VnReview
Hà Nội

CEO Nguyễn Tử Quảng: Bphone 2017 ưu tiên chinh phục khách hàng hơn là doanh số

Chiều qua (23/8), CEO Nguyễn Tử Quảng và ban lãnh đạo của Bkav đã có buổi gặp mặt và chia sẻ với báo chí tại TP.HCM về smartphone "made in Vietnam" Bphone 2017 cũng như tầm nhìn dài hạn của Bkav.

Các lãnh đạo Bkav gặp mặt các phóng viên báo chí tại TP.HCM. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav là người mặc áo trắng đang cầm micro.

Buổi gặp mặt đã diễn ra dài hơn dự kiến do Bphone 2017 nhận được nhiều sự quan tâm và chia sẻ từ các phóng viên với ban lãnh đạo của Bkav, nhất là CEO Nguyễn Tử Quảng, vốn lâu nay rất ít xuất hiện trước báo chí.

Theo chia sẻ tại buổi gặp mặt, CEO của Bkav cho biết, ban đầu ông làm ra phần mềm diệt virus Bkav miễn phí và thời đó thường phải mất tới 8 tiếng để tải lên mạng thông qua dial-up để chia sẻ với mọi người. Sau 9 năm (từ năm 1995-2005) phát hành phần mềm này miễn phí và nhận được nhiều sự quan tâm, ông nhận ra nhiều bất cập và đã quyết định thương mại hóa để phát triển sản phẩm tốt hơn, đến được nhiều người hơn.

Sau vụ việc nhạy cảm "tấn công vào server của hacker ở Hàn Quốc" vào năm 2005 vốn gây tranh cãi tại thời điểm đó (hiện nay đã được coi là hợp pháp vì lợi ích pháp lý), ông đã bị gán cho biệt danh Quảng "Nổ" khi tìm cách để "thế giới biết tới Việt Nam nhiều hơn".

Làm an ninh mạng chủ yếu vì tâm huyết

Ngoài phần mềm diệt virus, Bkav còn có nhiều giải pháp khác như chữ ký số (C.A), in hóa đơn điện tử (e-Hóa đơn), chính phủ điện tử (e-Gov), an ninh mạng, nhà thông minh (Smarthome) và gần đây là cả mảng sản xuất smartphone. Đáng chú ý, theo chia sẻ của CEO Bkav, công ty này tách biệt hai mảng diệt virus và An ninh mạng riêng biệt dù vẫn hỗ trợ lẫn nhau.

Theo đó, ông Quảng cho biết doanh thu của doanh nghiệp này phần lớn vẫn chủ yếu đến từ mảng phần mềm diệt virus (trong đó có Bkav Pro), vốn được hướng đến người dùng cá nhân. Trong khi đó, mảng An ninh mạng (ANM) chủ yếu làm vì tâm huyết. CEO Bkav chia sẻ rằng, ở Việt Nam mảng ANM không thu được nhiều lợi nhuận, do người dùng và các doanh nghiệp vẫn chủ yếu tập trung vào những thứ hữu hình trước mắt thay vì quan tâm tới các vấn đề bảo mật vĩ mô và dài hạn, mỗi khi có những sự cố lớn như WannaCry thì mọi người mới giật mình và cũng chỉ "ồ lên" trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại đâu vào đấy.

Theo tiết lộ của vị CEO này, hiện Bkav đang tham gia các dự án ANM cho một số đối tác có dữ liệu quan trọng, chi phí từ các dự án này chủ yếu được dùng để duy trì đội ngũ bảo trì và giám sát trực tiếp ở các dự án. Do vậy có thể nói hiện Bkav đang làm ANM chủ yếu vì tâm huyết.

Bphone là sản phẩm chiến lược chứ không chỉ để kinh doanh

CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ về Bphone 2017.

Quay trở lại với đề tài mà các phóng viên tham dự buổi họp báo quan tâm nhất là Bphone 2017, CEO Bkav cho rằng Bphone hiện được chú ý khắt khe hơn trong khi thực tế là bất cứ nhà sản xuất nào cũng có thể gặp lỗi khi mới tung sản phẩm ra (và họ phải phát hành các bản vá thường xuyên); đặc biệt Bphone cũng được quan tâm nhiều nên dễ bị "soi" kỹ và "phát hiện ra lỗi nhanh hơn bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường", một phần do niềm tin của người Việt vào các sản phẩm "made in Vietnam" đang rất thấp.

Theo ông Quảng, Bphone 2017 là một trong số những smartphone có số linh kiện xuất xứ từ Trung Quốc ít nhất trên thế giới. Cụ thể, số linh kiện có gốc gác từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) chỉ chiếm khoảng 0,9% trong tổng số khoảng 900 linh kiện của Bphone 2017.

Đáng chú ý, CEO của Bkav tiết lộ rằng hiện Bkav đang phải bù lỗ cho mỗi chiếc Bphone 2017 bán ra. Một phần vì việc sản xuất với số lượng ít, một phần vì sử dụng thiết kế cao cấp. Ông cho biết, ban đầu Bkav định sử dụng thiết kế cao cấp với chip Snapdragon 821, nhưng sau khi cân nhắc thị trường thì công ty đã "rút gọn" một số thành phần như chip, RAM để chuyển sản phẩm xuống phân khúc cận cao cấp dù vẫn giữ nguyên thiết kế và các tính năng cao cấp.

Ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định Bphone 2017 là sản phẩm cho thấy người Việt có đủ khả năng thiết kế và sản xuất một sản phẩm sánh ngang với các công ty lớn trên thế giới như Apple và Samsung. Do vậy, có thể nói Bphone được sản xuất mang mục đích chiến lược nhiều hơn là kinh doanh, trong đó CEO Bkav nhấn mạnh các giai đoạn: Đầu tiên là phải chinh phục được niềm tin của người dùng (vào hàng Việt), rồi đến việc chinh phục thị trường trong nước và cuối cùng là vươn ra chinh phục thị trường thế giới.;

Bkav cũng cho biết, họ đang ấp ủ ra phiên bản tầm trung cũng như sẽ chuyển giao cho đối tác gia công nếu lượng đặt hàng quá nhiều, vượt quá khả năng sản xuất của công ty.

Lãnh đạo Bkav chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo công nghệ tại TP.HCM.

Định giá Bphone cũng là "định giá chất xám người Việt"

Khi được nhà báo Phạm Hồng Phước hỏi liệu Bkav có đang đi quá xa khỏi cốt lõi kinh doanh của công ty hay không? Ông Quảng cho biết, Bphone là sản phẩm được làm ra để khẳng định tâm huyết và khả năng của người Việt chứ không rời xa cốt lõi của công ty: Đó là nguồn lực con người, thứ đủ để làm bất cứ thứ gì miễn là có phương pháp và tâm huyết, dù đó là phần mềm hay phần cứng.

Thậm chí, CEO Bkav tin rằng khả năng tự chủ của Bkav còn cao hơn cả Apple, khi mà Bkav tự làm cả khuôn đúc cho vỏ sản phẩm cũng như các thành phần cơ khí khác thay vì chỉ giao cho các đối tác làm sẵn như Apple.

Tuy nhiên, quy mô của thị trường Việt Nam còn nhỏ và đặt trong bối cảnh có quá nhiều hãng tham gia nên việc sản xuất sẽ bị giới hạn nhiều về số lượng, đó cũng là một trong những lý do phía Bkav phải bù lỗ do đối tác tính giá cao hơn khi nhập linh kiện với số lượng ít.

Giá của Bphone đang bị chê là "hơi cao" và đó cũng là câu hỏi mà nhà báo Thẩm Hồng Thụy đặt ra. Trả lời câu hỏi này, ông Quảng hỏi lại các nhà báo rằng, "liệu bạn muốn công ty của Việt Nam mình bị định giá thấp như Xiaomi hay chỉ là sản phẩm tầm trung như Oppo của Trung Quốc thay vì cao cấp như Apple?". Với sản phẩm Bphone 2017, ông Quảng cho rằng mức giá đặt ra là hợp lý bởi vì ngoài cấu hình, sản phẩm được đầu tư thiết kế và trang bị những tính năng cao cấp. Ông không muốn người ta mặc định các thương hiệu Việt là "rẻ tiền".

Định giá Bphone cũng là định giá chất xám của người Việt.

Bkav sẽ tiếp tục sứ mệnh dẫn dắt của mình

Cũng trong buổi gặp mặt, ông Quảng cho biết ông đã nung nấu tham vọng đưa Việt Nam sánh tầm thế giới ngay từ hồi năm 2003, khi ông có dịp qua Nhật công tác và tiếp xúc với các thiết bị thông minh của họ. Về nước, ông đã bắt tay vào việc tìm hiểu và sản xuất thiết bị nhà thông minh, tiền thân của nhà thông minh Smarthome hiện nay. 

Tuy nhiên, lúc đó dù đã bỏ ra vài ngàn USD (cao hơn cả lương của ông lúc đó) để thuê người về làm nhưng được vài tháng họ bỏ cuộc cho rằng mảng nhà thông minh tại Việt Nam lúc đó chưa có thị trường. Và ông nhận ra chỉ có tự mình làm cũng như tự đào tạo các nhân viên tâm huyết thì mới thành công - không phải ngẫu nhiên mà Smarthome của Bkav ra đời và thành công như ngày hôm nay.

Trước trăn trở về sứ mệnh mà Bkav đang theo đuổi của phóng viên Hồ Minh Phúc đến từ báo Thế giới Tiếp thị, ông Quảng cho biết, Bkav muốn tạo ra những sản phẩm mang tính dẫn dắt thị trường và nuôi tham vọng sẽ trở thành một Apple hay Samsung ở quy mô thế giới, không chỉ trong mảng smartphone mà còn ở những lĩnh vực khác. Qua đó nuôi dưỡng khát vọng cho các startup và các bạn trẻ Việt Nam đang chập chững chinh phục thị trường.

CEO của Bkav cũng không giấu diếm mục tiêu sẽ chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam ở mảng di động trong một ngày không xa, và muốn làm được vậy thì sẽ còn rất nhiều khó khăn, trong đó không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở thị trường cũng như sự quan tâm tích cực của người Việt. 

"Nhưng dù còn nhiều khó khăn và thách thức phía trước, Bkav vẫn sẽ giữ vững niềm tin và định hướng với sự mệnh mà công ty đã tự nhận về mình", ông Quảng khẳng định.

TM

Chủ đề khác