VnReview
Hà Nội

Trỗi dậy mạnh mẽ, Foxconn nới lỏng tình thế quá phụ thuộc vào Apple

Foxconn trỗi dậy một cách đáng kinh ngạc khi phát triển vượt xa khỏi quy mô của một công ty sản xuất và lắp ráp điện tử, trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Tạp chí;Fortune xếp Foxconn ở vị trí thứ 27 trên thế giới, nhưng công ty này thực sự có thể lớn mạnh đến mức nào?

(ảnh: Fortune)

Foxconn

Kể từ khi giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên năm 2007, Apple đã thuê công ty có tên Hon Hai Precision Industry, hay Foxconn, lắp ráp những thiết bị của mình tại các nhà máy đặt tại Trung Quốc và Đài Loan.

Foxconn là nhà sản xuất theo đơn đặt hàng lớn nhất trên thế giới. Được thành lập năm 1974 bởi huyền thoại Terry Gou, hơn 700.000 nhân công của công ty (con số có thể lên đến hơn 1 triệu vào những thời gian bận rộn) chuyên lắp ráp ra những chiếc iPad, Kindle, Playstation 4, Xbox One, máy chơi game Nintendo Switch, cùng nhiều loại tivi khác nhau.

Foxconn giống như một đế chế thực thụ, với ít nhất 9 nhánh kinh doanh chính tại hàng chuỗi các công ty con và công ty liên kết trong các lĩnh vực như sản xuất mạch in, sản xuất mô-đun cảm ứng và mô-đun pin, công nghệ nano, sản xuất đầu nối (connector). Công ty con FIH Mobile chuyên sản xuất các nhãn hiệu điện thoại không phải của Apple.

Apple "đóng góp" phần lớn trong kết quả kinh doanh sau thuế của Foxconn, mỗi quý nhận về hàng triệu thiết bị (chủ yếu là iPhone).

Có thể coi Apple là khách hàng quan trọng nhất của Foxconn kể từ năm 2000, khi Foxconn ký được hợp đồng sản xuất chiếc iMac mới từ công ty này. Nhưng đây cũng là mối quan hệ hợp tác nhiều tai tiếng.

Nhà sản xuất được giới truyền thông để mắt tới sau một loạt các vụ tự tử của công nhân năm 2010, hầu hết xảy ra tại khu phức hợp rộng lớn Longhua nơi những chiếc iPhone được sản xuất, đồng thời là nơi ở của các công nhân này.

Lưới được giăng bên ngoài các tòa nhà, người ta còn thuê cả các chuyên gia tâm lý đến làm việc ở đây. Apple bị chỉ trích dữ dội vì đã ký kết với một công ty đang bị kết tội đẩy nhân công đến con đường tự tử.

"Foxconn không phải là nơi bóc lột nhân công tệ hại. Đó là một công xưởng. Nhưng trời ơi, ở đó có cả nhà hàng, rạp chiếu phim… Nếu xét về phương diện một nhà máy đơn thuần, đây hẳn là một nơi đáng để đến. Nhưng nếu bạn đếm số vụ tự tử, con số của năm nay lên đến 13 vụ. Bạn biết đấy, có 400.000 công nhân làm việc ở đó… Con số đó vẫn chưa vượt quá ngưỡng về tỉ lệ tự tử của Mỹ, nhưng nó thật sự có vấn đề", Steve Jobs đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010.

Foxconn không bị ảnh hưởng quá nhiều từ truyền thông. Công ty đã xoay sở để có thể duy trì và gia tăng tài sản của mình, cũng như duy trì và phát triển mối quan hệ với Apple.

Những năm gần đây, giới báo chí chuyển hướng sang khai thác tham vọng của nhà sáng lập Foxconn và công ty của ông ta. Một trong những bài viết gần đây được đăng tải trên Tạp chí Nikkei châu Á, viết về một buổi phỏng vấn chuyên sâu hiếm hoi với Gou xoay quanh thương vụ mua lại mảng kinh doanh chip nhớ của Toshiba với mức giá 19,5 tỉ USD, về tham vọng cho một ‘thương hiệu lớn' và về bản thân Gou.

