VnReview
Hà Nội

Tại sao mức lương của chúng ta hầu như chẳng tăng lên chút nào?

Một vấn đề đang gây nhức nhối trên toàn thế giới. Các cổ đông và các nhà quản lý – và sự sụp đổ của những công đoàn – là những người phải chịu trách nhiệm.

Theo Bloomberg, điều đầu tiên mà bất kì sinh viên Kinh tế học nào cũng phải nắm bắt được chính là quy luật cung và cầu. Khi người ta thèm muốn một thứ gì đó nhưng nguồn cung lại chỉ có hạn, giá của nó sẽ tăng lên. Có lẽ không còn một quy tắc kinh tế nào đơn giản và hợp lý hơn được nữa.

Thế nhưng Nhật Bản, vùng đất của những bí ẩn kinh tế vĩnh cửu, lại đang thách thức quy tắc thiêng liêng này. Vấn đề chính là mức lương. Thị trường lao động của Nhật Bản đã đang ở mức thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 2,8%, thấp nhất trong vòng 23 năm, trong khi số lượng việc làm có sẵn so với số người ứng tuyển đã đạt đến mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 70. Cộng thêm sự già hóa của dân số, lực lượng nhân công ngày càng bị thu hẹp và không thể tạo thêm những người thay thế trong tương lai, và chỉ với một chút tính toán đơn giản, chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng mức lương sẽ phải tăng – dựa trên điều kiện thị trường ở thời điểm hiện tại – ít nhất 2% mỗi năm.

Nhưng trên thực tế, tỉ lệ tăng của họ lại chẳng bằng được 1 góc của kết luận ấy. Sự tăng trưởng của lương (và thưởng) đều ở mức tối thiểu. Trong tháng 7, mức lương cơ bản của họ chỉ tăng 0,5% so với năm trước, còn tổng thu nhập (lương+thưởng) giảm 0,3%. Mặc dù gần đây đã có một số dấu hiệu cho thấy mức lương sẽ được nâng lên, nhưng những gì mà công nhân sẽ nhận được vẫn còn cách rất xa so với những gì họ xứng đáng.

Nhật Bản, như thường lệ, là một trường hợp đặc biệt, nhưng không phải là duy nhất. Sự tăng trưởng ở mức lương trên thế giới hầu hết đều đã bị suy giảm, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đã rất sôi động trong thời gian qua. Tại Mỹ, nơi mà tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm, ở mức 4,4%, cuộc sống của người lao động vẫn chưa có nhiều cải thiện. Mức lương trung bình mỗi giờ tăng 3 cent (100 cent = 1 USD) so với tháng trước. Tại khu vực đồng Euro, lương trung bình mỗi giờ đã có một vài sự cải thiện, với mức tăng 2% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, chi phí lao động tổng thể không tăng nhanh như những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dù châu Âu đang hồi phục một cách đáng kinh ngạc.

Lực lượng lao động già và tỉ lệ sinh thấp đang đe dọa nền kinh tế Nhật Bản

Sự "èo uột" của mức lương là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế học đã đưa ra tất cả những lời giải thích đầy phức tạp có thể để lý giải cho tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau cuộc Đại suy thoái, bao gồm cả việc chi tiêu ngân sách thiếu hợp lý và những quy định cực đoan của chính phủ. Một số người thậm chí còn cho rằng thế giới đã rơi vào một chu kì suy thoái dài hạn. Nhưng có một yếu tố thường bị bỏ qua là hoàn cảnh của người lao động. Các nhân viên làm việc 8 tiếng mỗi ngày không được hưởng lợi từ những sự cải thiện của nền kinh tế hay lợi nhuận của công ty. Nếu lương không tăng, các hộ gia đình sẽ không thể chi tiêu nhiều hơn, và điều đó không tốt cho nền kinh tế. Đơn giản chỉ có vậy.

