như cảm biến vân tay, tuỳ chỉnh hiển thị, camera và rất nhiều cải tiến khác thì Qualcomm càng thu được nguồn lợi nhuận vô lý và Apple càng phải tốn kém hơn khi đầu tư cho những cải tiến này".

Nội dung khiếu nại của Qualcomm

"Mục tiêu của Apple rất rõ ràng – sử dụng vị thế và quyền lực của mình để buộc Qualcomm thu phí sáng chế thấp hơn giá trị hợp lý của các công nghệ đã dẫn đến sự đổi mới của ngành di động và giúp Apple có hơn 760 tỷ USD từ doanh số bán iPhone".

Diễn biến cuộc chiến pháp lý

Apple là bên đầu tiên gửi đơn kiện Qualcomm vào tháng 1/2017 ở Mỹ với lý do Qualcomm đã đưa ra các điều khoản cấp phép không công bằng cho công nghệ di động. Đến tháng 4, Qualcomm đáp trả, bác bỏ tất cả các cáo buộc của Apple, tố cáo Apple vi phạm hợp đồng và can thiệp vào các thỏa thuận và quan hệ của Qualcomm với các nhà sản xuất đã ký hợp đồng.

Apple, thông qua các nhà sản xuất của mình, đã ngừng trả phí bản quyền cho Qualcomm đối với các iPhone đã bán ra trong quý I/2017.

Phía Apple cho hay, vì không thống nhất được mức phí quyết định số tiền phải thanh toán, hãng sẽ ngừng trả tiền cho Qualcomm cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Yêu cầu của Qualcomm là không hợp lý và tính phí cao hơn dựa trên các cải tiến của chính Apple, chứ không phải của Qualcomm.

Sự việc trên buộc Qualcomm phải có hành động pháp lý để đòi phí bản quyền. Công ty này đã đệ trình đơn khiếu nại tới Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ vào đầu tháng 7/2017, yêu cầu lệnh cấm một số iPhone được nhập khẩu và bán tại thị trường Mỹ vì Apple vi phạm 6 bằng sáng chế của Qualcomm. Hãng cũng gửi kiện Apple tới Tòa án quận Nam California.

Don Rosenberg, luật sự đại diện của Qualcomm, trong một cuộc phỏng vấn cho hay: "Apple tiếp tục sử dụng công nghệ của chúng tôi mà không thanh toán. Họ khiến cho chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải lên tiếng để dừng việc này lại".

Phương thức kinh doanh bản quyền của Qualcomm

Một số công ty cấp bản quyền sáng chế đơn lẻ trong khi Qualcomm cấp phép tất cả các sáng chế của mình theo nhóm. Với một khoản phí cố định - dựa trên giá bán của thiết bị cuối, thường là điện thoại - hãng sản xuất thiết bị được sử dụng tất cả công nghệ của Qualcomm.

Theo quy tắc trong ngành di động, chủ sở hữu sáng chế tính phí bản quyền trên tổng giá bán của thiết bị, do đó, Qualcomm không phải là hãng duy nhất thực hiện điều này. Ericsson, Huawei, Nokia, Samsung và ZTE cũng tính phí bản quyền dựa trên tổng giá thành thiết bị.

Bất kỳ công ty sản xuất thiết bị nào có kết nối với mạng di động đều phải trả phí bản quyền cho Qualcomm, dù không sử dụng chip của hãng. Lý do là các nhà sản xuất chip khác và các công ty sản xuất thiết bị cầm tay đều đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của Qualcomm.

Bất đồng giữa Apple và Qualcomm nảy sinh do phía Apple tin rằng phí bản quyền phải dựa trên chip Qualcomm và không được tính vào giá thành của toàn bộ chiếc điện thoại.

Tháng 5/2017, CEO Apple Tim Cook khẳng định tuy Qualcomm thực sự đạt được nhiều thành tựu trong việc tạo ra một số tiêu chuẩn - bằng sáng chế thiết yếu, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ tạo nên iPhone. Các sáng chế của Qualcomm không hề liên quan đến các hiển thị, cảm biến vân tay hay rất nhiều cải tiến khác của Apple. Vì vậy việc làm của Qualcomm là không hợp lý và Apple chỉ đang thẳng thắn lên quan điểm mang tính nguyên tắc về vấn đề này.

Giá phí bản quyền của Qualcomm?

