VnReview
Hà Nội

Huawei 2018: Con cá mập trắng khổng lồ giữa lòng đại dương

Tuy việc nhà mạng Mỹ AT&T rút lui khiến Huawei chưa thể tiến tới thị trường Mỹ, nhưng công ty này vẫn còn một tương lai vô cùng tươi sáng đang chờ đợi ở phía trước.

Nếu như ngành công nghiệp di động là một đại dương bao la, thì Huawei chắc chắn là một con cá mập trắng khổng lồ. Gã khổng lồ công nghệ đến từ Trung Quốc di chuyển nhanh, tấn công một cách dữ dội, và có thể "ngửi thấy mùi máu" từ cách xa hàng cây số. Tuy nhiên, giống như cá mập, Huawei không thể ngừng di chuyển. Không bao giờ. Nếu họ ngừng di chuyển, họ sẽ "chết đuối". Sự cạnh tranh của thị trường khốc liệt như vậy đấy.

Trong năm 2017, Huawei đã vùng lên mạnh mẽ để phá vỡ cuộc đua song mã giữa Samsung và Apple. Trong một thời gian ngắn, công ty thậm chí còn đánh bại Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới. Mục tiêu lớn nhất của Huawei trong năm 2018 là thị trường khó tính nhất thế giới – Mỹ nhưng họ đã bị giới chính trị gia nơi đây dội một gáo nước lạnh. Điều này có khiến công ty chịu thất bại? Tất nhiên là không.

Tương lai tươi sáng đón chờ phía trước

Huawei không còn là cái tên xa lạ đối với người tiêu dùng. Trong 5 năm qua, công ty đã vượt ra khỏi Trung Quốc và tự khẳng định tên tuổi của mình trên khắp thế giới. Chỉ có một số ít thị trường lớn mà Huawei chưa thể "đánh chiếm", và tất nhiên, Mỹ là thị trường quan trọng nhất trong số đó.

Huawei đã tăng trưởng về mọi mặt trong năm 2017. Họ đã giành được thêm thị phần, lần đầu tiên vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới. Nhờ tập trung nhiều hơn vào khâu quảng bá, Huawei đã củng cố vững chắc thương hiệu của mình ở cả các thị trường đang phát triển và các thị trường phương Tây. Công ty đã bán được 153 triệu chiếc smartphone trong năm 2017, tuy nhiên cũng đáng lưu ý là mức độ tăng trưởng doanh thu trên thực tế của họ đã chậm lại.

Huawei cũng đã nâng tầm sản phẩm của mình ở mọi phân khúc. Chiếc smartphone Mate 10 Pro của công ty đã giành được những đánh giá cao từ các trang công nghệ. Tại các phân khúc bình dân hơn, những sản phẩm thuộc dòng Honor cũng tăng mạnh về doanh số và ngày càng được đón nhận nhiều hơn ở các thị trường có tốc độ phát triển cao như châu Á và châu Phi.

Những sự đầu tư lâu dài vào nghiên cứu và phát triển của Huawei cũng đã bắt đầu "ra trái" trong năm 2017. Ví dụ điển hình nhất là dòng chip xử lý Kirin của công ty đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Qualcomm và Samsung, thậm chí còn có một số điểm nổi trội hơn. Con chip Kirin 970 có trên chiếc Mate 10 Pro được trang bị các tính năng trí tuệ nhân tạo mà Samsung nhanh nhất cũng phải đến nửa sau của năm 2018 mới có thể đuổi kịp. Ngoài ra, Huawei cũng sẽ có rất nhiều lợi thế khi thế giới chuyển sang kỷ nguyên 5G giai đoạn 2019-2021 nhờ những đóng góp to lớn của công ty vào chuẩn kết nối không dây mới này.

Gáo nước lạnh đến từ thị trường khó tính nhất thế giới

Sự kiện CES 2018 lẽ ra đã là một thành tựu sáng chói của Richard Yu. Sau nhiều năm chuẩn bị, vị Giám đốc điều hành của tập đoàn di động Huawei cuối cùng cũng có thể công bố màn ra mắt "hoành tráng" của công ty tới thị trường Mỹ, thông qua quan hệ đối tác với nhà mạng AT&T. Tuy nhiên, dưới sức ép của giới chính trị gia Mỹ, AT&T đã rút lui khỏi thương vụ vào phút chót, khiến ông Yu phải rất khó khăn mới có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra trên sân khấu tại Las Vegas.

Đây là khoảnh khắc đáng nhớ nhất tại CES. Không cần đến sự trợ giúp của ê-kíp chuẩn bị, ông Yu thừa nhận việc AT&T hủy bỏ thương vụ này là một mất mát lớn đối với Huawei, nhưng ông cũng nói rằng chính người dân Mỹ mới là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất, khi họ mất đi những sự lựa chọn của mình.

"Chúng tôi đã chứng minh được chất lượng của chúng tôi, chúng tôi đã chứng minh được khả năng bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của chúng tôi", ông Yu chia sẻ về những danh tiếng xấu đeo bám công ty suốt nhiều năm trời.

Các tin xấu tiếp tục xảy đến với Huawei sau khi sự kiện CES kết thúc: Các nhà lập pháp Mỹ đã gây áp lực lên các nhà mạng, yêu cầu họ không hợp tác với Huawei dưới mọi hình thức, cắt đứt mọi con đường tiến tới thị trường của công ty. Chỉ mới tuần trước, hãng tin Bloomberg cũng đưa tin là nhà mạng Verizon đã hủy bỏ hợp đồng với Huawei do áp lực chính trị.

