VnReview
Hà Nội

Apple cần làm mới hoàn toàn iPhone, chứ không phải chỉ một phiên bản mới

Chiếc iPhone thế hệ đầu tiên đã là một sản phẩm tuyệt vời khi nó ra mắt cách đây 10 năm. Liệu người đàn em mang tên "iPhone X" có làm được điều tương tự?

Sự khác biệt mà 10 năm có thể đem lại (ảnh: Apple)

Bài viết này là góc nhìn của Rachel Metz, biên tập viên mảng di động của trang MIT Technology Review được VnReview biên dịch và tổng hợp.

Vào năm 2007, tôi có một chiếc điện thoại phổ thông với màn hình "cùi bắp" có thể trượt sang ngang để sử dụng bàn phím. Nó không đẹp, nhưng nó đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản như nhắn tin hay gọi điện – những nhu cầu duy nhất của tôi lúc bấy giờ.

Rồi iPhone xuất hiện, và mọi thứ đều thay đổi. Đột nhiên, tất cả chúng ta đều mong đợi nhiều hơn từ thiết bị cầm tay của mình: chúng không chỉ là điện thoại, mà còn là điện thoại thông minh. Dĩ nhiên, lúc đó đã tồn tại những sản phẩm như BlackBerry hay Palm Treo to hơn và nhiều tính năng hơn một chiếc điện thoại nắp gập, nhưng chúng không hề dễ sử dụng và cũng không có quá nhiều thứ hay ho mà bạn có thể làm với chúng. Trên thị trường không có thiết bị nào ở cùng đẳng cấp với iPhone khi nói về màn hình hiển thị, cảm ứng, trải nghiệm người dùng và – có lẽ là yếu tố quan trọng nhất – sự kinh ngạc. iPhone (cùng với App Store ra mắt sau một năm) không chỉ định nghĩa lại một hạng mục; chúng tạo ra một hạng mục mới.

Đã 10 năm trôi qua và ngành công nghiệp di động đã thay đổi một cách mạnh mẽ. Ngày nay, hầu hết chúng ta đều có điện thoại thông minh, chúng hầu như đều có màu đen hoặc trắng, và chúng ta dùng chúng để làm mọi thứ, từ tìm ngày tháng đến thanh toán hóa đơn. Đa số những điện thoại này (85%, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường IDC) chạy hệ điều hành Android của Google, đối thủ lớn nhất của Apple, trong khi iOS và iPhone chiếm gần hết phần còn lại của thị trường.

Nhưng trong khi Android chiếm ưu thế về số lượng, iPhone vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát thị trường – với bằng chứng là sự chú ý được đổ dồn về công ty ngay cả khi họ ra mắt một tính năng đã cũ và đã xuất hiện ở trên các đối thủ. Điều này không tuyệt vời như một thiết bị hoàn toàn mới, nhưng nó có khả năng tạo hiệu ứng gợn sóng và làm cho các công nghệ hiện tại trở nên phổ biến hơn.

Vào rạng sáng ngày 13/9 theo giờ Việt Nam, Apple đã ra mắt 3 chiếc iPhone mới với phiên bản cao cấp nhất có giá 1.000 USD (23 triệu đồng) mang tên iPhone X, sở hữu công nghệ nhận diện khuôn mặt được gọi là Face ID. Từ cách Phó Chủ tịch mảng tiếp thị của Apple Phil Schiller mô tả, Face ID sử dụng một loạt các cảm biến và máy ảnh cùng một máy chiếu nhỏ trên mặt trước của điện thoại để tạo một khuôn mẫu cho gương mặt của bạn, sau đó áp dụng các thuật toán deep learning để đối chiếu với hình ảnh mà bạn đã lưu ở trên máy. Apple dự định người dùng sẽ không chỉ dùng tính năng này để mở khóa thiết bị mà còn để xác thực thanh toán qua hệ thống Apple Pay hay trong các ứng dụng iOS.

Xác thực sinh trắc học sử dụng nhận diện khuôn mặt đã xuất hiện trên một số điện thoại thông minh khác, như Galaxy S8 của Samsung, nhưng nó thường không hoạt động tốt. Tôi cũng không quá lạc quan với Face ID của Apple, bất chấp sự cam đoan của ông Schiller rằng nó tốt hơn rất nhiều so với công nghệ cảm biến vân tay Touch ID trong việc ngăn cản người khác truy cập điện thoại của bạn. (Ông đã nói rằng công nghệ này được thiết kế để hiểu những thứ như ảnh và mặt nạ không phải là người thật, và nó đòi hỏi sự chú ý của bạn để mở khóa. Điều này là rất tuyệt, nhưng trong lần trình diễn ở sự kiện của Apple, Phó Chủ tịch cấp cao mảng phần mềm Craig Federighi đã mở khóa không thành công ở ngay lần thử đầu tiên).

Tuy nhiên, nếu như Apple có thể làm cho tính năng này hoạt động tốt, trở nên đáng tin cậy và an toàn, bạn sẽ thấy nó xuất hiện ở nhiều điện thoại hơn (điều này, tốt hay xấu, còn phụ thuộc vào thiết bị và quan điểm của bạn).

Công nghệ như Face ID của Apple sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp di động trong tương lai (ảnh: Apple)

Tính năng sạc không dây cũng đã xuất hiện – tính năng mà các công ty đã cố gắng thực hiện trong nhiều năm trời, và một số điện thoại Android đã sở hữu tính năng này. Theo Apple, 3 sản phẩm mới của họ - iPhone 8, 8 Plus và X – sẽ hỗ trợ sạc không dây chuẩn Qi, thứ bạn có thể thấy ở những nơi như Ikea hay sân bay.

Sạc không dây đã nhận được ít nhiều sự chú ý trong những năm qua, nhưng nó vẫn chưa phải là thứ mà bạn thường xuyên thấy, và điện thoại của bạn cũng không hỗ trợ nó nếu không có thiết bị chuyên dụng. Quyết định tiến tới chuẩn Qi của Apple có một cơ hội rất tốt để thay đổi điều này trong những năm tới, khi những người dùng iPhone trung thành nâng cấp điện thoại và đòi hỏi có nhiều điểm sạc hơn. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ có thể sạc điện thoại ở bất kì đâu, và sẽ có thêm nhiều điện thoại Android được trang bị tính năng này.

Vậy câu chuyện của Apple và iPhone 10 năm nữa sẽ ra sao? Thập kỷ tới chắc chắn sẽ được lấp đầy với những chiếc iPhone "hao hao" nhau, với những sự nâng cấp ở vi xử lý, cảm biến, và có lẽ là... emoji chân thực hơn nữa.

Nếu Apple muốn giữ lại sự chú ý của người dùng (lợi nhuận nữa, tất nhiên), họ sẽ phải tìm cách tạo ra một iPhone khác. Apple đã từng "tấn công" những thị trường ngách (một phân đoạn nhỏ của thị trường mà mục tiêu là một nhóm khách hàng riêng biệt) trước khi chúng được định rõ với Apple Watch và chiếc loa thông minh sắp được phát hành HomePod. Nhưng cả hai đều chưa thể sánh ngang được với cảm giác mà chiếc iPhone thế hệ đầu tiên mang lại – của một thứ hoàn toàn mới, gói trọn công nghệ vào một sản phẩm mà bạn khó có thể tưởng tượng được, nhưng lại hoàn toán có ý nghĩa khi bạn nhìn vào chúng.

Văn Hoàn

Chủ đề khác