VnReview
Hà Nội

LG: chiến lược mới liệu có mang lại những thay đổi cho smartphone của hãng?

Ở thời điểm hiện tại, mảng di động của LG có thể được tóm tắt bằng tựa đề của một bài hát: "Land of Confusion" - "Vùng đất mơ hồ" - của Genesis. Tại sao?

Có hai lý do cho điều này. Đầu tiên, chẳng hiểu vì những rào cản gì mà LG V30 cứ mãi quẩn quanh ở sân nhà thay vì vươn ra thế giới để đánh bại các đối thủ. Và thứ hai, LG nên chọn hướng đi nào để chấm dứt vấn đề đáng quan ngại này?

Trang tin công nghệ;DigitalTrends nhận định rằng, sự mơ hồ về hướng đi sắp tới của LG có thể thấy rõ trong buổi công bố chiếc flagship mới nhất - V30S ThinQ - một chiếc smartphone... mơ hồ với một cái tên mơ hồ không kém. Việc nó được công bố bên lề một buổi họp báo không được rầm rộ như các đối thủ là một điều đáng ngạc nhiên, dù V30S ThinQ chỉ là một bản nâng cấp nhỏ của V30, với sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng những thay đổi không đáng kể về mặt cấu hình.

LG dường như cũng khá ngập ngừng về chiếc smartphone thay thế cho G6 - mà theo nhiều thông tin sẽ ra mắt trong vài tháng tới - với vô số thông tin lẫn lộn từ chính công ty này. Liệu chiếc smartphone này có được gọi là G7? Liệu nó có thể có thiết kế "tai thỏ" tương tự iPhone X? Liệu nó sẽ là một chiếc điện thoại mới giúp LG đặt dấu chấm hết cho dòng G? Chẳng ai biết cả, và khi nhìn lại V30S ThinQ, chúng ta lại càng quan ngại hơn khi có vẻ chính họ... cũng không biết!

Phải chăng ngày tàn của mảng di động của LG sắp đến? Các smartphone gần đây của LG luôn bị Samsung "vùi hoa dập liễu", dù chúng có sức mạnh không hề thua kém, và thậm chí đôi lúc còn tốt hơn.

Thời kỳ đen tối

Năm 2017 kết thúc trong nỗi hổ thẹn đối với LG, sau 6 tháng liên tiếp đạt doanh thu nghèo nàn và chỉ bán được 13,9 triệu điện thoại trong suốt cả năm. LG V30 lẽ ra phải tạo nên một cơn sốt với doanh số ấn tượng: nó là một chiếc smartphone xuất sắc với màn hình tuyệt đẹp, camera quay phim thuộc hàng đỉnh, hiệu năng âm thanh tốt đến đáng ngạc nhiên, cùng thiết kế hiện đại không thể bàn cãi. Nhưng LG V30 lại thất bại trong việc tạo ra sự hứng khởi trong khách hàng, giống như LG G6 trước đó. Cả hai đều theo chân một chiếc LG G5 với thiết kế module thất bại, và chiếc LG V20 tuyệt-nhưng-chán. So sánh với doanh số khủng của Samsung Galaxy S8 và Note 8, có thể dễ dàng nhận ra LG đã mất hết nhuệ khí từ lúc nào.

Việc mang V30S ThinQ đến MWC 2018 - một sự kiện bị khá nhiều hãng smartphone thờ ơ vì lo sợ bị lấn át bởi Galaxy S9 - là một quyết định khó hiểu. Hãy nhìn Huawei mà xem: hãng điện tử Trung Quốc này quyết định tung flagship P20 vào cuối tháng 3 thay vì tại MWC 2018, và đã nhấn chìm cả sự kiện này bằng những đoạn clip giới thiệu chớp nhoáng về siêu phẩm của họ, tiết lộ sơ khởi những điểm mạnh khiến P20 trở nên đặc biệt. Tất nhiên, Huawei đã thu hút được sự chú ý của người dùng dù chẳng thèm tung ra bất kỳ sản phẩm nào tại MWC.

Ngược lại, LG lại cực kỳ kín tiếng về flagship có thể sẽ ra mắt vào tháng 6 tới của mình, trừ việc họ bất ngờ để lộ một chiếc điện thoại concept tại MWC. Thay vì khiến mọi người hào hứng, bản concept này lại làm dấy lên những quan ngại khi nó có "tai thỏ" trên màn hình. Cơ hội đã bị phung phí, thời cơ cũng bị vuột mất, và vụ việc này còn khiến người ta nghi ngờ hơn về chiến lược trên lĩnh vực di động của LG trong tương lai.

Lo lắng không? Có chứ! Nhưng nếu bạn thực sự hâm mộ LG, đừng lo lắng quá. Bởi những thay đổi đang diễn ra tại LG Mobile ở những vị trí rất cao, và xét việc những cá nhân mới tại LG Mobile đã xử lý tốt không ít vấn đề, và những quyết định họ đưa ra đều được xem xét kỹ càng ở thì tương lai, mảng di động của hãng chắc chắn sẽ chứng kiến một sự đảo chiều hoàn toàn!