Phí bản quyền của Qualcomm dựa trên tổng giá thành của một thiết bị (với iPhone là 650 USD) và không dựa vào giá trị của một con chip (gần 20 USD), tuy nhiên phí bản quyền vẫn chịu mức giới hạn nhất định. Cả hai công ty đều không tiết lộ mức giới hạn, nhưng sẽ thấp hơn 650 USD trên iPhone. Tỷ lệ tiền bản quyền hiện tại trên iPhone cũng không được công khai.

Các nhà phân tích ước tính khoản phí trung bình mà Apple trả cho Qualcomm là từ 10 đến 20 USD trên mỗi iPhone. Theo Apple, mức phí của Qualcomm "ít nhất đắt gấp 5 lần so với tất cả các chủ sở hữu sáng chế di động khác mà chúng tôi có thỏa thuận hợp tác".

Trước đó, trong một vụ tranh chấp sáng chế công nghệ với Samsung, Apple cho rằng hãng xứng đáng nhận được 40 USD từ mỗi thiết bị do Samsung đã vi phạm 5 bằng sáng chế của hãng và yêu cầu số tiền bồi thường là 2,19 tỷ USD. Tòa phúc thẩm cuối cùng tuyên bố Samsung phải trả 119,6 triệu USD vì vi phạm 3 trong số 5 bằng sáng chế của Apple có liên quan đến các tính năng phần mềm như "liên kết nhanh" và "trượt mở khóa màn hình".

Tại Trung Quốc, phí bản quyền bằng sáng chế 3G và 4G mà các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải trả cho Qualcomm chiếm 3,25% giá thành của mỗi điện thoại được bán ra tại quốc gia này. Tuy nhiên mức phí này được cho là thấp hơn phí nhà cung cấp thiết bị cầm tay khác phải trả. Qualcomm cho biết, phí bản quyền bao giờ cũng thấp hơn 5% tổng giá bán của một thiết bị (số tiền này chưa bao gồm thuế cùng một số khoản khác và vẫn dưới mức giới hạn cho mỗi thiết bị).

CEO của Qualcomm, Steve Mollenkopf khẳng định tuy giá trị bằng sáng chế của Qualcomm đã "tăng đáng kể theo thời gian" nhưng hãng chưa bao giờ tăng phí bản quyền.

Trong báo cáo thu nhập hằng quý của Qualcomm vào tháng 1/2017, Mollenkopf cho biết "nội dung khiếu nại của Apple có rất nhiều khẳng định nhưng thực chất là tranh chấp thương mại về sở hữu trí tuệ. Họ muốn trả ít hơn giá trị hợp lý của các công nghệ mà Qualcomm đã thiết lập trên thị trường, mặc dù Apple đã thu được hàng tỷ lợi nhuận từ việc sử dụng công nghệ đó".

Ai có được cấp phép công nghệ của Qualcomm?

Trong khi bán bản quyền công nghệ cho hơn 340 công ty, đặc biệt là các hãng sản xuất điện thoại thì Qualcomm lại không cấp phép cho các nhà sản xuất chip. Điều này khiến các quốc gia và Apple không đồng tình. Các công ty chip có thể sử dụng công nghệ của Qualcomm mà không phải trả phí bản quyền vì các nhà sản xuất điện thoại di động đã trả phí này.

Trong trường hợp của Apple, hãng có được bản quyền công nghệ của Qualcomm thông qua các nhà sản xuất như Foxconn, thay vì được cấp phép riêng cho chính mình. Apple cho biết đã cố gắng đàm phán trong 5 năm để được Qualcomm trực tiếp cấp phép bản quyền nhưng khẳng định các điều khoản đưa ra không công bằng.

Đến tháng 4/2017, Apple cho biết đã ngưng trả tiền bản quyền cho Qualcomm đối với các thiết bị được bán trong 3 tháng đầu năm. Qualcomm cáo buộc các công ty sản xuất đã vi phạm hợp đồng và yêu cầu các công ty này phải thanh toán cho đến khi cuộc chiến pháp lý được giải quyết. Phía Qualcomm cho biết tiền bản quyền mà Apple và các nhà sản xuất của công ty này đang nợ lên đến hàng tỷ USD. Trong khi đó Apple phản bác rằng họ đã trả quá nhiều cho các bằng sáng chế của Qualcomm và ngừng thanh toán cho đến khi vụ tranh chấp pháp lý được xử lý.

