VnReview
Hà Nội

Chuyện hi hữu trong làng công nghệ: Toàn bộ lãnh đạo Facebook từ thời đầu vẫn gắn bó công ty, dù thừa khả năng làm CEO nơi khác

Tháng 5 vừa qua là thời điểm hoàn hảo để rời bỏ đế chế mạng xã hội khổng lồ này.

Sau 18 tháng gần như liên tiếp hứng chịu những chỉ trích nặng nề liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ, bê bối lộ lọt dữ liệu Cambridge Analytica hay vụ việc liên quan đến người Rohingya ở Myanmar, Facebook quyết định cải tổ bộ máy lãnh đạo công ty. Nhiều người được giao nhiệm vụ mới, nhiều nhóm mới được thành lập.

Nhưng tuyệt nhiên không ai thuộc đội ngũ lãnh đạo rời bỏ Facebook. Bạn ắt hẳn sẽ ngạc nhiên cho đến khi biết được sự thật rằng gần như chưa từng có lãnh đạo cấp cao nào của Facebook có ý định rời khỏi nơi đây. Mike Vernal chuyển sang làm cho công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia hai năm trước. Cuối tháng 4 vừa rồi đến lượt CEO của WhatsApp là Jan Koum, vốn gia nhập Facebook sau thương vụ sáp nhập đình đám trị giá 19 tỉ USD, rời đi. Tất cả chỉ có vậy.

Bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết một cựu nhân viên Facebook từng phát biểu: "Facebook có nhiều người đủ khả năng làm CEO hơn bất kỳ công ty nào khác". Sheryl Sandberg, COO của Facebook, là cái tên được nhắc đi nhắc lại mỗi khi một vị trí CEO quan trọng trong công nghệ hoặc truyền thông bị bỏ ngỏ.

COO Sheryl Sandberg kỷ niệm 8 năm làm việc tại Facebook cùng CEO Mark Zuckerberg

Ấy vậy mà ‘bộ xậu' cấp cao của Facebook trông lại khá quen mặt trong suốt một khoảng thời gian rất dài. Với 14 vị trí lãnh đạo cao nhất, không kể Zuckerberg, nhiệm kỳ trung bình là hơn 9 năm rưỡi. Ngoại trừ CFO Dave Wehner, tất cả đều làm việc cho Facebook từ trước kỳ IPO năm 2012.

Hiện tượng này khá hiếm hoi trong ngành công nghiệp công nghệ, nơi có vô khối những cơ hội để đứng đầu các startup. Từ 10 thành viên của đội ngũ lãnh đạo Twitter đầu năm 2016, nay chỉ còn lại 3. Với Snapchat, từ khi lên sàn 14 tháng trước đến nay, công ty này đã mất đi CFO, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm, Phó chủ tịch kinh doanh, Phó chủ tịch phụ trách mảng kỹ thuật, và người đứng đầu bộ phận pháp lý.

Vậy tại sao các lãnh đạo của Facebook vẫn ở lại? Không phải vì tiền, bởi vì họ đang kiếm được rất nhiều. Cũng không phải vì thiếu cơ hội. Bất kỳ một lãnh đạo cấp cao nào của Facebook cũng có thể dễ dàng kiếm được công việc với mức lương hậu hĩnh ở mảng đầu tư mạo hiểm, hoặc có thể tư vấn cho những ý tưởng khởi nghiệp, hay gia nhập một startup mới đầy hứa hẹn.

Lý do thực sự không dễ nhìn thấy như vậy, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa.

"Đó là mục tiêu và con người", CTO Mike Schroepfer, một trong những lãnh đạo cao nhất trong mảng sản phẩm và làm việc cho Facebook từ năm 2008, đã nói như vậy tại hội nghị F8 đầu tháng 5 vừa qua. "Sheryl, Mark, Chris – rất dễ để bạn có thể tìm thấy một người giỏi giang tại nơi đây".

"Tôi nghĩ rằng mình có ích. Tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc ở đây cho đến khi chính tôi hoặc Facebook thấy tôi không thể giúp tạo ra ảnh hưởng đó".