Làn gió đổi thay

Bằng chứng ở đâu vậy? Cuối năm 2017, LG bổ nhiệm một vị CEO mới cho mảng di động, một vị lãnh đạo công nghệ (CTO), và một trưởng marketing toàn cầu; cả 3 đã chính thức thực hiện sứ mệnh của mình vào ngày 1/1/2018. CEO mới Hwang Jeong-hwan chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định về các sản phẩm trong tương lai, đồng thời tiếp tục các dự án hiện tại. Ông còn có thể cho đi mọi thứ không phù hợp và bắt đầu lại từ đầu!

CEO của LG Electronics Jo Seong-jin cũng nhận thức được những thay đổi cần thiết trong tương lai của LG, khi phát biểu tại CES 2018 như sau: "Nếu có điều gì đó cần phải thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi ngay". Khi nhắc đến tương lai của dòng smartphone G và V, hay sự xuất hiện của một dòng sản phẩm mới, ông nói: "Mọi thứ đều có thể xảy ra và chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng".

LG rõ ràng biết họ cần điều gì đó mới mẻ, nhưng đó là điều gì? Giám đốc Truyền thông toàn cầu của LG Ken Hong cho biết công ty có thể sẽ tung ra "các biến thể cao cấp hơn của các smartphone hiện tại" trong tương lai, cho thấy sự thay đổi không ngờ trước được đối với chu kỳ ra mắt sản phẩm trước đây của LG. Hãng sẽ ra mắt thêm nhiều điện thoại nữa, khác hẳn với chiến lược 2 thiết bị hiện tại, và là một chiến lược mới đầy dũng cảm khi nhìn lại sự đón nhận của người dùng đối với V30S ThinQ. Tuy nhiên, nếu thực hiện hợp lý, chiến lược này sẽ giúp LG Mobile tái sinh và một lần nữa trở thành một lực lượng với sức mạnh đáng nể trên thị trường di động.

Cũng cần phải nói rằng đây là một ý tưởng thú vị nhưng không hề mới. Sony đã luôn tung ra các bản nâng cấp cho các điện thoại của họ cứ mỗi 6 tháng cho đến gần đây, và OnePlus thì thường xuyên làm mới dòng điện thoại duy nhất của họ. Khi Sony làm điều tương tự, hãng này đã tạo ra một cơ số điện thoại hao hao nhau mà chẳng ai quan tâm đến. OnePlus ngược lại, mỗi lần ra mắt sản phẩm mới lại thu hút rất nhiều sự chú ý, "tiễn" sạch đời máy trước đó và tung đời máy mới lên mới với mọi tính năng mới mà hãng thêm vào. Chiến lược này thành công không tưởng, và nó cho thấy tại sao đây sẽ là một sự thay đổi thú vị đối với LG.

Vậy chúng ta sẽ được thấy những chiếc smartphone mới nào? V30S ThinQ có thể là khuôn mẫu cho những thay đổi sắp tới, nhưng sẽ không dừng ở đó. Nếu LG đi theo chiến lược của OnePlus, hãng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa. LG sẽ có thể tránh được việc rơi vào tình huống như G6 - một chiếc flagship bị "kẹt" với một vi xử lý lỗi thời.

Đẩy nhanh chu trình sản xuất, bắt kịp những thay đổi trong xu hướng và những tiến bộ của ngành công nghiệp sẽ giúp LG tạo nên sự khác biệt với Samsung - hãng điện tử vốn luôn chạy đua với tốc độ ngang với Apple, và mới đây tuyên bố đã "hết hứng" với việc trở thành kẻ đi đầu trong công nghệ.

Tự tin

Việc LG không ngại ngùng với những đổi thay lớn, cùng việc các lãnh đạo cấp cao của hãng sẵn sàng chia sẻ về những điều này khiến chúng ta cảm thấy một sự tự tin đáng nể phục. LG thực sự dũng cảm và hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta dự đoán về việc họ sẽ chống chọi như thế nào trong thời khác đầy thách thức này. Thử những thứ mới mẻ thay vì kiên định một cách mù quáng vào những thứ không có tương lai sẽ có thể giúp LG thay đổi mọi thứ. Tất nhiên, nó cũng đi kèm với rủi ro lớn, nhưng không thử thì làm sao mong chờ được kết quả gì?

Chúng ta đã từng thấy LG làm điều này trước đây, và kết quả thực sự tốt. Năm 2013, LG thành công vang dội sau khi hợp tác cùng Google tung ra Nexus 4, sau đó ra mắt LG G2, G Flex, Nexus 5 và LG G3. Trước đó, smartphone của hãng không hấp dẫn lắm, nhưng hãng đã kéo chính mình lên và tạo ra được những chiếc điện thoại tốt nhất thời bấy giờ. Họ thực sự đã thử những thứ mới: các nút bấm nằm ở mặt lưng, màn hình uốn dẻo, màn hình 1440p, lấy nét bằng tia laser, và cuối cùng là camera góc rộng.

LG có lịch sử, có năng lực, và xét mọi vấn đề liên quan, hãng hoàn toàn có thể một lần nữa trỗi dậy trong năm 2018. Dù bắt đầu với kẻ kế nhiệm G6, hay một smartphone dòng V mới, thì cũng sẽ có những thay đổi lớn đang sắp sửa xảy ra, và chúng ta sẽ cùng xem kết quả sẽ như thế nào.

Minh.T.T

Chủ đề khác