VnReview
Hà Nội

microLED là gì và tại sao Apple muốn sử dụng công nghệ màn hình này?

Apple được cho là đang tự sản xuất màn hình của riêng mình. Tuy nhiên, công nghệ mà họ theo đuổi không phải là OLED hay LCD mà là microLED.

> Apple đang bí mật phát triển màn hình MicroLED của riêng mình, sẽ được đưa lên Apple Watch đầu tiên?

microLED là gì?

Hiện màn hình LCD - với đèn nền là các diode phát sáng (LED) - đang thống trị ngành công nghiệp di động. Dù loại tấm nền này thường được gọi là màn hình LED, nhưng các diode đơn giản chỉ tạo ra ánh sáng ở mặt sau, rồi được lọc qua nhiều lớp gồm lớp phân cực, lớp tinh thể lỏng, lớp lọc màu và nhiều lớp khác nữa, từ đó tạo thành hình ảnh.

Không như LCD, tấm nền OLED (diode hữu cơ phát sáng) không cần đèn nền để hiển thị hình ảnh. Thay vào đó, tấm nền này có một lớp phim chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng phát sáng nhằm phản hồi lại một dòng điện chạy qua. Cơ chế này cho phép mỗi điểm ảnh có thể tự phát sáng, từ đó mang lại độ tương phản cao hơn màn hình LCD. Các đèn nền LED truyền thống cần phải luôn trong tình trạng bật lên, khiến màu đen không hoàn toàn đen (đặc biệt là khi xem trong môi trường tối); trong khi đó tấm nền OLED có thể bật sáng từng điểm ảnh riêng rẽ và nếu cần, có thể tắt mọi điểm ảnh không cần thiết. Nhờ vậy, màn hình OLED hiển thị màu đen rất trung thực. Màn hình OLED không cần đèn nền, do đó chúng cũng mỏng hơn LCD, và đây cũng là một trong những lý do khiến ngành công nghiệp di động chuyển dần sang sử dụng màn hình OLED.

Vậy còn microLED thì sao? CŨng như OLED, màn hình microLED không cần đèn nền, thay vào đó nó dựa vào các LED rất nhỏ, mỗi LED này chứa 3 điểm ảnh phụ (sub-pixel) có thể tự phát ra ánh sáng của riêng mình. Có nghĩa là công nghệ này sẽ có khả năng mang lại tỉ lệ màn hình và màu đen trung thực hệt như OLED, nhưng có thêm một số điểm mạnh khác. Đầu tiên, microLED không cần các chất liệu hữu cơ như OLED, mà sử dụng giải pháp vô cơ thay thế. Nhờ đó, màn hình microLED không sợ bị già hóa nhanh như OLED (vốn yếu dần và giảm dần độ sáng theo thời gian). Hợp chất vô cơ được sử dụng trong sản xuất tấm nền microLED là Gallium Nitrade (GaN), và bên cạnh việc giúp tăng tuổi thọ màn hình, chất liệu này còn làm màn hình sáng hơn OLED đến 30 lần. Ngoài ra, màn hình microLED còn không bị burn-in (lưu hình) - một vấn đề đau đầu đối với người dùng màn hình OLED.

Điểm yếu của microLED

Nếu microLED ưu việt như vậy, tại sao chúng ta vẫn cứ dùng những công nghệ kém hơn? Câu trả lời cực kỳ đơn giản, và cũng khá giống với bất kỳ loại công nghệ mới nổi nào khác trên thị trường: tiền!

Cần phải khẳng định rằng, microLED không phải là một công nghệ mới, nhưng ở thời điểm hiện tại, cực kỳ khó và đắt đỏ nếu muốn sản xuất loại màn hình này. Apple mua lại nhà sản xuất microLED LuxVue từ năm 2014, và phải đến tận 4 năm sau, hãng mới bắt đầu xem xét việc ứng dụng công nghệ này. Tất nhiên, bạn đừng trong mong sẽ có một chiếc iPhone với màn hình microLED trong năm nay, hay năm sau. Năm sau nữa cũng chưa có đâu.

Thực ra, Apple hiện đang xem xét ứng dụng màn hình microLED lên chiếc Apple Watch trong tương lai, bởi... màn hình Apple Watch khá nhỏ, độ phân giải thấp, và do đó dễ sản xuất hơn. Để sản xuất màn hình microLED, người ta sẽ phải... lắp ráp lần lượt từng điểm ảnh phụ một. Tức với một màn hình độ phân giải 1080p với khoảng gần 2,1 triệu điểm ảnh, nó sẽ có đến 2,1 x 3 = 6,3 triệu điểm ảnh phụ. Và MỖI điểm ảnh phụ đó phải được lần lượt lắp ráp riêng rẽ. Tại thời điểm này, việc sản xuất các tấm nền microLED trên quy mô rộng là điều hoàn toàn bất khả thi.

Thế thì tại sao cứ phải theo đuổi loại công nghệ khó nhằn này? Bên cạnh những điểm mạnh của microLED so với LCD và OLED, Apple đang chơi một trò chơi khác. Chiếc iPhone X hiện tại sử dụng tấm nền OLED do và chỉ do một mình Samsung - đối thủ chính của Apple trên thị trường di động - cung cấp. Trong khi đó, các mẫu iPhone 2018 được đồn đoán là sẽ sử dụng các tấm nền của cả Samsung và LG. Apple còn sử dụng màn hình của Samsung và LG trên MacBook và iMac, do đó phải nói rằng Táo khuyết hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào chính các đối thủ của mình.

Apple nhiều khả năng sẽ bắt đầu chậm rãi và từ tốn đối với microLED, ứng dụng công nghệ này lên một trong những mẫu Apple Watch trong tương lai. Sau đó, nếu nhận thấy microLED có khả năng thay thế tốt cho OLED, hãng sẽ bắt đầu tăng dần quá trình sản xuất. Tuy nhiên, thời điểm mà tấm nền microLED có thể được sản xuất trên một quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu thường niên của Apple vẫn còn rất xa. Hiện công ty vừa đặt hàng khoảng 270 triệu màn hình iPhone trong năm 2018, một nửa trong số đó là màn hình OLED.

Kết luận

Apple không hề đơn độc trong trò chơi này. Samsung mới đây đã vén màn The Wall - chiếc TV khổng lồ 146-inch dùng màn hình microLED và dự kiến được bán ra trong năm nay. Samsung chưa cho biết giá dự kiến của The Wall, nhưng nó sẽ cực kỳ đắt, và số lượng sản phẩm cũng sẽ rất giới hạn. Chiếc TV này có lẽ chỉ đóng vai trò "show hàng" mà thôi, nhưng nó là bằng chứng cho thấy hướng đi sắp tới của ngành công nghiệp màn hình. Theo các nhà phân tích, sẽ phải mất từ 4-5 năm nữa công nghệ microLED mới có thể thu hút được nhiều sự chú ý và phổ biến được. Và ngay cả đến lúc đó, mức giá của nó cũng sẽ khiến phần lớn người tiêu dùng chùn bước.

Chiếc TV microLED 146-inch "The Wall" được Samsung mang tới CES 2018

Nhưng xét mục đích của Apple là sản xuất màn hình microLED trên quy mô khá nhỏ và chỉ dùng cho Apple Watch, thì đây là một bước đi đầu tiên khá hợp lý để giảm bớt sự phụ thuộc. Wearable là một thị trường hợp lý để thử nghiệm các loại công nghệ mới; nếu bạn còn nhớ thì chiếc Apple Watch đời đầu ra mắt vào năm 2015 đã được trang bị màn hình OLED, và tận năm 2017, Apple mới ứng dụng công nghệ này trên chiếc iPhone X của mình.;

Do đó, hy vọng rằng trong năm sau, chúng ta sẽ được trên tay một chiếc Apple Watch với màn hình microLED, và sau đó khoảng 2-3 năm, sẽ là một chiếc iPhone màn hình microLED.

Minh.T.T

Chủ đề khác