Tất nhiên, cuộc sống của mọi người ngày nay đã khá hơn rất nhiều so với giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tấn công nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Cục Điều tra Dân số Mỹ tháng 9 năm ngoái, thu nhập của các hộ gia đình tại Mỹ đã tăng 3,2% trong năm 2016, sau khi đã điều chỉnh trượt giá. Tuy nhiên, mức tăng đó lại không bắt nguồn từ tiền lương. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng thu nhập trung bình của người lao động toàn thời gian không có thay đổi đáng kể nào so với năm 2015. Nhờ thị trường việc làm có xu hướng tăng lên, người Mỹ đơn giản chỉ làm việc nhiều hơn. Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy, mức tăng lương – tuy đã được cải thiện – nhưng vẫn chưa thể sánh bằng với những giai đoạn có tỉ lệ thất nghiệp thấp khác.

Những tín hiệu lạc quan này cũng không xóa đi sự thật rằng công nhân đã và đang phải chịu đựng trong một thời gian rất dài. Ví dụ, sau khi điều chỉnh trượt giá, thu nhập trung bình hàng tuần của người dân Mỹ trong quý II chỉ cao hơn 5,7% so với một thập kỷ trước. Trong một nghiên cứu của mình vào tháng 4 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế kết luận rằng tỉ lệ thu nhập quốc dân trả cho người lao động đã liên tục giảm từ những năm 1980 xuyên suốt những nền kinh tế hiện đại. Ngay cả những cường quốc mới nổi cũng không nằm ngoài sự sụt giảm này, dù đói nghèo đã được đẩy lùi một cách đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mức lương đang không tăng kịp với sự tăng năng suất (trong khi lẽ ra hai nhân tố này phải song hành với nhau), và rằng một khoản thu nhập lớn có được là từ việc sử dụng vốn. Nói cách khác, các nhà đầu tư đang "chiến thắng" công nhân của mình.

Các công đoàn chính là điểm tựa sức mạnh cho lực lượng lao động

Tất nhiên, cuộc Đại suy thoái đã đẩy lùi đáng kể phúc lợi của công nhân. Nhưng gốc rễ của sự trì trệ tiền lương ở sâu hơn rất nhiều. Một phần, vấn đề này bắt nguồn từ sự toàn cầu hóa lực lượng lao động, khiến công nhân ở một nước có thể cạnh tranh trực tiếp với người lao động ở các nước khác, thường có khác biệt lớn về mức lương. Ngoài ra, lực lượng lao động cũng đang dần bị thay thế bởi máy móc. Nghiên cứu của IMF ước tính ít nhất một nửa sự suy giảm của tỉ lệ thu nhập tại các nước phát triển là do các tiến bộ trong công nghệ. Các công đoàn cũng dần trở nên "vô hại" ở nhiều quốc gia, tước bỏ đi khả năng kêu gọi tăng lương của giai cấp vô sản.

Vào năm 2016, 6,4% những người có thu nhập từ hoạt động kinh doanh tư nhân là thành viên của các công đoàn ở Mỹ, so với mức 16,8% trong năm 1983. Một số quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi những động thái phá-lương của họ. Ví dụ, tại Nhật Bản, một trong những nguyên nhân gây nên sự trì trệ mức lương là hệ thống lao động "dual-track", khi các doanh nghiệp thuê nhiều lao động giá rẻ làm việc bán thời gian, loại bỏ sức mạnh của các công đoàn tại quốc gia này.

Những yếu tố này đã làm suy yếu tầm ảnh hưởng của nhân viên trong chính công ty của họ. Kết quả là, các nhà quản lý sẽ tự thưởng cho bản thân hay các "sếp" – cổ đông của công ty – hơn là những nhân viên bình thường. Thống kê của Viện Chính sách Kinh tế cho thấy các Giám đốc điều hành của những công ty lớn nhất nước Mỹ trung bình kiếm được 15,6 triệu USD trong năm 2016, cao gấp 271 lần mức lương trung bình hàng năm của một công nhân bình thường. Mặc dù khoảng cách này đã được thu hẹp trong những năm qua, nhưng nó vẫn lớn hơn rất nhiều so với con số 20 lần được ghi nhận ở năm 1965.