Lí do các nhà mạng Mỹ không bán những chiếc điện thoại tốt nhất thế giới là rất phức tạp, nhưng dù nó là gì thì có một điều chắc chắn là Huawei sẽ không thể đi vào thị trường Mỹ, hoặc ít nhất là chưa thể. Trong năm 2018, công ty sẽ phải tìm cách duy trì đà tăng trưởng ở nơi khác, chủ yếu là châu Âu và châu Phi. Một Giám đốc của công ty chia sẻ: "Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác".

Những kẻ thù ở trước mắt

Bên cạnh thị trường Mỹ, Huawei vẫn còn rất nhiều mục tiêu khác phải thực hiện. Tuy Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới cho điện thoại cao cấp, nhưng các khu vực đang phát triển mới là những nơi mà công ty thu về nhiều lợi nhuận nhất, và điều tuyệt vời hơn cả là Huawei không phải chịu những sự bất công về chính trị như tại Mỹ.

Tuy công ty đang hoạt động rất tích cực tại các thị trường có tốc độ phát triển nhanh, nhưng không có nghĩa là họ không vấp phải sự phản kháng ác liệt đến từ các đối thủ. Trong số đó có cả Samsung và Apple, nhưng có lẽ những đối thủ mà Huawei cần phải bận tâm nhất chính là những công ty tại quê nhà: Oppo, Vivo và Xiaomi.

Oppo và Vivo – hai công ty thuộc sở hữu của BBK Corporation – là những mối đe dọa lớn nhất đối với Huawei trong năm 2018. Tổng thị phần của hai công ty này thậm chí còn lớn hơn cả Apple, và sức mạnh thương hiệu của Oppo và Vivo không chỉ được khẳng định ở Trung Quốc mà còn ở cả các thị trường khác như Ấn Độ và châu Á. Chắc chắn Huawei sẽ gặp không ít khó khăn khi đối đầu với liên minh này.

Một Xiaomi đang trên đà hồi phục mạnh mẽ cũng có thể là chướng ngại vật rất lớn đối với Huawei. Sau thời gian dài gắn bó với thị trường trực tuyến, Xiaomi đã chuyển sang tập trung mở rộng mạng lưới bán lẻ ngoại tuyến, giành được thị phần với tốc độ rất ấn tượng.

Cùng với tất cả các thương hiệu khác trong ngành công nghiệp di động – bao gồm cả "ông kẹ" Google mới chuyển sang tự sản xuất phần cứng trong thời gian gần đây – thật dễ để thấy tại sao Huawei không được phép nghỉ ngơi dù chỉ một giây.

Dùng hành động thay cho lời nói

Thị trường di động chưa bao giờ chật chội và cạnh tranh đến như vậy, nhưng Huawei đã quá quen với áp lực. Các sản phẩm của công ty đã chuyển từ "thùng hàng thanh lý giá rẻ" tới "những kệ hàng cho sản phẩm hàng đầu" chỉ trong 5 năm ngắn ngủi nhờ vào chất lượng, tính năng và giá thành vượt trội. Những điều đó sẽ được Huawei tiếp tục phát huy trong năm 2018, với những chiếc điện thoại như P20, Mate 20 và dòng sản phẩm Honor mới chuẩn bị được tung ra thị trường.

Huawei cũng sẽ chi mạnh tay hơn cho các thị trường mà họ được phép hoạt động bằng nguồn vốn mà lẽ ra sẽ được đầu tư vào thị trường Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, công ty đã dành riêng 100 triệu USD cho thương vụ với AT&T, và giờ số tiền đó sẽ được chuyển sang cho các thị trường như châu Âu và châu Á, gây sức ép lên các đối thủ.

Sẽ rất thú vị để chờ xem Huawei sẽ chọn "phe" nào trong cuộc chiến giữa Google và Amazon. Google có vẻ như là sự lựa chọn hợp lý, nhưng Huawei dường như đã đặt niềm tin của mình vào Alexa khi đưa trợ lý ảo này của Amazon lên một số sản phẩm của mình. Hơn nữa, Amazon không cạnh tranh với Huawei trong mảng di động, không như Google. Khi Google Assistant và Amazon Alexa đang dần trở thành nền tảng mới của tương lai, Huawei chắc chắn sẽ muốn ở cùng phe với người thắng cuộc.

Lời kết

Cá mập trắng hầu như không có sự thay đổi sau hàng triệu năm tiến hóa, còn Huawei thì không có được sự "xa xỉ" ấy. Trong năm 2018, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc buộc phải tự thay đổi bản thân và vượt qua những thách thức – và cơ hội – to lớn đang chờ ở phía trước.

Có thể nói, Huawei đang rất nghiêm túc trong việc trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Điều này gần như chắc chắn sẽ không xảy ra ngay trong năm 2018, nhưng không có nghĩa là Huawei nên từ bỏ tham vọng của mình, nhất là khi họ từng đánh bại Apple. Gáo nước lạnh mà thị trường Mỹ "tặng" cho Huawei, tuy rất đáng buồn, nhưng lại có thể trở thành động lực để công ty dồn sức cho các thị trường khác. Và biết đâu được, một lúc nào đó, chính Mỹ lại "trải thảm đỏ" mời Huawei đến thì sao?

Văn Hoàn

Chủ đề khác