VnReview
Hà Nội

Tin rò rỉ: Grab đang đàm phán thâu tóm bộ phận Đông Nam Á của Uber

Hai ứng dụng gọi xe hàng đầu là Uber và Grab có thể sẽ sớm về chung một nhà, ít nhất là tại khu vực Đông Nam Á.

Theo thông tin từ trang công nghệ KR Asia, Grab đang đàm phán với Uber về việc mua lại bộ phận Đông Nam Á của đối thủ nhằm nâng cao thị phần tại khu vực.

KR Asia là đơn vị trực thuộc 36 KR, công ty truyền thông lớn nhất Trung Quốc ở mảng công nghệ.

Trước đó vào năm 2016, Uber đã bán lại hoạt động tại Trung Quốc cho đối thủ nội địa Didi Chuxing trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tốn kém với nhà cung cấp dịch vụ đi nhờ xe Trung Quốc, đồng thời tái phân bổ nguồn nhân lực và tài nguyên đánh chiếm thị trường Đông Nam Á. Là thị trường Internet lớn thứ tư trên thế giới, Đông Nam Á hiện đang chứng kiến sự bùng nổ của nhóm người tiêu dùng trẻ, giàu có và chịu chi.

Tại thị trường Đông Nam Á, các dịch vụ đi nhờ xe đang cực kỳ phát đạt, với doanh thu dồi dào nhưng sự cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt từ các đối thủ trong khu vực. Từ khi mở rộng kinh doanh sang Đông Nam Á, Uber đã phải rất vất vả trong việc chiếm lĩnh thị phần. Hai đối thủ chính của Uber tại Đông Nam Á là Go-Jek - chủ yếu hoạt động tại Indonesia và Grab ở nhiều nước trong khu vực.

Nắm bắt nhu cầu tại khu vực

Năm ngoái, Grab tuyên bố đã nắm giữ đến 95% thị phần trong lĩnh vực gọi xe taxi và 71% thị phần trong lĩnh vực đi nhờ xe hơi cá nhân, đồng thời cũng đã thực hiện được hơn 1 tỷ chuyến xe tại Đông Nam Á.

Uber chưa công bố thị phần của mình tại đây, nhưng hồi tháng 6 vừa qua, hãng này xác nhận đã thực hiện 5 tỷ chuyến xe. Thế nhưng, Uber - hiện hoạt động tại hơn 80 quốc gia - không đưa ra những con số chi tiết về việc này.

Bắt đầu hoạt động tại Malaysia, Grab hiện cung cấp khá nhiều dịch vụ tại hơn 160 thành phố thuộc khắp các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Trong khi đó, Uber chỉ hiện diện tại khoảng 60 thành phố trong khu vực Đông Nam Á.

Grab - vốn có nguồn gốc từ Singapore - thành công ở Đông Nam Á bởi họ có những hiểu biết nhất định và từ đó nhanh chóng điều chỉnh dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu của người địa phương.

Ví dụ, Grab cung cấp khá nhiều lựa chọn thanh toán, trong đó chấp nhận cả thẻ tín dụng và tiền mặt. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi người dùng tại Đông Nam Á hầu như rất thích sử dụng tiền mặt. Ngược lại, Uber lại khá miễn cưỡng và chậm chạp trong việc cho phép thanh toán tiền mặt.

Grab cũng chú ý hơn tới nhu cầu của các tài xế tại khu vực. Bởi khá nhiều tài xế không đủ điều kiện sắm một chiếc smartphone hoặc không biết cách sử dụng chúng, Grab đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất smartphone để trợ cấp cho việc sắm sửa smartphone cho các tài xế, sau đó mở nhiều lớp hướng dẫn cho họ cách sử dụng điện thoại.

Vai trò của SoftBank

Việc sáp nhập Grab và bộ phận Đông Nam Á của Uber không phải là một ý tưởng mới.

Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bơm hàng tỷ USD đầu tư cho Uber vào năm ngoái. Thoả thuận nêu rõ SoftBank sẽ có thể yêu cầu sáp nhập giữa Uber Đông Nam Á và Grab - hãng đứng đầu dịch vụ đi nhờ xe tại khu vực - và các nhà đầu tư công nghệ người Nhật sẽ đóng vai trò ban quản trị trong cả hai công ty.

"SoftBank sẽ đóng vai trò tạo lập liên minh" - một nguồn tin có quan hệ với Grab nói vào năm ngoái. Nguồn tin này nói thêm rằng với việc SoftBank nắm giữa ban quản trị của cả Grab và Uber, thoả thuận giữa hai đối thủ này về cơ bản đã thay đổi hoàn toàn.

Minh.T.T

Chủ đề khác