VnReview
Hà Nội

Đâu là bí kíp thành công của Leflair, startup hàng hiệu giảm giá vừa nhận 3 triệu USD đầu tư?

Leflair, startup chuyên bán hàng hiệu online giảm giá được lập ra từ cuối năm 2015, vừa nhận được khoản đầu tư khủng lên tới 3 triệu USD từ Capital Management Group, nâng tổng số vốn đầu tư của công ty tới thời điểm hiện tại lên gần 5 triệu USD. Khoản đầu tư này lớn gấp 3 lần so với khoản đầu tư pre-series A công ty công bố trước đó vào tháng 12/2016. Liệu đây chỉ là thành công đơn lẻ hay là điển hình cho một mô hình kinh doanh hàng hiệu thời Internet?

Loic Gautier và Pierre-Antoine (Ảnh: Leflair)

Leflair là một startup được hai chàng trai người Pháp chưa đầy 30 tuổi là Loic Gautier và Pierre-Antoine lập ra tại Việt Nam vào tháng 12/2015 sau khi họ rời khỏi Lazada. Leflair tập trung vào bán hàng hiệu như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng.... qua hình thức trực tuyến, trong đó mỗi mặt hàng sẽ được bán giảm giá trong một khoảng thời gian nhất định (flash-sale).

Chia sẻ với trang;Vietcetera, đồng sáng lập Loic Gautier cho biết anh đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh này ngay từ khi còn làm ở Lazada và điều thú vị là cơ hội của anh lại nằm ở hai yếu tố mà người Việt đang tìm kiếm ở các mô hình thương mại điện tử: Sự phấn khích khi mua bán và sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm.

Lách qua khe hẹp của thương mại điện tử: Niềm tin khách hàng!

Nói cách khác, Leflair đang nhắm vào những thứ mà Lazada đang không có, trong đó là việc xây dựng niềm tin của khách hàng đối với nền tảng trực tuyến. Để làm được điều đó, Laflair áp dụng mô hình tương tự Tiki, đó là xây dựng lòng tin với khách hàng bằng cách chọn mô hình kinh doanh lưu hàng trong kho thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" mà Lazada và một số kênh thương mại điện tử đang làm. Mô hình này giúp kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa hiệu quả hơn, lúc đó Leflair sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng sản phẩm (và thương hiệu) mà họ bày bán thay vì phó thác vào các đơn vị cung ứng thứ ba. 

Hình thức này không quá mới và bản thân một số trang thương mại điện tử khác cũng đang áp dụng, như Tiki chẳng hạn. Điểm hạn chế của mô hình là mức độ phong phú của hàng hóa không nhiều và chi phí lưu kho cũng như khả năng đàm phán với các thương hiệu để "giữ hàng chờ khách". Tiki đã và đang làm rất tốt nhưng số tiền mà họ bỏ ra cho các chi phí phát sinh của mô hình này cũng không nhỏ. Về mặt này, Leflair đã có giải pháp khá bất ngờ! Họ vẫn áp dụng hình thức bán hàng lưu kho nhưng để giảm thiểu chi phí lưu kho thì họ cần đẩy nhanh tốc độ bán hàng, để làm điều này họ áp dụng mô hình "flash-sale" (bán online giảm giá trong một khoảng thời gian nhất định). 

Giao diện trang chủ của Leflair (ảnh chụp màn hình)

Đi ngược với mô hình các chợ điện tử truyền thống, Laflair tập trung xây dựng thương hiệu để thuyết phục các thương hiệu lớn chấp nhận phân phối qua Laflair, sau đó nhập một số ít mặt hàng nhưng với số lượng lớn về và bán flash-sale! Bằng cách này, họ bán rất ồ ạt một số lượng lớn hàng hiệu giảm giá trong một thời gian ngắn và thu lợi nhờ "số lượng".

Trong khi mô hình thương mại điện tử truyền thống lại cố gắng bán ra nhiều mặt hàng theo kiểu mỗi thứ một ít, không có sẵn số lượng lớn nhưng lại bị phình to về các loại mặt hàng và ít có các chương trình hấp dẫn cho khách. Tất nhiên, xét về đơn lẻ hiện Lazada thỉnh thoảng vẫn có các chương trình flash-sale khá hấp dẫn với các mặt hàng điện tử, nhưng chỉ như muối bỏ biển.

Nhìn chung, thứ cốt lõi nhất ở đây là niềm tin khách hàng, Leflair cho phép người mua trực tiếp sản phẩm từ thương hiệu họ thích, được vận chuyển và lưu trữ trong kho thông qua chính nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối Leflair chứ không qua các cửa hàng nhỏ lẻ trung gian. Thêm vào đó, việc giảm giá trong thời gian ngắn đã khiến người mua có nhiều lý do để chọn mua từ dịch vụ này.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Với những yếu tố trên, cộng với tâm lý thích săn hàng hiệu của giới trẻ Việt Nam nhưng có thu nhập chưa cao và hàng giả tràn lan trên các kênh phân phối thứ ba đã khiến Leflair trở thành lựa chọn tối ưu cho nhóm khách hàng này. Nên không quá ngạc nhiên khi tuần trước Leflair đã chính thức công bố nhận thêm gói đầu tư 3 triệu USD từ quỹ Capital Management Group ở vòng gọi vốn mới nhất, trước đó vào cuối năm 2016 họ cũng đã nhận được một khoản đầu tư không nhỏ.

Cách làm của Leflair giống như mũi tên cùng lúc bắn trúng nhiều đích:

- Thanh lý nhanh lượng hàng lớn trong một khoảng thời gian ngắn, giúp họ tối ưu chi phí về lưu kho và hồi vốn.

- Đảm bảo được nguồn gốc và chất lượng hàng hóa (do nhập trực tiếp từ các thương hiệu lớn mà không qua các đơn vị trung gian), qua đó giữ chữ tín với khách hàng.

- Tạo ra phấn khích cho người mua nhờ các chương trình flash-sale liên tục.

- Thu hút sự hợp tác của các thương hiệu do bán hàng hiệu quả.

Qua thành công bước đầu của startup Leflair, có thể thấy những nhà sáng lập startup này đã khôn ngoan khi lách vào khe cửa hẹp mà các kênh thương mại điện tử khác đang để lại: Niềm tin của khách hàng vào chất lượng/nguồn gốc mặt hàng và mức giá sản phẩm hấp dẫn cũng như chi phí lưu kho/vận hành logistic tối thiểu. 

Mô hình của Leflair cũng không quá mới, nhưng để áp dụng một cách trọn vẹn và khôn ngoan như Leflair thì quá ít, cộng thêm với những "di sản" của thương mại điện tử Việt Nam đang để lại như hàng giả hàng nhái, bán hàng đội giá... thì có thể nói cửa thành công vẫn sẽ tiếp tục rộng mở với startup này.

Theo thống kê, chỉ sau 8 tuần ra mắt Leflair đã có 100.000 người dùng đăng ký và hiện con số này đã cán mốc 700.000, trong đó chủ yếu là phụ nữ (85%). Hiện trang thương mại điện tử này đã thu hút được sự tham gia của gần 1.100 thương hiệu trong và ngoài nước. Lớn là vậy nhưng đội ngũ điều hành của họ được tối ưu và chủ yếu làm việc ngoài tiệm cafe. Hiện Leflair đã đi qua 3 vòng gọi vốn thành công đến từ các nhà đầu tư hàng đầu cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, Ý, Hồng Kông và Hàn Quốc.

TM

Chủ đề khác