VnReview
Hà Nội

IPO của Xiaomi có thể mất giá 10 tỷ USD vì cáo buộc che dấu vi phạm môi trường

Xiaomi, nhà sản xuất smartphone có tiếng của Trung Quốc vừa bị các nhà môi trường cáo buộc là che dấu những vi phạm về môi trường của nhà cung cấp.;Các cáo buộc này có thể khiến mức đầu tư IPO cho công ty giảm 10 tỷ USD.

Hai tổ chức môi trường của Trung Quốc – IPE (Institute of Public and Environmental Affairs) và Green Jiangnan – cho biết họ đã phát hiện một lượng nước thải có tính axit và kim loại đồng được thải ra từ nhà máy sản xuất bảng mạch Tô Châu ở Trung Quốc. IPE cho biết nhà máy này là một nhà cung ứng gián tiếp của Xiaomi.

Các thử nghiệm mẫu nước thải ở Tô Châu được tiến hành trong phòng nghiên cứu riêng đã cho ra kết quả là nồng độ axit lớn gấp 1000 lần so với giới hạn cho phép của luật pháp Trung Quốc, còn kim loại đồng thì vượt ngưỡng 195 lần.

Ông Ma Jun, người sáng lập ra IPE, từng dẫn đầu một cuộc điều tra môi trường năm 2011 đã phát hiện ra ô nhiễm trong khâu sản xuất của các nhà cung cấp linh kiện cho Apple tại Trung Quốc, khiến cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phải thực hiện các thay đổi lớn về chuỗi cung ứng của mình. Và lần này, ông cho biết "những sai phạm về môi trường của Xiaomi là cực kì nguy hiểm và nghiêm trọng".

Tuần trước, IPE đã yêu cầu Xiaomi ngừng IPO (phát hành cổ phiếu) cho đến khi nhà cung cấp này đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.

Fang Yingjun, giám đốc của Green Jiangnan, cho biết chính quyền địa phương đã có mặt để kiểm tra nhà máy. Trong một báo cáo vào sáng thứ Năm tuần trước, ông Fang còn nói rằng: "Các cơ quan môi trường tại địa phương đang rất coi trọng vấn đề này". Điều đó đồng nghĩa với việc, Xiaomi sẽ không dễ dàng thoát khỏi truy cứu trách nhiệm lần này.

IPE và Green Jiangnan cho biết Xiaomi đã không công khai đầy đủ các rủi ro về môi trường trong chuỗi cung ứng của mình qua bản dự thảo IPO được đệ trình vào tháng 5 tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Xiaomi từ chối bình luận

Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho biết họ sẽ không có bất kì bình luận nào về các công ty cá nhân đã tiến hành niêm yết tại sàn. Tuy nhiên, IPE cho biết họ đã nhận được câu trả lời từ HKEX (Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông) rằng họ sẽ xem xét về vấn đề này.

Được biết các cáo buộc sẽ làm giảm mức đầu tư cho Xiaomi khi họ tiến hành thương vụ IPO sắp tới, mức dự kiến là 10 tỷ USD.

"Nhiều nhà đầu tư toàn cầu đang xem xét lại về nhóm yếu tố môi trường, xã hội và quản trị [ESG] của các nhà sản xuất cao cấp như Xiaomi. Ma Jun đã làm việc trong lĩnh vực này nhiều năm và ông luôn làm mọi thứ rất nghiêm túc", Melisssa Brown, cựu thành viên của Ủy ban niêm yết và giao dịch và hiện là đối tác của công ty tư vấn Daobridge cho biết.

Nhà cung cấp các chỉ số MSCI ước tính rằng các nhà đầu tư quản lý 65% tổng tài sản toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn ESG trong năm tới.

Xiaoshu Wang, người đứng đầu các nghiên cứu về ESG tại MSCI cho biết "Nhiều nhà đầu tư sẽ xem các hiệu suất về ESG của các công ty và xem nó như mức độ rủi ro".

Ichia Technologies, nhà sản xuất đến từ Đài Loan, sở hữu và vận hành nhà máy Tô Châu đã xác nhận về sai phạm trong xử lí nước thải, nhưng họ cho biết "sẽ tuân thủ các quy định và hướng dẫn về môi trường tại địa phương".

Theo thông tin thêm thì vào tháng Ba năm nay, các nhà chức trách đã phạt nhà máy Tô Châu này 117.000 nhân dân tệ (khoảng 420 triệu đồng) vì xả nước thải bị ô nhiễm ra môi trường.

Trước việc này, đại diện của Ichia đã nói rằng: "Chúng tôi không thể trực tiếp thừa nhận mặc dù Xiaomi là khách hàng vì Ichia Technologies không bán trực tiếp cho Xiaomi mà còn qua nhiều nhà sản xuất khác nữa. Và có thể nhân viên của Xiaomi cũng đã đến thăm nhà máy của chúng tôi trước đây".

Nhưng trong bản dự thảo về chuỗi cung ứng của Xiaomi đã nêu rõ: "Chúng tôi không vận hành bất kỳ cơ sở sản xuất hoặc lắp ráp nào. Chúng tôi chỉ hoạt động một số kho khóa và cộng tác với các bên thứ ba để phân phối sản phẩm của mình. Do đó, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho các rủi ro về sức khỏe, an toàn và môi trường".

Bà Brown cho biết vụ việc lần này là một hồi chuông cảnh báo về các rủi ro chuỗi cung ứng mà các công ty sản xuất có thể phải chịu khi dựa vào bên thứ ba.

Bà còn nói thêm rằng: "Thông thường, một thương hiệu nổi tiếng như Xiaomi sẽ có các chính sách quản trị, môi trường và xã hội hiệu quả cho các đối tác của mình". Nhưng qua vụ việc này, có vẻ như điều đó không hoàn toàn đúng, nhỉ.

Trần Vũ Đức

Chủ đề khác