VnReview
Hà Nội

Được Phương Trang rót trăm triệu đô, ứng dụng gọi xe Vato vẫn gặp lỗi sơ đẳng, làm sao thế chỗ Uber?

Hôm qua, nhiều trang tin đã đồng loạt đưa tin công ty Phương Trang đầu tư 2.200 tỷ (tương đương gần 100 triệu USD) vào ứng dụng gọi xe Vivu sau khi Uber rút lui và đổi tên ứng dụng thành Vato, với mong muốn "thế chỗ Uber". Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, ứng dụng Vato vẫn thỉnh thoảng gặp những lỗi rất cơ bản, thậm chí không thể sử dụng.

Doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng thông qua thương vụ ứng dụng gọi xe Vato?

Trước đó, theo thông tin chia sẻ trên VnExpress, ông Trần Thành Nam - nhà sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu đã xác nhận rằng, doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) vào Vivu và đổi tên ứng dụng này thành Vato. Bản thân ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cũng xác nhận;thông tin này.

Tuy nhiên, theo thực tế ghi nhận của VnReview.vn, ngay từ chiều qua, sau khi có thông tin Phương Trang rót 100 triệu USD thì ứng dụng này rơi vào tình trạng không thể chọn đích đến, do báo lỗi có vấn đề giao tiếp với bản đồ.

Ứng dụng Vato báo lỗi không kết nối được với bản đồ để chọn điểm đến, buộc người dùng phải chuyển qua tùy chọn "gọi nhanh không cần điểm đến"  (Ảnh chụp màn hình vào sáng qua, ngày 2/4)

Trên Facebook, ông Nam trả lời qua phần bình luận rằng, hôm qua "lượng request map (bản đồ) quá lớn nên Google yêu cầu contact với họ" và người dùng có thể đặt xe qua hình thức không cần nhập điểm đến (đi đến đâu trả tiền đến đó) – khá bất tiện cho người dùng. Tuy nhiên, tính tới 10 giờ sáng nay tình trạng này vẫn tiếp diễn và ứng dụng Vato vẫn không thể chọn điểm đến. Chưa hết, sau khi đặt không thành công, chúng tôi thử chuyển qua gọi hot line theo 2 số điện thoại cung cấp trên website để đề nghị hỗ trợ, nhưng tất cả các cuộc gọi đều rơi vào cảnh "thuê bao không liên lạc được" hoặc tự ngắt kết nối. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy lượng xe máy (tài xế) sẵn có của ứng dụng này khá khiêm tốn. VnReview đã liên hệ với đại diện của Vato xoay quanh các vấn đề này, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin khi có phản hồi. 

Phần mô tả ở trang chủ Vato.vn cũng rất cẩu thả, khi tên VATO Car và VivuCar cũng như VATO Bike và VivuMoto bị lẫn lộn, thiếu sự đồng nhất trong tên gọi (Ảnh chụp màn hình sáng này 3/4/2018)

Nguyên nhân về lỗi bản đồ có thể là "sự cố" như ông Nam trao đổi, tuy nhiên cộng với những lỗi về đường dây nóng hay text trên trang chủ thì có vẻ như sự cố lần này của Vato là không bình thường. Một ứng dụng gọi xe "đầy tiềm năng" nhưng lại chưa làm việc sẵn từ trước với Google để đảm bảo việc cấp quyền ứng dụng cho Maps, chưa kể mới chỉ có lượng tải khiêm tốn nhưng ứng dụng đã rơi vào cảnh "tê liệt" và các số đường dây nóng cũng "mất sóng" thì liệu Vato có đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại thường ngày của khách hàng đang có hay không, chứ chưa dám nói đến việc lấp vào chỗ trống mà Uber để lại. Dù có thể lý giải đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng về nguyên tắc thì các nhà phát triển phải làm việc sẵn với Google từ trước và không nên để rơi vào những lỗi sơ đẳng như thế khi chạy beta, cũng như việc thống nhất tên gọi trong trang chủ và đặc biệt là đường dây hotline của ứng dụng cần khả dụng tối đa.

Vẫn chỉ là startup tiềm năng?

Vato có nhiều nét tương đồng với Uber hơn là Grab, khi lượng phương tiện tham gia chủ yếu là xe ô tô (Ảnh chụp màn hình)

Xét về lực lượng, Vato có nhiều nét "ăn nhập" với Phương Trang khi ứng dụng gọi xe này thu hút được khá nhiều ô tô tham gia trong khi lượng xe gắn máy vẫn còn quá khiêm tốn. Điều này dễ gặp phải bài toán mà Uber từng chào thua: Cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn của Việt Nam! Với tình trạng kẹt xe triền miên hiện nay thì dù muốn đi xe hơi nhưng nhiều khi người ta vẫn phải gọi GrabBike hoặc xe ôm truyền thống, chưa kể các loại hình xe máy còn được tận dụng để giao hàng gọn nhẹ nhờ tính linh động cao và mức giá cạnh tranh.

Điểm khác biệt của Vato so với các ứng dụng gọi xe khác là cho phép khách hàng mặc cả với tài xế (dựa trên mức giá tối thiểu mà Vato đưa ra). Ngoài ra, giá cước của Vator ở mức 8.500 đồng/km, tương đương GrabCar nhưng lại có mức chiết khấu chỉ 20%, thấp hơn mức 25% của Grab hiện nay, nên nếu có thêm các chính sách khuyến mại tốt cho người dùng thì cũng sẽ hút được tài xế và khách hàng.

Thông tin rót vốn vào Vivu (Vato) của doanh nghiệp Phương Trang diễn ra trong bối cảnh Uber vừa bán lại mảng gọi xe cho đối thủ Grab và rút khỏi thị trường Việt Nam ngay trong tháng 4 này, trong khi bản thân doanh nghiệp Phương Trang cũng đang đứng trước bài toán tìm thêm lợi nhuận khi mà hoạt động vận tải của doanh nghiệp này không còn thực sự thuận lợi như trước. Được biết, ban đầu ứng dụng gọi xe FaceCar do anh Trần Thành Nam viết ra và gọi vốn, sau đó được ông Mai Vũ Minh (một Việt kiều Đức) loan tin mua lại nhưng thương vụ bất thành sau nghi vấn "PR" đánh bóng tên tuổi của cả hai bên. Sau đó FaceCar được bán lại cho một nhóm các nhà đầu tư Việt kiều, trong đó có Vũ Khắc Tiệp (Tiệp Venus) và đổi tên ứng dụng thành Vivu, trước khi về với Phương Trang và đổi thành Vato như hiện tại.

Dự kiến, Vato sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM ngay trong tháng 4 này.

TM

Chủ đề khác