Rõ ràng việc lắp ráp những chiếc iPhone chưa từng là đủ với Terry Gou.

(ảnh: Japan Times)

‘Chủ tịch' Terry Gou

Gou là trái tim, là linh hồn của doanh nghiệp đã được ông dẫn dắt từ năm 1974, nơi đến nay ông vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ. Sự phát triển của công ty chính là tấm gương phản chiếu bản tính bền bỉ của Gou. Ông gần đây đã mua được Sharp, công ty có trụ sở tại Osaka. Đây là lần đầu tiên một cá nhân nước ngoài thành công trong việc mua lại một công ty điện tử Nhật Bản. Tại thời điểm đó, Sharp là nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất Nhật Bản, và là nhà cung cấp chính loại màn hình này cho những thiết bị trước iPhone X của Apple.

Trong một bài phân tích chi tiết sau thương vụ mua bán này, trang tin Bloomberg mô tả Gou là một con người "không ngừng nghỉ".

Một bài viết trên BusinessWeek đăng tải rất nhiều những khoảnh khắc bền trí, kiên trì của Gou trong suốt chặng đường 43 năm tạo ra Foxconn của ngày nay từ những khởi đầu khiêm tốn, với số vốn 7.500 USD vay được từ mẹ ông.  

Chuỗi bài viết "Terry người có tài ăn nói" kể về một người có khả năng thuyết phục bất cứ ai làm việc với mình, rất nhiều người. Ông được cho là đã thuyết phục những đại diện từ Compaq đặt mua case máy tính từ Hon Hai chỉ bằng một vài kế hoạch được vạch ra trong khu đỗ xe của Longhua, dù Hon Hai khi đó mới chỉ có kinh nghiệm về sản xuất đầu nối.

Ở tuổi 67, dù đã có kế hoạch cho việc nghỉ hưu, Gou vẫn đang là người dẫn dắt con đường phát triển của Foxconn. Người nối nghiệp sáng giá vẫn chưa xuất hiện, cho dù công cuộc tìm kiếm đã diễn ra trong ít nhất một thập kỷ qua.

Thực ra nếu so với nhiều người khác trong ngành công nghiệp này, Gou còn khá trẻ: Chủ tịch, CEO Fujio Mitarai của Canon 82 tuổi. Morris Chang, một nhân vật huyền thoại trong ngành công nghiệp chip Đài Loan, trở thành Chủ tịch, CEO của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan ở tuổi 78 vào năm 2009. Chang giờ đã 87 tuổi và vẫn đang giữ chức Chủ tịch của công ty này.

Foxconn có tỷ lệ biến động nhân sự cao bởi các nhân viên phải vật lộn để thỏa mãn những kỳ vọng, cam kết và phong cách quản lý của Gou.

Nhiều công ty Đài Loan hoạt động theo mô hình gia đình trị, đã từng hoặc đang phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng người nối nghiệp, trong đó có hai hãng sản xuất máy tính là Acer và Quanta. Sophia Cheng, người từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu công ty Merrill Lynch (Đài Loan), cho biết một tiêu chí quan trọng đánh giá hoạt động của các công ty tại quốc gia này là thế hệ lãnh đạo đầu tiên đã lên kế hoạch cho các thế hệ tiếp theo tiếp quản công ty như thế nào. 

Foxconn có tỷ lệ biến động nhân sự cao bởi các nhân viên phải vật lộn để thỏa mãn những kỳ vọng, cam kết và phù hợp với phong cách quản lý của Gou. Theo nhiều nguồn tin, Gou duy trì sự kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực của công ty. Tính khí nóng nảy của ông cũng được nhiều người biết đến.