Vai trò của Intel trong vụ tranh chấp

Ba năm kể từ khi ra mắt, các thế hệ iPhone đều sử dụng modem của Infineon. Tuy nhiên đến năm 2011, Apple chuyển sang dùng modem của Qualcomm.

Intel đã thâu tóm Infineon vào năm 2011 nhưng phải đến năm 2016 chip của hãng mới xuất hiện trong iPhone 7 và 7 Plus. Các iPhone có bộ vi xử lý Intel tại thị trường Mỹ sử dụng mạng AT&T và T-Mobile trong khi các máy phiên bản Verizon và Sprint lại dùng chip của Qualcomm.

iPhone dùng chip Intel tại thị trường Mỹ là mục tiêu mà Qualcomm muốn có được lệnh cấm bán.

Những vấn đề pháp lý mà Qualcomm phải đối mặt?

Những năm gần đây Qualcomm liên tiếp bị điều tra vì các cáo buộc độc quyền. Năm 2015, công ty này đã phải trả cho Trung Quốc gần 1 tỷ USD để kết thúc một cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 14 tháng. Sau đó, vào tháng 12, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố Qualcomm phải chịu mức phạt 850 triệu USD sau cuộc điều tra kéo dài ba năm. Ủy ban thương mại công bằng của Hàn Quốc cáo buộc hãng sản xuất chip có "mô hình kinh doanh không công bằng" và độc quyền kinh doanh.

Đầu năm 2017, Mỹ cũng "nhảy" vào cuộc chiến này khi Ủy ban Thương mại Mỹ FTC khởi kiện Qualcomm buộc Apple phải sử dụng các chip của mình để đổi lấy phí bản quyền thấp hơn nhằm loại trừ các đối thủ cạnh tranh. Cáo buộc trên cho rằng Qualcomm đã độc quyền để lấy phí bản quyền cao hơn và làm suy yếu cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, Qualcomm bác bỏ tuyên bố trên.

Samsung ủng hộ vụ kiện của Ủy ban Thương mại Mỹ FTC. Samsung là một trong những khách hàng lớn nhất, nhưng đồng thời là đối thủ cạnh tranh của Qualcomm ở mảng chip di động. Không chỉ Samsung mà Intel đều nộp đơn ủng hộ FTC chống lại Qualcomm.

Trong hồ sơ trình lên tòa án, Samsung cho biết: "Vì Qualcomm không cấp phép sáng chế công nghệ chip cho các đối thủ cạnh tranh, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận những điều kiện gây khó khăn của Qualcomm. Qualcomm trực tiếp loại trừ đối thủ và làm tổn hại cạnh tranh lành mạnh".

Tác động của vụ tranh chấp với thế hệ iPhone tiếp theo

Apple có thể lên kế hoạch dùng chip Qualcomm trong thế hệ iPhone tiếp theo (và Qualcomm thông báo vẫn tiếp tục bán cho Apple), nhưng nếu cuộc chiến pháp lý kéo dài, nó có thể thay đổi các thế hệ iPhone trong tương lai. Nếu Apple quay lại hợp tác với hãng Intel, có thể sẽ có thiếu hụt trong nguồn cung, hay nói cách khác là bạn sẽ phải chờ lâu hơn để có trong tay chiếc iPhone mới.

Hầu hết mọi người không thực sự quan tâm đến các con chip có trong điện thoại, nhưng Qualcomm có lợi thế lớn hơn Intel chính là tốc độ. Modem của hãng là modem duy nhất có khả năng tải 1 gigabit và sẵn sàng cho thế hệ 5G sẽ xuất hiện trong các thiết bị di động vài năm tới. Intel đang nỗ lực phát triển các modem gigabit (tương tự 5G), nhưng tốc độ các con chip này sẽ chỉ sẵn sàng sau khi iPhone mới đã ra mắt.

Các nhà phân tích nhận định Intel có thể sẽ không bao giờ bắt kịp Qualcomm, đồng nghĩa với việc Galaxy S8 dùng chip Qualcomm sử dụng công nghệ Gigabit LTE - có thể nhanh hơn nhiều so với iPhone sắp tới. Intel đã quá chậm chân trên thị trường điện thoại di động, và thực sự rất khó khăn và tốn kém để tạo ra các modem cao cấp tốc độ cao. Việc sản xuất đòi hỏi phải có phần mềm phức tạp và sự thông qua của hệ thống pháp luật trên toàn thế giới.

