VnReview
Hà Nội

Liệu đế chế Apple sẽ suy yếu như Microsoft?

Trong tuần này, Apple đã vượt lên Microsoft chiếm lĩnh vị trí hàng đầu của người khổng lổ Redmond để trở thành công ty đáng giá nhất thế giới trong lịch sử. Câu hỏi đặt ra là liệu Apple có lặp lại vết xe đổ của Microsoft không?

Theo Bianca Bosker, biên tập viên Công nghệ của Huffington Post, 13 năm trước, Microsoft là công ty đại chúng có giá trị cao nhất. Thế mà hiện giờ, giá trị của Microsoft đã giảm tới 258 tỉ USD. Còn Apple xuất phát điểm là một công ty đứng trên bờ vực phá sản lại vươn lên trở thành một thương hiệu siêu hùng mạnh đối với người tiêu dùng với vốn hóa thị trường lên đến 616 tỉ USD.

Mặc dù sau khi bị điều chỉnh do lạm phát, Microsoft vẫn là công ty có giá trị cao nhất nhưng một bước nhảy trong giá cổ phiếu tuần này của Apple đã giúp hãng đạt tới định giá 624 tỉ USD, vượt qua đỉnh mốc 620,58 tỉ USD của Microsoft.

Trong khi vẫn lạc quan về tương lai của Apple, các chuyên gia cũng dự đoán sức mạnh của đế chế Apple có thể bị suy yếu bởi kỳ vọng tăng trưởng tiềm năng không thực tế - sự thành công được quyết định bởi các thiết bị bỏ túi và ví tiền của chúng ta và kĩ năng trong tận dụng 400 triệu tài khoản iTunes thành hệ thống thanh toán mở rộng.

Apple

Cũng phải lưu ý rằng trong ngành công nghiệp công nghệ cao, nguyên tắc số Một là "luôn luôn mong đợi một số Một mới". Ông Howard Anderson, một giảng viên ở Trường quản trị Sloan thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nói: "Giống như đứng trên đỉnh đồi: bạn ở trên đỉnh lâu nhất có thể, rồi phải tụt xuống. Một ngày nào đó sẽ có một công ty có mức giá thị trường cao hơn Apple. Không có cây nào mọc được đến trời, nó đã tăng trưởng quá nhanh trong vài năm gần đây nên nó không bền vững. Điều này không kéo dài lâu đâu".

Sự thống trị của Apple sẽ được thử nghiệm khi một thế hệ mới các thiết bị không nhất thiết dựa vào màn hình mà đồng bộ với xe hơi, nhà hay thậm chí cơ thể con người. Giống như nhiều đối thủ khác, Apple cũng để mắt tới phòng khách nhưng ngoài bộ chuyển đổi tín hiệu Apple TV ra thì hãng chưa bước tiến đáng kể nào chinh phục được ngôi nhà. Phòng khách cũng như phòng ăn, phòng ngủ hay thậm chí hệ thống sưởi có thể là mặt trận quan trọng tiếp theo của các công ty trong thung lũng Silicon.

"Các thể loại sản phẩm mới sẽ là những thiết bị không cần giao diện người dùng, một trong số đó là TV play, và vẫn chưa biết được đó là thành công hay thất bại của Apple", ông Carl Howe, một nhà phân tích của Yankee Group nói: "Một lĩnh vực khác mà người ta đã nhắc đến, nhưng lại không được đề cập nhiều là ô tô. Tôi cho rằng đây là thị trường lớn bất ngờ đối với nhiều người".

Nhà phân tích Charles Golvin của hãng nghiên cứu thị trường Forrester đồng tình rằng Apple sẽ bị thử thách khả năng trong không chỉ "phòng khách mà toàn thể căn nhà" với những dịch vụ điều khiển mọi thứ từ khóa cửa cho đến sưởi ấm và làm mát của căn nhà. Nếu sản phẩm tiếp theo của Apple là tivi thì nó có thể gây ảnh hưởng lớn nhất đến số phận của Apple trong tương lại gần.

Ông Golvin nhận xét: "Tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất của Apple đó là nguy cơ họ không đáp ứng được kì vọng tăng trưởng thổi phồng trong thị trường mới như tivi. Có quá nhiều suy đoán, ví dụ như bình luận của Jobs trong cuốn tiểu sử Walter Isaacson về làm cách mạng với giao diện tivi".

Những công ty công nghệ như Google và Olympus cũng đang đầu tư chế tạo những chiếc máy tính xách tay có thể được mặc mà không cần cầm tay để thay thế cho smartphone. Mặc dù Apple đã nộp đơn cho các bằng sáng chế ám chỉ kế hoạch phát triển công nghệ mặc, hãng vẫn mơ hồ trong lĩnh vực này. Trong khi đó Google đã đi trước với kế hoạch bán kính Project Glass, loại kính thông minh có thể chụp ảnh, chia sẻ tin nhắn hay hiển thị thông tin vào đầu năm sau.

Apple cũng sẽ phải chiến đấu với Google, Square, Facebook và một loạt các công ty khác trong cuộc chiến ví kĩ thuật số. Hãng đã tung hàng tỉ USD mua các phương tiện truyền thông kĩ thuật số và ứng dụng. Phục vụ khách hàng như một hệ thống thanh toán các hàng hóa vật lí trong thế giới thực có thể là mục tiêu tiếp theo.

"Ngành kinh doanh ẩn bên dưới là thanh toán", ông Howe nói: "Đây không phải là về công nghệ như NFC (truyền thông cự li gần) mà là "tôi sẽ sử dụng tài khoản iTunes để trả tiền cho các món đồ".

Quy mô khổng lồ của Apple có thể vừa là lời nguyền ngang vừa là phước lành. Các công ty lớn đều gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và bất chấp những lời thì thầm ở vài góc nào đó rằng Apple có thể trở thành công ty nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới thì thành công về doanh số vừa qua của Apple cũng khó mà lặp lại.

Giới chuyên môn lưu ý rằng các đối tác của Apple, có lẽ cảnh giác với sự thống trị của Apple, sẽ "dìm hàng" hoặc ít nhất tìm thêm mối quan hệ đối tác với các công ty đối thủ để giảm bớt sự phụ thuộc vào Apple. Các nhà mạng chẳng hạn, cũng không quá là yêu thích Apple vì thiết bị của hãng đắt hơn nhiều smartphone của đối thủ.

"Nguy cơ khác Apple phải đối mặt là đối tác thân cận nhất trong hệ sinh thái lo ngại về ảnh hưởng và quyền lực của Apple trên thị trường. Nó sẽ bắt đầu mối quan tâm chung như là độc quyền nhen nhóm trong các công ty rằng Apple luôn có được giá tốt nhất", Golvin bày tỏ.

Dĩ nhiên với Apple, câu hỏi đặt ra là hãng có thể đạt được lời hứa xây dựng những sản phẩm "kinh ngạc" và tránh được thế tiến thoái lưỡng nan này không. Dù giới chuyên môn tự tin rằng Apple có nguồn phong phú cung cấp những sản phẩm sáng tạo trong vài năm tới, nhiều người còn bày tỏ sự lạc quan tương tự như triển vọng của Microsoft trong năm 1999.

"Họ có thể là một trong những công ty đáng giá nhất trong thập kỉ tới và vẫn tiếp tục giữ vững những gì mình làm. Nếu họ có những sản phẩm mới trong dòng tương đương với iPhone, họ vẫn có thể tồn tại trong một trăm năm tới", Howe nói.

; Lan Phương

 

Chủ đề khác