Theo một cựu chuyên viên cấp cao, "Bạn càng làm tốt bao nhiêu, càng khó làm ông ấy hài lòng bấy nhiêu".

Có thông tin năm người con của Gou hoặc là không mấy hứng thú với công ty, hoặc là còn quá trẻ.

(ảnh: Android Authority)

Những rắc rối với lợi nhuận, và với Apple

Không dễ để giải thích về sự tăng trưởng mạnh mẽ của Foxconn trên nền tảng những thành công liên tiếp cùng hợp đồng với Apple. Doanh thu vẫn ổn định, nhưng lợi nhuận chỉ phát sinh từ một biên độ nhỏ hẹp. 

• Theo báo cáo tài chính của Foxconn, biên lợi nhuận gộp của hãng giảm xuống 5,83%. (Các công ty điện tử tên tuổi liên kết với Foxconn như Apple, Sony và Nintendo có biên lợi nhuận khoảng 40%).

• Năm 2016, một mình Apple đóng góp lên tới 54% doanh thu của Foxconn.

Trong báo cáo tài chính gần đây nhất do Foxconn phát hành, công ty vừa trải qua một đợt sụt giảm doanh thu, và theo nhiều nhà phân tích nguyên nhân của sự sụt giảm này bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến iPhone X.

Mô hình kinh doanh của Foxconn là bán những thành phần do mình sản xuất cho các thiết bị khách hàng, và thực hiện công đoạn lắp ráp cuối tạo nên sản phẩm với lợi nhuận cực thấp, thậm chí là lỗ.

Foxconn có thể là nơi sản xuất tất cả iPhone, nhưng biên lợi nhuận của Apple cao hơn đáng kể (ảnh: Android Authority)

Gou nổi tiếng là người luôn ưu tiên cho những kế hoạch 5 năm, và không có nhiều nơi giúp chúng ta nhìn rõ cả những xu hướng ngắn hạn lẫn dài hạn trong ngành công nghiệp này hơn là những chậm trễ trong sản xuất iPhone X do các vấn đề liên quan đến linh kiện từ các bên thứ ba cung cấp. Vụ này đã gây tổn thất không chỉ cho Apple và người tiêu dùng, mà còn gây tổn thất cho cả Foxconn. Lượng bán ra ban đầu của dòng iPhone 8 cũng bị giảm sút, khiến số lượng hàng tồn kho tăng lên.

Apple có vẻ vẫn ổn, iPhone vẫn là smartphone bán chạy. Tuy nhiên, tốc độ bán smartphone trên toàn cầu lại có xu hướng giảm. Ấn Độ vẫn là quốc gia có nhu cầu về smartphone lớn, nhưng lại tập trung chủ yếu ở phân khúc tầm thấp và tầm trung vốn mang lại ít lợi nhuận hơn.

Một trở ngại khác nữa là sự phát triển của nhà sản xuất OEM Trung Quốc là Huawei, khi hãng này vươn lên vị trí nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba trên thế giới đồng thời tự làm tất cả các công đoạn sản xuất và lắp ráp.

Một vấn đề nhỏ đối với phía Apple cũng gây tổn hại đáng kể đến Foxconn, nhưng để thay đổi được tình trạng này lại không hề dễ dàng.

"Trong tương lai Foxconn vẫn không thể thiếu Apple. Những đơn hàng từ Apple đã trở thành một thứ quá lớn đối với Foxconn", Vincent Chen từ công ty chứng khoán Yuanta chia sẻ với Nikkei.

Mở rộng thương hiệu

Sau bài viết trên Nikkei về việc Foxconn có thể đang tìm cách phát triển các thương hiệu riêng, có nhiều ý kiến hoài nghi.

"Không cạnh tranh với khách hàng luôn là một phần quan trọng trong chiến lược của Foxconn… và trong hầu hết trường hợp việc đặt thương hiệu của mình đối đầu trực tiếp với khách hàng là việc mất nhiều hơn được", một nhà phân tích thân cận với Foxconn cho biết. Foxconn không phản hồi khi được hỏi về vấn đề này, do đó tham vọng của công ty vẫn là một thông tin chưa được kiểm chứng.

