VnReview
Hà Nội

Sau ZTE, đến lượt Huawei bị điều tra vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran

Chính phủ Mỹ đang chĩa mũi dùi về phía Huawei, với hàng loạt các động thái nhằm thu hẹp công việc kinh doanh vốn đã khá giới hạn của hãng tại thị trường Mỹ.

Huawei đang có dấu hiệu từ bỏ "giấc mơ Mỹ"?

Vi phạm lệnh cấm vận, ZTE bị Mỹ cấm mua chip Qualcomm trong 7 năm

Theo Wall Street Journal, hiện chưa rõ Bộ Tư pháp Mỹ đã điều tra đến đâu, và lý do cụ thể của cuộc điều tra mà các đặc vụ liên bang đang tiến hành là gì. Một người phát ngôn của Huawei đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Vụ điều tra đã khiến quyền lợi của Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi mà công ty này đang phải đối mặt với một loạt động thái của Washington nhằm thu hẹp công việc làm ăn vốn đã khá giới hạn của Huawei ở Mỹ. Chưa hết, vụ điều tra của Mỹ cũng sẽ "đánh động", tạo ra hiệu ứng "rút dây động rừng" đối với công việc kinh doanh thậm chí còn lớn hơn nhiều của Huawei ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu.

Các nhà phân tích cho biết trong trường hợp xấu nhất, Huawei sẽ phải chịu số phận tương tự như đối thủ Trung Quốc là ZTE Corp - công ty vừa bị trừng phạt bằng cách cấm mua các linh kiện được sản xuất tại Mỹ, cũng trong vụ việc liên quan đến lệnh cấm vận đối với Iran.

Các nhà đầu tư vào thứ Tư vừa qua đã nhanh tay bán tháo cổ phiếu tại một vài công ty đối tác cung ứng của Huawei, bao gồm các công ty công nghệ quang học nhỏ như Lumentum Holdings Inc., sau khi vụ điều tra lần đầu được tiết lộ. Qualcomm Inc., nhà cung cấp chip cho Huawei, cũng chịu ảnh hưởng nhẹ.

Chính quyền tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố Huawei - nhà sản xuất thiết bị điện tử phục vụ cho lĩnh vực di động và viễn thông lớn nhất thế giới - là một mối đe dọa đối với sự lãnh đạo của Mỹ trong cuộc đua phát triển công nghệ truyền thông di động trong tương lai. Huawei hiện còn là nhà sản xuất smartphone đứng thứ 3 thế giới.

Thái độ của Washington đối với Huawei đã làm trầm trọng thêm căng thẳng với Bắc Kinh, trong bối cảnh cả hai bên đang kịch liệt công kích nhau về các vấn đề thương mại. Đặc biệt hơn, việc Mỹ tăng cường dò xét với Huawei - vốn bắt nguồn từ nỗi lo ngại chính quyền Trung Quốc có thể thông qua Huawei để thực hiện các hành vi mờ ám trong không gian mạng - đã khiến một số nước đồng minh nơi Huawei đang hoạt động cảm thấy không yên.

Vụ điều tra Huawei của Bộ Tư pháp là động thái tiếp theo ngay sau khi Bộ Công thương và Bộ Tài chính đồng loạt gửi trát hầu tòa đến Huawei về các vấn đề liên quan đến lệnh cấm vận. Hai Bộ này có thể áp đặt các hình phạt và quy chế cấm vận của chính phủ lên Huawei. Và vụ điều tra này cũng cho thấy có thể Huawei đã có những hành vi gian dối ở một mức độ nghiêm trọng hơn thông thường.

Nếu các chuyên viên điều tra đi đến kết luận công ty cố ý vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ, Huawei có thể sẽ phải đối mặt với các hình phạt hình sự, bị buộc phải chịu sự giám sát và những cá nhân có tham gia vào bất kỳ hoạt động phi pháp nào cũng sẽ bị truy tố, chưa kể nhiều hậu quả tiềm tàng khác.

Năm ngoái, đối thủ của Huawei là ZTE đã chấp nhận trả mức tiền phạt 892 triệu USD do Bộ Tư pháp, Thương mại và Tài chính đưa ra liên quan đến việc vi phạm lệnh cấm vận. Công ty này đã bị kết tội và thừa nhận đã vi phạm một điều luật kiểm soát việc xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm, khi cố ý vận chuyển các thiết bị viễn thông Mỹ sang Iran. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc ZTE đã vi phạm các điều khoản trong án phạt này và đưa ra một hình phạt mới nặng nề hơn rất nhiều: cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE.

Hình phạt này đã khiến ZTE - vốn dựa vào các nhà cung ứng Mỹ để sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone - chao đảo. Bộ Thương mại Mỹ nói hôm thứ Sáu rằng ZTE sẽ được phép trình bày các bằng chứng trong một buổi kháng cáo.

