VnReview
Hà Nội

Công ty cho vay trực tuyến của Alibaba - MYbank - được xem là nhân tố đổi mới ngành ngân hàng Trung Quốc

MYbank là một công ty cho vay trực tuyến và là một công ty con của tập đoàn Alibaba. Họ là công ty cho vay mà không hề xây dựng chi nhánh hay sử dụng những công nghệ đắt đỏ từ nước ngoài và sử dụng nền tảng đám mây để cắt giảm chi phí phần cứng.

> Bảo mật doanh nghiệp toàn cầu: ứng dụng ngân hàng có nguy cơ bị tấn công cao nhất

Ngân hàng này khẳng định mình có thể chuyển khoản vay tới người cần vay trên khắp Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn 1.000 lần so với những gì mà ngân hàng truyền thống có thể.

Chủ tịch ngân hàng, ông Huang Hao, đã tự tin khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng ngân hàng MYbank có thể đạt được mức tăng trưởng hai con số nhờ vào những khoản chi phí được tiết kiệm thông qua các công nghệ hiện đại. Ông cho rằng đây là một kết quả "hoàn toàn mỹ mãn" nhưng không tiết lộ chi tiết tại sao.

Ngân hàng tư nhân MYbank được thành lập vào năm 2015, lúc đó ngân hàng này chỉ có 300 nhân viên và một nửa trong số đó là kỹ thuật viên. Ngân hàng này cam kết sẽ phê duyệt các khoản vay dưới ba phút mà không cần sự tham gia của con người nhờ vào công nghệ ngân hàng nội bộ.

Và kết quả là họ có thể giảm chi phí để xét duyệt những khoản vay nhỏ xuống mức thấp nhất là 2 nhân dân tệ (tức 7.200 VND). Đây là mức phí rất đáng nể khi so với mức phí 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7.200.000 VND) khi thực hiện vay vốn tại những ngân hàng truyền thống. Ông Huang còn cho biết rằng họ chỉ sử dụng những công nghệ "nhà làm" để xây dưng cơ sở hạ tầng nhằm cắt giảm chi phí cho những sản phẩm đắt đỏ tới từ các công ty như IBM, Oracle hay Dell, thứ đang làm nên hệ thống xương sống cho phần nhiều phân vùng tài chính của Trung Quốc.

Khi được hỏi về quan điểm của mình về những công ty nước ngoài, ông Huang cho rằng: "Chi phí có thể sẽ bị đội lên tới mức cao không tưởng. Trong tương lai chúng tôi có thể đạt được số lượng người dùng khổng lồ và nhu cầu giao dịch cực cao. Chính bởi vậy chúng tôi cần một hệ thống có thể mở rộng được mà lại không quá tốn kém".

Sự lựa chọn này có lẽ một phần đi ngược lại với dự đoán của Dell khi mà Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ của công ty này. Công ty này cho biết: "Chúng tôi đã hợp tác thành công với nhiều khách hàng thuộc mảng ngân hàng tại Trung Quốc".

Trong khi đó, công ty Oracle thì từ chối đưa ra bình luận, còn IMB thì vẫn chưa đưa ra bất kì suy nghĩ nào về việc này.

Ông Huang cũng cho biết rằng hiện tại 30% cổ phần của MYbank đang được nắm giữ bởi tập đoàn Ant Financial Service – tập đoàn anh em với Alibaba. Cả hai tập đoàn này đều đang đóng vai trò hướng dẫn chuyên môn về điện toán đám mây cho MYbank. Họ cũng giúp ngân hàng này trong việc phát triển hệ thống big data, trí thông minh nhân tạo và chức năng nhận diện khuôn mặt để tạo điều kiện cho việc cho vay.

Đặt cược vào người nông dân

MYbank và WeBank là hai tổ chức cho vay được thành lập hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân. Từ giữa năm 2015, ngân hàng MYbank đã phục vụ cho 7 triệu doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng này cũng đang nhắm tới nguồn khách hàng là 70-100 triệu doanh nghiệp không đạt điều kiện cho vay bởi các tổ chức tài chính truyền thống.

Việc cho những đối tượng nhỏ lẻ như vậy thực hiện việc vay vốn là một hành động mạo hiểm bởi những doanh nghiệm này thường có rất ít hoặc hoàn toàn không có tài sản thế chấp. Nhưng đối với MYbank, chính những khoản vay không an toàn như thế lại là thứ đem lại cho họ lợi nhuận. Lãi suất ròng của ngân hàng này là 3-5%, cao hơn hầu hết ngân hàng tại Trung Quốc với hướng đối tượng cho vay là các doanh nghiệp lớn.

Lí giải cho điều này, ông Huang cho biết: "Lãi suất vay cho những doanh nghiệp nhỏ thường sẽ cao hơn những khoản vay thực hiện bởi những doanh nghiệp lớn". Điều này được giải thích là do việc cho những doanh nghiệp nhỏ vay sẽ đem lại rủi ro cao hơn nhiều khi thực hiện giao dịch với những doanh nghiệp cỡ lớn khác.

Không chỉ tự hào về mức lãi suất ròng cao, ông Huang còn cho biết: "Tỷ lệ nợ xấu của MYbank hiện đang dưới 1% dù rằng đối tượng cho vay của chúng tôi chủ yếu là những doanh nghiệp cỡ nhỏ. Thành công đó là nhờ vào các mô hình đánh giả rủi ro trên nền tảng big data".

Ông Huang khẳng định rằng chiến lược làm giảm rủi ro trong hệ thống tài chính Trung Quốc của chính phủ nước này không hề làm ảnh hưởng tới việc vận hành của MYbank vì chính phủ không hề nhắm tới những doanh nghiệp nhỏ và khu vực nông thôn. Theo những số liệu mà MYbank cung cấp, tỉnh tới cuối tháng 10/2017 ngân hàng này đã cho vay tổng số tiền lên tới 441,3 tỷ nhân dân tệ, trong đó kích thước trung bình của khoản vay là 8.000 nhân dân tệ (tức 25 triệu VND).

Nghĩa vụ đổi mới

Một trong những thách thức mà công ty này phải đối mặt đó chính là việc họ không có bất kì chi nhánh nào để nhận tiền gửi từ khách hàng nên họ phải đi "mượn" vốn từ những tổ chức cho vay khác thuộc hệ thống liên ngân hàng của Trung Quốc. Điều này sẽ gây tốn kém hơn nhiều khi so với việc huy động vốn thông qua tiền gửi của khách hàng. Ông Huang tiết lộ rằng trong tổng số tiền mà họ nợ thì số vốn liên ngân hàng hiện đang chiếm 60%, số còn lại là đến từ hoạt động gửi tiền của người dùng.

Hiện nay phí cho vay của MYbank đang dao động trong khoảng 5-6% tương tự với những ngân hàng tầm trung khác. Tại Trung Quốc, các ngân hàng thương mại đều phải giới hạn tổng tiền vay vốn từ liên ngân hàng phải thấp hơn 1/3 tổng số nợ mà ngân hàng đó đang gánh. Song, theo ông Huang, MYbank vẫn chưa hề nhận được yêu cầu thay đổi cơ cấu khoản nợ của mình.

"Dịch vụ ngân hàng điện tử hiện vẫn còn rất mới tại Trung Quốc. Nếu so với những tổ chức tài chính truyền thống, họ đang mang trong mình nghĩa vụ đem về sự đổi mới trong lĩnh vực này, chính bởi vậy các cơ quan quản lí sẽ dành riêng cho họ những hướng dẫn đặc biệt".

TN

Chủ đề khác