VnReview
Hà Nội

Quartz: Chưa từng có một công ty nào giống như Xiaomi

Hoặc ít nhất thì đó là suy nghĩ của ông Lei Jun, nhà sáng lập kiêm chủ tịch, CEO của Xiaomi.

Ngay trước thềm sự kiện IPO lớn nhất, sáng lập gia Xiaomi Lei Jun đã nhấn mạnh với giới truyền thông trong cuộc họp báo rằng, Xiaomi không chỉ là một công ty sản xuất smartphone và không hề có một công ty nào như Xiaomi trên thị trường.

Theo Quartz, Xiaomi sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu từ ngày 9/7 tới. Hiện đã có khoảng 2,2 tỷ cổ phiếu được chào bán, giá dao động từ 2,1 đến 2,8 USD/cổ phiếu. Công ty hy vọng có thể kiếm được khoảng 6 tỷ USD từ tiền bán cổ phiếu. Đây có thể là đợt IPO lớn nhất trong vòng 4 năm qua.

Mặc dù vậy theo nguồn tin của Reuter, mức định giá của Xiaomi đã bị hạ xuống từ 100 tỷ USD xuống chỉ còn khoảng 55 - 70 tỷ USD sau khi hãng hoãn chào bán cổ phiếu tại Trung Quốc và chờ đợt IPO sắp tới trên sàn Hồng Kông.

James Paradise, đồng chủ tịch Goldman Sachs khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, kiếm đồng tài trợ đợt IPO lần này của Xiaomi mô tả Xiaomi như "giống loài mới".

Cũng trong bài thuyết trình kéo dài nửa giờ, CEO Lei Jun đã công bố mô hình kinh doanh kết hợp giữa 3 công ty tồn tại trong thương hiệu Xiaomi.

CFO Xiaomi, ông Chew Shou Zi chia sẻ: "Bạn đừng nghĩ Xiaomi là một công ty chuyên về phần cứng hay một công ty Internet, hay một công ty thương mại điện tử. Chúng tôi là một công ty hiếm có vì chúng tôi có thể làm phần cứng, quản lý Internet hay thương mại điện tử. Loại hình công ty này vốn gì chưa từng tồn tại trước đây".

Tuy nhiên liệu rằng mô hình kinh doanh của Xiaomi có phải là mới? Liệu Xiaomi có đang bán các các sản phẩm giá rẻ cho hàng tỷ người giống với mô hình truyền thống? Liệu Xiaomi có phải là hãng công nghệ duy nhất triển khai đa dạng các mảng kinh doanh? Đó chỉ là một trong số ít các câu hỏi mà Xiaomi phải cố gắng làm rõ trước thềm IPO.

Mới đây, Lei Jun cũng nhắc đến ba trụ cột chính của Xiaomi, đó chính là smartphone, phần cứng có khả năng kết nối, sản phẩm thông dụng và dịch vụ Internet (thường là quảng cáo hoặc hàng hóa ảo trên ứng dụng di động).

Trong khi giới truyền thông cho rằng, đây thực chất chỉ là cách Xiaomi và ban lãnh đạo Xiaomi đang "gióng trống mở cờ" nhằm thu hút sự chú ý thì trên thực tế có những sự thật đáng quan tâm hơn đằng sau "sự cường điệu" đó của Xiaomi.

Nếu như gã khổng lồ Apple kiếm tiền chủ yếu từ phần cứng và phần mềm độc quyền, không đụng hàng với bất cứ ai thì với Xiaomi, công ty lại lựa chọn phương thức bán những thiết bị Android thông dụng, đa phần là giá rẻ và mang lại lợi nhuận thấp.

Tính cho đến nay hiếm có một công ty phần cứng nào lựa chọn chiến lược xây dựng thương hiệu toàn cầu bằng cách sản xuất các sản phẩm giá rẻ, sau đó thu lợi nhuận từ quảng cáo và dịch vụ đi kèm. Mặc dù những công ty Internet như Alibaba hay Amazon đôi lúc có "đá đưa" sang mảng phần cứng nhưng thực tế, kinh doanh phần cứng chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của họ.

Sau đợt IPO, các nhà đầu tư sẽ trở thành người quyết định mô hình kinh doanh chính của Xiaomi

Làm sao để mô hình này đạt được giá trị 70 tỷ USD đúng với ý nghĩa của nó. Điều này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc các nhà đầu tư hướng ban lãnh đạo Xiaomi tập trung cho mảng kinh doanh smartphone, Internet hay phần cứng.

Theo giới lãnh đạo Xiaomi, ba trụ cột của hãng có mối liên kết rất chặt chẽ và mật thiết. Chúng phát triển và tăng trưởng cùng nhau. Có thể lập luận như sau, người dùng smartphone Xiaomi sẽ có xu hướng mua các sản phẩm khác của Xiaomi để tận dụng lợi thế hệ sinh thái Mi Home của hãng.

Xiaomi hiện đã đầu tư vào hơn 200 công ty sản xuất nhằm mở rộng hệ sinh thái thiết bị thông minh và cũng là cách tăng thêm sự lựa chọn, thu hút khách hàng đến với Xiaomi. Bên cạnh đó, Xiaomi tin rằng, chủ sở hữu smartphone Xiaomi sẽ dành thời gian nhiều hơn trên các ứng dụng của hãng (khoảng 30 ứng dụng), qua đó tăng thời gian bán quảng cáo dịch vụ.

Lei Jun khẳng định, ông nhìn thấy tiềm năng doanh thu Internet của Xiaomi. Jun tin tưởng, doanh thu trung bình từ mỗi người dùng của hãng đạt 9 USD, có phần hơi thấp hơn so với 20 USD của Facebook và 35 USD của Tencent. Mặc dù vậy, vẫn có những rủi ro khi Xiaomi mở rộng kinh doanh ngoài thị trường Trung Quốc. Lúc này, quảng cáo từ dịch vụ Internet của hãng sẽ khó lòng triển khai được tại các thị trường khác.

Tất nhiên hãy tin rằng, Xiaomi sẽ biết cách điều chỉnh các trụ cột ở mỗi thị trường theo cách khác nhau. Nếu như ở Trung Quốc, nơi tường lửa chặn đứng các dịch vụ của Google và Facebook, Xiaomi hoàn toàn có thể tung hoành mà không lo bị đối thủ cạnh tranh.

Nhưng ở các thị trường mở và dễ tính hơn, Xiaomi hoàn toàn có thể đánh mạnh sang mảng smartphone và phần cứng. Ví dụ điển hình là sự thành công của Xiaomi tại thị trường Ấn Độ. Hãng đã nắm giữ ngôi vương số 1 trên thị trường smartphone Ấn Độ trong Q1/2018 với 31%, vượt mặt cả ông lớn Samsung, theo số liệu của Canalys.

Ngoài ra các sản phẩm phần cứng thuộc hệ sinh thái của Xiaomi cũng được người dùng Châu Á và nhiều nước trên thế giới hết sức ưa chuộng.

Nếu khéo léo áp dụng chiến lược kinh doanh phù hợp cho từng thị trường, Xiaomi hoàn toàn có thể đạt được cái gọi là "giống loài mới" hay một công ty hiếm có giống như cách hãng "tự phong" về bản thân.

Tiến Thanh

Chủ đề khác