Intel cũng được đề cập trong một hồ sơ gửi lên của tòa án vào tháng 5, cụ thể các hoạt động kinh doanh của Qualcomm với Apple đã "đặt thành công thương mại của Intel vào rủi ro và vẫn sẽ tác động trong tương lai nếu Qualcomm được phép duy trì các chiến thuật chống cạnh tranh của mình. Khi chỉ còn duy nhất một đối thủ trong thị trường chip LTE cao cấp…, bất kỳ tổn hại nào đối với hoạt động kinh doanh chip cao cấp của Intel sẽ có những tác động chống cạnh tranh sâu sắc thêm trên thị trường nói chung".

Tất cả máy iPhone 7 đều có cùng tốc độ?

Qualcomm cáo buộc rằng Apple hạn chế modem của mình khiến tốc độ modem này chậm tương đương modem của Intel. Về mặt lý thuyết, iPhone có thể tải dữ liệu với tốc độ lên đến 600 megabit/giây với chip của Qualcomm nhưng với chip Intel chỉ là 450 megabit/giây.

Theo công ty Bloomberg, cáo buộc trên phù hợp với kết quả mà các nhà nghiên cứu tại hai công ty Twin Prime và Cellular Insights phát hiện. Các hãng trên khẳng định iPhone dùng công nghệ Qualcomm có thể nhanh hơn nhưng lại có cùng tốc độ với các phiên bản dùng modem của Intel. Số liệu của Apple lại cho thấy không có sự khác biệt rõ ràng trong hiệu suất mạng không dây của bất kỳ mẫu máy nào.

iPhone dùng chip Intel đang dùng mạng do AT&T và T-Mobile cung cấp, trong khi máy dùng công nghệ Qualcomm lại hoạt động với các mạng Verizon và Sprint. Không giống iPhone 6S, bạn không thể mua iPhone 7 hoặc 7 Plus từ AT&T hoặc T-Mobile và sau đó chuyển sang Verizon hoặc Sprint vì chip Intel không hỗ trợ mạng 3G CDMA. Apple thực sự có bán các máy đã mở khóa dùng bộ xử lý của Qualcomm và có thể được sử dụng với bất kỳ nhà mạng nào.

Modem hiện tại của Qualcomm, X16, có thể hỗ trợ mạng Gigabit LTE. Nó tương tự công nghệ trong bộ vi xử lý Snapdragon 835 của Qualcomm trên một số máy Galaxy S8. Chip mới nhất của Intel, XMM 7480, có tốc độ tối đa 600 megabit/giây. Chip đầu tiên của Intel có thể dùng mạng Gigabit LTE, XMM 7560, sẽ được tung ra thị trường vào 2018.

Gigabit LTE là gì?

Gigabit LTE là một cải tiến của LTE, mạng di động công nghệ không dây 4G mà các nhà mạng sử dụng để kết nối các thiết bị di động. Sỡ dĩ có tên như vậy vì tốc độ kết nối của nó có thể lên đến 1 gigabit/giây, cùng tốc độ mà Google Fiber cung cấp dịch vụ kết nối internet cố định.

Các nhà mạng cũng muốn có nhiều điện thoại dùng công nghệ Gigabit LTE vì điều này giúp mạng hoạt động hiệu quả hơn ngay cả khi có nhiều người dùng và lưu lượng truy cập. Đầu năm, CEO của T-Mobile John Legere tự hào tuyên bố T-Mobile sẽ là công ty đầu tiên ứng dụng Gigabit LTE trong năm 2017.

Galaxy S8 của Samsung là dòng điện thoại cao cấp đầu tiên sử dụng công nghệ này. Qualcomm hy vọng sẽ có tới 10 mẫu điện thoại Android trong năm nay sử dụng công nghệ trên.

Liệu điện thoại chúng ta có cần Gigabit LTE?

Hiện tại điện thoại của bạn không đạt được tốc độ gigabit nhưng tình hình có thể sẽ khác đi trong vài năm tới. Khi xu hướng giá điện thoại thay đổi, mọi người bắt đầu mua điện thoại ngày càng đắt tiền để dùng lâu hơn. Điện thoại có thể sẵn sàng với các cải tiến mạng trong tương lai ngày càng quan trọng. Đối với những người dùng chỉ muốn những thứ mới nhất và tuyệt nhất, một iPhone chậm hơn Galaxy sẽ là một sự thất vọng đối với họ.

