VnReview
Hà Nội

Xiaomi chuẩn bị tiến hành IPO, nhắm tới mục tiêu 100 tỷ USD

Xiaomi đã lựa chọn Morgan Stanlay và Goldman Sachs Group Inc trong số những ngân hàng quốc tế cho sự kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, Credit Suisse Group AG và Deutsche Bank AG cũng đã được chọn để nghiên cứu về vụ IPO này. Theo một người yêu cầu giấu tên, Xiaomi được cho là đang nhắm tới giá trị 100 tỷ USD cho sự kiện IPO. Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh vẫn đang xem xét các hãng bảo hiểm Trung Quốc và chưa quyết định thời gian, địa điểm để bán cổ phiếu.

Xiaomi đạt giá trị 45 tỷ USD vào năm 2014, có thể sẽ có một vụ IPO lớn nhất kể từ thương vụ trị giá 25 tỷ USD của Alibaba. Sau năm 2016 nhiều khó khăn khiến thị phần giảm sút mạnh, Xiaomi đã bật trở lại, cải thiện doanh số và tiến mạnh vào thị trường Ấn Độ, cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Samsung. Xiaomi vừa đạt mục tiêu doanh thu hàng năm 100 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD) vào cuối tháng Mười vừa qua.

Các đại diện của Xiaomi, Goldman Sachs, Credit Suisse, Morgan Stanley và Deutsche Bank đều từ chối bình luận.

Thị phần của các đối thủ Xiaomi đều sụt giảm tại Hong Kong. Cụ thể, Lenovo giảm 1,8% còn ZTE mất 2,4%. Trong khi đó, Xiaomi, với sự lãnh đạo của chủ tịch kiêm đồng sáng lập Lei Jun, Xiaomi đang ngắm tới việc gia nhập các thị trường phát triển smartphone, củng cố vị trị tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Nga. Năm ngoái, Xiaomi đã tiến vào Tây Ban Nha và đang đàm phán với các nhà mạng Mỹ để bán thiết bị trên quê hương Apple.

Ngoài smartphone, Xiaomi còn hỗ trợ hàng chục startup khác sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, từ thiết bị đeo đến nồi cơm điện. Tháng trước, Xiaomi cho biết tổng doanh thu trên hệ thống của hãng tăng gấp đôi, lên 20 tỷ nhân dân tệ vào năm 2017. Xiaomi không tiết lộ doanh số của các đối tác, những hãng mang nhãn hiệu "Mi". Huami Corp, hãng sản xuất thiết bị đeo, tuần qua cũng đã nộp hồ sơ IPO lên Nasdaq.

Phía sau mạng lưới phần cứng, Xiaomi còn điều hành một cộng đồng trực tuyến và phát triển phần mềm thu hút các nhà đầu tư. Hệ thống này có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ quảng cáo trong ứng dụng và khai thác nguồn dữ liệu ngày càng tăng cao.

"Thị trường smartphone Trung Quốc có vẻ ổn định với Xiaomi, nhưng mở rộng doanh số từ các đối tác trong hệ sinh thái có thể tăng giá trị của Xiaomi", James Yan, một nhà phân tích của Counterpoint Research, nói. Về phần mềm, "Xiaomi đang có lợi thế vì các hãng smartphone Trung Quốc thiếu mảng kinh doanh phần mềm quy mô như Xiaomi".

Các đối thủ lớn nhất của Xiaomi tại Trung Quốc bao gồm Huawei và Oppo. Sau những;thành công ban đầu với kiểu bán hàng "flash sale" online, nghĩa là sản phẩm được bán trên website trong một khoảng thời gian hạn chế, Xiaomi nhận thấy hãng bị các đối thủ trong nước như Oppo và Vivo - những hãng thiết lập quan hệ với các nhà bán lẻ, qua mặt. Đối thủ đã có được khách hàng mới vì khách được sờ tận tay và thử thiết bị trước khi mua.

Đáp lại, Lei cho biết đang có tham vọng mạnh mẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ của Xiaomi. Công ty dự định xây dựng 1.000 cửa hàng "Mi Home" vào năm 2019 – gấp đôi số cửa hàng toàn cầu của Apple – và đặt mục tiêu đạt 70 tỷ nhân dân tệ doanh thu bán lẻ vào 2021.

Hoàng Lan

Chủ đề khác