VnReview
Hà Nội

FPT số hóa toàn bộ tác nghiệp vận tải của đường sắt Việt Nam

Hiện nay, toàn bộ các thao tác thủ công của công tác quản lý vận tải hàng hoá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Đường sắt Việt Nam) đã được tin học hoá trên hệ thống phần mềm lõi do FPT IS triển khai.

Qua hệ thống phần mềm do FPT IS triển khai, toàn bộ các thông tin về đoàn tàu đều được quản lý tập trung. Với cơ sở dữ liệu này, khách hàng của Đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể truy cập và nắm bắt thông tin trước, trong và sau quá trình gửi hàng theo thời gian thực, tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi. Cụ thể, khách hàng dễ dàng xác định hàng hóa hiện ở đâu, di chuyển thế nào. Nhân viên kinh doanh cũng như người điều hành có thể vào hệ thống kiểm tra được toàn bộ trạng thái thương vụ toa xe (chở hàng hay rỗng, đang chờ xếp dỡ, bao giờ xong); Các trạng thái kỹ thuật toa xe (vận dụng tốt hay hỏng, đang sửa chữa, sắp tới hạn bảo dưỡng định kỳ chưa) trên toàn mạng lưới cũng như tại ga. Nếu khách hàng có nhu cầu, ngay lập tức sẽ được trả lời có toa xe cấp hay không, loại xe gì, bao giờ hàng về ga...

Trước đây việc quản lý vận tải hàng hoá của ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn do chủ yếu thao tác thủ công. Ảnh ST

Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (thuộc FPT IS) cho biết bước tiếp theo của dự án là tiến tới việc cho phép khách hàng có thể sử dụng hệ thống CNTT để kết nối trực tiếp vào hệ thống và thực hiện các giao dịch điện tử, trao đổi thông tin giữa các hệ thống; tự tra tìm vị trí hàng qua số hóa đơn gửi hàng; xây dựng hóa đơn điện tử. Với tính năng này, khách hàng hoàn toàn có thể giao dịch với đường sắt qua mạng Internet, email mà không cần đến trực tiếp. Điều đó giúp giảm bớt thời gian lẫn chi phí cho cả khách hàng và Đường sắt Việt Nam.

Trước khi đưa hệ thống phần mềm lõi quản trị vận tải hàng hoá vào khai thác, phần lớn các hoạt động nội nghiệp của Đường sắt Việt Nam được thực hiện thủ công: thông tin tác nghiệp ghi chép thủ công vào sổ, đồng thời trao đổi một cách hạn chế thông qua mạng điện thoại nội bộ của ngành. Hệ quả là thông tin bị cục bộ; cán bộ và điều hành kinh doanh thiếu thông tin mô tả về năng lực vận tải để có thể có những cam kết mạnh mẽ với khách hàng về khả năng cung cấp dịch vụ. Cấu trúc giá thành sản phẩm dịch vụ của ngành phức tạp, nên ở thời điểm thương thảo với khách hàng hầu như không có khả năng cân đối và tính toán chi phí để chốt phương án cho hiệu quả.

Với khách hàng, họ cũng rất khó để tiếp cận các thông tin như: Bao giờ có toa xe để xếp hàng? Xếp hàng ở đâu? Chi phí thế nào?... Sau khi xếp hàng và niêm phong thì rất khó để được trả lời xe đang ở đâu? Bao giờ đến ga dỡ hàng? Có đảm bảo kỳ hạn vận chuyển hay không? Nếu muốn thay đổi hành trình toa xe thì có được hay không?... Điều này gây tốn kém rất nhiều chi phí và bất tiện cho tổ chức hoạt động của khách hàng.

Từ thực trạng đó, tháng 10/2016, Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với FPT IS thử nghiệm hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng Internt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, công khai, minh bạch thông tin với khách hàng. Tiêu chí khi xây dựng hệ thống là theo dõi và quản lý được vị trí toa xe trên toàn mạng; Thống kê được lịch sử vị trí, di chuyển trong mọi thời điểm.

Tính đến tháng 7/2017, FPT IS đã hoàn thành liên kết hoạt động của 3/5 hệ thống tác nghiệp vận tải của ngành đường sắt. Hiện hệ thống đã được triển khai đến 3 công ty vận tải đường sắt, Trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt, 80 ga lớn của Đường sắt Việt Nam và đang tiếp tục triển khai mở rộng đến các ga còn lại.

Hiện đã có gần 2.000 tài khoản người sử dụng được cấp để tham gia phối hợp trao đổi và chia sẻ thông tin tác nghiệp chung trên một nền tảng phần mềm tập trung thống nhất. Mỗi ngày hệ thống tiếp nhận khoảng hơn 10.000 bản ghi dữ liệu thông tin giao dịch tác nghiệp trên toàn mạng lưới.

Theo FPT

Chủ đề khác