VnReview
Hà Nội

Bất ngờ chưa, Apple sử dụng máy chủ của Google cho iCloud

"Gã khổng lồ công nghệ" đang sử dụng Google Cloud Platform bên cạnh dịch vụ S3 của Amazon để lưu trữ dữ liệu iCloud mã hóa.

Nếu có bất cứ danh bạ, hình ảnh hoặc dữ liệu nào lưu trên iCloud, bạn nên biết rằng những file mã hóa của chúng có thể thực sự nằm trong máy chủ của Google.

Nguồn tin từ CNBC cho biết bản hướng dẫn bảo mật (Security Guide) cho iOS cập nhật tháng trước cho biết Apple đang sử dụng Google Cloud Platform, nền tảng đám mây của Google ngoài Amazon S3 để lưu trữ dữ liệu trên iCloud. Trước đây, dữ liệu iCloud được lưu trên Amazon S3 và Microsoft Azure nhưng hãng đã thay thế Azure bằng Cloud Platform của Google.

Tuy nhiên, đừng lo rằng Google hay Amazon có thể truy cập vào dữ liệu của bạn vì mọi thứ lưu trên iCloud như danh bạ, lịch, hình ảnh, tài liệu,… đều được mã hóa.

"Mỗi file được chia thành nhiều phần và mã hóa trên iCloud bởi thuật toán AES-128, khóa được sinh ra từ nội dung phần chia nhỏ sử dụng thuật toán băm SHA-256", Apple ghi trong hướng dẫn.

"Các khóa và siêu dữ liệu (metadata) được Apple lưu trữ trong tài khoản iCloud của người dùng. Các phần được mã hóa của file không chứa thông tin nhận dạng người dùng được lưu trên các dịch vụ của bên thứ ba như Amazon S3 và Google Cloud Platform".

Theo PCMag, thông tin Apple trở thành khách hàng của dịch vụ đám mây Google đã xuất hiện từ năm 2016, nhưng đây là lần đầu tiên Táo khuyết xác nhận sử dụng Google Cloud Platform để lưu trữ iCloud. Không chỉ Apple mà Spotify, Snap hay PayPal cũng sử dụng nền tảng đám mây Google.

Apple cung cấp miễn phí 5GB lưu trữ cho mỗi tài khoản iCloud và có nhiều gói dung lượng cao như 50GB giá 19 ngàn mỗi tháng, 200GB giá 59 ngàn mỗi tháng và 2TB giá 200 ngàn mỗi tháng cho người dùng cá nhân.

Trong một diễn biến khác, dữ liệu mã hóa của người dùng iCloud Trung Quốc đã được Apple lưu trữ tại máy chủ Trung Quốc thay vì Mỹ. Sự thay đổi giúp nhà chức trách Trung Quốc có khả năng lấy được thông tin người dùng iCloud tại đây thông qua luật pháp địa phương thay vì phải thông qua tòa án Mỹ như trước. Theo Reuters, điều này khiến "các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại vì chính phủ có thể dùng quyền lực nhằm theo dõi những người bất đồng chính kiến".

Phúc Thịnh

Chủ đề khác