VnReview
Hà Nội

Từ chối ứng dụng chặn tin rác, Apple đang đối đầu với chính phủ Ấn Độ

Vừa qua, Apple đã từ chối phê duyệt ứng dụng chống thư rác của Ấn Độ lên App Store có thể làm tổn hại đến nỗ lực của công ty trong việc bán sản phẩm tại nước này.

Theo The Economic Times,;Cục Quản lý Viễn thông Ấn Độ đã phát hành phần mềm Do Not Disturb lên nền tảng iOS cho phép người dùng gửi bản ghi tin nhắn thoại và tin nhắn văn bản rác về cơ quan chức năng và sau đó cơ quan này cảnh báo các nhà mạng di động chặn những kẻ gửi thư rác. Tuy nhiên Apple đã không chấp thuận và xóa ứng dụng trên vì vi phạm chính sách bảo mật của công ty.

Hành động này có thể ảnh hưởng đến ý định mở rộng thị trường Ấn Độ của Táo Khuyết, nơi sẽ có nửa tỷ smartphone được bán ra vào năm 2020. Hãng đang đàm phán với chính phủ Ấn Độ về việc mở cửa hàng bán lẻ và cho phép bán iPhone tân trang vào quốc gia này. Kèm theo đó, Apple đã đưa ra danh sách dài các yêu sách bao gồm cả giảm thuế và các nhượng bộ khác để thiết lập các cơ sở sản xuất.

"Không ai yêu cầu Apple vi phạm chính sách bảo mật của họ. Nhưng đây là tình huống thật vô lý. Không một công ty nào được phép làm người giám hộ dữ liệu người dùng", ông Ram Sewak Sharma, chủ tịch điều hành viễn thông Delhi nói. Về phía Apple, họ đã giữ im lặng trước nhận định của ông Sharma.

Ông còn chia sẻ thêm rằng Cục quản lý viễn thông hiện đang khảo sát ý kiến ​​người dân và các bên liên quan về cách người dùng kiểm soát thông tin cá nhân của họ và các quy tắc an ninh mạng. Quá trình này dự kiến ​​hoàn thành vào tháng 9 sẽ cho ra các quy tắc mới về dữ liệu người dùng. Điều đó cũng có thể trở thành một phần của quá trình cấp phép viễn thông.

Không chỉ riêng Apple, bất kỳ quy tắc mới nào cũng ảnh hưởng đến Facebook, Google và các tập đoàn công nghệ khác trong khâu xử lý thông tin cá nhân. Điển hình như chương trình truy cập internet Free Basics của Facebook năm ngoái cũng không được phép thực hiện ở Ấn Độ.

Năm ngoái, Apple đã nhập 2,5 triệu chiếc iPhone vào Ấn Độ. Đầu năm nay, nhà cung cấp Wistron Corp (Đài Loan) đã bắt đầu lắp ráp một lượng hạn chế iPhone ở Bangalore (Ấn Độ). Nhưng đến nay, chính phủ Ấn Độ đã từ chối tất cả các yêu cầu của Apple trong đó có việc nhập khẩu iPhone đã qua sử dụng.

Sharma cho biết đã không có giải pháp nào được đưa ra sau 6 cuộc họp với Apple. Dù chính sách của Apple cho phép chia sẻ dữ liệu người dùng với các đối tác chiến lược, nhưng ứng dụng Do Not Disturb của chính phủ Ấn Độ chỉ yêu cầu mức độ chia sẻ dữ liệu giới hạn và được chấp thuận trước. Ngược lại, chính sách chia sẻ dữ liệu của Apple với bất cứ bên nào khác đều không được cho phép: "Vấn đề kiểm soát dữ liệu người dùng đang trở nên cấp thiết và chúng tôi cần làm mọi thứ chặt chẽ hơn. đây ko phải vấn đề liên quan đến Apple, mà là vấn đề của Apple liên quan đến người dùng của mình".

Thái Âu

Chủ đề khác