VnReview
Hà Nội

VTVCab chào bán cổ phần IPO bất thành sau khi cắt hàng loạt kênh truyền hình

Phiên đấu giá lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) dự kiến diễn ra vào ngày 17/4/2018, nhưng đã hết thời gian đăng ký và đặt cọc mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, vì thế phiên đấu giá sẽ không thể diễn ra.

Theo thông báo kết quả đăng ký tham gia đấu giá cổ phần tại Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam – VTVCab của Sở GDCK Hà Nội, khi hết hạn đăng ký và đặt cọc ngày 10/4 chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký, do không đủ điều kiện về số lượng đăng ký tối thiểu nên Sở sẽ không tổ chức phiên đấu giá vào 17/4 tới đây.

VTVcab đăng ký IPO với mức giá khởi điểm lên tới 140.900 đồng/cổ phần, tương đương định giá lên tới 12.400 tỷ đồng, một mức giá được đánh giá là quá cao so với các thông số về lợi nhuận của công ty cũng như thị phần trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Với mức giá IPO này, VTVCab dự kiến thu về số tiền tối thiểu gần 6.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty sau cổ phần hóa là 884 tỷ đồng, tương đương 88,4 triệu cổ phần. Số cổ phần mang ra đấu giá chiếm 47,8% vốn điều lệ công ty sau cổ phần hóa.

Theo kế hoạch kinh doanh của VTVCab, doanh thu trong 4 năm tới của công ty chỉ khoảng 3.000-4.500 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ trên dưới 110 tỷ. Đến năm 2022, doanh thu dự kiến gần 4.500 tỷ và lãi trước thuế khoảng 283 tỷ. Như vậy nếu tính hệ số giá trên thu nhập (P/E) lên tới cả trăm lần – gấp 5-6 so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.


 

Theo CafeF, bức tranh kinh doanh của Công ty không mấy sáng sủa. Cụ thể, kết thúc năm 2016, công ty mẹ VTVCab ghi nhận 2.045 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quan sát dài hơn từ năm 2014 có thể thấy, hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống VTVCab không tăng trưởng, thậm chí lợi nhuận hợp nhất 2015 giảm so với 2014, doanh thu và lợi nhuận đều kém SCTV.

Chưa kể, tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVCab vào khoảng 1.936 tỷ đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 500 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán lo ngại về khả năng thanh khoản của Công ty.

Ngay trước khi IPO, VTVcab đã gây một cú sốc cho hàng triệu thuê bao của mình khi đột ngột cắt hàng hoạt kênh truyền hình quốc tế phổ thông và quen thuộc từ lâu với khán giả, thay bằng những kênh mới xa lạ, khiến dư luận nổi sóng và đòi tẩy chay. Chưa thể khẳng định mối liên hệ giữa sự kiện cắt kênh này với sự thất bại của kế hoạch IPO, nhưng có thể thấy các nhà đầu tư không mặn mà với cổ phần của doanh nghiệp này có lẽ vì định giá quá cao và kế hoạch kinh doanh không mấy thuyết phục.

V.H

Chủ đề khác