Gần đây, tầm ảnh hưởng của Facebook lại tiêu cực theo cách không thể nào tin được. Thông tin Facebook bị lợi dụng bởi chính phủ Nga nhằm gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 làm dấy lên một cuộc khủng hoảng trong nội bộ công ty này. Rất nhiều cựu nhân viên lên tiếng chỉ trích công ty, trong khi những người không-phải-lãnh-đạo đang còn làm việc lại cảm thấy băn khoăn không biết có phải việc làm của mình đã giúp Donald Trump vào được Nhà Trắng hay không. Gần hơn, vụ bê bối mang tên Cambridge Analytica khiến những chính sách an ninh dữ liệu lỏng lẻo của Facebook bị phơi bày. Công ty tiến hành hàng loạt cải tổ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực lên danh tiếng của hãng là việc đã rồi.

"Biết được nền tảng của mình đã bị lợi dụng là việc vô cùng sốc", Giám đốc bảo mật Erin Egan chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Recode.

Ở Facebook, sản phẩm và kỹ thuật là hai mảng quan trọng. Rất nhiều quản lý mảng sản phẩm dù không thuộc hàng ngũ lãnh đạo cấp cao cũng đã làm việc ở đây trong một thời gian khá dài.

Vậy mà sau 18 tháng bê bối liên tiếp xảy ra, đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Facebook vẫn còn nguyên vẹn. Sau tái cơ cấu, một vài lãnh đạo nhận thêm nhiệm vụ mới, một số người chuyển sang phụ trách một mảng hoàn toàn khác, nhưng không ai rời bỏ công ty. Đó là bởi vì tầm ảnh hưởng của bạn khi còn làm việc tại Facebook.

Đôi khi thật khó để hình dung được quy mô khổng lồ của Facebook. Mạng xã hội này có 2,2 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Thực tế, số người dùng Facebook hằng tháng không hề thua kém số người theo Cơ đốc giáo. Doanh thu 40 tỉ USD năm 2017 của Facebook còn lớn hơn GDP của khoảng 100 quốc gia khác nhau. Sẽ không là quá khi nghĩ rằng những lãnh đạo cấp cao số 2 và 3 của Facebook thậm chí còn có ảnh hưởng lên nhiều người hơn hầu hết những chính trị gia trên thế giới.

Tầm ảnh hưởng đó chưa bao giờ rõ ràng như bây giờ. Khi những chính sách về dữ liệu của Facebook bị phơi bày sau bê bối Cambridge Analytica, hàng chục triệu người đã bị ảnh hưởng. Hay nghi ngờ rằng các quảng cáo Facebook có thể đã tác động đến kết quả bầu cử Mỹ 2016 cũng là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của mạng xã hội này.

Zuckerberg gần đây lên tiếng hứa sẽ "nhìn rộng hơn về trách nhiệm của chúng tôi". Những người còn lại trong đội ngũ quản lý cấp cao của Facebook cũng có niềm tin như vậy.

Schroepfer nói: "Tôi nghĩ, giờ đây việc cố gắng để những vấn đề này đi đúng hướng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giúp mọi người được an toàn, trong khi các nhà phát triển vẫn có những công cụ hữu ích để xây dựng nên những trải nghiệm tuyệt vời".

"Cái thay đổi chính là sức nặng của trách nhiệm", Naomi Gleit, một trong những nhân viên lâu năm nhất của Facebook, hiện là một Phó chủ tịch cấp cao trong mảng sản phẩm, nói thêm.

Gleit là người làm việc lâu năm thứ ba ở Facebook, và đã ở đây từ khi Zuckerberg còn chưa được công chúng biết đến.

Cũng giống Gleit, hầu hết những lãnh đạo cấp cao của Facebook đều đã biết Mark Zuckerberg từ trước khi anh trở thành Mark Zuckerberg của bây giờ. Đây ắt hẳn là một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ khăng khít của cả nhóm. Không chỉ là đồng nghiệp, họ còn là bạn bè.