Các đại diện của Bộ Tư pháp, Thương mại và Tài chính từ chối đưa ra bình luận. Tờ New York Times thì đưa tin hồi đầu năm ngoái rằng Bộ Tài chính Mỹ đã từng gửi đến Huawei một trát hầu tòa liên quan đến các lệnh cấm vận vào tháng 12/2016, tiếp sau trát của Bộ Thương mại.

Công ty Trung Quốc này bắt đầu chịu áp lực từ Mỹ vào năm 2012, khi một báo cáo quốc hội kết luận cả Huawei lẫn ZTE có thể trở thành một công cụ phục vụ cho các hoạt động do thám và phá hoại ngầm của chính phủ nước ngoài. Các quan chức Mỹ cho biết Bắc Kinh có thể ra lệnh cho các công ty này chiếm quyền kiểm soát các thiết bị viễn thông do họ sản xuất ra nhằm cắt đứt các hoạt động truyền thông, do thám hay tiến hành các cuộc tấn công mạng khác.

Washington đang đấu tranh kịch liệt với Trung Quốc để nắm quyền kiểm soát thế giới kỹ thuật số đang ngày một rộng lớn hơn, và từ cuối năm ngoái đã bắt đầu tiến hành những nước đi mạnh hơn nhằm kìm hãm hai công ty Trung Quốc.

Huawei và ZTE tất nhiên phủ nhận mình là một mối hiểm họa. Một người phát ngôn của Huawei cho biết công ty không thuộc chính phủ, và không ai có thể ra lệnh cho họ do thám hay phá hoại các quốc gia khác. Ông này cũng khẳng định Huawei không gây ra mối đe dọa nào nghiêm trọng hơn so với các đối thủ, khi mà họ đều cùng chia sẻ một chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2017, Huawei dẫn đầu thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu với 27% thị phần, trong khi ZTE đứng thứ tư với 10% thị phần. Chính vì bản báo cáo quốc hội vào năm 2012 nói trên, thị phần của các công ty Trung Quốc tại Mỹ chỉ đạt... dưới 1% đối với hệ thống mạng di động và điện thoại bàn, so với con số khổng lồ 48% của tập đoàn Phần Lan Nokia Corp và tập đoàn Thụy Điển Ericsson AB.

"Con số đó khiến tôi hài lòng, dù nó vẫn chưa về zero" - Thượng nghị sỹ Tom Cotton, người dẫn đầu các nỗ lực của Quốc hội nhằm "dìm chết" Huawei và ZTE nói.

Hồi tháng 12, Tổng thống Donald Trump đã ký một văn bản trong đó cấm các thiết bị Huawei và ZTE được sử dụng trong cơ sở hạ tầng vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong khi Thượng nghị sỹ Cotton và các nhà làm luật thuộc cả hai Viện của Quốc hội đã ủng hộ các quy định nhằm cấm chính phủ Mỹ và các nhà thầu sử dụng các thiết bị điện tử mà hai công ty này sản xuất. Quốc hội cho biết họ muốn tích hợp dự thảo luật này vào văn bản chi tiêu quốc phòng thường niên sắp tới để đảm bảo nó được thông qua nhanh hơn.

Các cố vấn an ninh quốc gia cũng đề cập đến sự thống trị của Huawei trong ngành công nghiệp trang thiết bị viễn thông khi cố vấn Tổng thống Trump ngăn chặn thương vụ thâu tóm trị giá 117 tỷ USD của Broadcom đối với Qualcomm. Broadcom không phải là công ty Trung Quốc, nhưng các quan chức an ninh lo sợ rằng vụ thâu tóm sẽ làm suy yếu Qualcomm - vốn là công ty cạnh tranh với Huawei về các bằng sáng chế công nghệ không dây.

Tuần trước, một nhóm các thượng nghị sỹ thuộc cả hai Viện trong Quốc hội, dẫn dắt bởi Thượng nghị sỹ Cotton, đã gửi một bức thư đến Bộ Nông nghiệp - vốn đang chạy một chương trình gọi là "Dịch vụ tiện ích nông thôn", trong đó cung cấp các khoản vốn và tiền vay để cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông. Các thượng nghị sỹ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp xem xét cấm sử dụng các nguồn vốn này để mua sắm các thiết bi của Huawei và ZTE. Đại diện của Bộ này chưa đưa ra bình luận nào.

Ủy ban Viễn thông Liên bang hồi tuần trước đã áp dụng một giải pháp tương tự và có thể cấm sử dụng các khoản trợ cấp từ một quỹ viễn thông FCC vùng sâu vùng xa vào việc mua các thiết bị của Huawei và ZTE.

Minh.T.T

Chủ đề khác