VnReview
Hà Nội

Xiaomi đang quá ảo tưởng về giá trị của hãng khi tiến hành IPO?

Nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi được cho là đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay và Hong Kong sẽ là nơi hãng niêm yết cổ phiếu.

Trước khi chính thức IPO, nhiều con số dự đoán được đưa ra xung quanh giá trị mà Xiaomi nhắm tới, một số con số nghe có vẻ quá ảo tưởng và điên rồ.

Hồi đầu tháng 12, hãng tin Bloomberg đưa tin Xiaomi đang đàm phán với các ngân hàng đầu tư với kỳ vọng được định giá ít nhất là 50 tỷ USD.

Giờ đây, một tờ báo của Trung Quốc lại đoán rằng Xiaomi đặt mục tiêu nửa sau năm 2018 sẽ tiến hành IPO và công ty dự kiến giá trị IPO sẽ đạt tới 200 tỷ USD.

Con số trên là một cái gì đó rất khó tin, nhưng có vẻ công ty nghĩ câu chuyện mở rộng ra nước ngoài của hãng sẽ hỗ trợ cho con số khổng lồ này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không tin Xiaomi có thể đạt mức giá trị đó bởi hãng này vẫn chưa chứng tỏ được vị trí vững chắc và hơn hẳn các đối thủ trong nước khác như Huawei, Vivo và Oppo.

Thương hiệu Xiaomi cũng không có sự khác biệt gì so với những đối thủ khác khi hãng muốn tăng thị phần qua những sản phẩm giá rẻ, ngoài việc cố gắng phát triển hệ sinh thái các sản phẩm.

Nhưng Xiaomi có vẻ lại nghĩ khác, và cảm thấy hãng xứng đáng với một giá trị lớn, xét về khía cạnh tăng trưởng và đầu tư mạnh mẽ vào các cửa hàng bán lẻ và chiến lược mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt ở Ấn Độ.

Nếu kế hoạch của Xiaomi, hãng được giới truyền thông gọi là "Apple của Trung Quốc", thành công thì thương vụ IPO này sẽ trở thành IPO công nghệ lớn nhất kể từ năm 2014, khi Alibaba tiến hành IPO và thu về 25 tỷ USD, mang lại cho hãng trên 231 tỷ USD giá trị thị trường.

Xiaomi nhận thấy giá trị của hãng đã tăng gấp đôi trong chưa đến 1 thập kỷ. Trong đợt huy động vốn vào năm 2014, Xiaomi được định giá trị là 46 tỷ USD. Với mục tiêu 200 tỷ USD, Xiaomi sẽ tương đương với 37% giá trị thị trường của Tencent, và khoảng 40% của Alibaba, cũng như gấp 2,3 lần Baidu và 3 lần JD.com.

Đó có thể là một mục tiêu, nhưng câu hỏi là: điều gì khiến Lei Jun, chủ tịch và là nhà sáng lập của Xiaomi, tìm kiếm một mức định giá cao như vậy và tại sao ông lại tự tin công ty của ông có thể đạt mục tiêu đó?

Có thể Lei Jun cho rằng Xiaomi đã thoát khỏi giai đoạn doanh thu sụt giảm hồi năm 2016 và đang trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm ngoái, với một loạt smartphone mới ra như Mi Mix 2 và Mi 6. Tuy nhiên, thực tế là Xiaomi vẫn chưa đạt được vị trí dẫn đầu thị trường tại quê nhà, dù doanh số smartphone của hãng đạt mức 90 triệu vào năm ngoái, tăng từ mức 41 triệu chiếc vào năm 2016.

Doanh số gia tăng cho thấy năng lực tăng trưởng của Xiaomi thực sự ấn tượng. Nhưng chúng ta nên nhớ giá bán trung bình của smartphone Xiaomi thấp hơn nhiều so với đối thủ, gần như 80% điện thoại Xiaomi có giá chưa đến 2.000 tệ (310 USD), một số máy còn chỉ có giá 699 tệ (108 USD).

Để so sánh, đại gia toàn cầu Apple, hãng chiếm đến 80% lợi nhuận trên thị trường smartphone, có giá bán trung bình là hơn 600 USD/điện thoại.

Lợi nhuận của Xiaomi thấp hơn Apple nhiều và giá trị của Xiaomi không thể tính toán dựa trên mảng kinh doanh điện thoại.

Có lẽ nhận ra điều này, Xiaomi đã mở rộng ra những sản phẩm khác. Công ty đã thiết lập một hệ sinh thái cho công nghệ IoT và đang đầu tư vào các nhà sản xuất IoT.

Chẳng hạn, Xiaomi hiện cung cấp cả quạt, máy lọc không khí, đèn và các thiết bị có thể kết nối Internet, kiểm soát qua smartphone. Hồi tháng 11, Xiaomi công bố đã kết nối hơn 85 triệu thiết bị IoT trên toàn cầu và trở thành một trong hệ thống IoT lớn nhất thế giới.

Xiaomi, từng được xem là startup giá trị nhất thế giới, đang đánh cược vào các thiết bị IoT để tăng cường chỗ đứng ở nước ngoài. Xiaomi cũng đang mở rộng cửa hàng bán lẻ. Công ty nhắm tới sẽ có 2.000 cửa hàng mới trong vòng 3 năm.

Wang Xiang, người giám sát chiến lược toàn cầu của Xiaomi cho biết một nửa số cửa hàng này sẽ mở ở nước ngoài với các đối tác và một nửa sẽ do Xiaomi sở hữu và điều hành ở Trung Quốc.

Công ty cũng sẽ đầu tư vào Ấn Độ để sản xuất smartphone cho thị trường tăng trưởng cao. Khoản đầu tư này biến Xiaomi thành nhãn hiệu smartphone lớn nhất tại Ấn trong năm ngoái. Công ty Trung Quốc nhận thấy câu chuyện tăng trưởng của hãng ở Ấn Độ có thể là một trong những điểm nhấn mạnh mẽ, hỗ trợ cho mục tiêu giá trị cực cao khi hãng tiến hành IPO.

Khi chuẩn bị cho IPO, Xiaomi nhận thấy hãng đang thu hút chú ý của truyền thông nhờ một sáng kiến khác nữa – đó là mối hợp tác với mạng xã hội toàn cầu Facebook trong thiết bị thực tế ảo (VR). Nhưng cho đến nay, con số 200 tỷ USD mà Xiaomi được cho là đang đặt mục tiêu đạt đến có vẻ quá tham vọng, thậm chí, nói thẳng ra, là một cái gì đó không có thật.

Hoàng Lan

Chủ đề khác