Các giám đốc điều hành của Facebook: Chris Cox, Mark Zuckerberg và Naomi Gleit

Zuckerberg và người đứng đầu mảng sản phẩm Chris Cox sống gần nhau ở Palo Alto, họ còn thường đi nghỉ cùng nhau. Gleit là bạn thân của vợ Zuckerberg và Cox.

Gleit cũng rất thân thiết với những đồng nghiệp trong nhóm phát triển Facebook, trong đó có Phó chủ tịch phụ trách Phát triển Javier Olivan và Phó chủ tịch mảng Phân tích dữ liệu Alex Schultz.

Những tình bạn này thực sự có tầm ảnh hưởng, một phần bởi vì chúng tác động đến cách những quyết định của Facebook được đưa ra. "Càng gần gũi với "Mark nguyên thủy", bạn sẽ càng hiểu anh ấy hơn", một cựu nhân viên lý giải.

Theo những gì một cựu giám đốc điều hành từ những ngày đầu của Facebook, Matt Cohler cho biết, những kiến thức Zuckerberg có được hoàn toàn là do học hỏi. Anh đặt rất nhiều câu hỏi, và muốn nói chuyện với tất cả những ai có câu trả lời, ngay cả khi người đó chỉ là một nhân viên bình thường. Cách tốt nhất để làm Zuckerberg thay đổi quan điểm là đưa cho anh ấy xem những dữ liệu hấp dẫn, hoặc bạn phải biết cách để định hướng luận điểm của mình theo hướng sứ mệnh to lớn của Facebook.

"Khi bắt đầu có thâm niên, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ về những phản hồi không hẳn là chính xác", Gleit giải thích. "Người ta có thể nói những gì bạn muốn nghe. Với chúng tôi, chúng tôi sẽ nói với Mark những gì mình cho là đúng, chứ không phải những thứ anh ấy muốn nghe".

Khi Facebook mới bắt đầu xây dựng dịch vụ nhắn tin, Zuckerberg muốn làm theo kiểu email. "Cả thế giới đang dịch chuyển sang nhắn tin trên di động", Gleit nhớ lại. "Không nên có thêm một dịch vụ email trên Facebook nữa. Đó là một chiến lược sai lầm".

Gleit tin rằng nhóm phát triển đã làm Zuckerberg thay đổi ý định bằng cách chỉ cho anh thấy sự phát triển của iMessage, WhatsApp và những ứng dụng nhắn tin trên di động khác đua nhau mọc lên trên khắp thế giới.

"Chắc chắn rồi, sẽ có những người không đồng tình với Mark. Và tôi tin là Mark rất sẵn lòng lắng nghe những người này", Gleit nói thêm. Giờ đây, Facebook sở hữu hai ứng dụng nhắn tin trên di động, mỗi ứng dụng có hơn 1,3 tỉ người dùng.

Điều đó cũng một phần lí giải cho việc mọi người lựa chọn ở lại công ty. Sẽ không có ai thế chỗ Zuckerberg để làm CEO. Nhưng khả năng thuyết phục CEO thì sao? Đó là việc mà hầu hết các giám đốc điều hành của Facebook đều có thể làm.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Sở hữu một đội ngũ điều hành gắn bó khăng khít có thể là một lợi thế, nhưng cũng có thể là một thử thách, tùy vào quan điểm của từng người.

"Khi bạn hiểu rất rõ về một người, bạn sẽ biết cách nói chuyện với người đó. Bạn biết anh ta là ai, và làm thế nào để có thể lắng nghe những gì người đó nói", Cox chia sẻ.

Gleit lại cho rằng điều đó là khá ‘khoai'.

"Tôi nghĩ rằng có những lợi thế và bất lợi nhất định khi làm việc cùng với những người đã cùng bạn lớn lên, họ giống như là gia đình của bạn vậy", cô nói. "Theo tôi, việc này đôi khi khiến công việc khó hơn hơn. Chúng ta bất đồng quan điểm, chúng ta đấu tranh, thật là khó".

"Nhưng đến cuối cùng thì bạn vẫn chẳng thể rời bỏ gia đình mình", Gleit nói thêm.

