VnReview
Hà Nội

Singapore đề xuất phạt Grab, Uber đã khiến thị trường giảm mạnh sức cạnh tranh

Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore (CCCS) vừa có ý kiến cho rằng cuộc sáp nhập giữa Grab và Uber vi phạm Đạo luật Cạnh tranh, với những phát hiện cho thấy cuộc sáp nhập này đã dẫn đến "giảm đáng kể cạnh tranh" trong các nền tảng gọi xe.

Kết quả là, cơ quan giám sát cạnh tranh đã đề xuất biện pháp nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh của thị trường và áp đặt hình phạt tài chính đối với Uber và Grab.

Theo trang Channel Asia News, CCCS bắt đầu điều tra vụ sáp nhập từ ngày 27/3, một ngày sau khi được thông báo về thương vụ. Vào ngày 13/4, CCCS ban hành các biện pháp tạm thời, bao gồm ngăn chặn Grab tiếp nhận dữ liệu hoạt động của Uber, như dữ liệu lịch sử chuyến đi, để nâng cao vị trí thị trường của Grab.

Trong một thông cáo báo chí gửi ra hôm nay (5/7), CCCS cho biết họ đã kết thúc cuộc điều tra sau khi có được bằng chứng từ các bên và bên thứ ba.

"CCCS tạm thời phát hiện ra giao dịch đã loại bỏ tính cạnh tranh giữa Grab và Uber, đối thủ cạnh tranh gần nhất của nhau. Thực thể hợp nhất có khả năng tăng giá và thực tế đã làm như vậy kể từ khi hoàn thành giao dịch", thông cáo cho biết.

CCCS: Uber sẽ không rời bỏ thị trường nếu không xảy ra sáp nhập

Cuộc điều tra của cơ quan giám sát cạnh tranh đã tìm thấy bằng chứng cho rằng Uber sẽ không rời khỏi thị trường Singapore trong thời gian trung hạn nếu không sáp nhập.

"Uber sẽ tiếp tục hoạt động hoặc sáp nhập mảng kinh doanh ở Đông Nam Á của mình với những người mua tiềm năng khác, những hãng không phải là đối thủ cạnh tranh hiện tại của Uber ở Singapore", CCCS nói trong tuyên bố.

CCCS lưu ý rằng Uber đã ký một thỏa thuận hợp tác với ComfortDelGro với việc giới thiệu UberFlash để cạnh tranh với Grab, và sự hợp tác này chỉ bị rút lại sau khi sáp nhập.

"Do đó, giao dịch đã loại bỏ sự cạnh tranh giữa hai đối thủ cạnh tranh gần nhất trong thị trường dịch vụ nền tảng giao thông tại Singapore", thông cáo viết.

Tạo rào cản cho những đối thủ cạnh tranh mới

CCCS phát hiện ra rằng các dịch vụ đặt chỗ taxi, có thị phần chưa đến 15%, và chưa tạo ra đủ sức mạnh cạnh tranh cho các bên.

Trong khi đó, rào cản đối với các doanh nghiệp, ứng dụng mới và những khó khăn khi muốn mở rộng nền tảng lại rất cao do hiệu ứng mạng lưới mạnh, đặc biệt Grab đã áp đặt các nghĩa vụ độc quyền đối với các công ty taxi, đối tác cho thuê xe và một số tài xế.

"Nếu không có sự can thiệp từ CCCS, Grab có thể tiếp tục cản trở khả năng của các đối thủ tiềm năng trong việc thu hút lái xe và phương tiện", thông cáo của cơ quan quản lý nói.

Một số công ty, bao gồm cả Go-Jek của Indonesia, công ty địa phương Ryde và Jugnoo của Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập không gian chia sẻ xe của Singapore kể từ khi thương vụ sáp nhập Grab-Uber được công bố.

Tuy nhiên, với hiệu ứng mạng lưới độc quyền tăng cường, bất kỳ hãng mới tham gia nào cũng có thể phải chịu lỗ một số tiền đáng kể để thu hút lái xe và người dùng.

Những chi phí đầu tư mới mà các hãng sẽ phải bỏ ra bao gồm các chương trình khuyến khích lái xe và khuyến mãi lái xe, ngoài việc thu hút đủ hạm đội xe và lái xe, cũng như quan hệ đối tác với các nhà khai thác taxi, theo CCCS.

Về vấn đề này, những người mới tham gia thị trường đã cung cấp phản hồi cho CCCS. Họ cho biết sẽ khó có đủ mạng lưới lái xe và người lái để cung cấp sản phẩm và trải nghiệm thỏa đáng cho cả lái xe lẫn người tiêu dùng, đủ để cạnh tranh hiệu quả với Grab.