Apple vẫn không thường tiên phong đối với các công nghệ mạng di động mới. Chuyên gia Jan Dawson của công ty tư vấn Jackdaw Research khẳng định "theo kinh nghiệm thực tế, trong vài năm tới sẽ có rất ít sự khác biệt và gần như chắc chắn Apple sẽ tham gia xu hướng modun tốc độ gigabit vào năm 2018, có thể thông qua Intel".

Về phần mình, Qualcomm đã sản xuất chip dùng mạng 5G - một bước tiến lớn tiếp theo của hãng trong ngành kết nối di động. Một số bộ vi xử lý của Qualcomm sẽ xuất hiện trong các thiết bị vào đầu năm 2018, trong khi mạng siêu nhanh dự kiến sẽ triển khai trên quy mô lớn vào năm 2019.

5G dự kiến sẽ nhanh gấp 100 lần công nghệ không dây 4G LTE hiện tại và gấp 10 lần tốc độ mà Google Fiber cung cấp dịch vụ mạng internet cố định. Các chuyên gia hy vọng 5G sẽ cho phép người dùng trải nghiệm thực tế ảo và tương tác thực tế, những điều mà thậm chí chúng ta không thể nghĩ đến trong hiện tại.

Điều gì sẽ xảy ra khi có lệnh cấm iPhone?

Qualcomm vào đầu tháng 7/2017 đã cáo buộc Apple vi phạm sáu bằng sáng chế của hãng và yêu cầu ITC cấm một số máy iPhone được nhập khẩu và bán tại Mỹ. Không có bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn nào liên quan đến cuộc chiến bản quyền giữa hai công ty. Cụ thể: một sáng chế giúp điện thoại chuyển đổi giữa đồ họa có độ nét cao và chất lượng thấp để tiết kiệm pin. Trong các sáng chế được đưa ra cũng bao gồm bản quyền cho phép người dùng phát trực tuyến video từ điện thoại lên Facebook ở độ phân giải cao mà không ảnh hưởng đến chất lượng video hoặc làm giảm tuổi thọ pin.

Các thiết bị mà Qualcomm đang tìm cách ban hành lệnh cấm sẽ bao gồm các mẫu iPhone 7 và 7 Plus hoà mạng của AT&T và T-Mobile cũng như một số mẫu iPad nhất định. Giới hạn phạm vi của lệnh cấm này cũng tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chip của Qualcomm mà nguồn lợi nhuận lớn thu về từ việc cung cấp cho Apple.

Qualcomm cho biết họ có thể mở rộng phạm vi lệnh cấm đến thế hệ iPhone mới của Apple, nếu hãng tin rằng Apple vi phạm công nghệ của Qualcomm.

Các công ty công nghệ trong những năm gần đây ngày càng nhờ đến ITC để giải quyết tranh chấp. Họ có thể theo đuổi một vụ kiện tại ITC song song với các vụ kiện dân sự và việc e sợ một lệnh cấm các sản phẩm thường khiến các công ty phải xử lý tranh chấp nhanh chóng hơn.

Hiện chưa rõ tỷ lệ thành công của Qualcomm khi yêu cầu một lệnh cấm. Năm ngoái Apple đã đạt được lệnh cấm một số điện thoại Samsung vi phạm các bằng sáng chế của hãng, nhưng vào thời điểm cấm, các thiết bị trên đã trở nên lỗi thời và không thực sự được bán ở Mỹ nữa. Và dù Samsung có giành được lệnh cấm một số máy iPhone và iPad từ ITC vào năm 2013 nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn phủ quyết phán quyết trên.

Ngay cả khi Qualcomm thắng kiện, bất kỳ lệnh cấm nào cũng sẽ không có hiệu lực trong 18 tháng tới, vì vậy vụ tranh chấp chưa có tác động gì đến hiện tại.

Nếu Apple thắng kiện, iPhone có rẻ hơn không?

Câu trả lời chắc chắn là không. Nguyên nhân là Apple phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số bán iPhone trong năm 2016 và vẫn chưa tìm được một sản phẩm sát thủ nào có sức mạnh như iPhone.

Mai Mai

Chủ đề khác