VnReview
Hà Nội

56 nhân viên đầu tư vào Xiaomi sắp trở thành triệu phú USD nhờ IPO

"Càng đầu tư vào giấc mơ, bạn càng thắng lớn", câu nói này dành cho 56 nhân viên của Xiaomi khi hãng chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Xiaomi nộp đơn IPO ở Hồng Kông, dự đoán là vụ lên sàn lớn nhất thế giới kể từ 2014 đến nay

Khi Xiaomi thành lập cách đây 8 năm, 56 nhân viên đã đầu tư 11 triệu USD để sản xuất chiếc smartphone Mi đầu tiên. Số tiền dành dụm, thậm chí mượn từ cha mẹ đã được dành cho một startup non trẻ.

Đến hiện tại, họ vẫn làm cho Xiaomi, nhưng với vị thế là một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Cùng việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng giá trị từ 1 đến 3 tỷ USD, họ sắp trở thành những triệu phú USD.

Một công ty thành công nhờ nỗ lực và hy vọng từ nhân viên

Nhân viên tại các Mi Store (cửa hàng chính thức của Xiaomi)

Bắt đầu với Li Weixing (cựu kỹ sư của Microsoft), nhân viên thứ 12 đã góp phần giúp Xiaomi thành công rực rỡ như bây giờ.

Năm 2010, các nhân viên phải làm việc suốt tuần để phát triển một chiếc điện thoại thương hiệu vô danh, không ai biết đến. Khi nghe Lei Jun cùng các đối tác bỏ tiền túi để phát triển công ty, Li cùng các đồng nghiệp đã tự nguyện tham gia cùng.

Ngoài việc giúp tạo ra hệ điều hành MIUI tùy biến từ Android, Li còn đầu tư 500.000 tệ (khoảng 79.000 USD) vào công ty.

Một sự thật là nhiều nhân viên Xiaomi đã giàu có từ trước. Đồng sáng lập Lei Jun trước đó đã kiếm khoản tiền lớn từ việc phát triển và dẫn dắt công ty phần mềm Kingsoft nên có thể dễ dàng đầu tư vào các startup mới. Tuy nhiên, một số nhân viên phải xoay sở để có tiền đầu tư vào dự án smartphone của Xiaomi.

Hiện tại, tùy vào giá trị IPO mà Li Weixing có thể sở hữu từ 10 đến 20 triệu USD.

Một người đặc biệt khác, nhân viên số 14 là nữ lễ tân hiện đang làm tại phòng nhân sự. Cô đã góp khoảng 100.000 đến 200.000 tệ (khoảng 16.000 đến 31.000 USD). Sau khi IPO, tài sản của cô có thể tăng thêm từ 1 triệu đến 8 triệu USD.

Lei Jun bắt đầu kiểm soát đầu tư từ nhân viên

Đại diện cùng nhân viên chụp hình trong gian hàng Xiaomi tại MWC 2018

Sau khi tỷ lệ đầu tư từ nhân viên tăng cao, Lei quyết định hạn chế mức đầu tư của mỗi nhân viên ở 300.000 tệ nhằm tránh rủi ro mất tiền nếu không đáp ứng được kỳ vọng.

Hiện tại, 56 nhân viên đầu tiên của Xiaomi có thể sở hữu đến 3 tỷ USD nếu phát hành 15% cổ phần và giá trị công ty là 100 tỷ USD. Nếu phát hành 25% cổ phần và giá trị công ty đạt 50 tỷ USD, họ sẽ có tổng cộng 1,4 tỷ USD. So với khoản đầu tư cách đây 8 năm, số tiền mà họ nhận lại sau khi Xiaomi lên sàn nhiều hơn gấp 200 lần.

Tuy nhiên, ngoài 56 nhân viên trên thì Lei Jun và các đồng sáng lập khác cũng góp một phần rất lớn, cho nên 5 lãnh đạo của Xiaomi sẽ trở thành tỷ phú. Theo tính toán của hãng tin;Bloomberg, CEO Lei Jun có thể sở hữu đến 27 tỷ USD sau khi IPO.

CEO Lei Jun ghé thăm Mi Store

Một số nhà đầu tư như Qiming Venture Capital hay Morningside Group cũng sẽ có khoản lợi nhuận đáng kể sau đợt IPO của Xiaomi. Lần IPO tại Hồng Kông của Xiaomi sắp tới cũng có thể là đợt IPO lớn nhất sau Alibaba năm 2014.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác