VnReview
Hà Nội

LG trong năm 2018: Phục hồi và phát triển

2017 là năm không mấy thành công của LG, không phải do sản phẩm kém mà là do thiếu sự hấp dẫn, thu hút trong mắt người dùng. Tuy nhiên, năm 2018 sẽ là lúc LG hoàn thiện mình hơn, bù đắp những thiếu sót để vực dậy và vươn lên phát triển.

> CES 2018: LG ra mắt tủ lạnh thông minh InstaView ThinQ mới chạy WebOS, màn hình cảm ứng trong suốt 29 inch

> [CES 2018] LG công bố mẫu TV OLED 65 inch có thể cuộn lại như tờ giấy

Liên tiếp những năm vừa qua, LG đã gặp không ít trở ngại trong mảng kinh doanh smartphone. Điển hình là thất bại trong việc định hướng nhu cầu của người dùng và cho ra mắt mẫu flagship LG G5 với thiết kế mô-đun độc đáo nhưng người dùng chẳng mấy quan tâm khiến cho thị phần và doanh số bán smartphone của LG sụt giảm, bị Apple và người đồng hương Samsung vượt mặt. Và trong năm 2017 vừa qua, hai mẫu flagship là LG G6 và V30 đã giúp công ty Hàn Quốc lấy lại hình ảnh trong lòng người dùng bởi những gì chúng mang lại. Tuy nhiên ngay sau đó, lịch sử lặp lại đối với những chiếc smartphone LG: bị người dùng quên lãng!

Sau đây là bài phân tích của Android Authority giải thích vì sao LG G6 và V30 không thành công trong năm 2017 và họ cần phải làm gì để "vực dậy" trong năm 2018.

Năm 2017: Năm "chật vật" của LG

LG G6 được ra mắt hồi tháng 2 cùng sự lột xác hoàn toàn, định nghĩa lại dòng điện thoại cao cấp của LG, từ bỏ thiết kế mô-đun đi theo xu hướng mới với màn hình tỉ lệ 18:9. Tiếp tục đến với V30, chiếc smartphone này dường như là bản nâng cấp hoàn thiện của LG G6 khi được trang bị bộ vi xử lý mạnh hơn, bổ sung tùy chọn quay video mới. Năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự trở lại của LG trong mảng sản xuất màn hình OLED cho điện thoại di động, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với Samsung trong mảng cung ứng màn hình khi trang bị màn hình P-OLED cho đứa con cưng V30 của mình và sản xuất màn hình OLED cho Google Pixel 2 XL.

Không dừng lại ở đó, LG còn cố gắng nâng cao doanh thu ở phân khúc smartphone tầm trung khi cho ra mắt LG Q6 vào đầu tháng 7 vừa qua với mức giá phải chăng nhưng vẫn được thừa hưởng thiết kế từ dòng điện thoại cao cấp kèm theo đó là sự rút gọn về cấu hình cùng những tính năng hay ho trên G6 và V30.

Tuy được đánh giá cao nhưng LG V30 và G6 vẫn không sinh lời cho công ty. Tính đến thời điểm hiện tại, LG đã lỗ 331 triệu USD, dù cho lợi nhuận quý 1 đạt 4,3 triệu USD sau khi G6 bán ra. Tuy nhiên nếu nhìn theo hướng tích cực, doanh thu của công ty trong quý 3 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và mảng smartphone tăng 44%. Nhưng họ vẫn cần cố gắng hơn nữa để vực dậy sau thất bại nặng nề của LG G5.

Nhìn chung, doanh số bán của LG vẫn đang giảm khi chỉ bán ra 13,7 triệu thiết bị di động trong quý 3 năm nay thua xa con số 59 triệu chiếc vào năm 2014. Về thị phần toàn cầu, LG đã lọt khỏi top 6 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới và đành "ngậm ngùi" nhường vị trí cho Xiaomi (Trung Quốc).

Để tìm ra lối thoát cho chính mình, LG đã thay đổi ban điều hành khi thay thế Juno Cho và bổ nhiệm Hwang Jeong-hwan lên làm chủ tịch kiêm CEO LG Mobile Communications. Đây được xem là động thái cho thấy quyết tâm của LG đang tìm lại những gì đã mất.

Có thể nói flagship LG G6 của tập đoàn Hàn Quốc là kết quả của sự nóng vội vì muốn đưa đến tay người dùng sớm hơn so với các đối thủ khác nên hãng đã không trang bị chipset mới nhất Snapdragon 835 mà chỉ là S821 của năm 2016. Dù vẫn đáp ứng được hầu hết các tác vụ từ nặng đến nhẹ nhưng người dùng luôn mang tâm lý rằng họ bỏ tiền mua một sản phẩm cao cấp nên cũng phải được trải nghiệm cấu hình mạnh mẽ nhất.

Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, sự trở lại của LG trong mảng sản xuất màn hình di động cũng không được suôn sẻ như mong muốn bởi những cáo buộc về chất lượng màn hình OLED trên Google Pixel 2 XL nào là xuất hiện điểm chết, sai lệch màu hoặc bị lỗi burn-in đồng thời danh tiếng của cả Google Pixel 2 XL và chất lượng phần cứng của LG đã phần nào giảm xuống.

Năm 2018: Đứng lên và phát triển

Như thường lệ flagship kế nhiệm G6 sẽ được LG ra mắt trong vài tháng sau. Chiếc smartphone được kỳ vọng sẽ bù đắp những thiếu sót của G6, chẳng hạn như được trang bị chip Snapdragon 845 mới nhất hoặc có thiết kế mới, đẹp hơn nữa. Ngoài ra, công ty đang tìm cách tìm ra hướng đi mới cho năm sau với công nghệ thực tế ảo VR. LG đang hợp tác với Valve (Mỹ) nghiên cứu mẫu kính VR mới tương tự như HTC Vive hay Oculus Rift chứ không như Samsung Gear VR sử dụng kèm smartphone. Rất có thể sản phẩm ấy sẽ được trình làng trong nay mai.

Và cũng không có gì để đảm bảo rằng những gì LG đang làm sẽ hoàn toàn giúp họ tăng doanh số bán bởi hiện nay thị trường VR đã dần hạ nhiệt. Về mảng di động, LG đang chiến đấu để dành lại vị thế tại các thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc (nơi cạnh tranh gay gắt giữa các flagship của rất nhiều hãng di động với mức giá cực kỳ phải chăng), Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Tóm lại...

LG vẫn đang hồi phục bất chấp sự bành trướng của các nhà sản xuất Trung Quốc. Trong khi G5 lại "đi trước thời đại" một cách thái quá thì G6 và V30 lại được hãng cân nhắc kỹ hơn để mang lại thành công. Đã có những dấu hiệu chuyển biến khả quan nhưng vẫn còn chặng đường dài để LG trở lại thị trường như trước.

Không riêng gì LG, các nhà sản xuất di động lâu đời khác cũng rơi vào tình trạng tương tự bao gồm cả Sony và HTC. Họ đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự về lợi nhuận và thị phần khi các flagship của họ tuy tốt nhưng doanh số bán không cao. Giờ đây, bằng tất cả sự nỗ lực, LG đã cho thấy họ sẵn sàng hơn bao giờ hết để bắt kịp xu hướng nhằm đổi mới thiết kế và tính năng của smartphone. Do đó năm 2018 sẽ là năm hồi phục của LG.

Thái Âu

Chủ đề khác