Foxconn sở hữu Sharp, nhà sản xuất một số thiết bị di động được bán tại thị trường Trung Quốc như chiếc smartphone không viền Sharp Aquos S2. Đây cũng là công ty sản xuất dòng điện thoại di động InFocus dưới thương hiệu công ty InFocus của Mỹ. Thông qua FIH Mobile, Sharp cũng có được hợp đồng sản xuất những chiếc điện thoại phân khúc thấp dưới thương hiệu Nokia.

Foxconn sở hữu Sharp, thương hiệu điện tử khổng lồ của Nhật Bản, chuyên thiết kế điện thoại, tivi và nhiều thiết bị khác (ảnh: Android Authority)

Bên cạnh các khoản đầu tư vào các công ty mới nổi, Foxconn còn là một trong những nhà đầu tư quan trọng của Quỹ Tầm nhìn SoftBank bên cạnh Qualcomm, Apple, Quỹ đầu tư Công của Ả Rập Xê Út, cùng các tên tuổi khác.

Những thương vụ đầu tư và thâu tóm gần đây của Foxconn khá đa dạng. Hãng thâu tóm SMART Technologies - công ty công nghệ có trụ sở tại thành phố Calgary, Canada; Didi Chuxing - ứng dụng chia sẻ chuyến đi lớn nhất Trung Quốc; nhà sản xuất điện thoại selfie Meitu; và Lytro – nhà sản xuất máy ảnh 360 độ. Foxconn còn đầu tư những khoản đáng kể vào công ty AI Megvii của Trung Quốc và một startup trong lĩnh vực Bitcoin là Abra.

Xuất phát từ mối quan hệ hợp tác với Tencent và đại lý xe hạng sang Harmony New Energy Auto, Foxconn thành lập startup về xe tự động Future Mobility, với tham vọng đến năm 2020 sẽ sản xuất ra những chiếc xe hơi tự động chạy hoàn toàn bằng điện.

Tại Mỹ, một thỏa thuận lớn đã được ký kết giữa bang Wisconsin và Foxconn, cho phép công ty đầu tư lên đến 10 tỷ USD để sản xuất panel màn hình LCD cho TV, tạo công ăn việc làm cho 13.000 người. Nhà máy của Foxconn sẽ sản xuất những tấm panel màn hình LCD 10.5G, có khả năng tạo độ phân giải 8K trên những màn hình TV 70, 80 và 100 inch.

Tương lai của Foxconn: TV, OLED và nhiều hơn nữa

Tham vọng về một nhà máy sản xuất màn hình LCD 10.5G tại bang Wisconsin là một bước đi liều lĩnh, dù đã được đảm bảo bằng các khoản miễn giảm thuế và sự ưu đãi đáng kể từ chính quyền bang Wisconsin.

Nhà báo Tim Culpan từ Bloomberg nhận định, đây là một sự mạo hiểm đối với Foxconn và với bang Wisconsin. Lượng cung tương đối lớn các tấm LCD chất lượng tại châu Á – bao gồm từ nhà máy 10.5G của chính Foxconn tại miền Nam Trung Quốc – sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, và chính quyền bang Wisconsin có thể sẽ không nhận được những khoản thuế khổng lồ từ Foxconn trong nhiều thập kỷ. 

Có một thứ Foxconn rõ ràng đang còn thiếu, đó là năng suất sản xuất màn hình OLED cho TV và smartphone. Việc sở hữu Sharp giúp tăng năng suất, nhưng dù xét về thể loại hay chất lượng đều không thể đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung cho các tấm màn hình OLED đặc biệt của Apple.

Năng suất sản xuất màn hình OLED của Foxconn không đủ cho cả mảng TV và smartphone. Việc sở hữu Sharp giúp tăng năng suất phần nào, nhưng Samsung và LG đều hoài nghi về việc Sharp có thể bắt đầu sản xuất màn hình OLED hàng loạt vào năm 2020.

