VnReview
Hà Nội

Nếu Uber rời khỏi Việt Nam: Vắng mợ chợ vẫn đông!

Trước khi được đại gia SoftBank của Nhật Bản giang tay giải cứu với khoản đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD, Uber vẫn đang loay hoay với mớ bòng bong mà họ đang vướng phải trên toàn cầu và dĩ nhiên khoản đầu tư này là có điều kiện...

Vận đen vẫn chưa buông tha Uber khi doanh nghiệp này liên tiếp dính nhiều lùm xùm liên quan tới công tác quản lý và vận hành. Trong đó, thứ Uber đang gặp khó khăn nhất là việc xác định loại hình doanh nghiệp của họ. Dù Uber một mực cho rằng họ là công ty công nghệ nhưng với những gì đang diễn ra, nhiều nhà quản lý cho rằng họ vẫn thuộc phạm trù một doanh nghiệp giao thông vận tải, vốn sẽ phải chịu nhiều sự ràng buộc và khoản thuế hơn.

Tương tự như Grab, Uber hoạt động theo mô hình điều phối từ xa rất hiệu quả. Ở góc độ nào đó, họ hoạt động như một "nhà mạng trả trước", các tài xế muốn tham gia Uber sẽ phải đăng ký định danh và nộp tiền trước vào tài khoản "chạy xe" của mình. Mỗi chuyến họ chạy được sẽ phải đóng một khoản lệ phí % cho Uber và cứ như thế tới khi hết tiền trong tài khoản ký quỹ thì họ sẽ phải nộp thêm vào để chạy tiếp. Uber chịu trách nhiệm phân bổ lượng khách "tương đối" cho các tài xế và "bắt khách" cho họ. Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái hãng này tuyên bố họ đã chiếm được tới 95% thị phần taxi của các bên thứ 3 và cán mốc 1 tỷ lượt đi ở thị trường Đông Nam Á.;

Cái kết của việc thiếu am hiểu thị trường

Tuy nhiên, khác với Grab, Uber có xuất phát điểm ở thị trường phương Tây với bàn đạp là các nước phát triển trước khi mở rộng sang các nước đang phát triển như Việt Nam, nên tập trung chủ yếu vào loại hình taxi. Trong khi đối thủ của họ là Grab lại bắt đầu từ Malaysia và dần mở rộng ra thị phần ở khắp Đông Nam Á, thứ mà Grab nhắm tới ban đầu lại là... xe máy, ở Việt Nam gọi dân dã hơn là "xe ôm". 

Trước khi Grab vươn tới Việt Nam, Uber đã kịp có mặt và loại hình taxi của họ nhanh chóng thu hút người dùng trong nước, nhưng điểm yếu của họ ở Việt Nam chính là cơ sở hạ tầng giao thông và mức độ phổ biến phương tiện. Ở Việt Nam (và nhiều quốc gia Đông Nam Á) có lẽ không có loại hình giao thông nào thuận tiện hơn xe máy, cũng không có phương tiện giao thông nào nhiều hơn xe máy. Do vậy, dù vào sau nhưng khi Grab tập trung vào khai thác xe máy thì Uber vẫn đang mải mê chinh phục taxi truyền thống, nên không lạ gì sau khi Grab chiếm gần như trọn thị trường xe ôm truyền thống đã lấn sang cả taxi, mảng Uber đang phải tranh giành với taxi truyền thống cũng như dính vào vấn đề pháp lý.

Không những thấu hiểu về phương tiện, văn hóa và giao thông Đông Nam Á, Grab tỏ ra còn cao tay hơn một bậc về nhanh nhạy trong kinh doanh khi nhanh chóng thành lập công ty Grab Việt Nam dưới dạng một công ty dịch vụ đặt xe của bản địa và sử dụng người bản địa để điều hành, thay vì dùng các yếu tố nước ngoài như Uber. Điều này khiến công tác quản lý của họ thuận lợi nhờ gặp ít vướng mắc về pháp lý hơn.

