VnReview
Hà Nội

Các OEM tại Việt Nam được Qualcomm chia sẻ bằng sáng chế như thế nào?

Theo thống kê hiện trên thế giới có khoảng 300 nhà sản xuất OEM được Qualcomm hợp tác chia sẻ bằng sáng chế, tuy nhiên con số này ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức 4 nhà sản xuất.;

Ông Alex Orange - Giám đốc mảng hợp tác chính phủ của Qualcomm ở khu vực Đông Nam Á và Đài Loan trong buổi làm việc tại TP.HCM

Theo chia sẻ của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, tại Việt Nam hiện mới chỉ có 4 nhà sản xuất OEM được Qualcomm ký biên bản hợp tác chia sẻ bằng sáng chế, đó là tập đoàn công nghệ Bkav, tập đoàn VNPT và hai doanh nghiệp tạm thời giấu tên khác.

Một khi nhận được thỏa thuận này với Qualcomm, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) sẽ có quyền khai thác các bằng sáng chế của Qualcomm (tùy theo thỏa thuận riêng) cho các sản phẩm của họ. Trong buổi gặp gỡ báo chí tại TP.HCM mới đây, ông Alex Orange - Giám đốc mảng hợp tác chính phủ của Qualcomm ở khu vực Đông Nam Á và Đài Loan khẳng định, việc chia sẻ hợp tác này dựa trên nguyên tắc bình đẳng và có lợi cho cả hai bên. Trong đó có hai hình thức hợp tác là chia sẻ lợi nhuận % sản phẩm và hợp tác phi lợi nhuận.

Mô hình chia sẻ công nghệ và bằng sáng chế của Qualcomm

Tại Việt Nam, Bkav là đơn vị tiên phong đạt được thỏa thuận chia sẻ bản quyền sáng chế với Qualcomm sau khi ra mắt Bphone đầu tiên vào năm 2015 với việc ký hợp đồng bản quyền LTE/WCDMA, đây cũng là công ty Đông Nam Á đầu tiên ký bản quyền công nghệ Qualcomm trên smartphone. Do vậy khi Bphone 2017 ra mắt đã được sự hỗ trợ của Qualcomm trong nhiều mặt, trong đó có cả việc Qualcomm sẽ cùng Bkav đưa Bphone 2 ra thị trường quốc tế. Theo Qualcomm, sự hỗ trợ của họ nằm ở việc chia sẻ am hiểu thị trường, băng tần và mối quan hệ với các đối tác/nhà mạng bản địa ở nhiều nước trên thế giới. Sau Bkav, Qualcomm cũng tiếp tục đạt được thỏa thuận chia sẻ bản quyền sáng chế với VNPT và hai doanh nghiệp trong nước giấu tên khác. 

Theo Qualcomm, điểm khác biệt của các công ty như Bkav, VNPT... là họ trực tiếp chế tạo sản phẩm tại Việt Nam và là đối tác cấp 1 của Qualcomm, sử dụng trực tiếp các sáng chế của Qualcomm vào công tác sản xuất sản phẩm và giúp nội địa hóa sản phẩm theo hướng Made in Vietnam nhiều hơn, trong đó có việc tối ưu hóa băng tần hay các công nghệ liên quan. Ví dụ, trong trường hợp của Bkav, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết: "Sau khi ký hợp đồng với Qualcomm, Bkav có thể sử dụng tất cả bằng sáng chế của chúng tôi nhưng khi sản xuất sản phẩm và nhà sản xuất lựa chọn sẽ sử dụng chipset nào thì sẽ ký thêm hợp đồng mua license của chipset đó, nhưng chi phí này nhỏ. Bản hợp đồng chung mới quan trọng vì trong đó có rất nhiều bằng sáng chế". 

Trong khi đó, các công ty smartphone thương hiệu Việt khác như Mobiistar, FPT, Qmobile hay Asanzo..., lại đi theo hướng tiếp cận khác, họ phụ thuộc và gia công sản phẩm từ các đối tác Trung Quốc rồi nhập về bán, nên việc chia sẻ bản quyền là chuyện của các đối tác của họ ở bên Trung Quốc, còn họ chỉ là đối tác cấp 2 (nếu có). Nói cách khác, những doanh nghiệp Việt này không đủ tiêu chuẩn để tham gia làm đối tác cấp 1 của Qualcomm do họ chủ yếu gia công sản phẩm rồi nhập từ Trung Quốc về sản xuất, thay vì sử dụng các sáng chế vào sản xuất trực tiếp ở Việt Nam như Bkav và các đối tác cấp 1 trong nước khác của Qualcomm.

Các đối tác lớn của Qualcomm tại Việt Nam, trong đó Bkav và VNPT là đối tác chia sẻ bản quyền trực tiếp của Qualcomm

Vậy Qualcomm lấy phí bao nhiêu? Theo tiết lộ của Qualcomm, mức chia sẻ lợi nhuận hiện nay của hãng với các đối tác là 5% trên mỗi sản phẩm bán ra tùy theo từng thỏa thuận với các đối tác nhưng phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng.

Được biết, cùng với việc hợp tác với các doanh nghiệp OEM trong nước, Qualcomm cũng đang thúc đẩy Việt Nam giảm bớt gánh nặng băng tần cho 2G do hiện các nhà mạng đang phải gánh cùng lúc 3 băng tần rất tốn kém chi phí vận hành và duy trì, thông qua việc hợp tác với các nhà sản xuất OEM trong nước để sớm tung ra các feature phone hỗ trợ 4G hoặc các smartphone 4G giá rẻ với chi phí sản xuất vào cỡ 25USD (chưa đầy 600 ngàn đồng). 

TM

Chủ đề khác