Câu hỏi lớn được đặt ra là: Làm thế nào để chúng ta "đòi lại công bằng" cho những người làm công ăn lương? Đây là một thách thức không hề nhỏ, vì các lực lượng "đàn áp lương" sẽ không giảm đi trong thời gian tới. Chúng ta cũng không thể quay ngược đồng hồ về thời điểm mà các thị trường lao động chưa toàn cầu hóa, hay ngăn cản những tiến bộ của công nghệ trong tương lai.

Nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn vô vọng. Harry Holzer, một thành viên kì cựu của Viện Brookings, cho rằng vẫn còn cách để lấp đầy những công việc đang bỏ trống vì người lao động thiếu kĩ năng. Theo ông, các công ty nên hợp tác với những trường đại học nhiều hơn để đào tạo những kĩ năng cần thiết cho công việc, mở các chương trình thực tập, đào tạo tại chỗ, và tuyển dụng các cựu chiến binh.

Chỉ vậy thôi có lẽ vẫn là chưa đủ. Chúng ta cũng phải nâng tầm ảnh hưởng của người lao động, hay khôi phục sức mạnh của các công đoàn. Theo phân tích của Cục Thống kê Lao động Mỹ trong năm 2013, những người lao động thuộc công đoàn được tăng lương nhiều hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và có quyền tiếp cận tới những lợi ích của công ty tốt hơn so với những người lao động không thuộc công đoàn.

Ngoài ra, còn một cách khác để nâng mức lương: thanh toán dựa trên năng suất. Những người ủng hộ doanh nghiệp tự do thường thích nói rằng nếu bạn chăm chỉ sẽ được thưởng, nhưng trong văn hóa doanh nghiệp ngày nay, điều này không đơn giản chút nào. Trong khi các Giám đốc điều hành thường được khen thưởng vì những thành công chung của công ty, những nhân viên, những người có ảnh hưởng trực tiếp tới những thành công ấy, thường lại không được thưởng. Khen thưởng dựa trên đóng góp không chỉ công bằng, mà còn tăng sự trung thành và năng suất của nhân viên.

Nếu các Giám đốc không hợp tác với những chương trình như vậy, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ buộc phải dùng luật để ép buộc họ. Một ý tưởng là sử dụng chính sách thuế để khuyến khích chia sẻ lợi nhuận với nhân viên. Hàn Quốc đã tham gia vào thử nghiệm này. Vào năm 2015, khi Bộ Tài chính quốc gia này đã quá chán với việc các công ty lớn tích trữ tiền mặt, đã áp dụng hình phạt về thuế đối với những không ty không trích một phần từ lợi nhuận, cổ tức cho nhân viên. Khó có thể biết được liệu chính sách này có mang lại hiệu quả mong muốn hay không, nhưng chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục chiến lược này một cách chặt chẽ hơn. Chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ tăng cường ưu đãi thuế cho các công ty tạo dựng việc làm và tăng lương cho nhân viên.

Các thương nhân tự do có thể sẽ không thích ý tưởng này. Và có lẽ với thêm thời gian, việc thắt chặt thị trường lao động sẽ nâng mức lương lên. Nhưng, xu thế dài hạn này lại cho thấy chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa. Chúng ta phải tại ra sự cân bằng giữa tính linh hoạt của thị trường lao động và bảo vệ lực lượng lao động. Trong một thế giới mà công nghệ ngày càng phát triển, nơi kỹ năng và tài năng sẽ định đoạt tương lai của các công ty, những người có tầm nhìn xa nên tìm cách áp dụng những chính sách khen thưởng mới – cả duy trì và phát triển nữa – cho những nhân viên giỏi. Nếu không, mức lương "bèo bọt" sẽ là thứ kéo tất cả chúng ta xuống bùn lầy.

Văn Hoàn

Chủ đề khác