VnReview
Hà Nội

Huawei vẫn thành công ở mảng smartphone mà không cần tới thị trường Mỹ

Vừa qua, công ty Trung Quốc Huawei đã công bố chiếc smartphone mới nhất của mình là Mate 10, cùng một phiên bản Porsche Design. Trước đây, Huawei nổi tiếng với việc tung ra các smartphone "sao chép" của Samsung Galaxy Note, còn hiện nay, Huawei đã tự tin rằng phần cứng của mình là quá đủ để cạnh tranh với hai gã khổng lồ smartphone trên thế giới.;

> AnTuTu: Kirin 970 xứng đáng là đối trọng của Snapdragon 835

> Huawei Mate 10 ra mắt: màn hình 16:9, camera kép Leica f/1.6

> Liệu Huawei có thể vượt mặt Samsung để đứng ở vị trí số 1 thế giới hay không?

Theo Engadget, Huawei bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào năm 1987 với vai trò là một nhà nhập khẩu các switch điện thoại từ Hongkong. Sau đó, hãng đã bắt đầu nghiên cứu cách phát triển các linh kiện viễn thông và mạng riêng của mình, trở thành tập đoàn hạ tầng viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2016, lợi nhuận của Huawei đạt mức 5,3 tỷ USD, và mảng điện thoại cầm tay của hãng - vốn mới bắt đầu từ năm 2008 - vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới. Từ chiếc smartphone Huawei U8100 thô kệch vào năm 2010, hiện nay Huawei đã sở hữu hàng chục mẫu điện thoại Android khác nhau phù hợp với nhiều tầng lớp người dùng.

Nhờ công nghệ mạng và thiết bị cầm tay của mình, Huawei trở thành một đối tác quen thuộc của nhiều nhà mạng, đặc biệt là các nhà mạng châu Âu. Chiến lược của Huawei ở thời điểm này tương tự như những ngày đầu của HTC và ZTE: gia công thiết bị mạng cho các hãng khác bán ra dưới thương hiệu của họ. Nhưng nếu ZTE ngày càng lụi tàn, còn HTC thì bắt đầu bước vào thị trường cao cấp hơn, thì Huawei vẫn tiếp tục chiến lược làm ngập tràn thị trường với các thiết bị gia công thuộc đủ mọi nhãn hiệu.

Mấu chốt cho sự thành công của Huawei, một mặt bởi hãng có mối quan hệ tốt với nhiều nhà mạng trên toàn cầu, sản xuất ra các thiết bị có độ tin cậy cao và giá thành tốt có khả năng hoạt động hoàn hảo trên cơ sở hạ tầng của chính họ. Mặt khác, Huawei bắt đầu thâm nhập thị trường smartphone trễ, nhờ đó nắm bắt được các lợi thế, và cả sai lầm của các công ty đi trước, và biết được nên làm gì, không nên làm gì.

Năm 2013, Huawei tung ra chiếc smartphone Ascend P6 như một lời khẳng định cho ý đồ xâm nhập "sân chơi" smartphone của mình. Ascend P6 được trang bị nền tảng phần cứng và phần mềm mạnh mẽ cùng giá bán khá rẻ, chỉ 531 USD, do đó được người tiêu dùng chào đón nồng nhiệt.

Bản nâng cấp của Ascend P6 là Ascend P7, khắc phục mọi nhược điểm của đàn anh, tiếp tục theo đuổi thiết kế tương tự iPhone và cũng được bán với giá rất tốt. Tất nhiên, Ascend P7 không có gì nổi bật so với các flagship thời đó, nhưng nó vẫn hoàn thành mục tiêu do Huawei đặt ra. Tại Anh, đến thời điểm này, nhà mạng EE vẫn còn bán các mẫu smartphone dựa trên P7 và G6 nằm trong phân khúc bình dân.

Chiến lược sản phẩm của Huawei có sự phân mảnh nặng, với nhiều thương hiệu con đánh vào từng thị trường khác nhau. Dòng Ascend và P dành cho khách hàng cao cấp, với mẫu P10 mới ra mắt được trang bị camera thương hiệu Leica. Dòng Y và Nova thì dành cho khách hàng trung cấp. Huawei còn có thương hiệu con là Honor - chỉ bán trực tuyến - dành cho đối tượng khách hàng muốn những smartphone như OnePlus. Gần đây, Huawei được Google lựa chọn hợp tác để sản xuất chiếc Nexus 6P - chiếc điện thoại cuối cùng trong dòng Nexus "thần thánh".

Chiếc Mate 10 mới được giới thiệu trong tuần này được Huawei trang bị chip xử lý "cây nhà lá vườn" Kirin 970, có thể sánh ngang với Snapdragon 835. Đây là con chip được tích hợp trí thông minh nhân tạo, được Huawei kì vọng sẽ giúp họ tạo lợi thế cạnh tranh với Samsung và Apple. Tuy nhiên, cũng như Pixel 2, Mate 10 có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chú ý của người dùng.