Theo một chuyên gia phân tích, để có thể bắt tay cùng Samsung cung cấp các tấm OLED cho Apple, Foxconn sẽ phải chi ít nhất 11,5 tỉ USD để xây dựng nhà máy OLED 6G thế hệ mới nhất, sản xuất xấp xỉ 250 triệu màn hình 6 inch mỗi năm. Một dự án như vậy sẽ có thời gian thi công rất dài, cộng với kha khá những rủi ro đáng kể về mặt công nghệ.

"Bên cạnh Samsung Display, Apple coi LG Display là một trong những lựa chọn nhà cung cấp màn hình OLED hàng đầu cho những chiếc iPhone của hãng", Eric Chiou, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của WitsView nhận định.

"Liên minh Foxconn-Sharp thiếu kinh nghiệm trong sản xuất hàng loạt các tấm OLED và có một nguồn vốn hạn chế để đầu tư cho lĩnh vực này. Vượt qua những thách thức này không phải việc ngày một ngày hai. Theo đuổi lĩnh vực sản xuất OLED không phải là một cách sử dụng tài nguyên hiệu quả của Foxconn", Chiou phân tích.

Cả Samsung và LG đều hoài nghi về khả năng Sharp có thể bắt đầu sản xuất màn hình OLED hàng loạt vào năm 2020.

Chiou nhận định tập trung cho mảng TV là việc làm cần thiết hơn nhiều đối với Foxconn-Sharp, bởi mức giá TV nhìn chung khá cao sẽ đóng góp đáng kể cho việc tăng doanh thu. "Khi mảng TV đạt tới đẳng cấp mới về quy mô và khả năng cạnh tranh về chi phí, Foxconn có thể nhận được nhiều đơn hàng ODM hơn và sẽ không còn bị giới hạn sản xuất dưới thương hiệu Sharp", Chiou cho biết. 

Foxconn đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng sang lĩnh vực TV, IoT, dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây.

Hãng Digitimes đưa tin Foxconn và BOE - nhà sản xuất màn hình phẳng có trụ sở tại Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ trong thương vụ mua lại công ty công nghệ LCD là Japan Display, một dự án liên doanh giữa Sony, Toshiba và Hitachi. 

Foxconn còn được cho là đang nhắm đến hợp đồng lắp ráp Apple Watch trong năm 2018.

Chia sẻ với Nikkei, Foxconn cho biết bên cạnh các thiết bị di động và màn hình TV, cơ hội dành cho công ty còn đến từ các lĩnh vực: ‘IoT, big data, điện toán đám mây, "smart lives" (sống thông minh), cách mạng công nghệ 4.0, và xe điện'.

Nhiều nguồn tin cũng cho biết Foxconn đang tìm hiểu về sản xuất bên ngoài lĩnh vực điện tử đơn thuần, như chăm sóc sức khỏe, công nghiệp ô tô và trí tuệ nhân tạo.

Vậy, Foxconn sẽ lớn đến đâu?

Gou và Apple sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính trong thành công của Foxconn, bất kỳ thay đổi nào đối với ‘sự cai trị' của Gou hay mối quan hệ với Apple đều đe dọa sự phát triển của công ty này.

Foxconn đang đặt cược lớn vào xe điện, TV và sẽ tiếp tục đầu tư cho hàng loạt các công ty, các startup để mở rộng sang các lĩnh vực mới, cũng như đảm bảo rằng mình sẽ là một phần của "the next big thing". Những hợp đồng lắp ráp vẫn tiếp tục đóng góp lớn cho lợi nhuận của Foxconn, nhưng công nghệ cao và giá trị thương hiệu mới là thứ có thể mang đến bước nhảy vọt tiếp theo cho công ty này.

Thu Trà

Theo Android Authority

Chủ đề khác