Grab đang ngày càng bành trướng ở các thị trường mới nổi và nhiều xe máy như Việt Nam

Didi Chuxing và Softbank từng rót 2,5 tỷ USD cho Grab và họ đã ít nhiều thấy được hiệu quả khi doanh nghiệp này liên tục mở rộng thị phần và "ăn nên làm ra". Theo thống kê, hiện Grab hiện đã có mặt ở 160 thành phố ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Nên khi Softbank tuyên bố ứng tới 9,3 tỷ USD cho Uber thì điều họ muốn thấy ở Uber sẽ còn phải nhiều hơn Grab. Nhưng với những gì Uber làm được ở Đông Nam Á có lẽ khá khiêm tốn, chỉ mới hiện diện ở 60 thành phố trong khu vực này và họ đang dần hụt sức trong cuộc đua với Grab, nên việc một nhà đầu tư lớn như Softbank muốn "tái cơ cấu" lại Uber ở thị trường này là điều dễ hiểu: Nếu làm không hiệu quả thì nên nhường chỗ lại cho Grab - một dịch vụ khác của nhà đầu tư này.

Các tài xế nói gì?

Vắng Uber thì đã có Grab

Trước những thông tin về việc Softbank "ép" Uber rời khỏi thị trường các nước châu Á và châu Phi, trong đó có Việt Nam, một số tài xế cho rằng điều này không ảnh hưởng quá nhiều tới thu nhập hiện tại của họ, do hiện họ đang tham gia chạy song song cho cả hai công ty này, nhưng họ cũng lo ngại thế độc tôn của Grab sẽ dẫn tới những chính sách khó khăn hơn cho cánh tài xế.

Anh Thành, một tài xế hiện đang chạy xe cho Uber ngụ tại Q.10 ở TP.HCM cho biết, điều khiến anh lo ngại nhất là các hãng như Uber và Grab đang dần thay đổi chính sách và ép các tài xế như anh theo hướng "cưỡi lưng cọp". Điểm anh Thành thích ở Uber là chính sách khuyến khích tài xế của họ, theo chia sẻ của anh, Uber có mức ăn chia cho tài xế thấp hơn Grab, nhưng bù lại khi các tài xế chạy vượt định mức km hàng tuần thì họ sẽ được cộng tiền và điều này khuyến khích các tài xế Uber chịu khó tìm khách, dù là các chuyến ngắn để cộng dồn km dùng cho tích điểm. 

Chia sẻ với VnReview, một tài xế khác hiện đang chạy xe máy cho Uber cho rằng không cần phải quá lo ngại về việc Uber rời khỏi Việt Nam, bởi "thị trường vẫn cần thì những người như bọn em vẫn có thể chạy xe cho Grab hoặc các ứng dụng gọi xe trong nước của taxi truyền thống".

Các ứng dụng gọi xe trong nước đã sẵn sàng thế chỗ?

Các hãng taxi truyền thống trong nước sau một thời gian oằn mình nằm "chịu trận" giờ đây đã bắt đầu quay lại cuộc chơi. Vinasun và Mai Linh đều tung ra các ứng dụng gọi xe và chính sách giá minh bạch hơn hoặc "biết trước giá" để đáp trả Uber/Grab. 

Ngoài ra còn phải kể tới sự hiện diện của các dịch vụ gọi xe ăn theo khác cũng sẽ ít nhiều tác động tới thị phần của các ông lớn trong thời gian tới. Trong khi Rada đang mải mê với loại hình dịch vụ tổng hợp và bỏ quên khách hàng nhỏ lẻ cũng như Vivu (FaceCar) vướng vào nghi án lừa đảo thì dịch vụ 123Xe của VNG lại hướng đến các chuyến xe đường dài, không loại trừ khả năng dịch vụ này của ông lớn VNG cũng sẽ nhảy vào miếng bánh mà Uber vừa để lại cùng với các ông lớn taxi truyền thống.

Điều cuối cùng là những "di sản" mà Uber để lại sau khi rời đi, sẽ có một lượng xe không nhỏ từ dịch vụ này chuyển qua đầu quân cho các dịch vụ gọi xe khác và những con đường ở Việt Nam vẫn tiếp tục chật chội, lộn xộn và không dễ để quản lý trong một sớm một chiều. Lực lượng lao động nhàn rỗi cũng như sinh viên ra trường tràn ra thành phố chỉ để chạy xe Uber/Grab là một hệ lụy buồn cho các nhà quản lý ở Việt Nam...

TM

Chủ đề khác