Naomi Gleit

Thực ra, có hai cái tên quan trọng đã rời bỏ Facebook trong năm nay, đó là CEO của WhatsApp Jan Koum và người đứng đầu mảng phần cứng Regina Dugan, nhưng cả hai đều không phải là những người đã đồng hành cùng Zuckerberg từ những ngày đầu. Thêm vào đó, Koum gia nhập Facebook sau một vụ sáp nhập, và thường thì các CEO của bên bán rất hiếm khi là những CEO sẽ ở lại dài lâu.

Nhưng cuối cùng, chắc sẽ có ai đó thuộc ban lãnh đạo của Facebook từ bỏ. Khi đó, sẽ thật thú vị để xem những gì sẽ xảy ra.

Kế sách Facebook dùng là hứa hẹn về những cơ hội mới, lớn hơn trong công ty. Chúng ta có thể thấy cách này hiệu quả trong đợt tái cơ cấu vừa rồi, khi có khá nhiều người được giao những nhiệm vụ mới.

David Marcus, người đứng đầu mảng dịch vụ tin nhắn, giờ đây chịu trách nhiệm quản lý một nhóm blockchain mới. Người phụ trách mảng News Feed giờ đây chuyển sang Instagram. Một trong những cánh tay phải của Cox trong mảng sản phẩm là Will Cathcart sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các sản phẩm của ứng dụng lõi Facebook. Không rõ những thay đổi này là do các cá nhân tự đề xuất hay do công ty chủ động chỉ định. Nhưng có một điều chắc chắn, những người này đang có cơ hội để làm việc trong các lĩnh vực hoàn toàn mới mà không phải rời bỏ công ty.

Deb Liu làm việc ở Facebook từ năm 2009 và đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Hai năm trước, cô được cho phép theo đuổi dự án đúng với đam mê của mình, đó là một nền tảng thương mại theo kiểu Craigslist, nơi mọi người có thể mua, bán hàng hóa với những người sống gần mình.

"Thực ra, ngay từ buổi phỏng vấn, tôi đã trình bày ý tưởng rằng nên xây dựng một marketplace trên Facebook", Liu chia sẻ. "Đây chính là thứ tôi muốn xây dựng, ngay cả khi đang bận bịu với những sản phẩm khác".

Công ty đã đồng ý với dự án của Liu, và giờ, sản phẩm có tên gọi Marketplace của cô có 800 triệu người dùng hằng tháng.

Cơ hội để hiện thực hóa một ý tưởng trong Facebook cũng là một yếu tố khiến rất ít các giám đốc điều hành rời bỏ công ty. Zuckerberg từng chia sẻ về việc anh thích để các giám đốc điều hành mới ‘chu du' vài vòng quanh công ty ở những vị trí thấp hơn. "Cách này tỏ ra rất hữu hiệu. Thứ nhất, khi bạn xây dựng đội ngũ quản lý từ những người đã trải qua một khoảng thời gian nhất định làm việc trong công ty, đội ngũ lãnh đạo đó đều đã từng làm việc cùng nhau, họ biết cách để công việc được hoàn thành. Thứ hai, cách làm này cũng khiến những người khác trong công ty thấy rằng họ có thể đứng vào hàng ngũ lãnh đạo vào một ngày nào đó, trong một vài năm tới nếu họ làm việc tốt và thực sự nổi bật".

Facebook giờ đây không chỉ là Facebook nữa. Nó còn là WhatsApp, Instagram, là Messenger, là Oculus, là tính toàn vẹn của bầu cử, là Cambridge Analytica.

"Tôi không nhất thiết phải ở đây. Thực sự không cần phải ở đây", Gleit nói. "Tôi có thể chuyển đến Los Angeles. Tôi yêu lướt sóng".

Gleit tỏ ra phấn khích khi nhắc đến cuộc sống bên bờ biển, nhưng cô cũng ý thức được trách nhiệm của mình khi làm việc tại một trong những công ty bị soi nhiều nhất trên thế giới.

"Thôi đành đi lướt sóng vào cuối tuần vậy", Gleit kết luận.

Thu Trà

Theo Recode.net

Chủ đề khác