Huawei Nova 2i và Samsung J7 Plus

Sự phát triển của Huawei vẫn còn một giới hạn, đó là những tiếng tăm không mấy tốt đẹp của hãng ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt, công ty này được cho là có mối quan hệ rất sâu với chính quyền Trung Quốc, bởi nhà sáng lập Ren Zhengfei từng là một kỹ sư cấp cao trong Quân đội Nhân dân Trung Hoa.

Cơ cấu sở hữu của Huawei cũng bị nghi ngờ về tính công bằng: trong khi công ty luôn khẳng định mình là một công ty cổ phần, tức mọi nhân viên đều có quyền sở hữu và cùng điều hành, nhưng trên thực thế, hơn 80.000 nhân viên người Trung Quốc làm việc cho Huawei lại không hề có tiếng nói trong hoạt động kinh doanh của hãng. Không rõ quyền lực trong tay bộ ba CEO của Huawei là bao nhiêu, bởi mỗi người thuường chỉ nắm quyền trong vòng 6 tháng. Thậm chí, Uỷ ban tình báo Thượng viện Mỹ thì Huawei không thực sự được điều hành bởi các cổ đông mà bởi một hội đồng cao cấp do ban quản trị công ty thành lập.

Huawei cũng bị cấm tham gia vào nhiều hợp đồng cao cấp tại Mỹ và trên thế giới. Ví dụ như xây dựng mạng phản hồi không dây đầu tiên của Mỹ, hay mạng băng thông rộng quốc gia của Úc vì vướng phải các vấn đề liên quan an ninh.

Tại Anh, Huawei thậm chí phải mở một Trung tâm đánh giá an ninh mạng (HCSEC) để các cơ quan an ninh Anh kiểm tra các sản phẩm của họ, nhằm đảm bảo các sản phẩm của Huawei không được cài đặt các cửa hậu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp đang khiến Huawei đau đầu, như vụ việc họ bị nghi ngờ cung cấp mã nguồn không hoàn chỉnh.

Nhìn chung, bất kỳ ai cũng cho rằng Huawei đi đến đâu thì những cặp mắt soi mói của Trung Quốc cũng theo đến đó. Những chính sách về tự do ngôn luận và nhân quyền của Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích nặng nề, chưa kể mối quan hệ không mấy tốt đẹp liên quan địa chính trị giữa hai quốc gia này trong những năm gần đây. Do đó, dù tăng trưởng không ngờ, nhưng thị phần của Huawei ở Mỹ hầu như không có. 

Một số tin đồn cho rằng, trong thời gian đến, AT&T sẽ là nhà mạng lớn đầu tiên của Mỹ phân phối smartphone của Huawei. Nhưng điều này chưa chắc sẽ mang lại thành công cho Huawei, trong bối cảnh nhiều hãng khác được các nhà mạng bảo trợ đã từng nếm thất bại thảm hại. Ví dụ, smartphone Essential của Andy Rubin, dù được Sprint phân phối độc quyền, nhưng chỉ bán được dưới 10.000 chiếc. Chưa kể, việc bán ra các smartphone Android thời gian gần đây có vẻ không được phát đạt lắm, khiến nhiều công ty lớn như Sony, LG, HTC... nếm quả đắng.

Hiện tại, Huawei chỉ có thể dựa vào mảng thiết bị mạng và cơ sở hạ tầng mạng. Bởi cho dù họ không thu được lợi nhuận lớn từ các điện thoại Android, thì chỉ cần các thiết bị phần cứng mạng gia công của họ vẫn hoạt động tốt, các nhà mạng sẽ vẫn đổ tiền vào các sản phẩm của Huawei.

Trong tương lai, nhiều nhà phân tích dự đoán Huawei sẽ chiếm vị trí số 2 trên đấu trường smartphone từ tay Apple. Nhưng dù là một thương hiệu lớn tại Trung Quốc, Huawei vẫn phải đối phó với những mối đe doạ trên toàn cầu, đặc biệt là với nhiều thương hiệu mới nổi...cũng đến từ Trung Quốc và cố gắng đi theo con đường như Huawei.

Hiện có nhiều lý do để người dùng chọn một chiếc smartphone thương hiệu Huawei, mà đáng chú ý nhất là việc hãng hợp tác với Leica để thiết kế camera cho những chiếc smartphone cao cấp của mình. Chiếc P10 ra mắt đầu năm nay nhận được rất nhiều lời khen vì cho chất lượng ảnh chụp tuyệt vời, cùng chế độ chụp ảnh monochrome hoàn hảo.

Công ty đến từ Trung Quốc này đang ngày một thu hẹp khoảng cách về mặt kỹ thuật (và cả thiết kế) với các đối thủ như Samsung, Apple, LG... Thương hiệu Huawei sẽ được nhắc đến ngày một nhiều hơn, và sự trỗi dậy của Huawei chắc chắn sẽ khiến những ông lớn khác phải dè chừng.

Tấn Minh

Chủ đề khác