VnReview
Hà Nội

Mục tiêu của Spotify ở Việt Nam là thay đổi thói quen nghe "nhạc lậu"

Âm thầm thuê biên tập viên âm nhạc làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trước, hôm nay dịch vụ stream nhạc hàng đầu Spotify mới chính thức ra mắt tại Việt Nam, mang theo tham vọng thay đổi thói quen nghe nhạc không bản quyền đang phổ biến tại đây.

>;Spotify chính thức ra mắt tại Việt Nam, bản Premium giá 59 ngàn đồng/tháng

Bà Sunita Kaur, Giám đốc điều hành của Spotify khu vực châu Á

Để làm rõ mục tiêu cũng như tham vọng này, phóng viên VnReview.vn đã có buổi phỏng vấn nhanh với bà Sunita Kaur, Giám đốc điều hành của Spotify khu vực châu Á bên lề sự kiện ra mắt dịch vụ Spotify tại TP.HCM vào sáng nay.

Mục tiêu quan trọng nhất của Spotify ở Việt Nam là chống lại nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc

Trả lời VnReview.vn về mục tiêu cũng như tham vọng của dịch vụ này tại thị trường Việt Nam, bà Sunita cho biết: "Khi Spotify tiếp cận Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, chúng tôi nhận ra có rất nhiều người sử dụng nhạc không có bản quyền và để những người nghe nhạc này thay đổi thói quen của họ chuyển sang nghe nhạc trả phí ngay thì rất khó.

Do vậy, chúng tôi đưa ra các lựa chọn cho phép họ sử dụng dịch vụ Spotify miễn phí hoặc trả phí. Điều này giúp chuyển dần những người đang sử dụng nhạc lậu sang sử dụng nền tảng có bản quyền nhưng miễn phí như Spotify, trước khi họ có đủ điều kiện và nhận thức để chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ trả phí. Đó là con đường và lựa chọn của chúng tôi để góp phần điều hướng thói quen của người nghe nhạc cũng như chống lại nạn xâm phạm bản quyền trong âm nhạc. Mục tiêu hàng đầu của Spotify ở Việt Nam vẫn là thay đổi thói quen nghe nhạc bản quyền".

Theo bà Sunita, với chi phí hàng tháng chỉ ngang ly cafe (59 ngàn đồng), người yêu nhạc Việt Nam đã có thể tiếp cận tới hơn 35 triệu bài hát có bản quyền trên toàn thế giới ở định dạng chất lượng 320 kbps, cũng như 2 tỷ playlist nhạc mà người dùng dịch vụ này tạo ra và có thể tải về để nghe/chia sẻ offline (được mã hóa dưới dạng hàm băm - hash) qua ứng dụng này. 

Để khẳng định thêm về mục tiêu "phổ cập nhạc bản quyền" tại Việt Nam, đại diện Spotify cho biết họ không quá quan tâm về số lượng người dùng ở Việt Nam hay một thị trường cụ thể nào đó, mà sẽ dành sự quan tâm cho tổng số lượng người sử dụng nền tảng Spotify trên toàn thế giới. Thậm chí, Spotify cũng không đặt nặng về số lượng người dùng Premium.

Bà chia sẻ thêm về mục tiêu trong thời gian tới tại Việt Nam: "Chúng tôi đang mong chờ trong thời gian tới sẽ có bao nhiêu người chuyển qua sử dụng dịch vụ Spotify. Bởi đây cũng là cơ hội để người dùng Việt Nam nhìn nhận lại thị trường âm nhạc như thế nào và sẵn sàng để bước sang một giai đoạn mới sử dụng âm nhạc bản quyền, dù đó là miễn phí hay trả phí".

Các nghệ sĩ sẽ được trả tiền mỗi khi bài hát được phát trên Spotify

Theo bà Sunita, để chuẩn bị vào Việt Nam phía dịch vụ này đã tuyển hẳn một biên tập viên âm nhạc có kinh nghiệm để làm việc tại TP.HCM, nhằm làm việc với các studio và đơn vị quản lý bản quyền âm nhạc cũng như các ca sĩ để cập nhật các bài hát Việt vào kho âm nhạc của Spotify. Ngoài ra, biên tập viên này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu thị hiếu âm nhạc cũng như làm việc với các bên liên quan để tạo ra các playlist phù hợp với người Việt. Ngay cả việc đưa ra mức phí cho bản Premium (59.000 đồng/tháng) ở Việt Nam, phía đơn vị này cũng đã phải xây dựng hẳn một nhóm làm việc và nghiên cứu kỹ thị trường để đưa ra mức giá phù hợp.  

Bên cạnh đó, dịch vụ stream nhạc này cũng đã "nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan tới pháp luật sở tại và đặc biệt là bản quyền", để đảm bảo rằng mỗi khi các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam được nghe trên Spotify thì họ cũng sẽ nhận được tiền (doanh thu) cho tác phẩm của họ, bất kể đó là lượt nghe từ người dùng miễn phí hay trả phí. Ngoài ra, Spotify còn tích hợp thêm các thống kê vào bài hát/playlist để giúp các nghệ sĩ có thể hiểu thêm về đối tượng người nghe của mình (giới tính/độ tuổi/sở thích,...), giúp họ có thể phát triển các sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu âm nhạc của thị trường.

Ba giá trị cốt lõi mà Spotify cung cấp cho người dùng Việt Nam: Kho thư viện âm nhạc bản quyền khổng lồ, khả năng đề xuất âm nhạc phong phú và sự cách mạng trong cá nhân hóa âm nhạc.

Theo đại diện Spotify, dịch vụ âm nhạc này nhảy vào Việt Nam sau khi nhận thấy thị trường đã chín muồi và bản thân họ đã đạt được cả thỏa thuận tối thiểu cần thiết cho kho nhạc Việt trên thư viện Spotify. Theo kế hoạch, Spotify sẽ làm việc với các đơn vị sở hữu bản quyền để khám phá tiếp các tài năng mới cũng như tổ chức liveshow quy tụ các nghệ sĩ nổi bật vào khoảng 12-18 tháng sau khi vào thị trường này.

Lý giải về việc giới hạn ở hai gói tùy chọn (miễn phí và trả phí) thay vì đa dạng hóa lựa chọn với các gói Family hay Student như ở Mỹ, đại diện Spotify cho biết họ sẽ tiếp tục tìm hiểu và làm việc về công tác thanh toán cũng như nhu cầu thị trường để đưa thêm các gói cước phù hợp. 

Cùng với Apple Music, Spotify được coi là nền tảng âm nhạc hàng đầu hiện nay với thư viện hơn 35 triệu bài hát trên toàn thế giới, 2 tỷ playlist được tạo ra và phục vụ tới 159 triệu người nghe thường xuyên (trong đó có 71 triệu người dùng trả phí). Dịch vụ này tập trung vào phục vụ đối tượng người dùng trẻ trên toàn thế giới với độ tuổi từ 18-24, thông qua các playlist gợi ý hàng tuần (Discovery Weekly) hay hàng ngày (Daily Mix) theo khẩu vị và thị hiếu của giới trẻ - theo công bố của đại diện dịch vụ này tại sự kiện.

TM

Chủ đề khác