Cơ quan giám sát cạnh tranh cho rằng, nếu không có đủ cạnh tranh, Grab sẽ có thể tăng cước phí chuyến đi và tỷ lệ hoa hồng với lái xe, giảm chất lượng dịch vụ và ít đổi mới các sản phẩm.

CCCS ghi nhận rằng đã có nhiều khách hàng và đối thủ cạnh tranh lo ngại về giá vé và hoa hồng tăng cao, về chất lượng dịch vụ và tính sáng tạo, số lượng khiếu nại từ cả người dùng và lái xe tăng, số lượng chương trình khuyến mãi giảm, cho thấy khả năng Grab tăng giá chuyến đi sau sáp nhập.

Grab và Uber đã không thể chỉ ra rằng việc sáp nhập sẽ giúp tăng hiệu quả, giảm tổn hại đến cạnh tranh, CCCS cho biết.

Biện pháp

Vì vậy, CCCS đã đề xuất một số biện pháp khắc phục để giải quyết các vấn đề cạnh tranh, bao gồm:

Loại bỏ các nghĩa vụ độc quyền, thời hạn hoạt động và/hoặc phí chấm dứt đối với tất cả tài xế nền tảng xe của Grab và/hoặc những người dùng dịch vụ Grab Rentals, Lion City Rentals hoặc đối tác cho thuê của Grab để tăng sự lựa chọn cho lái xe và người dùng, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của thị trường;

Loại bỏ các thỏa thuận độc quyền của Grab với xe taxi/xe thuê tư nhân ở Singapore để tăng sự lựa chọn cho lái xe và người đi xe, cải thiện khả năng cạnh tranh của thị trường;

Duy trì thuật toán định giá trước khi sáp nhập của Grab và tỷ lệ hoa hồng dành cho lái xe, cho đến khi thị trường khôi phục mức độ cạnh tranh để giảm bớt tác động giá bất lợi đối với lái xe và người đi xe phát sinh từ việc sáp nhập; và

Yêu cầu Uber bán Lion City Rentals (tất cả hoặc một phần tài sản của Lion City Rentals) cho bất kỳ đối thủ cạnh tranh tiềm năng nào đưa ra đề nghị hợp lý và ngăn Uber bán Lion City Rentals (toàn bộ hoặc một phần tài sản Lion City Rentals) cho Grab mà không có sự chấp thuận trước của CCCS. Điều này ngăn cản Grab và Uber điều chỉnh Lion City Rentals gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Grab, tạo thuận lợi cho các công ty mới tham gia thị trường.

CCCS cũng đang tìm kiếm phản hồi của công chúng về việc liệu các biện pháp này có "đủ và khả thi" để giải quyết tác hại cạnh tranh do việc sáp nhập hay không. Nếu tham vấn cộng đồng không xác nhận các biện pháp đề xuất, hoặc đưa ra bất kỳ biện pháp khắc phục khả thi nào khác, đủ để giải quyết các vấn đề cạnh tranh, CCCS có thể yêu cầu Grab và Uber ngừng việc sáp nhập.

Đề xuất mức phạt tài chính

Cơ quan giám sát cạnh tranh cũng đề xuất áp dụng hình phạt tài chính đối với Grab và Uber, vì thương vụ sáp nhập gây ra những lo ngại về cạnh tranh tiềm năng và làm giảm đáng kể cạnh tranh trong thị trường nền tảng dịch vụ đi xe ở Singapore.

CCCS đã gửi thư cho cả Grab và Uber từ ngày 9/3, để giải thích chế độ thông báo sáp nhập của Singapore và quyền hạn tương ứng của CCCS trong việc điều tra, đưa ra chỉ dẫn, áp đặt hình phạt tài chính và/hoặc áp đặt các biện pháp tạm thời.

Theo chính sách thông báo sáp nhập của Singapore, Grab và Uber có tùy chọn thông báo cho CCCS về kế hoạch sáp nhập để tham vấn CCCS trước khi hoàn tất giao dịch.

Tuy nhiên, các công ty đã tiến hành hoàn thành việc sáp nhập vào ngày 26/3 và bắt đầu chuyển giao tài sản ngay lập tức, do đó không thể khôi phục lại tình trạng trước khi sáp nhập, CCCS cho biết và thêm rằng các điều tra của cơ quan cho thấy rằng các công ty thậm chí đã lên kế hoạch về cơ chế "chia" hình phạt tài chính chống độc quyền.

Grab và Uber có 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được Quyết định vi phạm đề xuất của CCCS để trả lời cho CCCS.

Cơ quan giám sát cạnh tranh sau đó sẽ đưa ra quyết định vi phạm cuối cùng sau khi xem xét, nhận xét và phản hồi về các biện pháp đề xuất, cũng như tất cả các thông tin và bằng chứng sẵn có.

Hoàng Lan

Chủ đề khác